Chúa Nhật II Mùa Chay Năm C

Suy Niệm 1:

Những ngày này, nếu để ý, anh chị em thuộc các tín ngưỡng khác sẽ nhận ra một sự thay đổi nơi Giáo Hội Công Giáo. Không còn những ánh đèn lung linh, những dây kim tuyến rực rỡ trang hoàng cây thông Noel. Cũng chẳng còn hình ảnh các em nhỏ hóa thân thành thiên thần, vui tươi chầu bên máng cỏ Chúa Hài Đồng.

Thay vào đó, sắc tím bao trùm không gian phụng vụ, trầm lắng hơn, tưởng chừng như ảm đạm. Nhưng với người Kitô hữu, màu tím ấy chính là dấu hiệu để nhận biết: Mùa Giáng Sinh đã khép lại. Sau một thời gian ngắn của mùa Thường Niên, Mẹ Giáo Hội đưa chúng ta vào Mùa Chay, một hành trình thiêng liêng để trở về với cõi lòng mình, xét duyệt lại đời sống và làm mới tương quan với Thiên Chúa. Dù không nhộn nhịp như lễ Giáng Sinh, nhưng Phục Sinh mới là biến cố quan trọng nhất trong đời sống đức tin. Đó là chóp đỉnh của công trình cứu độ, là bằng chứng hùng hồn của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

“Đang lúc Đức Giêsu cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9,29)

Lời Chúa trong Chúa Nhật II Mùa Chay mời gọi chúng ta suy tư về hình ảnh Chúa Giêsu: “Đang… cầu nguyện” và “dung mạo… đổi khác”. Đây không chỉ là một khoảnh khắc biến hình trong cuộc đời Đức Giêsu mà còn là một lời nhắn nhủ sâu xa cho chúng ta trong hành trình thiêng liêng: muốn đổi mới bản thân, hãy khởi đi từ cầu nguyện.

Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu luôn đặt trọn niềm tín thác vào Chúa Cha. Ngài cầu nguyện trước mỗi quyết định, Ngài tìm đến Chúa Cha để lắng nghe và vâng phục trọn vẹn. Chính sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa đã làm nên dung mạo rạng ngời của Đức Giêsu.

Trong văn hóa Việt Nam, chữ “Hiếu” luôn được xem là một di sản quý báu, một phẩm chất sống đẹp mà mọi người yêu chuộng và gìn giữ. Người Việt có lòng tôn kính Trời, tin vào sự che chở và quan phòng của Đấng Tạo Hóa:

“Trời sinh Trời dưỡng”

“Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.”

Tinh thần đạo hiếu ấy còn được khắc họa trong những câu ca dao giản dị nhưng thấm đượm nghĩa tình:“Công cha nghĩa mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”

Là Kitô hữu Việt Nam, chúng ta không thể tách rời khỏi dòng chảy văn hóa dân tộc. Sống đạo giữa đời không chỉ là sống niềm tin vào Thiên Chúa, mà còn là sống hiếu nghĩa với mẹ cha, nhân ái với tha nhân, để từ đó đưa Chúa đến với mọi người.

Trong Mùa Chay này, mỗi người được mời gọi nhìn lại chính mình: Tôi đã sống tròn chữ hiếu với ông bà, cha mẹ chưa? Đã biết vâng phục như Đức Giêsu không? Tôi có mang lại niềm vui cho các ngài, hay có lúc khiến các ngài buồn lòng?

Muốn trở nên Kitô hữu trưởng thành trong đức tin, trước hết, ta phải sống trọn vẹn là một con người trưởng thành trong nhân cách. Cổ nhân có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Muốn mang Chúa đến cho thế giới, muốn lan tỏa bình an cho tha nhân, trước tiên, hãy tập sống tốt từ những điều nhỏ bé nhất. Hãy sống tiết độ trong mọi hoàn cảnh, dù ở một mình hay giữa đám đông, bởi lẽ: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” (Mt 10,26)

Chỉ nhờ đời sống cầu nguyện, con người mới có thể đổi mới chính mình. Không phải “đã” cầu nguyện hay “sẽ” cầu nguyện, nhưng “đang” cầu nguyện – một mối tương quan sống động với Thiên Chúa ngay giây phút hiện tại. Nhiều thánh nhân đã sống đời cầu nguyện liên lỉ và được biến đổi hoàn toàn, trở thành nhân chứng sáng ngời cho Tin Mừng. Những tấm gương như Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta hay Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là minh chứng cho sức mạnh của cầu nguyện. Các ngài đã được “đổi khác” và tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới.

