Chúa Nhật V Phục Sinh Năm B

Suy Niệm 1:

 ÔBACE và đặc biệt là các bạn thiếu nhi thân mến!

Theo ÔBACE thì mong ước lớn nhất của người trồng cà phê là gì? Khi trồng trọt, ai trong chúng ta cũng mong muốn cây trồng sinh hoa, kết quả sai trái và nặng hạt. ÔBACE bón phân, tưới nước, cho cà phê và một việc quan trọng hơn là cắt tỉa cành cho cà phê, có phải là mong cây cà phê được nhiều trái không? Vì sao ÔBACE cắt tỉa những cành, chồi cà phê đó mặc dù nó cũng xanh tốt? Vì nó không thể sinh hoa trái cho vụ mùa này! Nếu chúng ta để những cành, chồi đó thì nó sẽ làm tổn hại các cành đang ra hoa, kết trái… Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta biết, Chúa Cha là người trồng nho, còn Chúa Giêsu là cây nho, các môn đệ là cành nho. Chúa Cha muốn cành nho phải sinh hoa trái, nếu cành nào không sinh hoa trái, làm tổn hại đến các cành khác thì sẽ bị chặt quăng vào lửa đốt.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhận thấy cành nho có hai dạng: sinh trái và không sinh trái, không có dạng thứ ba. Càng rõ ràng hơn là cành sinh trái được giữ lại, cắt tỉa để có thể đơm hoa kết trái, cành không thể sinh hoa trái cho dù tốt đến mấy cũng bị, cắt bỏ, chặt đi và quăng vào lửa. Như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng thế, nếu không gắn chặt đời mình với Ngài, thì chắc chắn chẳng đem lại ích lợi gì cho mình và cho tha nhân. Do đó, cành nho buộc phải sinh hoa trái chứ không chỉ là gắn liền với thân cây nho mà thôi. Do vậy, chúng ta không thể chỉ gắn bó với Chúa Kitô bằng danh xưng Kitô hữu, nhưng chúng ta cần phải sinh hoa trái, là làm cho danh Chúa Kitô được tôn vinh, được mọi người biết đến.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta là những Kitô hữu, ta cần phải kết hiệp mật thiết với Chúa hơn, qua việc siêng năng đọc kinh, cầu nguyện nhất là tham dự Thánh Lễ, rước Mình Máu Thánh Chúa, và lãnh các Bí Tích là lương thực bồi bổ tâm hồn và thể xác chúng ta. Không dừng lại ở đó, chúng ta còn có bổn phận phải sinh hoa kết quả trong đời sống hằng ngày bằng việc từ bỏ thói hư tật xấu, những tính toán thiệt hơn, để trao dồi các nhân đức, yêu thương, tha thứ và phục vụ anh chị em theo gương Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng bao giờ lìa xa Chúa, nhưng luôn kết hiệp mật thiết với Chúa trong suy nghĩ, tư tưởng, lời nói, việc làm để chúng con có thể sống sung mãn ơn gọi làm Kitô hữu giữa những người xung quanh chúng con, để qua đó người khác nhận ra Chúa đang ở trong con và con ở trong Chúa. Amen!

Anrê Nhật Trường

Suy Niệm 2:

 Sống Với Chúa

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Đó là lời chân thành và tha thiết của Chúa Giê-su mời gọi chúng ta trong Tin Mừng hôm nay. Chúa mong muốn giữa ta với Ngài phải được thắt chặt trong một mối tương quan thâm sâu và bền vững, như hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho mà Chúa Giê-su đã sánh ví. Vì như thế, chúng ta mới có thể sinh hoa kết trái như lòng Chúa Cha mong ước và cuộc đời ta cũng được hưởng nhờ ơn cứu rỗi trong Người qua sự hiệp nhất với Chúa Giê-su Ki-tô.

Thật vậy, Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho để diễn tả cho người Do Thái thời của Ngài dễ hiểu, cũng như cho chúng ta dễ hình dung khi chúng ta thiết lập tương quan với Chúa trong đời sống đức tin của mình. Do đó, thân nho chính là Chúa Giê-su, còn cành nho là mỗi người chúng ta. Và Ngài đã giúp chúng ta nhận ra những hệ lụy của việc cành nho nào không gắn liền với thân nho, hoặc gắn liền nhưng không sinh hoa trái phải “bị quăng ra ngoài, bị khô héo và quăng vào lửa”. Ngược lại, cành nho nào gắn liền với thân nho sẽ được chăm sóc, cắt tỉa và nhất là được nuôi dưỡng từ nhựa sống của thân nho để lớn lên và mang lại nhiều hoa trái cho người trồng nho chính là Chúa Cha.

Thế nên, việc chúng ta ở lại, gắn bó với Chúa Giê-su là điều mang tính quyết định sống còn cho cuộc đời của những ai bước theo Ngài. Khi chúng ta sống tương quan mật thiết với Chúa Giê-su, đời ta sẽ khác, là được “cắt tỉa”, được làm cho “thanh sạch”, Chúa giúp chúng ta loại bỏ những đam mê bất chính và những gì không phù hợp với Ngài. Lại thêm, khi chúng ta “ở lại” trong Chúa Giê-su, ta sẽ làm được mọi điều tốt đẹp mà không phải theo ý riêng mình nhưng là theo ý Chúa hoàn toàn, nên Ngài nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.

