Bài 9: Tổng Quát Về Tâm Lý Các Nghành Trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể

Tìm hiểu sự phát triển tâm lý và phân tích đặc tính tâm lý trong từng giai đoạn phát triển của thiếu  nhi là một vấn đề rộng lớn, phức tạp và khó khăn; đưa ra những phương cách giáo dục thích ứng với đặc tính của từng thời kỳ phát triển tâm lý thiếu nhi đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều, nhưng lại là yếu tố then chốt của vấn đề giáo dục thiếu nhi. Đây là trách nhiệm của nhiều giới: Phụ huynh, nhà giáo, nhà xã hội học, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và huynh trưởng thiếu nhi Thánh Thể.

  1. KHÁI NIỆM VỀ TÂM LÝ

Tâm lý là gì?

Tâm: mặt tình cảm, ý chí của con người

Lý: lý lẽ trong vạn vật

➜ Tâm lý là những hoạt động của tâm hồn được biểu lộ ra bên ngoài với những hành vi cử chỉ ngôn ngữ nơi thân xác, tinh thần và

tính xã hội của mỗi người. Những hoạt động của tâm hồn gồm có sinh hoạt tình cảm, sinh hoạt trí năng, sinh hoạt hoạt động.

Tâm lý học là gì?

Tâm lý học là một khoa học về con người với những suy tư và hành động, cảm nhận và tương tác, bên trong và bên ngoài khi tiếp cận vạn vật xung quanh.

Tất cả những sự kiện này được quan sát, mô tả, giải thích, đối chiếu với thực tế để trở thành kinh nghiệm chung.

Tâm lý sư phạm:

Là tâm lý học được ứng dụng vào việc giáo dục và sự phát triển tâm lý của con người nhờ đó ta biết lựa chọn những phương pháp giáo dục thích ứng với tâm lý con người trong giai đoạn lứa tuổi.

Tại sao HT- GLV phải hiểu tâm lý?

Tuân Tử nói: “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng.” (Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng).

Bác sĩ Saleeby nói: “Điều kiện đầu để thành công của nhà giáo dục là hiểu rõ bản chất đứa trẻ. Đứa trẻ không phải là hình ảnh thu nhỏ của người lớn, mà là thực thể riêng biệt nảy nở biển chuyển để đi dần đến mức trưởng thành.”

HT-GLV được trao phó sứ mạng giáo dục các em cả về hai mặt phương diện từ nhiên và siêu nhiên, do đó cần tìm hiểu đối tượng đoàn sinh của mình, hầu có cách giáo dục phù hợp với sự hiểu biết, khả năng tiếp thu, cũng như sự yêu thích, sự quan tâm của các em để đạt đến hiệu quả giáo dục cao nhất và kịp thời uốn nắn những thói hư tật xấu và vun trồng những nết tốt.

  1. ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ NGÀNH CHIÊN CON (5 – 7 TUỔI)
  2. Đặc điểm tâm sinh lý
  3. Thể lý

Hệ xương: đang trong giai đoạn cốt hóa, còn mềm dẻo, dễ biến dạng.

Hệ tuần hoàn: cơ tim tăng trưởng mạch máu cung cấp đủ cho các bộ phận, làm tăng cường hoạt động, tim bóp yếu nhưng đập nhanh do đó trẻ mau mệt.

Não bộ: tương đương 90% người lớn về kích thước nhưng cấu trúc chưa hoàn thiện và phức tạp như người lớn. Hưng phấn phát triển mạnh nên trẻ hiếu động.

  1. Nhận thức

Tri giác:

  • Tri giác không chủ định chiếm ưu thế.
  • Còn đượm màu sắc cảm xúc.
  • Tri giác trên tổng thể, thường bỏ sót các chi tiết.
  • Tri giác thời gian, không gian chưa chính xác.
  • Hay nhầm lẫn những gì gần giống nhau.

Sự chú ý:

  • Chú ý thường mang tính không chủ đích.
  • Khối lượng chú ý ít, chưa có khả năng phân phối sự chú ý.
  • Khả năng chú ý không bền vững, dễ mệt mỏi.

