Chúa Nhật VI Thường Niên Năm A

Suy Niệm 1:

Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5, 23-24)

Trình thuật Tin Mừng của Thánh Mát-thêu hôm nay được phân chia đoạn:

  • Chúa Giê-su nêu bật tính chất uy quyền tuyệt đối, trường cửu của lề luật – dù trời đất có qua đi, nhưng thánh ý Thiên Chúa sẽ không bao giờ thay đổi, đồng thời Luật còn được Chúa làm cho nên mới mẻ khi được giải thích lại, được gạn lọc khỏi các yếu tố lỗi thời và kiện toàn bằng một tình yêu sinh động. (Mt 5, 17-19)
  • Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy sống đức công chính tự đáy lòng, không vị luật nhưng vì tình yêu thương con người cách chân thành. Ngang qua lề luật, Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết rằng, mọi người có chung một Cha ở trên trời và tất cả là anh chị em với nhau. (Mt 5, 20-37)

Trong câu 23-24, chúng ta không biết người dâng lễ vật làm buồn lòng tha nhân hay ngược lại. Tuy nhiên, qua trường hợp này, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sống tinh thần cốt lõi của luật, đó là “giữ luật- sống luật vì yêu”. Thật vậy, thiện ích của sự bình an đòi buộc chúng ta hãy năng động, chủ động hòa giải với nhau, trước khi ta trình diện trước Chúa. Đây là sự tế nhị của lòng bác ái nơi Chúa Giê-su mà nhiều người chúng ta khó chấp nhận, vì nhiều lúc chúng ta là nạn nhân của những sự bất hòa.

Thứ đến, với cụm từ “để của lễ…đi làm hòa…”, Chúa Giê-su còn mong muốn chúng ta sống giá trị ưu tiên và cấp bách khi có sự bất hòa với ai đó: yêu mến, thờ phượng Chúa là điều chính đáng, thế nhưng tình yêu ấy phải thúc bách chúng ta vượt qua hay ôm trọn những yếu đuối bất toàn nơi tha nhân. Tiến trình mà Chúa Giê-su đề nghị chúng ta khi giải quyết các xung đột là tiến trình của tình yêu và hòa giải: yêu thương tha nhân vì Chúa và hòa giải là cách thể để diễn tả tình yêu của ta đối với Thiên Chúa nơi tha nhân.

Nhìn vào thực tế của cuộc sống, dù sống đời sống gia đình, sống cộng đoàn tu trì, hay sống độc thân, chúng ta không thể tránh khỏi những tác động phức tạp bởi những sắc thái tâm lý (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục) nơi con người tự nhiên chúng ta. Quả thật, nếu không có một tình yêu đủ lớn, một sự tinh tế của lòng bác ái như Chúa Giê-su, thì chắc chắn rằng, sự đổ vỡ trong các mối tương quan giữa con người với nhau là điều không tránh khỏi.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì…để gió cuốn đi…” – là Ki-tô hữu trong thế giới hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi mở tâm lòng mình ra, không phải để gió cuốn đi, nhưng để tình yêu được khởi đi từ vĩnh cửu, nối kết chúng ta nên một trongThiên Chúa, Đấng luôn yêu thương, kiên nhẫn, bao dung, chủ động tìm kiếm và giúp chúng ta trở về, mỗi khi ta xa cách Ngài.

Nguyện xin Chúa Giê-su giúp con cảm nhận được tình Chúa yêu thương qua từng biến cố trong cuộc đời con, và nhờ Thần Khí Sự Thật hướng dẫn, con vui tươi sống tinh thần của luật yêu thương, cùng thâm tín rằng, Chúa ở trong con và con là công cụ để giới thiệu Luật Sự Sống của Ngài cho mọi người.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 2:

 Chuyện kể rằng, một vị thiền sư có một người đệ tử rất hay than phiền. Một ngày nọ, thiền sư bỏ một nắm muối vào trong ly nước rồi đưa cho đệ tử uống.

  • Đệ tử nói: “Mặn chát không chịu nổi ạ !”

Thiền sư lại đổ một nắm muối khác xuống hồ nước lớn, rồi bảo đệ tử nếm thử nước trong hồ. Đệ tử uống xong lại nói: – “Thưa thầy, thật ngọt ngào tinh khiết.”

Thiền sư tiếp tục hỏi: “Con có thấy vị mặn của muối nữa không?”. “Dạ, không ạ!” – đệ tử trả lời.

