Hiệp Hành Sống Hiệp Thông: Định Hướng Cho Việc Canh Tân Sự Hiệp Thông Cá Nhân Trong Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến

WHĐ (22.04.2023) – Khởi đi từ sáng kiến của Đức thánh cha Phanxicô về con đường hiệp hành – con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ ba,[1] vào tháng 10 năm 2021, tại Rôma, Thượng Hội đồng Giám mục XVI đã khai mạc tiến trình Hướng tới Giáo hội hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ. Tiến trình này đã và đang được mọi tổ chức và mọi thành viên trong Giáo hội địa phương ở các quốc gia trên thế giới hăng hái cùng nhau chia sẻ, học hỏi và tiến hành dưới nhiều hình thức đầy sáng tạo suốt hai năm qua. Với tâm thế hiệp hành, toàn thể Dân Chúa đang cùng nhau tiến bước, cùng lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, và cùng tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Chúa Kitô đã thiết lập.[2]

Ngày hôm nay, sự hiệp thông giữa người với người đang bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân và sự lôi cuốn của nhu cầu được tự do và hưởng thụ. Nhờ hiệu quả lớn lao của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, con người có xu hướng cho rằng mình vẫn ổn khi là một hòn đảo và vẫn có thể mở ra sự tương quan hiệp thông với cả thế giới ngay trên chính hòn đảo của mình. Nhân sinh quan và lối sống mang tính hiệp thông cá nhân theo thời đại đó cũng đang len lỏi và ngang nhiên hiện diện trong các cộng đoàn sống đời thánh hiến hôm nay, biểu hiện nơi lối sống hiệp thông mang những nét đặc trưng riêng của mỗi thành viên và lâu dần đã trở thành nếp sống của cả cộng đoàn.

Dù sống theo bất cứ đặc sủng nào, và dù muốn hay không, các cộng đoàn sống đời thánh hiến vẫn không thể tách rời khỏi nhịp sống của con người, của xã hội và Giáo hội. Lời mời gọi trở nên cộng đoàn của những “chuyên viên của tình hiệp thông[3] giữa lòng dân tộc và Giáo hội là động lực thúc đẩy các cộng đoàn sống đời thánh hiến không ngừng tìm ra những lối đi phù hợp để trở nên chứng tá hữu hiệu cho muôn người về vẻ đẹp và giá trị của sự hiệp thông.[4] Hòa mình trong hào khí hướng tới Giáo hội hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ, các cộng đoàn sống đời thánh hiến đã lên đường bằng thái độ tận tình, tận lực canh tân tinh thần và lối sống hiệp thông của từng cá nhân và cộng đoàn để cùng tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thời đại mới một cách hữu hiệu hơn.

Trên cơ sở những chỉ dẫn và thảo luận gần đây của Giáo hội về tính hiệp hành, các giáo huấn của Giáo hội và Thần học Đời sống thánh hiến về sự hiệp thông và bản chất của cộng đoàn sống đời thánh hiến, bài viết này trình bày một góc nhìn về hiệu quả của tính hiệp hành trên con đường hiệp thông như là định hướng để canh tân đời sống hiệp thông của các cá nhân và cộng đoàn sống đời thánh hiến. Việc cùng đi với nhau bên những vùng sáng và góc tối của sự hiệp thông là cơ hội giúp cho những thành viên trong cộng đoàn gạn đục khơi trong lối sống hiệp thông của mình và tiến đến việc canh tân lối sống ấy cho phù hợp với căn tính và sứ vụ của đời sống thánh hiến trong bối cảnh xã hội hôm nay.

I. HIỆP THÔNG VÀ HIỆP THÔNG CÁ NHÂN TRONG CỘNG ĐOÀN

Sự hiệp thông của cộng đoàn sống đời thánh hiến được hình thành từ sự hiệp thông của từng cá nhân, và lối sống hiệp thông của từng cá nhân sẽ có sức ảnh hưởng và tạo nên sự hiệp thông của cả cộng đoàn.

1. Hiệp thông

Về mặt từ ngữ, “hiệp thông” có nghĩa là các bên hòa hợp với nhau (“hiệp”: chung nhau; “thông”: cùng nhau hòa hợp).[5] Đây là một thuật ngữ phổ biến trong Kitô giáo, được gặp thấy xuất hiện lần đầu tiên trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô.[6] Từ “hiệp thông” có gốc tiếng Hy Lạp là κοινωνία (koinonia) có nghĩa là tình anh em, tình bằng hữu, sự chia sẻ. Từ ngữ này cũng có một ý nghĩa khác đó là sự giao tiếp mật thiết giữa các Kitô hữu với Thiên Chúa, và là mối tương quan anh chị em giữa các Kitô hữu với nhau.[7]

Theo nhãn quan của thần học về đời sống thánh hiến, “hiệp thông” là một hồng ân trong cộng đoàn sống đời thánh hiến[8], là lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho nhóm môn đệ đầu tiên đi theo Người, để họ sống hiệp thông với Người và với các môn đệ khác. Bắt đầu từ nhóm môn đệ đầu tiên ấy của Chúa Giêsu và theo dòng lịch sử của đời sống thánh hiến, sự hiệp thông gắn liền với căn tính của đời sống thánh hiến và được diễn tả bởi nhiều hình thức khác nhau tùy theo bản chất của mỗi cộng đoàn.[9] Như vậy, sự hiệp thông vừa là căn tính, vừa là sứ vụ của cộng đoàn sống đời thánh hiến. Trong lòng Giáo hội hiệp thông, các cộng đoàn sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên “dấu chỉ hiệp thông” bằng đời sống hiệp thông của cộng đoàn mình và loan báo giá trị của sự hiệp thông cho mọi người.[10]

Những lý luận bên trên đã nói lên vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng của sự hiệp thông trong ơn gọi và đời sống của những người sống đời thánh hiến. Sự hiệp thông giúp cho họ đi vào mối tương quan thâm sâu với Thiên Chúa, đồng thời cũng thiết lập được những mối liên hệ thân tình với các phần tử khác trong cộng đoàn và có thêm năng lực để đi vào sự hiệp thông với những đối tượng khác ở bên ngoài cộng đoàn. Nhờ các phần tử trong cộng đoàn chuyên chăm và tận tình xây đắp sự hiệp thông mà cộng đoàn sống đời thánh hiến trở nên “mái trường và mái ấm của sự hiệp thông” trong lòng một Giáo hội hiệp thông.[11]

2. Hiệp thông cá nhân

Xét về nhân học, trước khi hòa nhập vào một cộng đoàn, mọi cá nhân đều đã được cá biệt hóa và đơn lẻ hóa bởi những chiều kích sâu kín và riêng biệt trong quãng đời đã qua của họ.[12] Điều này có nghĩa là nơi mỗi người, tính cá nhân đã có trước tính cộng đoàn. Trước khi là một thành viên của một cộng đoàn, cá nhân ấy đã là chính mình với những nét đặc trưng riêng.[13] Trong ý nghĩa đó, sự hiệp thông mang màu sắc cá nhân của người được thánh hiến đã được hình thành trước khi họ bước vào sự hiệp thông của cộng đoàn sống đời thánh hiến.

