Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B – Chúa Chiên Lành

Suy Niệm 1:

Trách Nhiệm Người Mục Tử

Hình ảnh người mục tử trong Tin Mừng hôm nay là người mang một phẩm chất có tâm và có tầm trong việc chăm sóc đoàn chiên, ông thể hiện tình yêu và trách nhiệm trên đoàn chiên thuộc về mình. Mục đích của người mục tử là bảo đảm sự an toàn cho chiên, và không tìm lợi danh cho riêng mình. Hơn thế, qua hình người mục tử Đức Giê-su muốn nói về chính mình, Ngài là vị Mục Tử Nhân Lành, Ngài không chỉ bảo vệ cho chiên được an toàn, nhưng trên hết là “Hiến mạng sống mình vì đoàn chiên”.

Thật vậy, khi nhìn vào Tin Mừng, Đức Giê-su giúp chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa cung cách hành xử của người mục tử và người chăn chiên. Đối với người mục tử, đoàn chiên là mối bận tâm lớn trong cuộc đời của ông. Điều này chúng ta có thể hình dung, buổi sáng hay chiều tà, khi vui hay lúc buồn người mục tử đều đồng hành và tìm đến đoàn chiên, để biết và hiểu chúng cần gì, và có thể sống chết vì đoàn chiên. Nên khi chiên gặp nguy hiểm ông không hề ‘bỏ chạy’ nhưng trái lại ông ta có trách nhiệm, tìm mọi cách để gìn giữ chúng cách vẹn toàn.

Còn tâm thế của người chăn chiên thì ngược lại, đoàn chiên không phải là điều đáng lưu tâm trong cuộc sống của anh, nhưng lợi ích riêng mới là điều anh ta bận tâm. Là người chăn chiên, mục đích anh nhắm tới chính là thu nhập, là tiền lương, do đó khi “Sói đến vồ lấy chiên, anh bỏ chiên mà chạy” cũng là điều dễ hiểu, bởi chúng không thuộc về anh, nên khi chiên bị đe dọa anh không màng chi đến chúng mà chỉ lo bảo vệ mạng sống mình. Qua hai hình ảnh tương phản ấy, Đức Giê-su muốn khẳng định với chúng ta rằng Ngài là Vị Mục Tử Nhân Lành và động cơ duy nhất của Đức Giê-su dành cho đoàn chiên chính là trao ban tình yêu chính mình và hướng dẫn chúng quy tụ bên Ngài, để chiên có thể hưởng nguồn suối trong lành qua sự hiệp thông trong Ngài “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha”.

Quả vậy, đối với Đức Giê-su, con người chính là đối tượng để Ngài yêu thương, Ngài muốn chinh phục chúng ta bằng con tim nồng nàn và cho đi tất cả tình yêu, trách nhiệm mà không nề hà bất cứ điều gì, ngay cả “Chết vì đoàn chiên” để ôm ấp, thấu hiểu và thứ tha khi chúng ta chưa phải là con chiên ngoan. Bởi vì Đức Giê-su đã lãnh nhận tình yêu ấy từ nơi Chúa Cha, nên Ngài trao ban tình yêu nhưng không mà không tìm danh lợi hay sự tôn vinh nào. Điều chính yếu là để yêu Chúa Cha trong sự vâng lời và vì niềm hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta; đồng thời Đức Giê-su quy tụ mọi người về một mối trong Thiên Chúa “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”.

Trong đời sống chắc hẳn chúng ta đã hơn một lần trở nên người hướng dẫn ai đó, lúc ấy chúng ta được xem như là người mục tử chăn dắt đoàn chiên. Vậy, bạn và tôi có tâm thế nào khi chúng ta có trách nhiệm trên họ, ta hành xử với tâm thế của người mục tử có tâm và có tầm, hay là người làm thuê tìm tư lợi cho riêng mình? Với mẫu gương của Vị Mục Tử Nhân lành là Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi hãy trở nên một người mục tử có trái tim nồng nàn như Ngài, nhờ đó chúng ta sẽ biết cách làm gì cho những ai mà ta có trách nhiệm.