Sau cùng, khi chúng ta “ở lại” với Chúa Giê-su, ta xin bất cứ điều gì Ngài cũng ban cho, như lời Chúa Giê-su đã hứa: “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Điều này Chúa Giê-su không hề nói qua loa hay không có thật, mà là Ngài đảm bảo cho điều ta ước mong và còn ban cho ta nhiều hơn những gì ta mong ước. Vậy, trong đời sống Ki-tô hữu, chúng ta nhận ra rằng Chúa Giê-su đã dùng Lời Chúa và bí tích Thánh Thể để ta dễ dàng tiếp cận và ở lại trong Ngài bằng cách ta đọc, suy gẫm Lời Chúa và rước Mình Thánh Máu Thánh mỗi khi tham dự Thánh Lễ, đồng thời Chúa cũng dùng mọi biến cố buồn vui cuộc sống để chúng ta yêu mến và gắn bó cùng Ngài. Vì Chúa Giê-su biết rằng chỉ có như thế chúng ta mới có thể kết hợp với Ngài cách trọn vẹn ở đời này cũng như đời sau.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn được liên kết với Ngài trong mọi sự, dù khi chúng con nói hay bất cứ làm gì đều ở trong Chúa mãi mãi. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

 Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha và các môn đệ, ngang qua hình ảnh “cây nho”, trong khung cảnh của Bữa Tiệc Ly. Nơi đây, Đức Giê-su diễn tả “tình yêu đến cùng” qua cử chỉ rửa chân và thiết lập bí tích Thánh Thể. Bằng tình yêu tự hiến ấy, Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta “hãy ở lại trong Ngài” như cành nho gắn liền với thân nho. Khi đó, chúng ta mới có đầy đủ nhựa sống từ Ngài và đơm hoa kết trái.

Lạy Chúa Giê-su, qua bí tích Thánh Thể, chúng con được ở lại trong Chúa và Ngài ở lại trong con, vì Mình Máu Chúa là bảo chứng của ơn cứu chuộc, là bảo đảm cho sự sống trường sinh của chúng con. Xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng và siêng năng lãnh nhận Mình Máu Chúa để được nên một với Chúa, được đồng hình đồng dạng với Chúa đời này và đời sau.

Xin giúp chúng con biết chân thành phục vụ họ đạo qua các hoạt động tông đồ, biết phục vụ ông bà cha mẹ anh chị em qua việc vâng lời và giúp đỡ các ngài trong mọi công việc, chăm sóc họ trong tinh thần cũng như thể chất. Xin cho chúng cảm nhận nhiều hơn tình yêu của Chúa, chúng con sẽ tận dụng giây phút hiện tại này để sống hết mình với Chúa. Amen.

Anna Thương Thảo

Suy Niệm 4:

 Ở Lại Trong Chúa Giê-su

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15, 4)

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay Thánh Gioan nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc kết nối với Chúa Kitô như cành nho được kết nối với cây nho. Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta Ngài là “cây nho thật”. Ngài muốn mối liên kết này phải tồn tại giữa Ngài và những ai là môn đệ của Ngài. Chúng ta biết rằng cành nho không thể sống được nếu nó bị cắt khỏi cây nho. Tương tự như vậy, người môn đệ không ở trong Chúa Giêsu thì không thể làm gì được. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5)

Trong mùa Phục Sinh chúng ta thường được nghe các bản văn Kinh Thánh kể về mẫu gương của thánh nữ Maria Madalena, ngài là người khao khát đi tìm Chúa. Vị thánh nữ này luôn yêu Chúa Giêsu Ki-tô như Sách Diễm ca diễn tả “Tôi tìm người lòng tôi yêu dấu” (3,1). Sự tìm kiếm đầy yêu thương và lời ấy có thể đúng với Mađalêna, vì thánh nữ theo sát Chúa. Với lòng khắc khoải yêu mến Ngài, Maria Mađalêna vội vã chạy đến với Chúa “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ” (Ga 20,1). Tình yêu của Maria Madalena dành cho Chúa như thế đó. Và còn nhiều mẫu gương của các Thánh về lòng yêu mến Chúa. Phần chúng ta hôm nay thì sao?

Và chúng ta tự chất vấn rằng: ở lại trong Chúa Giêsu bằng cách nào? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn sẽ gặp được Ngài? Vì điều này không xảy ra hữu hình như ta ở lại với nhau. Tuy chúng ta không gặp Chúa Giêsu trực tiếp, nhưng ta có thể gặp Chúa qua Lời Chúa, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và những cơ hội cuộc sống. Ngày nay chúng ta ngại đến với Chúa qua bí tích Thánh Thể, ngại đọc Kinh Thánh, sợ cầu nguyện và còn nhiều lý do khác. Nhưng ta quên lời Chúa Giê-su nói: Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (Ga 15, 6)

 Lạy Chúa, cuộc sống hiện đại làm chúng con dễ dàng lìa xa Chúa, chúng con không nhớ mình được làm con Chúa là một vinh dự và hạnh phúc lớn lao. Xin cho chúng con mỗi ngày được lớn lên trong tương quan mật thiết với Chúa, để chúng con ra đi và làm chứng cho Chúa, nhờ đó cuộc sống chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.

Fiat

Trả lời