Trong mối liên hệ với sự hiệp thông trong cộng đoàn, sự hiệp thông cá nhân có hai sắc thái:

2.1. Sự hiệp thông mang tính cá nhân

Sự hiệp thông này được hình thành bởi hệ thống quan điểm, những điều học hỏi được và kinh nghiệm về khả năng hòa hợp với những con người và tập thể xã hội đã ăn sâu vào tâm thức và cảm thức của một cá nhân. Trên cơ sở đó, truyền thống văn hóa của gia đình, nền giáo dục đã được hấp thụ, những kinh nghiệm trong các mối tương quan gặp được trong cuộc đời… đã hình thành một bản sắc riêng biệt và khác biệt về sự hiệp thông nơi mỗi cá nhân trong cộng đoàn. Những người có kinh nghiệm sống hài hòa với mọi người, được yêu thương, được đón nhận nơi gia đình, trường học, giáo xứ sẽ cảm thấy dễ dàng hòa hợp với các thành viên trong cộng đoàn và sẵn sàng hiện diện với tư thế là người có khả năng sống hiệp thông. Trái lại, những cá nhân có nhiều kinh nghiệm đáng buồn trong tương quan với người khác, không được đón nhận và bị loại trừ sẽ luôn mang tâm thế tự ti, phòng thủ, khó đi vào tương quan hiệp thông với những đối tượng khác. Sự hiệp thông mang tính cá nhân nằm ở chiều sâu và giải thích cho tính đa dạng, khác biệt về lối sống hiệp thông của mỗi cá nhân trong cộng đoàn sống đời thánh hiến.

2.2. Sự hiệp thông của cá nhân

Nếu như sự hiệp thông mang tính cá nhân nằm ở chiều sâu bên trong thì sự hiệp thông của cá nhân là thái độ và cách thức mà cá nhân đó diễn tả quan điểm, và kinh nghiệm về sự hiệp thông của mình ra bên ngoài với các đối tượng khác. Trong sự hiệp thông của cộng đoàn sống đời thánh hiến, sự hiệp thông của các cá nhân là những viên gạch xây dựng nên ngôi nhà hiệp thông chung cho cộng đoàn. Nếu có một phần tử, một viên gạch trục trặc trong quá trình xây dựng đó, chắc chắn ngôi nhà hiệp thông của cộng đoàn cũng sẽ gặp vấn đề.

Mỗi người được thánh hiến đều phải sống trong những cộng đoàn huynh đệ với ý thức mình thuộc về cộng đoàn và phải hiệp thông với các phần tử khác trong cộng đoàn.[14] Sự hiệp thông của mỗi phần tử luôn mang tính cá nhân và tính cá nhân ảnh hưởng lớn đến lối sống hiệp thông của chính phần tử ấy. Việc khám phá ra những yếu tố ảnh hưởng đến sự hiệp thông cá nhân sẽ giúp cộng đoàn và từng cá nhân trong cộng đoàn tìm được những phương thế để giúp nhau xây dựng một lối sống hiệp thông đích thực.

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hiệp thông cá nhân

– Bầu khí gia đình. Đây là mảnh đất ươm nơi con người hạt giống của sự hiệp thông hay cỏ dại của sự chia rẽ. Bầu khí gia đình mà mỗi người được sinh ra và lớn lên để lại những dấu ấn khó phai mờ trong ký ức. Một bầu khí gia đình chan hòa tình yêu thương, trên thuận dưới hòa hay một không gian lạnh lẽo vì sự ích kỷ, tranh chấp và chia rẽ đều sẽ hình thành nơi cá nhân một cảm thức và thái độ tích cực hay tiêu cực trong việc sống hòa hợp với các thành viên khác trong cộng đoàn của mình.

– Nền giáo dục đã được hấp thụ. Những kiến thức tích lũy được trong thời gian đến trường là những bài học về tình liên đới, biết quên mình để kiến tạo hòa khí với mọi người xung quanh hay là những tư tưởng cổ xúy cho lối sống vị kỷ, cá nhân, bè phái cũng hình thành nơi mỗi người một não trạng thiện cảm hay thiếu thiện cảm với những vấn đề liên quan đến tính hiệp thông.

– Kinh nghiệm thiêng liêng. Đây là sự phản tỉnh của cá nhân trên những gì đã trải qua trong những vấn đề liên quan đến niềm tin và giá trị. Hầu hết những vấn đề này vượt quá khả năng giải thích thông thường của cá nhân trong tương quan với Thiên Chúa và những thực tại siêu việt khác.[15] Những kinh nghiệm thiêng liêng có thể đến từ hoàn cảnh tích cực hoặc tiêu cực trong cuộc sống của mỗi người. Cảm giác bình an trong tâm hồn và vượt qua được sự khủng hoảng, đau buồn sau những giờ cầu nguyện với Chúa; sự cảm nhận về ơn soi sáng và trợ lực của Chúa trong những lúc thực hiện các công việc khó khăn; và cả sự cô độc, bi thương và thất bại từng phải đối diện mà không thấy bóng dáng của Chúa… đều có thể hình thành những phản ứng và trạng thái cảm xúc riêng biệt của cá nhân trong mức độ và chiều sâu hiệp thông với Chúa.

– Chủ nghĩa cá nhân. Điểm cốt lõi của trào lưu này là nhấn mạnh đến lợi ích, tính độc lập và tự do của mỗi cá nhân. Sự tự do, tính độc lập và lợi ích của cá nhân cần được tôn trọng và phát huy là điều chính đáng liên quan đến quyền lợi và phẩm giá của con người. Tuy nhiên, người theo chủ nghĩa cá nhân sẽ luôn đặt cái “tôi” của mình lên trên mọi lựa chọn có liên quan đến lợi ích của cộng đoàn và các phần tử khác. Việc hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích của tập thể là điều không dễ dàng với những cá nhân này, và họ thường có khuynh hướng phản đối hoặc kháng cự lại những ý kiến khác và định hướng chung của tập thể. Điều này gây khó khăn cho việc sống hiệp thông của cá nhân đó trong cộng đoàn.