Vậy, sống hiếu thuận với cha mẹ, nhân nghĩa với tha nhân chính là cách cụ thể để sống trọn tình con thảo với Thiên Chúa – Đấng giàu lòng xót thương.

Xin mượn lời Mẹ Têrêsa Calcutta để giúp chúng ta ghi nhớ mối liên kết chặt chẽ giữa cầu nguyện và biến đổi:

“Hoa quả của thinh lặng là cầu nguyện,

Hoa quả của cầu nguyện là đức tin,

Hoa quả của đức tin là tình yêu,

Hoa quả của tình yêu là phục vụ,

Hoa quả của phục vụ là bình an.”

Lạy Chúa, xin dạy con biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, để Lời Hằng Sống nuôi dưỡng đức tin con mỗi ngày. Xin mở mắt tâm hồn con, để con nhận ra tình yêu và bàn tay quan phòng của Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Xin ban muôn vàn ân sủng, giúp con chế ngự những đam mê trần tục, để luôn trung thành bước theo Chúa suốt đời con. Amen.

Sr. Thụy Lâm

Suy Niệm 2:

 Theo Chúa từ Tabor đến Canvê

Biến cố Chúa Giê-su hiển dung trên núi Tabor là một khoảnh khắc rực rỡ của ánh sáng thiên quốc, nơi mà y phục Ngài trở nên trắng tinh, sáng láng và vinh quang Ngài được tỏ bày. Đứng bên Chúa Giê-su là Môsê và Êlia – hai chứng nhân của Lề Luật và các ngôn sứ. Trong giây phút huy hoàng ấy, các môn đệ, đặc biệt là Phê-rô, đã choáng ngợp trước ánh sáng thần linh của Thầy mình. Ông muốn kéo dài giây phút thiêng liêng ấy mãi mãi: “Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm; chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia.”

Thế nhưng, ánh sáng Tabor không phải là điểm đến cuối cùng. Chúa Giê-su không đến để dừng lại trong khoảnh khắc huy hoàng trên đỉnh núi ấy, nhưng để hoàn tất hành trình cứu độ trên đỉnh đồi Canvê. Ánh sáng hiển dung hôm nay chính là ánh sáng của thập giá và phục sinh.

Lời Chúa Cha phán từ đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mc 9,7), không chỉ khẳng định căn tính thần linh của Chúa Giê-su mà còn mời gọi các môn đệ vâng nghe và bước theo Ngài trên con đường thập giá. Các ông có thể dễ dàng đón nhận một Đấng Ki-tô vinh quang, nhưng liệu có đủ can đảm theo Ngài xuống núi, đi vào con đường khổ nạn?

Sự biến đổi hình dạng của Chúa Giê-su không phải là một khoảnh khắc tạm bợ, nhưng là một lời tiên báo về cuộc biến đổi vĩ đại nhất: sự phục sinh. Đó là lý do Ngài không để các môn đệ ở mãi trong ánh sáng Tabor, nhưng dẫn họ xuống núi để tiếp tục hành trình tiến về Giêrusalem, nơi mà vinh quang thật sự sẽ tỏa sáng từ cây thập giá.

Là Ki-tô hữu, có lẽ chúng ta cũng có những giây phút “Tabor” trong đời sống đức tin – những khoảnh khắc ngập tràn bình an, được Chúa yêu thương vỗ về, và chúng ta muốn níu giữ mãi những điều tốt đẹp ấy. Đó là khi lời cầu xin được nhận lời, khi tâm hồn dạt dào an ủi, khi ta cảm nhận rõ rệt sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Nhưng hành trình theo Chúa không dừng lại ở đó.

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta “xuống núi” để bước vào cuộc sống thực tế, nơi có những thử thách, mất mát, những lần đau khổ tưởng chừng như gục ngã. Có thể đó là những khi ta đối diện với nghịch cảnh, chịu hiểu lầm, mất mát hoặc đau thương. Nhưng chính trong những thử thách ấy, chúng ta được thông phần vào thánh giá của Chúa, và chính nơi đó, ánh sáng phục sinh sẽ bừng lên.

