Chúa Nhật V Mùa Chay Năm A

Suy Niệm 1:

Tin Mừng Chúa Nhật thứ V Mùa Chay năm A hôm nay tường thuật lại việc Đức Giê-su đến với gia đình chị em Matta, Maria và làm phép lạ cho Ladarô sống lại. Trước đây, Chúa nhật hôm nay cũng được gọi là Chúa nhật Thương khó vì biến cố Chúa làm phép lạ cho Ladarô sống lại là cớ cho người Do Thái ghen tức và là một trong số những nguyên nhân gần đưa đến cuộc Thương khó của Đức Giê-su.

 Khi con người cất tiếng khóc chào đời là bắt đầu hành trình đi về sự chết. Cái chết luôn hiện diện khắp không gian và thời gian. Nếu con người không có đức tin và không biết gì về sự sống đời sau thì rõ ràng cuộc sống thật uổng phí, vô nghĩa và bi đát. Vì cuộc sống trần gian như một chuyến đi, cuối hành trình của điểm đến không là danh vọng, giàu sang nhưng là cái chết. Trong cái chết con người trở nên người cô đơn nhất, nghèo nhất vì bỏ lại tất cả để ra đi với đôi tay trắng.

Khi em trai là Ladarô đau nặng, hai chị Matta và Maria đã chạy chữa hết cách nhưng bệnh càng thêm trầm trọng, Matta liền nhờ người đi báo tin cho Chúa Giêsu: “Lạy Thầy! Người Thầy yêu đang yếu liệt”. Lời báo tin này vừa tế nhị vừa tin tưởng. Thế nhưng khi hay tin Ladarô lâm trọng bệnh, Chúa không đi ngay, nhưng Người còn ở lại nơi đó hai ngày. Điều này thật đáng tiếc vì khi Chúa đến thì Ladarô đã chết và chôn được bốn ngày, nặng mùi rồi. Matta đau buồn và hơi trách móc Chúa: “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết…”

Khi mang thân phận làm người, Đức Giêsu cũng như bao nhiêu người khác, Ngài cũng đầy tình cảm, xót xa và cảm động trước nỗi mất mát của người thân, bằng hữu. Ai cũng biết tình cảm thân thiết Chúa dành cho gia đình chị em Matta, Maria, cách riêng là Ladarô bạn thân của Ngài. Chúa thật sự đau đớn trước cái chết của Ladarô. Những người có mặt đều chứng kiến Chúa Giê-su rơi lệ vì thương Ladarô.

Tin Mừng hôm nay không dừng lại ở việc Chúa Giêsu xúc động, thổn thức vì cái chết của Ladarô, nhưng Chúa muốn cho đám đông dân chúng chứng kiến phép lạ Chúa cho Lazarô sống lại để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng có quyền trên sự sống và cái chết. Ngài xác quyết sự phi thường sau cái chết chính là sự sống lại đời sau. Không hẳn chỉ vì tình cảm với Ladarô mà Chúa cho anh sống lại, nhưng chính niềm tin của chị em Matta, Maria. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ. Con có tin không?”. Matta mau mắn đáp lại: “Vâng! Con tin Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa thực hiện phép lạ cho Ladarô sống lai trước sự hiện diện của các môn đệ để cho các ông thấy vinh quang Thiên Chúa và giúp các ông thêm tin tưởng vào quyền năng của Ngài.

Phép lạ Chúa làm cho Ladarô sống lại hứa hẹn cho chúng ta một sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Cái chết không đưa con người đi vào ngõ cụt nhưng là cánh cửa mở ra, dẫn chúng ta vào cuộc sống mới. Sống lại trước hết là sống với niềm tin vào Thiên Chúa. Bao lực hấp dẫn của thế giới hưởng thụ hôm nay đã dần mòn giết chết niềm tin của chúng ta vào cuộc sống mai hậu. Muốn sống đời đời với Đức Kitô ngày mai sau thì ngay hôm nay chúng ta phải sống bằng sự sống của Người, nghĩa là sống trong ơn nghĩa với Chúa, siêng năng rước Thánh Thể, thực hành bác ái và chuyên chăm cầu nguyện. Bất cứ ai không sống trong tội lỗi nhưng sống trong ân sủng thì đang tham dự vào sự sống đời đời với Đức Giê-su. Sự sống vinh quang đời sau đang bắt đầu ở hiện tại. Như cây cối luôn bắt đầu từ hạt giống, chúng ta hãy vun trồng, chăm sóc cho cây đức tin của chúng ta được bén rễ sâu, để đứng vững trước phong ba bão táp, nhất là những cơn cám dỗ của ba thù.