– Bầu khí của cộng đoàn. Bầu khí hòa thuận, yêu thương, nhường nhịn nhau và mọi thành viên đều chân thành một lòng một ý với nhau để xây dựng đời sống cá nhân và cộng đoàn tốt đẹp cũng là môi trường tốt để mọi thành viên nỗ lực xây dựng một lối sống hiệp thông huynh đệ. Trái lại, một cộng đoàn có các thành viên sống chia rẽ, ganh tỵ, bất hòa và thậm chí hay xảy ra xung đột, sẽ không thể là nơi làm phát sinh và truyền cảm hứng sống hiệp thông.

– Sự bùng nổ truyền thông qua điện thoại di động, máy tính, internet, v.v. Ngày hôm nay, qua chiếc điện thoại thông minh (smartphone), máy tính kết nối internet, ai ai cũng có thể tìm hiểu, khám phá mọi thứ, và kết nối được với những người khác một cách hết sức nhanh chóng, bất kể ở vị trí nào của mình mà không cần phải đi đâu xa. Mạng xã hội giúp người ở xa nối kết được với nhau nhưng lại có nguy cơ làm cho những người đang ở gần trở nên xa cách nhau. Người ở quốc gia này có thể gặp gỡ và kết nối với người ở quốc gia khác, nhưng những người đang ở chung một mái nhà, ngồi chung một chiếc bàn ăn lại không gặp được nhau. Cảnh tượng cha mẹ, vợ chồng, con cái ngồi xung quanh bàn ăn mà mỗi người đều rất chăm chú và hứng thú với chiếc smartphone trên tay, hay những đôi bạn cùng nhau đi trên phố mà người này thì lo nhắn tin, người kia cứ nghe điện thoại… là những hình ảnh đã trở nên quá quen thuộc. Và ngay cả trong nhiều cộng đoàn sống đời thánh hiến, thế giới mạng và chiếc điện thoại di động cũng là một cám dỗ khiến nhiều tu sĩ ngoài thời gian thi hành các việc bổn phận thì lui vào trong thế giới riêng của mình.

II. ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC HIỆP HÀNH SỐNG HIỆP THÔNG

Như đã được đề cập đến ở phần trên, lối sống hiệp thông của một cá nhân được hình thành và chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Đặc biệt, tình trạng tục hóa nhuốm màu sắc chủ nghĩa cá nhân của xã hội đã ít nhiều hình thành nơi con người bản năng bảo thủ và cạnh tranh quyết liệt trong việc đòi tự do cá nhân và nhân quyền. Đặc tính này có xu hướng dẫn con người đến một lối sống dị biệt, phá vỡ tính liên đới của cộng đồng nhân loại.

Trong cộng đoàn sống đời thánh hiến, bóng dáng của những người anh chị em với lối sống mang sắc thái đó vẫn bàng bạc trong trái tim của cộng đoàn, và những phần tử ấy vẫn cần được cộng đoàn yêu thương, nâng đỡ và tìm về. Việc hiện diện bên cạnh và cùng đi với nhau trên hành trình nỗ lực sống ơn gọi hiệp thông và xây dựng tình hiệp thông phổ quát là hết sức cần thiết để gọi về những giá trị đích thực của sự hiệp thông và làm cho tình bác ái huynh đệ của đời sống thánh hiến được triển nở. Do vậy, cần có những định hướng thiết thực để sự hiệp hành được diễn tả một cách cụ thể, sống động và hữu hiệu.

1. Giá trị của việc hiệp hành sống hiệp thông

Ý nghĩa của “hiệp hành” – synodosđi trên cùng một con đường.[16] Hiệp hành sống hiệp thông là cùng đi với nhau trên con đường hiệp thông. Hành động này giúp các thành viên trong cộng đoàn tự đào luyện bản thân để trở nên chất men hiệp thông trong cộng đoàn và làm cho cộng đoàn trở thành dấu chỉ của sự hiệp thông. Cùng đi với nhau, các thành viên có cơ hội nhìn rõ những điểm tương đồng và dị biệt, những điểm sáng và điểm tối trong lối sống hiệp thông của chính mình và của anh chị em. Nhờ đó, mọi thành viên trong cộng đoàn đều có thể tự phản tỉnh và điều chỉnh lại cách thức mình đã sống hiệp thông như thế nào trong tương quan với Chúa và tha nhân.

Hơn nữa, hiệp hành sống hiệp thông không đơn giản chỉ là đi cùng với người anh/chị em của mình mà là đi cùng với cả một lối sống, một cuộc đời với truyền thống văn hóa, những trăn trở, ước mơ, niềm đau và cả những yếu đuối của người anh/chị em đó để san sẻ, bổ túc và giúp nhau xây dựng một lối sống hiệp thông đích thực của đời sống thánh hiến. Hành trình ấy có những giá trị được ghi nhận như sau:

1.1. Diễn tả vẻ đẹp của tình bác ái huynh đệ

Tình bác ái huynh đệ là động lực căn bản nhất để dẫn đến quyết định “hiệp hành”. Khi quyết định đi cùng ai là ta chấp nhận để mình và người đó hiện diện cùng nhau ở một không gian, thời gian nào đó. Có yêu thương, người ta mới có thể đi với nhau lâu hơn, xa hơn mà vẫn thấy hạnh phúc. Nếu không đủ yêu thương, hành trình đi với nhau sẽ tẻ nhạt và sớm gãy gánh giữa đường. Cùng đi với nhau trên con đường hiệp thông, những người sống đời thánh hiến được mời gọi dành cho nhau tình yêu thương, xem nhau như huynh đệ, đón nhận nhau như Chúa Kitô đón nhận mình, biết chờ đợi nhau, an ủi nhau, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau và thương xót, tha thứ cho nhau.[17] Như vậy, khi hiệp hành sống hiệp thông với nhau và bên cạnh nhau, các thành viên trong cộng đoàn sống đời thánh hiến đã diễn tả được vẻ đẹp của tình bác ái huynh đệ.

1.2. Đem đến cơ hội để phản tỉnh bản thân

Không có người sống đời thánh hiến nào xa lạ với vấn đề hiệp thông và đời sống hiệp thông! Chắc chắn trong giai đoạn thụ huấn, thêm khoảng thời gian dài hay ngắn tiếp tục tự huấn luyện mình trong đời tu, cùng với những yếu tố nội tại, ngoại tại khác, mỗi người sống đời thánh hiến đều hình thành được cho mình một lối sống hiệp thông riêng. Việc chân thành cùng đi với nhau, đặt cách nghĩ, lối sống hiệp thông của mình bên cạnh cách nghĩ, lối sống hiệp thông của anh chị em trong cộng đoàn sẽ giúp mỗi phần tử có cơ hội khám phá vẻ đẹp cũng như những thiếu sót của anh chị em và của chính mình trong việc sống hiệp thông. Một số câu hỏi phản tỉnh có thể được đặt ra là:

– Điểm sáng và điểm mờ trong suy nghĩ và cách sống hiệp thông của tôi trong cộng đoàn này là gì?