Tabor giúp chúng ta có thêm nghị lực, nhưng Canvê mới là nơi chúng ta được biến đổi thực sự. Không có con đường nào đến vinh quang mà không đi qua thập giá, không có sự sống mới nếu không dám chết đi cho chính mình.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con không chỉ dừng lại ở những giây phút ngọt ngào trong hành trình đức tin, nhưng biết can đảm xuống núi, bước đi cùng Ngài đến Canvê, để chính trong thử thách và hy sinh, con được biến đổi và cùng Ngài tiến vào vinh quang phục sinh. Amen.

Sr. M. Nhị Thơ

Suy Niệm 3:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại một biến cố quan trọng: Chúa Giêsu chủ động dẫn ba môn đệ thân tín lên núi, nơi Ngài tỏ bày vinh quang Phục Sinh của mình. Trong lúc cầu nguyện, Chúa Giê-su biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Cùng lúc ấy, Chúa Cha lên tiếng xác nhận: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Lời mời gọi ấy không chỉ dành cho ba môn đệ năm xưa mà còn dành cho mỗi chúng ta hôm nay: hãy tin tưởng, vâng nghe và can đảm bước theo con đường của Chúa, để được biến đổi nên giống Ngài và sau này được chung hưởng vinh quang Phục Sinh.

Trong Kinh Thánh, núi là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài thường tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện, để kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Chính trong giây phút cầu nguyện sốt sắng, dung mạo Ngài bừng sáng, phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa.

Quả thật, cầu nguyện không chỉ là đối thoại với Chúa mà còn là hành trình biến đổi. Khi chúng ta đặt mình trước nhan Chúa, ta không còn là chính ta của ngày hôm qua, nhưng từng chút một, ánh sáng của Chúa sẽ thanh luyện tâm hồn, biến đổi chúng ta thành con người mới.

Trong cuộc sống, không thiếu những câu chuyện về sự biến đổi: Một người cha nghiện rượu, sau nhiều năm làm khổ vợ con, bỗng quyết tâm từ bỏ men say, trở thành người chồng, người cha mẫu mực. Một người lười biếng, thờ ơ với đời sống đức tin, bỗng trở nên siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ mỗi ngày. Một kẻ trộm cắp hoàn lương, trở thành người lương thiện, sống ngay chính. Một người từng chống phá Giáo Hội, nay lại dấn thân bảo vệ đức tin cách mạnh mẽ.

Nhưng cũng có những người biến đổi theo chiều ngược lại: Một đứa con ngoan bỗng trở nên hư hỏng. Một người sốt sắng đi lễ bỗng dần xa rời nhà thờ. Một người không rượu chè nay lại lún sâu trong men say. Một chàng trai, cô gái từng được mọi người khen ngợi, giờ đây khiến ai nghe nhắc đến tên cũng chỉ biết thở dài ngán ngẩm.

Mùa Chay là lời mời gọi chúng ta cùng lên núi với Chúa Giê-su qua đời sống cầu nguyện. Chỉ khi đặt mình trước nhan Chúa, chúng ta mới nhận ra con người thật của mình đầy tội lỗi, yếu đuối, bất toàn. Và chỉ khi kết hợp với Chúa, chúng ta mới có thể được biến đổi nên tốt hơn.

Để được biến đổi, chúng ta cần: Siêng năng cầu nguyện, gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Lắng nghe Lời Chúa, để ánh sáng Tin Mừng soi rọi vào đời sống. Từ bỏ ý riêng, vâng theo thánh ý Chúa. Sẵn sàng vác thập giá, đón nhận những khó khăn trong cuộc sống với lòng tín thác. Có như thế, chúng ta mới có thể được biến đổi, được “biến hình” trong Chúa Giêsu và được Chúa Cha xác nhận: “Đây là con yêu dấu của Ta”.

Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con nên giống Chúa hơn mỗi ngày. Xin ban cho chúng con lòng yêu mến Lời Chúa, biết lắng nghe và thực hành trong đời sống. Xin giúp chúng con can đảm từ bỏ những thói hư tật xấu, để mỗi ngày sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.

Anrê Nhật Trường

Để lại một bình luận