Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên Năm B

Suy Niệm 1:

Sự Hiện Diện Của Chúa

Sự vắng mặt thể lý dễ khiến cho người ta có cảm giác xa cách và thiếu vắng. Tuy nhiên, trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su tiềm ẩn sự hiện diện của Ngài ngang qua lòng tin và sứ vụ của các môn đệ; đồng thời Ngài mời gọi các ông cũng như mọi người tin theo Chúa hãy xác tín niềm tin của mình qua việc thực thi lệnh truyền “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

Quả vậy, sự vắng mặt của Chúa Giê-su không khiến các môn đệ cảm thấy hụt hẫng hay đơn độc, mà đây còn là cơ hội giúp cho các ông trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, và nhất là Chúa đã tin tưởng trao cho các ông sứ vụ quan trọng loan báo Lời Hằng Sống. Quả thật, Thầy Giê-su biết rõ từng người môn đệ của mình, thế nên, Ngài đã đưa ra một quy chuẩn để giúp các ông thực thi sứ vụ cách dễ dàng“Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. Thật vậy, ơn cứu độ luôn là phần thưởng dành cho những ai tin vào Chúa Giê-su, nhưng niềm tin ấy phải là niềm tin của việc sẵn lòng đón nhận tất cả những điều Chúa dạy, và kiên trì trung thành thực thi những gì mà ta đã tin nhận.

Ngoài ra, để giúp cho những lời rao giảng của các môn đệ trở nên khả tín, Chúa Giê-su ban những dấu lạ kèm theo cho những ai tin Chúa và nhân danh Ngài mà làm phép lạ, thì họ sẽ “trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ, […] thì những người này sẽ được mạnh khỏe”. Ở đây, Chúa Giê-su nói rõ giữa hai yếu tố lòng tin và phép lạ trong hành trình loan báo Lời: lòng tin vẫn là yếu tố chính để làm chứng cho Chúa, còn phép lạ chỉ là sự xác thực kèm theo khiến cho lời các môn đệ rao giảng trở nên đáng tin, vì có lần Chúa Giê-su khẳng định với các ông “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này rời khỏi đây, […] và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”. Như vậy, điều Chúa Giê-su muốn người môn đệ làm chứng về Ngài không chỉ dừng lại ở nơi những dấu lạ, nhưng trên hết là sống một niềm tin vững mạnh và giúp cho tha nhân nhận ra sự hiện diện của Chúa ngang qua cung cách sống của mình.

Với ánh sáng của niềm tin, tuy Chúa Giê-su đã về trời và đang ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng Ngài chưa bao giờ quên lãng chúng ta, với sự hiện diện cách mầu nhiệm nơi các bí tích, Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Phần chúng ta, những người được mệnh danh là Ki-tô hữu, sứ vụ rao giảng cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là bổn phận của mỗi chúng ta. Thế nhưng, nhân loại ngày nay dường như đang dần quên sự hiện diện của Chúa trong thế giới này, khi đây đó vẫn còn các quốc gia tìm cách triệt hạ nhau vì các lợi ích kinh tế, sống thiếu tình bác ái vì những giá trị vật chất. Và lối sống này cũng đang tàn phá hạnh phúc nơi các gia đình, sự hiệp nhất nơi các Hội dòng,…. Phải chăng lối sống của ta đang phản chứng sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống này? Hay sự dấn thân phục vụ Chúa và Giáo hội nơi ta còn nửa vời, còn nhiều tính toán thiệt hơn?

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin kiện toàn lòng tin vào Chúa nơi chúng con cũng như tất cả mọi người, để nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng con thoát khỏi những ràng buộc của sự dữ và tội lỗi, nhờ đó chúng con hân hoan lên đường loan báo ơn cứu độ của Chúa đến cho muôn người; và nhân danh Chúa, chúng con trở nên những những dấu chỉ thánh thiêng giúp cho anh chị em nhận ra tình yêu và sự quan phòng của Chúa đang đồng hành với họ. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

Một câu nói chắc hẳn ai cũng đã từng được nghe qua “cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, bữa tiệc nào rồi cũng sẽ tan”. Đây là một sự thật mà con người không thể tránh khỏi “có hợp” chắc chắn sẽ “có tan”. Và bối cảnh trong Tin Mừng Chúa Nhật lễ Thăng Thiên hôm nay, câu nói trên cũng mang lại một ý nghĩa nhất định cho cả Chúa Giêsu Phục Sinh và các tông đồ của Ngài.