– Cách nghĩ và lối sống của tôi như vậy đã tạo được mối dây liên kết theo chiều dọc giữa tôi với Chúa và theo chiều ngang giữa tôi với anh chị em trong cộng đoàn ra sao? Có những thuận lợi hay trở ngại gì?

– Tôi đang sống hiệp thông theo kiểu tích cực để góp phần thăng tiến tình huynh đệ trong cộng đoàn, hay chỉ là kiểu hiệp thông yên phận, bằng cách không đụng chạm và tránh bất đồng với người khác?

1.3 Giúp lượng giá về đời sống hiệp thông của cá nhân và cộng đoàn

Một cộng đoàn không có xung đột chưa hẳn là cộng đoàn có sự hiệp thông. Có khi sự hiệp thông của cộng đoàn đó chỉ là tập hợp của những sự hiệp thông giả tạo, được hình thành bởi thái độ bằng mặt mà không bằng lòng, không muốn đưa ra ý kiến cá nhân vì sợ nếu khác ý kiến chung thì bị cho là không hiệp thông. Ngay cả trong lúc bầu khí của cộng đoàn không có lời phàn nàn, không có đối kháng, xung đột, nhưng các thành viên sống rời rạc, việc ai nấy làm, chuyện ai nấy lo theo kiểu “nước sông không phạm nước giếng” cũng là lúc tình trạng hiệp thông của các thành viên và cộng đoàn cần được xem xét lại.

Sự hiệp thông đích thực của cộng đoàn phải biểu hiện được một cách sống động sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.[18] Đó chính là sự hiệp thông được thiết lập bởi sự sáng tạo của mỗi cá nhân và khả năng hòa giải những điều đa dạng, khác biệt trong tình yêu và lòng khoan dung. Đời sống hiệp thông trong cộng đoàn không chỉ bao gồm việc bác ái đón nhận tất cả những gì là con người của nhau (x. Rm 15,7) mà còn có cả việc sửa lỗi huynh đệ và hướng dẫn lẫn nhau (x. Rm 15,14). Chính việc hiệp hành giúp cho các thành viên và cộng đoàn nhận ra ánh sáng và bóng tối trong đời sống hiệp thông của bản thân và cộng đoàn để cùng nhau tìm ra những phương thế đổi mới phù hợp.

2. Những yếu tố gây trở ngại cho việc hiệp hành sống hiệp thông

Những yếu tố gây trở ngại cho việc hiệp hành sống hiệp thông trong cộng đoàn sống đời thánh hiến cần được lưu ý như sau:

– Khuynh hướng sống khép kín. Lối sống khép kín, không muốn cởi mở, chia sẻ với người khác những vấn đề của mình, và cũng không muốn quan tâm đến những vấn đề của người khác làm cho cá nhân ngại tiếp xúc và né tránh các cuộc gặp gỡ. Điều này gây cản trở lớn cho việc hiệp hành.

– Sự giả tạo, thiếu chân thành. Yếu tố này khiến cá nhân vẫn có thể tỏ ra mình là người có khả năng gặp gỡ và hiệp hành với những cá nhân khác. Tuy nhiên, những lời nói và cảm xúc của họ không đồng nhất với suy nghĩ của họ. Sự giả tạo, thiếu chân thành như vậy đã phá vỡ sự tin tưởng và thiện chí của các thành viên trong cộng đoàn, không tạo được động lực để thực hiện việc hiệp hành.

– Những cách hành xử thiếu bác ái. Việc hiệp hành sống hiệp thông xuất phát từ tình bác ái huynh đệ. Những các hành xử thiếu bác ái như: không quan tâm đến người khác, hay phê bình, chỉ trích, thói quen hay gây hấn, bảo thủ… gây nhiều trở ngại lớn cho việc hiệp hành giữa các thành viên trong cộng đoàn.

– Tình trạng phe nhóm và kỳ thị. Tình trạng này được gặp thấy rất phổ biến trong xã hội hôm nay, ở học đường, công sở, và các tổ chức xã hội lớn nhỏ… Xuất phát từ việc có những điểm giống nhau về tính cách, sở thích, mối quan tâm và mục tiêu…, nhiều cá nhân đã liên kết lại với nhau tạo thành nhóm. Những nhóm này chỉ họp sức bảo vệ quyền lợi của nhóm và các thành viên trong nhóm mình, và dùng sức mạnh để tấn công và loại trừ những cá nhân hoặc nhóm khác dưới các hình thức: chơi hội đồng, đánh hội đồng, nhóm lớn ức hiếp nhóm nhỏ… Tình trạng này cũng có thể gặp thấy ở những cộng đoàn mà các thành viên có chung quê quán, chung giáo xứ, chung mục tiêu… đã lập thành nhóm và chống đối hoặc loại trừ những cá nhân khác. Có khi những cá nhân đơn lẻ có chính kiến của họ nhưng không được nhóm lớn đồng tình nên bị loại trừ và trở nên lẻ loi trong cộng đoàn. Khi sự hiệp thông trong cộng đoàn đang gặp vấn đề này thì việc hiệp hành là điều rất khó thực hiện.

– Tinh thần cầu nguyện sa sút, đời sống thiêng liêng hời hợt. Tinh thần cầu nguyện sa sút, đời sống thiêng liêng hời hợt là một cản trở lớn cho việc hiệp hành sống hiệp thông giữa các thành viên trong cộng đoàn. Bởi lẽ, khi không còn chuyên chăm và yêu thích cầu nguyện, người sống đời thánh hiến đã tự mình tách rời khỏi nguồn mạch ân sủng và hiệp thông với Thiên Chúa nên cũng sẽ đánh mất khả năng hiệp thông và hiệp hành với anh chị em mình.

3. Phương thức thực hiện

3.1. Tác nhân

– Chúa Thánh Thần – Đấng là nguồn mạch hiệp thông

Chính Chúa Thánh Thần trực tiếp điều khiển và dẫn dắt việc hiệp hành sống hiệp thông của từng thành viên và cả cộng đoàn sống đời thánh hiến. Thật vậy, theo tinh thần hiệp hành của Giáo hội, trong sứ điệp video gửi cho Đại Hội đồng Toàn thể của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, Đức thánh cha Phanxicô đã khẳng định rằng Chúa Thánh Thần là Đấng giữ vai trò chính trong tiến trình hiệp hành. Điều tuyệt vời đó là Chúa Thánh Thần không dùng sức mạnh để áp đặt, nhưng từ từ mời gọi lòng mến và sự tự do của những người tham gia hiệp hành để họ có thể đi vào sự hiệp thông mà Người mong muốn trong mối liên kết với con người. Trong việc hiệp hành sống hiệp thông, Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng, chỉ dẫn, ban sức mạnh, sự khôn ngoan và tình yêu cho những người tham gia và dẫn họ đến việc sống hiệp thông cách mạnh mẽ hơn.[19]

– Người lãnh đạo cộng đoàn

Người lãnh đạo cộng đoàn tham gia việc hiệp hành này với các thành viên khác trong cộng đoàn với vai trò là người có trách nhiệm về trình trạng hiệp thông chung của cộng đoàn cũng như của các cá nhân. Việc hiệp hành này giúp người lãnh đạo cộng đoàn thấu hiểu mức độ và lối sống hiệp thông nơi cộng đoàn mình để tìm ra những giải pháp cần thiết và phù hợp nhằm khuyến khích, chấn chỉnh và phát triển sự hiệp thông của các cá nhân và cộng đoàn.