Đau khổ có mặt khắp nơi, những khi gặp khổ đau, thử thách, chúng ta hãy dâng lên Chúa và thưa rằng: Chúa ơi! Con đang gặp khốn khổ nầy…Chắc chắn Ngài sẽ nghe lời van xin của chúng ta. Vậy chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa. Chắc chắn Ngài sẽ hành động và trợ giúp chúng ta bằng cách nào đó để đem lại lợi ích tốt nhất cho chúng ta. Ước gì Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta kiện toàn niềm tin để biết hướng về trời cao và luôn bám vào Chúa, để mai sau được sống đời đời.

Duy Yên

Suy Niệm 2:

QUYỀN NĂNG CHÚA

Tiếp nối chủ đề Tin Mừng của Chúa Nhật 4 Mùa Chay nói về Sự Sáng, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống qua phép lạ Chúa Giêsu cho anh Lazarô sống lại từ cõi chết.

Với cái nhìn của con người thời đại chúng ta, việc chữa cho bệnh nhân khỏi những căn bệnh hiểm nghèo hay tật nguyền bẩm sinh không còn xa lạ hay là bất khả thi, nên nếu lấy phép lạ Chúa Giêsu chữa cho anh mù của Chúa Nhật tuần trước để minh chứng Ngài là Đấng Toàn Năng thì chưa thuyết phục lắm với những người được coi là cứng lòng. Nhưng đến với phép lạ vĩ đại của ngày hôm nay là đưa một người đã chôn trong mồ được 4 ngày về lại với sự sống tự nhiên, Chúa Giêsu hoàn toàn minh chứng với con người của mọi thời đại được rằng Ngài là Thiên Chúa thật và là nguồn mạch sự sống. Phép lạ này mang nhiều ý nghĩa nhưng ở đây xin được phép gợi lên hai điều mà sau khi suy niệm tôi nhận thấy được.

Trước hết, khi biết tin Lazarô – người bạn thân thiết của mình bị đau nặng, với một người đầy tình thương và quyền năng như Chúa Giêsu tại sao Ngài không đến đó ngay lập tức để chữa anh bình phục mà Ngài còn nán lại ít hôm cho đến khi Lazarô được chôn trong mồ rồi Ngài mới xuất hiện? Câu nói của Đức Giêsu với các môn đệ có thể trả lời cho thắc mắc này: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”.

Tiếp đến, khi Đức Giêsu xuất hiện tại làng Bêtania, bà Martha – chị của Lazarô đã ra đón Ngài. Tuy bà còn đang rất đau buồn vì sự ra đi của em trai mình, nhưng khi gặp được Đức Giêsu dường như niềm hy vọng về một điều vĩ đại nào đó sẽ được thực hiện trỗi dậy trong bà. Lời thưa của bà với Đức Giêsu nói lên được niềm tin và hy vọng đó: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Qua câu nói này, bà bày tỏ niềm tin tuyệt đối của mình vào Chúa Giê-su rằng: “Ngài có thể chữa em trai con khỏi bệnh khi nó còn sống và ngay lúc này đây khi em con đã chết Ngài vẫn có thể cho nó sống lại”. Ta thấy được đây là một người phụ nữ đầy niềm tin và mạnh mẽ. Giữa sự đau buồn tột cùng của sự chia ly mất mác người thân yêu, bà vẫn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa.

Và rồi cuối cùng điều bà tin tưởng, hy vọng cũng xảy ra: Chúa Giêsu đã trả lại sự sống cho Lazarô – em trai của bà trước sự ngỡ ngàng của nhiều người Do Thái chứng kiến cảnh tượng này.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc cho đời sống đức tin, nhất là khi chúng ta chuẩn bị cùng Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn trong Chúa Nhật Lễ Lá kế tiếp. Mọi việc xảy đến trong cuộc sống chúng ta dù vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ cũng không ngoài chương trình cứu độ đầy yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa. Ngài không tạo nên đau khổ, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc, nhưng Ngài cũng không hoàn toàn ngăn cản những điều bất ưng xảy đến trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Có những bất ưng do tự nhiên phải xảy đến, có những bất ưng do con người gây cho nhau nhưng dù sao đi nữa thì dưới góc nhìn của đức tin thì “mọi sự điều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28).