Bấy giờ thiền sư mới đáp: – “Đau khổ trong cuộc đời này giống như muối vậy, vị mặn nhạt của nó phụ thuộc vào thứ chứa đựng nó. Vậy nên, khi con chán nản và muốn than trách điều gì thì việc duy nhất con nên làm là mở rộng tầm nhìn của con ra. Con muốn là một ly nước hay trở thành một hồ nước hòa tan mọi hết đau khổ trong cuộc đời này?”

Người đệ tử hiểu ra và từ đó giảm bớt tính phàn nàn đi rất nhiều, luôn mở rộng lòng và đón nhận mọi điều trong cuộc sống. (Sưu tầm)

Trong cuộc sống cũng vậy, không ai trong chúng ta tránh khỏi những thử thách. Nhưng quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận vấn đề. Vấn đề như thế nào không quan trọng, điều tất yếu là ta chọn cách đối mặt với nó ra sao. Khó khăn có thể do hoàn cảnh gây nên hay do con người vô tình hoặc cố ý làm làm tổn thương nhau. Dường như nơi chốn bí ẩn và nhạy cảm nhất trên thế giới bao la vô tận này chính là trái tim con người. Đôi khi chỉ một ánh mắt, một lời nói cũng đủ xoa dịu tâm hồn đang chới với giữa biển đời và cũng có thể gây nên vết thương không bao giờ lành sẹo. Quả thật, nếu tâm chúng ta bé nhỏ và hẹp hòi như cốc nước, chắc chắn cuộc sống này sẽ rất mặn vì bao nhiêu “muối” của cuộc đời đổ vào. Ngược lại, nếu tâm chúng ta rộng lớn như hồ nước thì dù một nắm muối hay bao nhiêu “muối” đổ xuống cũng có đáng chi đâu.

Lời Chúa hôm nay tổng hợp nhiều nội dung giáo huấn, nhằm giúp chúng ta sống đức ái trọn hảo với Chúa và đối với anh chị em đồng loại. Chúa khuyên chúng ta sống bác ái với nhau còn quan trọng hơn của lễ. Nên khi dâng lễ, nếu trong lòng còn những uẩn khúc đối với người khác, thì điều ưu tiên là “Hãy đi làm hòa”(Mt 5, 17-37), vì Chúa chỉ nhận lễ dâng của người có tâm hồn bình an không vướng mắc. Tự do là hồng ân Chúa ban cho con người, do đó sống yêu thương và tha thứ trong gia đình hay cộng đoàn cũng là sự tự do chọn lựa của mỗi người Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy” (Bài đọc 1). Chúng ta có tự do chọn lựa để tâm mình là vật chứa nào: cốc nước? hồ nước lớn? “Làm hoà” đồng nghĩa với việc bỏ đi cái tôi cứng cỏi của mình mà mở lòng, đi bước trước đến với tha nhân. Điều này không hề dễ dàng nhưng phải cần nhiều ơn Chúa, vì tất cả chúng ta đều đầy bất toàn và yếu đuối. Hầu như trong mọi vấn đề, ai cũng cho mình là đúng còn người khác sai, và dẫu biết mình sai cũng không đủ khiêm tốn để nhận lỗi. Hỏi có ai còn nhớ lời ông cha ta dạy “Một câu nhịn, chín câu lành”?

 Thế nên, chúng ta cứ lẫn quẫn trong vòng xoáy tham, sân, si mà không tìm được lối thoát “Tôi là ai mà còn trần gian thế?”. Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã đến để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Ngài là Sự Thật, nếu sống trong chân lý chúng ta sẽ được kết hợp với Ngài và sống hạnh phúc viên mãn.

Lạy Chúa, biết bao lần con sợ hãi và ngao ngán trước những chén muối mặn chát mà cuộc đời ban tặng. Con e ngại trước tương lai, thậm chí chẳng còn tin vào sự hiện diện của tình thương nữa. Xin ban cho con lòng mến và một trái tim đủ bao dung, quảng đại như hồ nước lớn ngọt ngào, để “Tha thứ, hy vọng, tin tưởng, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 8). Để bình an đón nhận mọi điều Chúa gởi đến trong cuộc sống với tâm tình tạ ơn và phó thác, vì xác tín rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28), và tình thương của Chúa vẫn luôn hiện diện và ấp ủ con trong mọi cơn gian nan thử thách. Amen.

