Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A

Suy niệm 1:

GẶP ĐỂ GỠ

“Hỏi ta sống ở đời này để làm gì? Thưa ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và thương yêu mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hạnh phúc đời đời.” Đây là câu giáo lý đầu tiên trong sách giáo lý Tân Định mà chắc hẳn có rất nhiều người được học từ thuở nhỏ. Đọc kĩ từng từ của câu giáo lý chúng ta thấy được rằng mục đích tối hậu của con người khi được Thiên Chúa dựng nên đó là để nhận biết Ngài và yêu thương anh chị em mình để rồi cùng nhau xây dựng một thiên đàng ngay ở trần gian này, và chờ đợi hạnh phúc bất diệt trên thiên quốc. Vậy cuối cùng mục đích mà con người bao thế hệ hướng đến vẫn là đi tìm hạnh phúc.

Hình ảnh người phụ nữ Samari trong Tin Mừng Chúa nhật thứ 3 Mùa Chay hôm nay là đại diện cho mẫu người luôn khát khao và đi tìm hạnh phúc cho bản thân mình. Chị không sai khi làm như thế nhưng điều cốt lõi là chị chưa tìm được hạnh phúc thật nơi trần gian này, bằng chứng là chị đã trải qua năm đời chồng nhưng tự trong sâu thẳm cõi lòng chị vẫn còn khát khao một điều gì đó cao cả hơn, mãnh liệt hơn và lâu dài hơn. Chị thừa biết đời sống của mình – với năm đời chồng đã trải qua – sẽ là tiêu điểm cho người ta bàn tán chê bai khi chị xuất hiện ở chỗ đông người nên chị đã làm một việc khác với thói quen của những người phụ nữ thời bấy giờ đó là đi lấy nước vào giữa trưa thay vì vào sáng sớm. Chị mặc cảm, chị xấu hổ cho những việc làm của mình nhưng thật sự chị chưa tìm được một đối tượng hay một điều gì có thể khỏa lấp nỗi trống vắng nơi chị. Trong lòng chị vẫn còn nhiều nút thắt. Và vào buổi trưa ấy, Chúa Giêsu xuất hiện.

Ngài từng bước đi vào và thay đổi cuộc đời chị một cách tiệm tiến. Ngài khiêm tốn “cầu cạnh” chị để xin chút nước uống trong khi Ngài là Đấng Toàn Năng. Ngài kiên nhẫn giải thích cho chị hiểu để chị có cái nhìn khác hơn về những điều mà từ lâu đã in sâu vào tâm trí của chị. Ngài từ từ loại bỏ đi những rào cản mà tôn giáo thời bấy giờ đã giăng ra để Ngài bước đến với chị và để chị đến với tha nhân. Ngài giúp chị gỡ bỏ đi những khúc mắc trong lòng, giúp chị can đảm quay về với thực tại của bản thân: là chị đang thiếu thốn, đang khao khát, đang kiếm tìm. Và cuối cùng chị được Ngài biến đổi thành một nhân chứng một sứ giả loan báo về Đấng Messia cho mọi người.

Hình ảnh người phụ nữ bên bờ giếng Giacob cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Chúng ta khao khát, chúng ta trông mong, chúng ta khắc khoải trước định nghĩa thật sự của hạnh phúc. Chúng ta kiếm tìm mọi thứ, chúng ta nương tựa mọi nơi, chúng ta đặt tình cảm vào mọi người mà chúng ta nghĩ rằng đó sẽ là nguồn hạnh phúc cho cuộc đời của chúng ta. Nhưng như lời của thánh Tiến Sĩ Augustino: “Lạy Chúa, tâm hồn con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.” Vì Chúa tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh Chúa, Ngài đặt vào sâu thẳm tâm hồn chúng ta một nỗi khát vọng đi tìm hạnh phúc vì thế chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc đó khi tìm gặp Chúa và trở về với lòng mình, để khi chúng ta lãnh nhận được nguồn ân sủng từ nơi Chúa và được Ngài gỡ bỏ đi những nút thắt trong cuộc sống, chính chúng ta sẽ là nguồn lan tỏa hạnh phúc, ân sủng và tình yêu của Chúa cho anh chị em.

Chúa là mạch nước trường sinh

Cho con no thỏa ân tình khôn nguôi.