Nguyện xin Chúa Giê-su – Vị Mục Tử Nhân lành, giúp chúng con biết quảng đại cho đi mà không tính toán như Chúa đã tự hiến vì chúng con. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

 Người Mục Tử

Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay gợi lên cho chúng ta hình ảnh người mục tử chăn chiên. Hình ảnh người mục tử là người đầy đủ những đức tính tốt. Ông luôn đi trước đoàn chiên để tìm đồng cỏ xanh tươi hay một nguồn suối nước mát trong. Đồng thời người mục tử luôn hiểu biết và kinh nghiệm chăm sóc đoàn chiên của mình. Những con chiên bị thương tích, ông tận tình săn sóc và chữa lành vết thương, chiên nào gầy yếu ông vỗ béo; và chiên nào mê chơi, lạc đàn ông sẽ tìm kiếm mang về. Khi gặp thú dữ tấn công đoàn chiên, ông ra sức bảo vệ chiên được an toàn. Đối với đoàn chiên, chúng lắng nghe tiếng chủ để khỏi nhầm lẫn giữa kẻ cướp và chủ của mình, chiên luôn dõi theo bước chân và đặt tín nhiệm vào nơi người chủ.

Tất cả hình ảnh đẹp về người mục tử ấy, chúng ta cũng có một mục tử đầy nhân từ, chan chứa tình thương đó là chính Chúa Giêsu, mà chúng ta là đoàn chiên của Người. Chúa Giêsu là vị mục tử đầy nhân lành, cao cả. Qua hình ảnh người mục tử nhân lành coi sóc đoàn chiên, Đức Giê-su muốn mạc khải tình yêu thương của Ngài dành cho con người, nhất là cho những ai tin nhận Ngài. Chúa Giêsu vị Mục tử tối cao, Ngài biết rõ từng con chiên chính là chúng ta, Ngài biết ta yếu đuối và hay vấp ngã. Chúa Giê-su không bỏ rơi chúng ta nhưng Ngài dùng tình yêu để nâng đỡ để ta bước tiếp trong cuộc đời. Ngay cả khi chúng ta là con chiên không ngoan muốn lìa xa Ngài thì vẫn luôn đợi chờ ta trở về.

Với mẫu gương người Mục Tử Nhân Lành chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào chức vụ mục tử, là khi ta bảo vệ anh em mình, là vác lấy những gánh nặng của anh em và biết sống trách nhiệm với những anh chị em, lúc đó cuộc sống của họ sẽ vơi đi những giọt nước mắt, vơi đi những ưu phiền mà đem lại cho nhau niềm vui, bình an, hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, đã tự hiến trên thập tự giá và phục sinh. Xin cho chúng con mỗi ngày dám tự hiến đời mình trong công việc mục vụ, trong bổn phận đối với Chúa và tha nhân để đem ánh sáng Phục Sinh lan tỏa đến mọi nơi. Nguyện xin Chúa thương ban cho có nhiều ơn gọi Linh Mục và tu sĩ để phục vụ Chúa và Giáo Hội trong cánh đồng truyền giáo hôm nay.

Cây Bút Chì

Suy Niệm 3:

 Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, thường được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh người mục tử chăm sóc cho đàn chiên để nói về mối tương giao và sự hiến thân của Ngài cho đàn chiên là dân Itrael. Chúa Giêsu xác định Người chính là cửa của đàn chiên, và cũng chính là người mục tử nhân lành.

Đối với người chăn chiên, đàn chiên mang lại nguồn thu nhập chính. Do đó, người mục tử chăm sóc đàn chiên của mình rất cẩn thận, họ luôn ở gần, ở sát với đàn chiên. Vì thế họ có thể biết rõ con nào khoẻ mạnh, con nào đau yếu, con nào hay bỏ bầy nhảy nhót rong chơi… và họ cũng biết cách chăm sóc cho từng con chiên.

Như thế, Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài là vị mục tử nhân lành, Chúa Giêsu luôn hiện diện, đồng hành, gần gũi với đàn chiên mà Chúa Cha trao phó cho Ngài, là dân Itrael, Ngài đã hiến dâng mạng sống mình vì đàn chiên.