Trong suốt khoảng thời gian công khai rao giảng của Chúa Giêsu, có thể nói mười hai tông đồ như là những anh em, bạn bè và là những người thân thiết của Chúa. Thầy trò đã cùng nhau trải qua những thăng trầm cuộc sống, nhất là qua biến cố tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, có lẽ lúc bấy giờ đối với các tông đồ Chúa Giêsu là cứu cánh duy nhất để họ đứng vững trên cuộc đời này, vì trước đó các ông đã bỏ tất cả mọi sự để đi theo Ngài.

Thế mà, vào một ngày “đẹp trời” sau khi đã ban lệnh truyền Chúa Giêsu lại biến mất trước mắt các ông. Dù việc “ra đi” của Chúa Giêsu không phải là điều bất ngờ. Vì rất nhiều lần Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ đến việc rời bỏ thế gian về với Chúa Cha. Và khi các ông tận mắt chứng kiến Chúa Giê-su về trời, có lẽ tâm trạng của các ông không khỏi xao xuyến và nhiều thắc mắc: Thầy sẽ đi về đâu? Để làm gì? Tương lai anh em chúng ta sẽ như thế nào? Thầy bảo chúng ta đi rao giảng Tin Mừng nhưng lấy dấu gì để mọi người tin vào chúng ta?

Thế nhưng, chúng ta đọc lại Kinh Thánh, ta sẽ thấy tất cả những nghi vấn của các tông đồ đã được Chúa Giêsu giải đáp trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn:

  • Thầy lên cùng Cha Thầy cũng là Cha của anh em (Gioan 20,17)
  • Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. (Gioan 14, 2)
  • Nếu Thầy không đi Đấng Bảo Trợ sẽ không đến (Gioan 16, 7)
  • Nhân danh Thầy anh em sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ (Gioan 16, 17)
  • Chính anh em là chứng nhân về những điều này (Lc 24, 48)

Như vậy, cuộc chia ly của Chúa Giêsu và các tông đồ hôm nay không mang dáng dấp của “đau thương hay bi luỵ” nhưng qua sự ra đi của Ngài, các tông đồ lại càng thêm tin tưởng hơn vào lời hứa ban Đấng Bảo Trợ để cùng hoạt động với các ông và chính Chúa Giêsu cũng đã hứa “ở cùng các môn đễ cho đến ngày tận thế” (Mt 28, 20).

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, trong cuộc sống trần thế, chúng con không thể nào tránh khỏi những cuộc chia ly gây nhiều thương tiếc, thế nhưng với niềm tin, chúng con tin tưởng rằng, việc gì xảy đến với chúng con đều là thánh ý của Chúa, và luôn mang lại mưu ích cho phần rỗi của chúng con. Xin cho lòng chúng con luôn hướng về Trời cao, để mỗi ngày sống chúng con luôn cố gắng thực thi lệnh truyền của Chúa là rao giảng Tin Mừng và làm cho muôn dân trở thành con cùng một Cha.

Chúa lên trời mang niềm hy vọng

Con ra đi gieo rắc Tin Mừng. Amen.

Bảo Bảo

Suy Niệm 3:

Các đây không lâu, trong Lễ Giáng Sinh Giáo Hội hân hoan mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu xuống thế làm người để thực hiện ý định và chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Cha. Hôm nay Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, Giáo Hội long trọng mừng lễ Chúa Giêsu về trời trở về cùng Chúa Cha sau khi đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó nơi trần gian.

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, xuống thế làm người, chịu đau khổ, chết trên thập giá đã sống lại và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đó là niềm tin, niềm hy vọng của chúng ta. Niềm tin, niềm hy vọng đó cần phải được sống, thể hiện cách cụ thể trong lời nói, việc làm của chúng ta, phải thúc đẩy chúng ta sống khác với những người vô thần, bởi lòng trí họ chỉ chạy theo cơm áo, gạo tiền, địa vị, chức quyền, lợi lộc của thế gian và xem đó là cùng đích của họ. Là Kitô hữu chúng ta đang sống trên trần gian, chúng ta cũng làm việc, không chỉ nhằm tìm kiếm những của cải chóng qua ấy, nhưng lòng trí chúng ta còn hướng về trời cao, nơi Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha. Với niềm trông chờ Chúa trở lại đem chúng ta về trời với Ngài. ÔBACE có khao khát được ở trên trời với Chúa Giêsu không?