– Các thành viên trong cộng đoàn

Các thành viên trong cộng đoàn là những anh chị em cùng sống và làm việc chung với nhau trong cộng đoàn. Chắc chắn, mỗi người đều có thể ít nhiều nhìn thấy và biết được quan điểm, thái độ, cũng như cách sống hiệp thông của từng thành viên trong cộng đoàn mình như thế nào và ở mức độ nào. Họ có không gian, thời gian và cả những hiểu biết căn bản về nhau để có thể cùng nhau phản tỉnh và giúp nhau xây dựng đời sống hiệp thông tốt đẹp hơn.

3.2. Thái độ

– Thể hiện những đức tính nhân bản. Một số đức tính nhân bản cần được thể hiện đó là: sự kính trọng, tử tế, chân thành, khiêm tốn, cẩn mật, biết làm chủ cảm xúc của bản thân, tính khôi hài, lòng khoan dung, sự tế nhị, …

– Tạo không gian nội tâm để lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần;

– Có tinh thần phục thiện và khả năng thay đổi;

– Khao khát sống hiệp thông một cách tích cực;

– Nhiệt tình dấn thân để xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn.

3.3. Cách thức thực hiện

Trong tinh thần tiến bước cùng với Giáo hội hiệp hành, phương thức gặp gỡ, lắng nghe và phân định sẽ được vận dụng vào việc hiệp hành sống hiệp thông của các thành viên trong cộng đoàn sống đời thánh hiến.

– Gặp gỡ

Cùng sống chung trong một cộng đoàn, chuyện các thành viên gặp gỡ nhau là điều hết sức bình thường. Gặp gỡ nhau để trao đổi công việc, để tâm sự những chuyện vui buồn một cách thân thiết và cũng có thể gặp gỡ nhau để bày tỏ những bất đồng, xung khắc. Với mục đích là cùng đi với nhau trên con đường hiệp thông của từng cá nhân để tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn của cộng đoàn, sự gặp gỡ này là sự gặp gỡ của những người môn đệ của Chúa Giêsu, là sự gặp gỡ của những người anh/chị em trong cùng một gia đình thiêng liêng nhưng đang hiện diện với nhau nơi một mái nhà ở trần thế. Như những người môn đệ của Chúa Giêsu, mỗi thành viên trong cộng đoàn có những hoàn cảnh gia đình, quá khứ, nghề nghiệp, sở trường, sở đoản, ý thức hệ, nhân sinh quan, tính cách, và lối sống khác nhau. Như những anh chị em trong cùng một gia đình, mỗi thành viên cũng có những yêu thương, san sẻ, gần gũi, và cũng có ích kỷ, ganh tỵ, tranh chấp hơn thua và thái độ loại trừ nhau.

Không thể nào có được một sự hiệp thông trong đời sống của mỗi cá nhân và cộng đoàn bao lâu các thành viên và cộng đoàn vẫn còn nguyên vẹn sự kỳ thị những khác biệt và chưa thấu cảm để cùng nhau chấn chỉnh những xung khắc, bất đồng! Việc đối thoại trong chân lý sẽ dẫn đến sự hiệp thông thật sự.[20] Do vậy, sự gặp gỡ là cơ hội để các thành viên đối thoại với nhau trong bác ái và chân lý để bước đi trên con đường hiệp thông. Người này có thể giải thích lý do, những lời nói, hành vi và lối sống mà bản thân mình cho rằng đã nỗ lực kiến tạo sự hiệp thông. Người kia có thể chân thành nói lên những cảm nhận, thao thức và góp ý của mình về thái độ và cách nỗ lực của người anh/chị em đó. Khoan dung, nhẫn nại, cởi mở, tế nhị và khiêm tốn là những thái độ mà các thành viên cần có trong sự gặp gỡ này.

– Lắng nghe

Lắng nghe là hành vi vô cùng quan trọng trong cuộc gặp gỡ của những người cùng đi trên con đường hiệp thông. Đây không chỉ là sự lắng nghe bằng đôi tai, nhưng là lắng nghe bằng cả con tim, để hân hoan và thổn thức với những nỗi niềm mà người đồng hành đang trải lòng ra với mình. Sự lắng nghe bị chi phối bởi óc thành kiến, bảo thủ cần phải được loại trừ và thay thế bằng thái độ lắng nghe của sự thấu cảm, tôn trọng những điều xem ra khác với quan điểm và mong muốn của bản thân. Một sự lắng nghe như vậy giúp các thành viên đi ra khỏi giới hạn hiểu biết và đánh giá của mình để không chỉ lắng nghe và đón nhận những gì người đang cùng đi chia sẻ mà còn lắng nghe tiếng Chúa nói với người ấy và cả tiếng Chúa muốn nói với mình.

Khi cảm nhận mình được lắng nghe, các thành viên trong cộng đoàn sẽ dễ dàng cởi mở, chia sẻ chân thành cách nghĩ, lối sống của mình trong tương quan với Chúa và với anh chị em mà không còn ngại ngùng và giấu diếm. Đây là thái độ lắng nghe trong tinh thần hiệp hành, một sự lắng nghe thật sự có khả năng “đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người”.[21]

– Phân định

Phân định được hiểu là “khả năng phán đoán giúp người ta phân biệt thiện với ác, tách bạch điều thánh thiêng với điều bình thường, nhìn thấu qua vẻ bề ngoài để biết chân giá trị và nhận ra đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa”.[22] Trong ý nghĩa đó, phân định không phải là chuyện đùa hay là việc có thể làm qua loa cho xong, nhưng là điều cần phải thực hiện một cách nghiêm túc. Sự phân định trong việc hiệp hành sống hiệp thông được thực hiện sau khi các thành viên đã thân tình gặp gỡ nhau, lòng kề lòng lắng nghe nhau và lắng nghe tiếng Chúa. Để thực hiện việc phân định theo tinh thần hiệp hành của Giáo hội, các thành viên phải suy tư và vận dụng cả con tim, khối óc để đưa ra những quyết định trong đời sống cụ thể nhằm tìm kiếm và nhận ra ý Chúa.[23]