Bảo Bảo

Suy Niệm 3:

Tình yêu và sự sống là hai điểm nổi bật nhất trong câu chuyện Đức Giê-su cho anh La-da-rô chết bốn ngày được sống lại mà hôm nay Tin Mừng thánh Gioan thuật lại. Với cái chết của anh Lazarô, Đức Giêsu cho chúng ta chân nhận cách xác đáng hơn về tính nhân loại và quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài. Trong thân phận làm người, Đức Giêsu đã sống những cung bậc cảm xúc rất con người, Ngài chung chia nỗi đau mất mát người thân với chị em nhà Mát-ta và Maria, Ngài thổn thức, xao xuyến và tuôn trào những giọt lệ của sự thương cảm, tình bạn hữu thân thiết và một tình thương nhân loại thẳm sâu với người còn sống cũng như người đã khuất. Hơn thế, như một điều tất yếu, tình yêu thương chân thành đó đã thôi thúc Đức Giê-su hành động, khi cho La-za-rô sống lại từ cõi chết. Qua đó, quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện, sự sống con người được hồi sinh. Quả thế, tình yêu chân thật sẽ làm phát sinh sự sống. Đây chính là con đường mà Đức Giê-su đã đi đó là “chết – sống lại vì người mình yêu”, và mời gọi chúng ta bước theo vì “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”.

 Thật vậy, khi Đức Giê-su chứng kiến cùng cảm thương những thăng trầm, sự mất mát chia ly nơi gia đình Mát-ta và Maria, Ngài cũng thấu cảm, xót xa những nỗi khốn cùng nơi gia đình nhân loại chúng ta khi phải trải qua mọi biến cố của phận người trong đời sống mình. “Thưa Thầy, nếu có mặt Thầy ở đây thì em con không chết”, với lời nói này, chị Mát-ta dường như có đôi chút muộn phiền vì sự trì hoãn của Đức Giêsu khi hay biết việc La-da-rô, em chị đang trong cơn nguy kịch. Nhưng bên cạnh đó, một cảm thức lớn hơn mà chị Mát-ta muốn nói lên, đó là tầm quan trọng khi có sự hiện diện của Thầy Giê-su: có Thầy ở đây thì cuộc đời chị, gia đình, người thân của chị sẽ không trống vắng, bấp bênh và niềm hy vọng sống sẽ không bị chôn vùi trong nấm mồ của buồn thảm và chia xa.

 Thật thế, trong cuộc sống trần gian này, cuộc chia ly đau đớn và bi ai nhất là sự chia xa vĩnh viễn với người mình thương mến. Khi đứng trước nấm mộ, dù có thương La-da-rô đến mức nào, Mát-ta và Maria cũng chỉ biết xót thương em mình bằng những giọt nước mắt chảy dài. Họ hoàn toàn bất lực trước cái chết. Thế nhưng, Đức Giê-su không để cho sự tuyệt vọng của nỗi đau và sự chết đè nặng trên thân phận con người, dù rằng Mát-ta đã thưa với Thầy như một sự cạm chịu số phận “nặng mùi rồi”, nghĩa là không còn gì để hy vọng nữa. Sự hiện hữu của Đức Giê-su chính là niềm vui và bình an cho nhân loại: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, thì chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”.

 Với tình yêu – quyền năng Thiên Chúa, Đức Giê-su đã can thiệp, mở lối để giúp con người có một nhãn quan mới về sự sống được tiềm ẩn nơi Thiên Chúa. Sự sống này không bị vùi lấp bởi những đau thương, mất mát và tang tóc nơi cuộc sống này – sự chết không là dấu chấm hết, là ngõ cụt của  kiếp người, nhưng là bước đệm để ta tiến vào vương quốc của sự sống, của tình yêu sung mãn trong Thiên Chúa. Vương quốc đó cần sự cộng tác của chúng ta, cần sự xác tín của mỗi người vào Đấng có quyền trên cả kẻ chết cũng như người sống “đem phiến đá này đi…Anh La-za-rô, hãy ra khỏi mồ! Người chết liền ra…”

 Niềm tin vào sự sống mai sau luôn là thách đố đối với con người thời đại ngày hôm nay, con người của khoa học thực tiễn, mọi điều phải được kiểm chứng, phải thấy thì mới tin. Tôi và bạn là những người được ươm mầm đức tin từ thuở nhỏ, bởi vì sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi gia đình công giáo; được trao dồi và huấn luyện đức tin cách kỹ lưỡng qua Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Ấy thế, đôi lúc lòng tin của chúng ta vào Chúa Giê-su Ki-tô vẫn còn bị lưu lạc, suy yếu bởi những tham vọng hay những lôi cuốn đầy ma lực của thế trần. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mở rộng tâm trí, tháo cởi những rào cản của sự cứng cỏi hồ nghi, để tin nhận và sống theo giáo huấn của Đức Giê-su: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”.