 Thụy Lâm

Suy niệm 3:

LUẬT KIỆN TOÀN

Ai trong chúng ta cũng đều biết, để có được trật tự bình yên và ổn định trong cuộc sống cả đạo lẫn đời thì nhất định phải cần đến lề luật. Nhưng cũng có rất nhiều người thắc mắc rằng: Luật từ đâu mà có và có từ bao giờ? Có câu trả lời vui rằng: Luật sinh ra khi có sự xuất hiện của người thứ hai. Đây vừa là câu nói vui nhưng cũng là câu nói rất đúng. Khi xuất hiện người thứ hai trong cuộc đời thì chắc chắn cuộc sống của người thứ nhất đã bị giới hạn ít nhiều. Có những luật cần phải nói ra nhưng cũng có những luật “bất thành văn”. Nếu đem ví dụ trên để áp dụng vào bài Tin Mừng hôm nay thì có chăng Chúa Giêsu là “người thứ hai” xuất hiện trong cuộc đời của “người thứ nhất” là xã hội loài người mà cụ thể ở đây đó là Dân Do Thái?

Mở đầu Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ: sứ mạng của Ngài đến trần gian không phải để hủy bỏ những điều luật đang hiện hành nhưng là để kiện toàn. Chúng ta biết rằng luật của người Do Thái là do chính Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê trên núi Si-nai, vậy còn gì phải kiện toàn hay bổ sung gì nữa? Tuy nhiên, việc kiện toàn mà Chúa Giêsu nói đến ở đây nghĩa là mặc cho lề luật một áo khoác mới, một ý nghĩa mới và một mục đích mới. Chúa Giêsu không khinh thường luật lệ của loài người nhưng Ngài muốn họ hiểu rằng tất cả mọi lề luật và quyền bính đều đến từ Thiên Chúa và để phục vụ cho con người nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi nhân loại. Vì thế ai đi sai mục đích ấy đều là người biến lề luật thành gông cùm kiềm hãm anh em mình, hay để phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình.

Tiếp đến, Chúa Giêsu đưa ra một yêu cầu, một mực thước để vào được Nước Trời thoạt nghe qua thì khá là gay go: “nếu các con không công chính hơn những người biệt phái và kinh sư thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Thời bấy giờ, các kinh sư và người biệt phái là những người lãnh đạo đời sống tâm linh của dân Do Thái, họ được coi là những biểu mẫu cho sự hoàn hảo thánh thiện theo cách giữ luật nghiêm túc sát sao cho đến từ tiểu tiết trong lề luật. Vậy ai có thể vượt qua họ trong phương diện giữ lề luật? Chúa Giêsu nói thế thì hóa ra chẳng ai có thể vào Nước Trời à? Nhưng không, đọc tiếp những gì Chúa Giêsu giảng giải về cách giữ luật theo “đạo mới” của Ngài thì mới biết hóa ra luật để kiện toàn mọi lề luật đó là luật yêu thương. Các kinh sư và người biệt phái có giữ luật khắc khe thật nhưng những gì họ giữ và dạy người khác làm theo chỉ làm cho người trở nên mất tự do hay theo cách nói của thánh Phaolô là “những nô lệ của luật cũ”, còn luật mới của Chúa Giêsu thì làm cho con người tự do, cho họ trở nên con cái Thiên Chúa và là anh em với nhau. Vì tất cả giới răn đều quy về hai điều cốt lõi là kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người đồng loại như chính mình. Vì thế từ nay lề luật không mang màu sắc của sự trói buộc, miễn cưỡng nhưng là màu của tự do, yêu thương. Từ nay lề luật không phải là gánh nặng Thiên Chúa đặt trên vai con người nhưng là một nấc thang nâng con người lên với Thiên Chúa, một sợi dây nối kết con người lại với nhau. Và từ nay con người đã có một mẫu gương mới hoàn hảo nhất cho việc sống giới luật của Thiên Chúa đó là chính Đức Giêsu – Con Thiên Chúa.

Khi chính bản thân mỗi người ghi khắc được hai điều răn trên thì chắc hẳn việc giữ luật không còn là gánh nặng hay là một sự ép buộc nhưng là một thái độ một hành vi nói lên tôi là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em của mọi người.

Bảo Bảo

 

Trả lời