Đức thánh cha Phanxicô đã nói rằng việc phân định không chỉ là điều có thể thực hiện bởi một khả năng tư duy tốt và một trí khôn nhân loại lành mạnh, nhưng còn là một ơn ban của Chúa Thánh Thần.[24] Để mở ra một chân trời mới của sự biến đổi đời sống hiệp thông cho cá nhân và cộng đoàn phù hợp với ý Chúa, các thành viên tham gia hiệp hành cần thực hiện việc phân định trong không gian cầu nguyện, suy gẫm, suy tư và nghiên cứu với tinh thần khiêm tốn theo ý muốn của Chúa chứ không theo ý muốn hay cảm tính của bản thân. Đồng thời, các thành viên cũng cần nỗ lực đối thoại chân thành với nhau và chú ý đến những trải nghiệm và thách đố của cá nhân và cộng đoàn. [25]

III. HƯỚNG TỚI VIỆC CANH TÂN ĐỜI SỐNG HIỆP THÔNG CỦA CÁ NHÂN

Mục đích của hiệp hành sống hiệp thông là canh tân đời sống hiệp thông của từng cá nhân trong cộng đoàn sống đời thánh hiến để thăng tiến sự hiệp thông của cộng đoàn và mở ra chân trời rộng lớn của việc tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng hiệp thông của Giáo hội. Bằng việc hiệp hành, trong hiệp hành và nhờ hiệp hành, đời sống hiệp thông của các phần tử của cộng đoàn được canh tân trên ba bình diện: cá nhân, cộng đoàn và sứ vụ.

1. Bình diện cá nhân: Chuyên viên hiệp thông

Sự hiệp hành giúp các thành viên trong cộng đoàn nhận ra những nét đẹp và những nét chưa đẹp trong việc thể hiện và kiến tạo sự hiệp thông của bản thân và anh chị em trong cộng đoàn. Từ đó, mỗi cá nhân có những cách thế và nỗ lực thay đổi để thật sự trở thành những chuyên viên hiệp thông.

1.1. Đời sống cầu nguyện

– Hiện diện với cộng đoàn một cách tích cực và đầy đủ trong các giờ cầu nguyện chung; các giờ cùng nhau lắng nghe, học hỏi, và suy niệm Lời Chúa. Lời Chúa là ngọn đèn soi bước sẽ giúp cá nhân nhận ra ý Chúa và được Chúa giúp phân định về bản thân và cộng đoàn.

– Gia tăng lòng yêu mến và siêng năng tham dự các giờ tôn sùng Thánh Thể chung của cộng đoàn. Bí tích Thánh Thể chính là “Bí tích của tình con thảo, bí tích của hiệp thông và sứ vụ”.[26] Do vậy, chính khi hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể, người được thánh hiến sẽ có khả năng tha thứ và yêu mến nhau”.[27]

– Ý thức sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của bản thân, của anh chị em và cộng đoàn. Chính Chúa Giêsu đã kết hợp các thành viên từ nhiều nơi khác nhau thành một cộng đoàn bất kể xuất thân, tính cách và khả năng khác nhau của mỗi người, và sự hiện diện của Người làm cho tất cả được hiệp thông nên một (x. Ga 17,23).

1.2. Sống ba lời khấn

– Gia tăng việc sống tinh thần vâng phục trong sự tự do và niềm yêu mến, đồng thời, động viên các thành viên khác trong cộng đoàn cùng nhau tuân giữ luật Giáo hội, luật Dòng và các quy định của cộng đoàn…

– Can đảm từ bỏ ý riêng, dự tính riêng và những sở thích, thói quen của bản thân để chọn theo ý Chúa, vì đức ái với anh chị em và ích chung của cộng đoàn…

– Làm mới lại con tim yêu thương: tìm thấy những điều tích cực của mọi người và yêu mến họ; xóa bỏ những giận hờn và làm hòa lại với những người mà bản thân đã và đang loại trừ vì bất hòa, xung khắc…

1.3. Đức ái huynh đệ

– Sống hài hòa, bao dung, cẩn mật, nhường nhịn, và tôn trọng các thành viên khác trong cộng đoàn;

– Là trung gian kiến tạo sự hòa thuận và hiệp thông giữa các thành viên trong cộng đoàn, và giữa những người đang có chuyện bất hòa với nhau trong môi trường thi hành sứ vụ;

– Bớt giờ sử dụng các phương tiện giải trí trên mạng xã hội, dành thêm thời gian để chuyện trò, quan tâm các thành viên khác trong cộng đoàn;

– Tổ chức và sắp xếp tham dự đầy đủ các sinh hoạt chung của cộng đoàn: các giờ kinh và việc đạo đức chung, giờ cơm, lao động, mua sắm, đi chơi, giải trí chung…;

– Vui tươi, thân thiện với mọi người trong và ngoài cộng đoàn; tránh mọi xung khắc, bất đồng, và hợp tác tốt với các cha xứ cùng những cộng sự viên khác trong việc thi hành sứ vụ.

Với nỗ lực canh tân đời sống hiệp thông của mình, các thành viên trong cộng đoàn sống đời thánh hiến sẽ trở thành những “chuyên viên hiệp thông” ngay trong cộng đoàn mình và ở bất cứ nơi nào mà họ hiện diện.

2. Bình diện cộng đoàn: Cộng đoàn hiệp thông

Sự hiệp thông giữa các thành viên làm cho niềm vui, sự bình an và năng lực thi hành sứ vụ tông đồ ngự trị trong cộng đoàn sống đời thánh hiến. Sự hiệp thông cá nhân khi hòa vào sự hiệp thông của cộng đoàn sẽ có khả năng mở rộng biên giới của sự hiệp thông nơi cộng đoàn mình để tiến đến sự hiệp thông với các cộng đoàn sống đời thánh hiến khác, với các giám mục, linh mục và giáo dân.[28] Một cộng đoàn có các thành viên của mình là những “chuyên viên hiệp thông” thì việc trở thành một cộng đoàn hiệp thông là điều không có gì là khó! Sứ vụ của cộng đoàn sống đời thánh hiến hôm nay là “tiến tới một nền linh đạo hiệp thông đích thực” bằng cách cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, đón nhận, suy niệm, sống Lời Chúa và thông truyền những kinh nghiệm trổ sinh từ việc thực hành Lời Chúa. [29] Sứ vụ này đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định trong Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata:

“Giáo hội ký thác cho các cộng đoàn sống đời thánh hiến bổn phận đặc biệt: đó là phát triển linh đạo hiệp thông trước tiên trong chính cộng đoàn của họ, kế đến trong cộng đồng Giáo hội và vượt cả biên giới này nữa, bằng cách kiên trì theo đuổi cuộc đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi hiện đang bị xâu xé bởi sự hận thù chủng tộc hay nạn bạo lực điên rồ. Được tháp nhập vào trong những xã hội của thế giới, – những xã hội thường bị cày xới bởi những đam mê và quyền lợi xung đột nhau, đang khao khát hiệp nhất nhưng lại ngập ngừng về những đường lối phải theo -, các cộng đoàn sống đời thánh hiến, nơi mà những con người khác nhau về tuổi tác, ngôn ngữ và văn hoá lại gặp nhau như những anh em chị em, trở thành những dấu chỉ chứng minh rằng luôn luôn có thể đối thoại được với nhau, và có thể hài hoà được nhờ có hiệp thông.”[30]

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể về việc thực hành “Linh đạo hiệp thông” trong Tông thư Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới Novo Millennio Inuente:[31]

– chiêm ngắm trong lòng về mầu nhiệm Ba Ngôi ở trong chính mình, và có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh.