Chúa nguồn hạnh phúc cho đời

Tìm về bên Chúa rạng ngời vinh quang.

Bảo Bảo

Suy niệm 2:

TRONG ÁNH SÁNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH CHỈ CHO CHÚNG CON CON ĐƯỜNG ĐI

          Tin Mừng hôm nay cho chúng ta suy niệm về một cảnh tượng hoàn toàn phi thường. Thánh Gioan mạc khải cho chúng ta toàn bộ mầu nhiệm Thiên Chúa. Bắt đầu từ nước tưới cho cây và mang lại sự sống cho thế giới. Điều này diễn ra ở Samari, tại giếng của Giacob. Đây là nơi Chúa Giêsu dừng lại vì đi đường mệt. Và đó là nơi Ngài gặp người Samaritanô. Thông thường, cuộc gặp gỡ này không nên diễn ra vì người Do Thái và người Samari tránh gặp nhau.

     Người phụ nữ đến lấy nước này là biểu tượng của nhân loại bị tổn thương của chúng ta. Chúa thấy chúng ta lao vào nguy hiểm và sa vào tội lỗi. Ngài làm mọi thứ để đưa chúng ta ra khỏi đó. Ngài sai Con Ngài đi “tìm và cứu những gì đã mất”. Khi Đức Kitô xin người phụ nữ Samari “cho tôi nước uống”, chúng ta hiểu rằng Người khát khao cứu chị. Người phụ nữ Samari sẽ dần dần được hướng dẫn để nhận ra nơi Chúa Giêsu Nguồn Nước Hằng Sống.

     Một trong những đặc điểm của thời đại chúng ta là: chúng ta dễ định cư trong sa mạc của sự thờ ơ, hoài nghi, “không tin tưởng”. Đức tin trở thành điều thứ yếu đối với công việc, sở thích và các hoạt động hàng ngày khác nhau của chúng ta. Chúa bị từ chối. Nhưng khi chúng ta muốn xua đuổi tôn giáo, thì nó lại quay trở lại dưới hình thức đồi trụy nhất: đó là sự trỗi dậy của mê tín dị đoan… Chính trong sa mạc này mà Chúa Giêsu muốn gia nhập thế giới của hôm nay. Ngài không muốn bất cứ ai bị lạc. Chính vì chúng ta và toàn thế giới mà Người đã hiến mạng sống mình trên thập giá.

          Bài Tin Mừng này là một lời mời gọi khám phá ra đâu là cơn khát thực sự của chúng ta, đâu là ước muốn sâu xa của chúng ta. Đức Kitô không ngừng ban cho chúng ta nước Hằng Sống. Những lời của Ngài là những lời của “sự sống đời đời”. Khi chúng ta chấp nhận thực sự gặp Ngài, mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta đều thay đổi. Đây là điều đã xảy ra cho người phụ nữ Samari. Người mang nước trở thành người mang Tin Mừng. Cô ấy chạy về để báo cho gia đình mình, bà dẫn họ đến gặp Đấng mà bà đã công nhận là Đấng Mêsia. Người phụ nữ Samari tin Chúa Giêsu: Ngài là Đấng Cứu Thế của thế gian.

         Thiên Chúa tham gia với chúng ta trong tất cả các tình huống của cuộc sống của chúng ta, ngay cả những tình huống phức tạp nhất. Bất chấp những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, Người dập tắt chúng ta tại Nguồn nước hằng sống, đó là Lời của Người và Thánh Thể của Người. Sau đó, giống như người phụ nữ Samari, chúng ta được sai đi để loan báo rằng Chúa Giêsu thực sự là “Đấng Cứu Thế của thế gian.” Amen.

Fiat

Người bảo chị: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng”. Đức Giê-su bảo: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” (Ga 4, 16-18)

 Suy Niệm 3:

Hôm nay Tin Mừng Gioan thuật lại cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Samari. Trong cuộc đối thoại này, Đức Giê-su sử dụng khoa sư phạm tiệm tiến. Từ thực tại đời thường, Chúa dẫn người phụ nữ tìm về thực tại vĩnh cửu; từ việc tìm thỏa mãn cơn khát thể lý, Ngài hướng dẫn chị  tìm đến sự khao khát nguồn nước trường sinh.