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ vụ Chúa Cha trao phó nên Ngài mới về trời. Do đó, nếu chúng ta muốn được về trời, thì ta cũng phải hoàn thành mọi vai trò và trách nhiệm của mình mà Chúa đã trao phó. Vậy, đâu là bổn phận trách nhiệm của chúng ta? Trách nhiệm của chúng ta là gì? Vai trò, bổn phận của chúng ta trong gia đình đó là ông-bà, cha-mẹ, vợ-chồng, anh-chị, và là con cái trong gia đình. Chúng ta đã chu toàn bổn phận ấy như thế nào? ÔBACE phải yêu thương, chăm sóc, dạy bảo con cái, hướng dẫn chúng sống đức tin, giúp con cái sống tốt, sống và sống đẹp lòng Chúa. Làm vợ – chồng phải yêu thương nhau, chung thuỷ, nâng đỡ với nhau làm việc, để có điều kiện lo cho gia đình và con cái. Trong giáo xứ, vai trò là Cha, Thầy, Sơ, Ya, Chú Tơm, Yao Phu, giáo dân, chúng ta đã chu toàn sứ ấy ra sao?

Để chu toàn bổn phận, trách nhiệm Chúa Cha giao phó, Chúa Giêsu phải từ bỏ ý riêng của mình, vâng lời, tin tưởng phó thác vào Chúa Cha, yêu thương phục vụ người khác không ngại vất vả, đau khổ nhưng sẵn sàng hy sinh chết vì nhân loại. Chúng ta cũng vậy, chúng ta chỉ có thể chu toàn các bổn phận khi chúng ta noi gương Chúa Giêsu, chấp nhận từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa. Mừng Lễ Chúa Giêsu Về Trời, chúng ta được mời gọi đặt niềm tin, niềm hy vọng vào sự sống đời sau, và thể hiện niềm tin đó ngay giữa thế gian này, qua việc sống chu toàn bổn phận, trách nhiệm của người Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày.

Lạy chúa Giê-su, xin cho chúng con nhớ rằng quê hương chúng con ở trên trời, xin cho chúng con biết yêu mến và hướng lòng trí về trời cao trong niềm hy vọng. Xin giúp chúng con chu toàn bổn phận làm con Chúa và làm anh chị em với nhau. Amen.

Anrê Nhật Trường

Suy Niệm 4:

 Sứ mạng Cho Người Môn Đệ

 Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đến ở với Ngài, để học hỏi và nối tiếp sứ mạng cứu thế. Hôm nay, Chúa Giêsu chính thức ban lệnh truyền cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta. “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.

 Sứ mạng này không chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ, hay cho các nhà truyền giáo nhưng dành cho tất cả mọi người. Và việc truyền giáo không chỉ là đi đến những nơi xa xôi mà còn là nơi môi trường chúng ta đang sống, làm việc và học tập. Một hình ảnh mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trong cuộc sống, đó là hình ảnh em bé có được quà bánh thì em liền chạy đi khoe với ông bà, cha mẹ, bạn bè và tất cả mọi người xung quanh. Chúng ta cũng vậy, mỗi khi chúng ta có gì vui chúng ta thường hay mau mắn chia sẻ với người này người kia cho dù ở bất cứ nơi đâu.

 Cuộc sống đời thường là như thế, còn về đời sống đức tin thì sao, chúng ta là những người được phúc nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu và nhận biết Tin Mừng Phục Sinh, liệu rằng chúng ta có mau mắn giới thiệu Chúa, loan bào Tin Mứng Phục Sinh cho người khác chăng? Đôi khi chúng ta quên sứ mạng của mình, ta nghĩ rằng đó là chuyện xa vời, chuyện của ai khác không phải là chuyện của tôi. Vậy, rao giảng Tin Mừng vừa là đặc ân, vừa là bổn phận của người kitô hữu. Khi thi hành công việc này, chúng ta gặp không ít những khó khăn và thử thách, từ cá nhân, xã hội, hoàn cảnh và cả từ phía gia đình.

Chúng ta đang sống trong tháng năm, tháng hoa kính Mẹ Maria cũng là dịp chúng ta nhìn ngắm Mẹ là mẫu gương loan báo Tin Mừng, như những ngày mang Hài Nhi Giê-su, Mẹ đã đi đến với bà chị họ là Ê-li-sa-bét để giúp đỡ và chăm sóc. Lạy Chúa, thế giới chúng con đang sống còn biết bao người chưa nhận biết Chúa, Xin Chúa ban cho chúng con luôn sẵn sàng, hăng say loan báo Tin Mừng cho những người anh em đó và xin giúp chúng con chu toàn sứ mạng trong cuộc sống đời thường của chúng con. Amen.

Fiat

Trả lời