– biết suy nghĩ đến anh chị em trong đức tin, như “những người là thành phần của tôi” để chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ; thấu cảm những ước muốn của họ; chú ý đến những nhu cầu của họ; và hiến cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính.

– thấy điều tích cực nơi người khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban

– biết cách “nhường chỗ” cho các anh chị em, bằng cách “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2) và chống chọi những cám dỗ ích kỷ …

Bằng việc tận tình hiệp hành sống linh đạo hiệp thông, các cộng đoàn sống đời thánh hiến trở thành những cộng đoàn hiệp thông. Khi hiện diện đó đây giữa lòng thế giới, các cộng đoàn sống đời thánh hiến sẽ tỏa ngát hương thơm hiệp thông và tham gia đắc lực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng hiệp thông.

3. Bình diện sứ vụ: Lời loan báo Tin Mừng hiệp thông

3.1. Tin Mừng hiệp thông

Bóng dáng của Tin Mừng hiệp thông đã được gặp thấy ngay từ bình minh của công trình sáng tạo của Thiên Chúa: con người là tác phẩm của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, qua lời của Người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Cho dù con người có làm đổ vỡ sự hiệp thông với Thiên Chúa do tội lỗi, Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo để đưa con người về với sự hiệp thông tiền định.

Tin Mừng về sự hiệp thông vẫn trải dài trong lịch sử nhân loại và Chúa Giêsu chính là hiện thân sống động của Tin Mừng về sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Người đã làm người để con người được làm Con Thiên Chúa. Người đã rao giảng Tin Mừng về sự hiệp thông qua việc quy tụ những con người khác nhau thành một cộng đoàn ở với Người và trở thành môn đệ của Người. Người nối kết các dân tộc, các giai cấp trong xã hội với nhau, đưa những người tội lỗi và công chính đến gần nhau, chữa lành các bệnh tật, xua trừ ma quỷ để không có ai bị đẩy ra bên ngoài xã hội vì tội lỗi và bệnh tật của mình. Người mãi mãi hiện diện với nhân loại, đưa nhân loại vào trong mối hiệp thông Ba Ngôi và khai mở một cộng đồng mới, là Giáo hội – Thân Thể của Người – nơi mà các thành viên trong Giáo hội là chi thể của Người. Chính trong cộng đồng nhân loại mới này, Chúa Giêsu cư ngụ với Chúa Cha và Thánh Thần của Người, và mọi chi thể khi hiệp thông với nhau trong sự tự hiến và phục vụ nhau được hiệp thông với nhau và được bước vào sự hiệp thông viên mãn với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tin Mừng hiệp thông thật sự là một tin mừng cho nhân loại hôm nay, cho những kiếp người, những nhóm người, những gia đình, những cộng đoàn, những dân tộc, và những quốc gia đang lầm lũi trong bóng tối u buồn của sự bất hòa, chia rẽ, loại trừ và hủy diệt.

3.2. Lời loan báo Tin Mừng hiệp thông: Sứ vụ của cộng đoàn sống đời thánh hiến

Lời mời gọi trở thành chứng nhân cho lời loan báo Tin Mừng mãi mãi chiếm vị trí quan trọng trong tinh thần và lối sống của các cộng đoàn sống đời thánh hiến. Nhận định của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI từ bốn mươi tám năm qua vẫn còn nguyên vẹn giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.[32] Công cuộc loan báo Tin Mừng cần có những thầy dạy để cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu cùng với các giá trị Tin Mừng được gieo vào tâm trí của con người, nhưng càng cần những con người là chứng nhân sống động cho những lời giảng dạy đó biết bao!

Người xưa có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Qua các thế hệ, bao lời rao giảng Tin Mừng vẫn được vang vọng đến với con người ở khắp nơi trên thế giới về sự hiệp thông, yêu thương, tha thứ… Nhưng chỉ khi nhìn thấy những con người nói rất hay, rất thuyết phục về các giá trị của Tin Mừng đó cũng luôn sống hiếu hòa, yêu thương và khoan dung với những người xung quanh, những tâm hồn khô cằn, tan nát vì thiếu tình thương, và mất đi hy vọng mới thật sự được biến đổi, và tìm về nối kết với tình Chúa và tình người.

Thế giới hôm nay có quá nhiều tin buồn vì thiếu vắng sự hiệp thông. Những mối tình vỡ vụn, những cuộc hôn nhân gãy đổ, những mối bất hòa không thể hòa giải, những cuộc trả thù đẫm máu và bao cuộc chiến tranh tang thương là kết quả của một nền văn hóa[33] khước từ và muốn giết chết sự hiệp thông. Cần lắm những tin vui, tin mừng đong đầy sự hiệp thông để bộ mặt thế giới được rạng rỡ hơn và người với người xích lại gần nhau hơn!

 Do vậy, việc loan báo Tin mừng hiệp thông cho thời đại hôm nay là sứ vụ cấp bách của cộng đoàn sống đời thánh hiến. Đời sống hiệp thông của cả cộng đoàn chắc chắn sẽ tạo thành một sức mạnh để trở thành chứng tá sống động và hữu hiệu về sự hiệp thông cho thế giới. Bằng việc hiệp hành sống hiệp thông và trở thành chứng nhân của sự hiệp thông, các cộng đoàn sống đời thánh hiến sẽ trở thành lời loan báo Tin mừng hiệp thông thuyết phục và hữu hiệu nhất ở khắp nơi trong lòng thế giới.

KẾT LUẬN

Giữa một xã hội còn quá nhiều xung khắc, con người dễ dàng đối đầu, cô lập và loại trừ nhau, những người sống đời thánh hiến được mời gọi “làm cho con người thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và chỉ cho họ những nẻo đường cụ thể đưa tới đó”.[34] Làm sao mà con người hôm nay có thể thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ nơi những người sống đời thánh hiến có lối sống dị biệt, có khuynh hướng chống đối, bất hợp tác và khước từ tha nhân? Và làm cách nào mà người ta tìm thấy được vẻ đẹp đó nơi các cộng đoàn sống đời thánh hiến chất chứa những xung khắc, bất hòa, bè phái và chia rẽ?