Với sự khéo léo và tế nhị, Đức Giê-su đã nhẹ nhàng đi vào đời tư của người phụ nữ. Chúa ứng xử cách rõ ràng khi nói về đời tư của chị. Ngài không ngần ngại khơi gợi lên quá khứ mà chị ta không muốn nhớ đến; Ngài thẳng thắn đề cập đến quãng đời tội lụy mà chị ta muốn tìm quên. Phải chăng Đức Giê-su đang lên án và kết tội người phụ nữ này? Để giúp người phụ nữ nhận ra bản thân mình được người khác thấu hiểu cùng thương cảm, Đức Giê-su dường như trở nên như một người cần được sự giúp đỡ từ chị: “Chị cho tôi xin chút nước”; đồng thời Chúa cũng chấp nhận để chị ta can dự đến mình “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một người phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”. Từ sự tương quan nhân vị và cá vị này, Chúa Giê-su chỉ cho người phụ nữ biết đâu là sự khát khao đích thực mà con người cần đạt đến. Sự khát khao đích thực ấy không đặt ở con người – chị ta đã cất công kiếm tìm cho đến nỗi năm, sáu đời chồng mà vẫn thấy chưa thỏa đáng, Chúa muốn dẫn lối đưa chị tìm về với suối nguồn yêu thương tuyệt đối là chính Chúa: “Nếu chị nhận ra ân huệ Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban chi chị nước hằng sống”.

Lòng khát vọng sâu xa của phụ nữ Samari cũng là hình bóng khát vọng của mỗi chúng ta. Khát vọng ấy vẫn đau đáu chi phối từng ngày nơi đời sống của mỗi người chúng ta. Khát vọng này dẫn chúng ta đi tìm những đối tượng để thỏa mãn những cơn khát, mà ngôn từ ngày nay người ta thường gọi là “nghiện”.  Có những cơn nghiện chúng ta thấy được, chẳng hạn nghiện một người, một vật hay một mối tương quan nào đó, … Cũng có những cơn nghiện không mang hình tướng, chẳng hạn như nghiện danh vọng, địa vị, khát khao được yêu thương, … Chúng ta bị những cơn nghiện này giằng co, xâu xé tâm hồn, khiến chúng ta tìm thỏa mãn hết những mong cầu này đến mong cầu khác, không có điểm dừng. Con người thật đáng thương khi chỉ biết tìm hạnh phúc nơi các thụ tạo!

Hôm nay, Đức Giê-su cho chúng ta biết điều mà con người phải nên kiếm tìm, đó là chính Thiên Chúa, cội nguồn của sự sống và tình yêu. Thầy Giê-su đã vạch trần sự hữu hạn của tình yêu nơi các thụ tạo – uống nước chỉ làm giảm cơn khát thể lý và chỉ khi uống nước hằng sống, được Thiên Chúa yêu thương, thì con người mới được vững dạ an lòng, như Thánh Augustino đã nói “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”. Thật vậy, sự khắc khoải ấy chính là cơn khát Thiên Chúa, bởi hạnh phúc trần gian không khoả lấp được lòng khao khát vô tận của con người “uống rồi lại khát” –  chỉ trong Thiên Chúa, con người mới tìm được nguồn bình an, hạnh phúc thật sự. Ước mong sao giữa bộn bề của cuộc sống, mỗi người chúng ta nhận ra con đường mà Đức Giê-su đã đi và can đảm dấn thân bước theo Ngài.

Lạy Chúa Giê-su, trong thân phận mỏng dòn, chúng con dễ bị lôi cuốn tìm kiếm những sự vật để thỏa mãn cơn khát thể lý, mà quên đi việc tìm ra “mạch nước hằng sống” cho hạnh phúc vĩnh cửu đời mình. Nguyện xin Chúa Giê-su cho con được nương ẩn trong Ngài, để nhờ đó, tâm hồn và lòng khao khát tìm hạnh phúc nơi con được no thỏa.

Xin giúp con trở thành người mang Chúa đến cho anh chị em mình, như người phụ nữ Samari khi nhận ra Chúa là Đấng Hằng Sống. Xin Chúa giúp con trong mùa chay thánh này, biết cố gắng hy sinh chịu khó hơn trong việc bổn phận hằng ngày, để con được hiệp thông với Chúa trong cuộc thương khó. Xin Chúa thương đón nhận mảnh tình yêu bé nhỏ đời con dâng lên Ngài. Amen.

M.Nhị Thơ

Trả lời