 Lạy Chúa Giê-su, sống và được yêu thương mãi luôn là khát vọng của mỗi người chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn biết đặt tình yêu và sự sống nơi Chúa, vì chỉ nơi Chúa, chúng con mới khỏa lấp được khát vọng đó. Xin Chúa cho chúng con biết nhìn ra sự hiện diện của Chúa trong từng khoảnh khắc đời mình, để đời sống chúng con là chuỗi ngày bình an vì có Chúa. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 4:

MANG VÀO THỜI GIAN MỚI

Chúng ta sắp kết thúc Mùa Chay. Các bản văn Kinh Thánh của Chúa Nhật tuần này cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về niềm vui Phục Sinh, sự chiến thắng của sự sống trên sự chết. Chúng ta được mời tham gia vào chiến thắng này bằng cách dấn thân phục vụ hòa bình và sự sống.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này cho chúng ta chứng kiến ​​việc Ladarô bước ra từ ngôi mộ của anh ta. Qua cử chỉ phi thường này, Chúa Giêsu biểu lộ đầy đủ quyền năng của Người trên sự chết. Các môn đệ biết rằng cuộc tiến lên Giêrusalem này là một cuộc tiến về phía cái chết. Bất chấp sự hoài nghi của họ, Chúa Giêsu muốn họ hiểu rằng con đường này sẽ kết thúc trong chiến thắng của sự sống.

Từ Tin Mừng này, trước hết chúng ta phải ghi nhớ lời tuyên bố long trọng của Chúa Giêsu: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống”. Sau đó, chúng ta có câu trả lời của Matta: “Thưa Chúa, vâng, con tin”. Khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta ý thức được một thực tại quan trọng: không phải chỉ có Ladarô phải sống lại từ mồ mả nhưng tất cả nhân loại phải được giải thoát khỏi cái chết. Tất cả chúng ta đều được mời gọi ra khỏi sự ích kỷ, thờ ơ và tội lỗi của mình. Như nói với Ladarô, Chúa cũng đang nói với tất cả chúng ta: “Hãy ra ngoài!” Chúa Kitô muốn chúng ta bước vào một cuộc sống khác. Ngài mời gọi chúng ta bước vào một đời sống mới. Đó sẽ là chiến thắng của sự sống trước cái chết. Đó là một cuộc sống sẽ không trôi qua. Nhưng trên hết, chúng ta phải nghe tiếng gọi của Chúa Kitô muốn dẫn chúng ta ra khỏi mồ. Với Ngài, đó là sự kiện kỳ ​​diệu về sự chiến thắng của sự sống trước cái chết. Chúng ta được mời gọi sống Mùa Chay này như một lối đi hướng tới một cuộc sống công bằng hơn, hiệp nhất hơn, cởi mở hơn với Thiên Chúa và với tha nhân. Với Chúa Kitô, chúng ta luôn có thể chiến thắng nỗi sợ hãi của mình và tìm thấy can đảm và hy vọng để tiến về phía trước. Đó là mỗi ngày chúng ta phải hồi sức với anh ta.

Ngày nay, cũng chính Chúa Kitô đang trông đợi chúng ta tham gia vào công cuộc giải phóng này. Nhiều anh chị em của chúng ta giống như bị nhốt trong mồ. Chúng ta nghĩ đến tất cả những người bị áp bức, thất nghiệp, đói khát hoặc bệnh tật. Chúng ta tin rằng Chúa có thể mở những ngôi mộ đó. Vì Ngài không thể chấp nhận được việc những người con cái mình bị giam hãm trong sự bấp bênh của họ. Ngài dạy chúng ta lắng nghe và để cho mình cảm động trước những đau khổ của họ. Ngài mời gọi chúng ta hãy mở rộng trái tim, đôi mắt, đôi tai và đôi tay của mình. Những dải băng quấn quanh Lazarô là biểu tượng cho sự ích kỷ, lạnh lùng và dửng dưng của chúng ta. Đây là điều Chúa Giêsu muốn giải thoát chúng ta.

Khi gọi Ladarô ra ngoài, Chúa Giêsu cũng đang ngỏ lời với mọi người. Ngài gọi tất cả họ bằng tên. Với Ngài, cái chết không thể có tiếng nói cuối cùng. Nó đã trở thành một lối đi, một cánh cửa tới cõi vĩnh hằng. Vào ngày này, chúng ta coi lời tuyên xưng đức tin của Matta là của mình: “Lạy Chúa, con tin. Thầy là Con Thiên Chúa đến cứu thế gian”.

Fiat

 

Trả lời