Tiến trình Hiệp hành của Giáo hội thổi một luồng gió mới vào cộng đoàn sống đời thánh hiến, làm bừng cháy mạnh mẽ hơn khát vọng canh tân tinh thần và lối sống của từng thành viên và cả cộng đoàn để thật sự trở thành “những chuyên viên về hiệp thông[35] và “chất men hiệp thông truyền giáo trong Giáo hội phổ quát”.[36] Việc hiệp hành sống hiệp thông giúp cho những người sống đời thánh hiến kiến tạo tình hiệp thông với nhau để cùng nhau đổi mới và thăng tiến sự hiệp thông của bản thân. Hơn nữa, việc hiệp hành này cũng giúp các cộng đoàn sống đời thánh hiến mở rộng không gian của sự hiệp thông đến những chân trời mà sứ vụ loan báo Tin Mừng về sự hiệp thông cần được tỏa sáng.

Tính hiệp hành là cốt lõi của công việc canh tân mà Công đồng Vatican II đã khuyến khích”.[37] Trong hiệp hành phải có sự hiệp thông và trong hiệp thông cần có sự hiệp hành. Xin mượn lời của Đức thánh cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti về Tình Huynh Đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội để ngâm nga như bài trường ca về vẻ đẹp của hiệp hành và hiệp thông:

“Không ai có thể đơn độc đương đầu với cuộc đời. Chúng ta cần có một cộng đồng để được nâng đỡ và được hỗ trợ, đồng thời trong cộng đồng đó chúng ta giúp nhau nhìn về phía trước. Mơ ước cùng nhau quan trọng biết mấy! Khi đơn độc, người ta có nguy cơ thấy những ảo ảnh, thấy những gì không có thật; còn ước mơ là do cùng nhau tạo nên. Vậy chúng ta hãy ước mơ như một nhân loại duy nhất, như những người du hành cùng chia sẻ một thân xác con người, như những đứa con của cùng một đất mẹ, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người với sự phong phú của niềm tin và những xác tín của mình, mỗi người với cung giọng riêng của mình, tất cả đều là anh em”.[38]

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)

[1] X. ĐGH Phanxicô, Diễn từ Kỷ Niệm 50 Năm Thiết Lập Thượng Hội đồng Giám mục (17/10/2015), hdgmvietnam.com, truy cập 28/8/2023.

[2] X. Vaticanô II, Cẩm Nang cho Thượng Hội đồng về Tính Hiệp Hành, hdgmvietnam.com, số 1.2, truy cập 28/8/2023.

[3] X. ĐGH Phanxicô, Tông thư gửi tất cả Những Người Thánh Hiến Dịp cử hành Năm của Đời Sống Thánh Hiến (21/11/2014), hdgmvietnam.com, số I.2, truy cập 28/8/2023.

[4] X. Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata (25/3/1996), số 41.

[5] X. HĐGMVN, UBGLĐT, BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO, Từ Điển Công giáo (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016), 392.

[6] 1 Cr 1,9: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

[7] X. HĐGMVN, Từ Điển Công giáo (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016), 392.

[8] X. Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ trong Cộng Đoàn Fraternal Life in Community (02/02/1994), số 11.

[9] Ibid., số 10.

[10] Ibid., số 51.

[11] ĐGH Phanxicô, Tông thư gửi tất cả Những Người Thánh Hiến Dịp cử hành Năm của Đời sống Thánh hiến, 21/11/2014.

[12] X. José Cristo Rey García Paredes, Theology of Religious Life: Covenant and Mission [Thần Học Đời Sống Thánh hiến: Giao Ước và Sứ Vụ, Vol. 4. Communion and Community [Quyển 4. Hiệp Thông và Cộng Đoàn] (Quezon City: Claretian Publications, 2006), 6.

[13] HĐGMVN, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007), số 131.

[14] X. Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ trong Cộng Đoàn Fraternal Life in Community (02/02/1994), số 65.

[15] X. SP Pretorius, “Understanding Spiritual Experience in Christian Spirituality,” [Hiểu về Kinh Nghiệm Thiêng Liêng trong Linh Đạo Kitô giáo] Acta Theologica, Supplementum 11 (2008): 151.

[16] Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, “Hiệp hành là Lối Sống của Hội Thánh”, tgpsaigon.net, truy cập 02/9/2023.

[17] X. Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ trong Cộng Đoàn Fraternal Life in Community (02/02/1994), số 26.

[18] X. Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ trong Cộng Đoàn Fraternal Life in Community (02/02/1994), số 2.

[19] X. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp video gửi cho Đại hội đồng Toàn thể của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, vaticannews.va/vi, truy cập 05/9/2023.

[20] X. ĐGH Bênêdictô XVI, Thông điệp Bác ái trong Chân Lý Caritas in Veritate (29/6/2009), số 4.

[21] Cẩm Nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về Tính Hiệp Hành, số 2.3.

[22] Nguyễn Đình Diễn, Từ Điển Công giáo Anh Việt (NXB Đồng Nai, 2014), 615.

[23] X. Cẩm Nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về Tính Hiệp Hành, số 2.2.

[24] ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Hãy Vui Mừng Hân Hoan Gaudete et Exsultate (19/3/2018), số 166.

[25] X. UBTHQT, Tính Hiệp Hành trong Đời Sống Giáo hội, số 114.

[26] X. Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Tông Đồ, Huấn thị Xuất Phát Lại từ Đức Kitô Starting Afresh from Christ, số 26.

[27] Ibid.

[28] X. Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Hiệp Hội Tông Đồ, Huấn thị Xuất Phát Lại từ Đức Kitô Starting Afresh from Christ, số 31.

[29] Ibid., số 24.

[30] Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata (25/3/1996), số 51.

[31] Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông Thư Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới Novo Millennio Inuente (06/01/2001), số 43.

[32] Thánh GH Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi (8/12/1975), số 41.

[33] Từ “văn hóa” ở đây được hiểu là “những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần” trong Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng, 2004), 1100.

[34] Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata ((25/03/1996), số 41.

[35] Thánh GH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến Vita Consecrata ((25/03/1996), số 46.

[36] Ibid., số 47.

[37] Lm Giuse Trương Đình Hiền, Chúng Tôi Cùng Đi Với Anh, (Tìm hiểu khái quát về ý nghĩa “Hiệp Hành – Synodality), 30/9/2021, số II.1.2.1, nguồn hdgmvietnam.com, truy cập 05/9/2023.

[38] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Về Tình Huynh đệ và Tình Bằng Hữu Xã Hội Fratelli Tutti (03/10/2020), số 8.

Trả lời