Chúa Nhật IIII Thường Niên Năm C

Suy Niêm 1:

Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ban hành ngày 26.12.2024, là một quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, chính sách này đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều, do thực trạng đường sá và hạ tầng giao thông tại các đô thị, trung tâm giao lộ và quốc lộ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Đây là một bài toán lớn đòi hỏi các cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với đời sống thực tế.

Trong bối cảnh này, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm về một lề luật cao trọng hơn – lề luật của Tin Mừng. Khi Chúa Giêsu trở về quê hương và vào hội đường như thường lệ, Ngài đã đọc và giải thích Kinh Thánh: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh Kinh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21). Qua lời tuyên bố này, Chúa cho thấy rằng lề luật không chỉ là những quy định khô khan mà phải được sống động hóa, hòa quyện với tình yêu thương và lòng thương xót.

Những lề luật của thế gian đôi khi chưa hoàn hảo vì không thể đồng cảm trọn vẹn với người nghèo, người yếu thế – những con người thường bị quên lãng. Chúng ta thấy điều này trong thực tế, khi các quy định tưởng chừng vì lợi ích chung nhưng lại có nguy cơ tạo khoảng cách, gây chia rẽ lòng người và làm xói mòn niềm tin trong xã hội.

Chúa Giêsu, qua hành động và lời nói của Ngài, nhắc nhở rằng lề luật chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó dẫn đến tình yêu và sự sống. Ngài hiện tại hóa Lời Chúa không chỉ bằng lời giảng dạy, mà còn qua cách sống. Đó cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta.

Khi một năm cũ khép lại, thời điểm đoàn tụ gia đình cũng là dịp để mỗi người nhìn lại hành trình của mình. Chúng ta có cơ hội tiếp xúc với bà con, láng giềng và những người thân thương, giống như Chúa Giêsu trở về quê nhà. Qua sự gặp gỡ đó, Chúa mời gọi chúng ta làm sống động Tin Mừng qua từng lời nói, hành động và cử chỉ.

Hãy để những người xung quanh cảm nhận được sự hiện diện của Chúa qua chúng ta – một Thiên Chúa của tình yêu, chia sẻ, niềm vui và hạnh phúc. Đời sống Kitô hữu không chỉ là tuân giữ lề luật vì nghĩa vụ, mà còn là sống luật yêu thương bằng một con tim rộng mở.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn các nhà lãnh đạo, các nhà lập pháp, để họ biết lắng nghe tiếng nói của lương tâm và hành động vì lợi ích chung. Xin cho mọi quyết định của họ không chỉ dựa trên lý trí, mà còn thấm nhuần lòng nhân ái, nhằm mang lại công lý và hòa bình thực sự.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta cảm nhận được nỗi đau và niềm vui của tha nhân, để biết sẻ chia và dấn thân hết khả năng cho những người đang cần sự giúp đỡ. Ước gì tình yêu Chúa, Đấng là Mùa Xuân đích thực, ban cho chúng ta niềm vui mới trong năm mới.

Hãy sống, làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới hôm nay, như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng khuyên: “Chúng ta hãy mang một đồng phục và một ngôn ngữ là Tình Yêu.” Chúng ta đừng để những biến chuyển của thế gian làm phai mờ đức tin; hãy để mỗi ngày là một trang giấy mới, nơi Lời Chúa tiếp tục được thực hiện: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh Kinh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21).

Sr. Ephata

Suy niệm 2:

 Lời Chúa – Ánh sáng dẫn đường

Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện Chúa Giê-su trở về quê hương Nazareth, vào hội đường đọc sách thánh. Ngài tuyên đọc lời tiên tri Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm…” Đây không chỉ là lời khẳng định sứ vụ của Chúa Giê-su mà còn là lời mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Lời Chúa, để Lời ấy trở thành nguồn sống và sự giải thoát cho cuộc đời.

Qua sứ mạng của Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra rằng Lời Chúa không chỉ là chữ nghĩa trên trang giấy mà là lời sự sống, hy vọng và chữa lành. Lời ấy có sức mạnh biến đổi những tâm hồn tan nát, khơi lên niềm tin nơi những người mất phương hướng và đem lại ánh sáng cho những ai đang chìm trong bóng tối.

Tuy nhiên, để cảm nghiệm được sức mạnh này, Chúa Giê-su mời gọi mỗi người phải biết ấp ủ Lời Ngài, cho phép Lời Chúa ứng nghiệm trong đời sống. Nghĩa là không chỉ đọc hay nghe Lời Chúa một cách hời hợt, nhưng để Lời ấy thấm nhập vào từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Khi sống Lời Chúa, chúng ta mới thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Ngài trong mọi hoàn cảnh.

Lời tiên tri Isaia mà Chúa Giê-su công bố cũng chính là sứ mạng của Hội Thánh hôm nay: mang Tin Mừng đến cho người nghèo, an ủi những tâm hồn sầu khổ, và loan báo tự do cho những ai đang bị áp bức, trói buộc. Nhưng trước tiên, mỗi người tín hữu được mời gọi làm chứng cho Lời Chúa qua chính đời sống thường nhật.

Hãy tự hỏi: Tôi đã làm gì để Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường trong cuộc đời mình? Lời Chúa có phải là kim chỉ nam hướng dẫn tôi vượt qua những thử thách, cám dỗ, hay tôi dễ dàng để mình bị cuốn theo những điều phù phiếm, vô bổ? Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta rằng chỉ khi gắn bó với Lời Chúa, chúng ta mới có sức mạnh vượt qua mọi bất trắc, tìm được sự bình an đích thực.

Hằng ngày, chúng ta thường xuyên nghe hoặc đọc Lời Chúa qua thánh lễ, giờ suy niệm, hoặc các bài giảng. Nhưng điều quan trọng không phải là nghe bao nhiêu lần, mà là để Lời Chúa biến đổi mình như thế nào. Một người yêu mến Lời Chúa thật sự sẽ tìm cách để Lời ấy tác động đến mọi khía cạnh của đời sống, từ các quyết định nhỏ bé đến những lựa chọn lớn lao.

Ví dụ, trong đời sống gia đình, Lời Chúa là ánh sáng soi đường giúp chúng ta sống yêu thương, tha thứ, và xây dựng mái ấm hòa thuận. Trong môi trường làm việc, Lời Chúa nhắc nhở ta sống công bằng, liêm chính, và tôn trọng người khác. Và khi đối diện với những thử thách, Lời Chúa trở thành nguồn sức mạnh nâng đỡ, giúp ta bền lòng vượt qua.

Chúa Giê-su đến để công bố một thời đại mới – thời đại của ân sủng và sự chữa lành. Đáp lại lời Ngài, mỗi người chúng ta được mời gọi sống gắn bó với Lời Chúa, để Lời ấy trở thành nguồn hy vọng, ánh sáng và sức mạnh cho đời sống.

Xin Lời Chúa ở mãi trong chúng con, là ánh sáng soi đường và niềm an ủi cho cuộc đời chúng con.

Sr. M. Nhị Thơ

Để lại một bình luận