Là người Kitô hữu, chúng ta là đàn chiên của Chúa Giêsu, Ngài là Mục Tử Nhân Lành của chúng ta. Chúa Giê-su biết rõ chúng ta, Ngài biết ai trong chúng ta yếu kém về đức tin, dễ ngã lòng; và ai đang đau yếu suy nhược về thể xác và tinh thần cần phải băng bó, bồi dưỡng, chữa lành, ai thường đam mê với danh, lợi, thú bỏ bầy đi hoang… Ngài biết tất cả và phải làm gì cho từng con chiên. Bởi vì Ngài đến để chúng ta được sống và sống dồi dào.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục gần gũi, hiện diện và đồng hành với chúng ta, Ngài nuôi sống chúng ta bằng chính Mình và Máu Thánh Người trong Bí Tích Thánh Thể. Không những thế, Chúa vẫn tiếp tục gọi, chọn và thánh hoá một số người để họ trở nên “mục tử” thay mặt Ngài để lãnh đạo, hướng dẫn và chăm sóc chúng ta. Chúng ta được mời gọi luôn lắng nghe và vâng theo Lời Chúa Giêsu, đi theo sự hướng dẫn của Ngài cũng như các vị thay mặt Ngài hướng dẫn đời sống đức tin của chúng ta.

Hôm nay Chúa Nhật Chúa Chiên Lành là Ngày Thế Giới cầu nguyện cho ơn gọi. Trong Thánh lễ này chúng ta cầu nguyện cho có nhiều người được Chúa gọi và chọn để trở nên các nhà Truyền giáo và Chủ Chăn để giảng dạy và chăn dắt đàn chiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi dâng nhiều hy sinh và lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng cũng như cho các chủ chăn trong toàn thể Giáo Hội, cách riêng Đức Giám Mục Giáo Phận chúng ta và các linh mục đã và đang phục trong giáo xứ chúng ta.

Anrê Nhật Trường

Suy Niệm 4:

 Mục Tử Giê-su

“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11)  

 Người mục tử Chúa Giêsu diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay được gọi là người mục tử có tâm. Bởi vì là mục tử nên biết chiên và chiên biết ông, và nhất là người mục tử hy sinh mạng sống mình đoàn chiên. Cũng thế, trong sách các Vua quyển thứ nhất chương 3,16- 28 kể về câu chuyện Vua Salomon phân xử hai người đàn bà đều tự nhận là mẹ một đứa bé và đòi được nuôi con. Salomon bèn thử bằng cách ra lệnh chặt đứa bé ra làm hai. Người xin thua để cứu đứa bé chính là người mẹ đẻ. Tình mẫu tử cao hơn tất cả.

Mục tử Giê su hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, Ngài tự nguyện dâng hiến. Người mục tử nhân lành không phải người làm thuê, không lạm dụng chức quyền để gây chia rẽ. Giêsu xuống thế làm người để cứu độ nhân loại, sau những năm tháng sống ẩn dật, Ngài công khai rao giảng Tin Mừng, làm nhiều phép lạ. Sau cùng Ngài chịu chết trên thập giá cách nhục nhã đau thương để cứu độ nhân loại.

Ngoài ra, người mục tử Giêsu không chỉ lo chăm sóc chiên thuộc về mình mà còn đi tìm kiếm và quy tụ. “Tôi có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên”. (Ga 10, 16- 17). Đó là tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta và luôn tìm kiếm ta là những đứa con lầm đường lạc lối. “Cây lau bị dập Ngài không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét Ngài chẳng lỡ tắt đi…” (Mt 12,20).

 Qua Giáo Hội, Thiên Chúa tiếp tục ở với nhân loại qua các Bí Tích, từ Giáo Hội ơn cứu độ của Thiên Chúa vẫn tiếp tục trải dài qua các thế hệ con người. Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong Giáo Hội, nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên con cái, chúng ta hãy sống tâm tình tạ ơn Chúa bởi vì Chúa không chỉ là mục tử mà như người mẹ luôn che chở, bảo vệ con cái của mình. Chúng ta noi gương Chúa Giêsu sống sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những người ta gặp gỡ, nơi môi trường chúng ta sống và làm việc bằng chính đời sống bác ái yêu thương và tốt lành thánh thiện.

Lạy Chúa là Mục Tử nhân lành chúng con xin tạ ơn Chúa, vì mọi quà tặng tuyệt hảo đều xuất phát từ Chúa. Xin ban cho chúng con một tâm hồn tử tế và hiền lành. Và xin lấy khỏi tâm hồn chúng những gì chưa thuộc về Chúa, để chúng con trở nên tinh tuyền thánh thiện như Chúa là Đấng nhân lành. Amen.

Fiat

Trả lời