Trí nhớ:

  • Trẻ bắt đầu đi học nên khả năng ghi nhớ được sử dụng để thu nhận kiến thức.
  • Ghi nhớ có chủ định và không chủ định cùng phát triển, tuy nhiên ghi nhớ không chủ định chiếm ưu thế: mau nhớ, chóng quên do ngôn ngữ còn nghèo nàn
  • Ghi nhớ theo lợi thú: ghi nhận nhanh, nhớ lâu những gì các em thích.
  • Trí nhớ lệ thuộc vào nét nổi bật của sự vật, của hình ảnh, sự rực rỡ của màu sắc.

Tư duy:

  • Tư duy trực quan hành động đang được chuyển hóa sang tư duy trực quan hình tượng.
  • Trí tưởng tượng mạnh, thích truyện thần tiên biến hóa mà không quan tâm đến tính hợp lý hay khoa học của câu chuyện.
  1. Tâm lý:
  • Yêu ghét chưa rõ ràng, chơi rồi giận, giận rồi chơi.
  • Dễ xúc động, khó kìm hãm cảm xúc của mình, dễ chuyển hóa cảm xúc.
  • Tình cảm gia đình chiếm ưu thế.
  • Thần tượng thầy cô, HT- GLV ➜ các em rất tin cậy kính trọng, vâng lời thầy cô giáo , HT- GLV.
  • Chưa tự tin vào bản thân, vì tính độc lập tự chủ chưa cao.
  • Hay bắt chước.
  1. Giải pháp giáo dục:

Chú ý đến khả năng tập trung của các em ➜  thay đổi bầu khí khi dạy, tạo bầu khí thích thú, hăng hái khi học tập.

Bài dạy cần có hình ảnh đi kèm, kênh hình nhiều hơn kênh chữ.

Bài dạy cần tóm gọn, sắp đặt có hệ thống nhấn mạnh những điểm cần chú ý, biến bài học thành những điều lợi ích thiết thực. Cung cấp kiến thức chính xác vì sự sai lầm trong việc giáo dục ở tuổi này sẽ ghi dấu ấn sâu đậm, khó phai.

Chú ý tư thế ngồi học.

Trò chơi phù hợp lứa tuổi.

Quan hệ chặt chẽ với gia đình để nắm rõ đặc điểm, tính tình từng em, biết rõ hoàn cảnh từng em để có những cư xử phù hợp, gần gũi, thân thiện, cởi mở, dịu dàng với các em.

Phải gương mẫu. Lời nói đi đôi với việc làm. Dạy bằng chính đời sống của mình.

Giảng giải, giải đáp thắc mắc của các em bằng những lời giản dị, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi các em và khéo léo chỉnh sửa những diễn đạt chưa đúng của các em.

Huấn luyện lương tâm bằng chính việc làm.

Tổ chức các thi đua thời gian ngắn.

III. ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ NGÀNH ẤU ( 7-9 TUỔI):

  1. Đặc điểm tâm sinh lý:
  2. Thể lý:

Về mặt sinh lý, hệ xương và tuần hoàn đang trong giai đoạn phát triển như tuổi Chiên Con.

Não bộ phát triển 95% so với người lớn về kích thước nhưng chưa phức tạp; chưa cân bằng trong hoạt động của hai quá trình hưng phấn và ức chế nên trẻ rất hiếu động.

  1. Nhận thức:

Chú ý và tri giác:

  • Khả năng chú ý có đích đang phát triển, tuy nhiên sự tập trung chú ý vẫn chưa cao.
  • Bắt đầu có khả năng mở rộng khối lượng chú ý và có khả năng phân phối sự chú ý cho những dạng hành động khác nhau.
  • Tri giác vẫn còn mang màu sắc cảm xúc.

Ghi nhớ:

  • Khả năng ghi nhớ có chủ đích bắt đầu hình thành, tuy nhiên hai hình thức ghi nhớ không chủ đích và có chủ đích vẫn song song tồn tại và chuyển hóa bổ sung cho nhau trong quá trình học tập.
  • Bắt đầu đọc thông, viết thạo, là công cụ học tập những môn học khác.

Tư duy:

  • Trí khôn bắt đầu phát triển mạnh nhờ sự tham gia tích cực của ngôn ngữ.
  • Bước đầu biết suy luận, biết cắt nghĩa các sự việc, biết so sánh, nhìn thấy mối tương quan giữa các sự việc 1và nhận ra nguyên nhân.
  • Bước đầu biết phân biệt phải trái, hay dở.
  1. Tâm lý:
  • Bước đầu biết sống chung, thích chơi chung, tuy nhiên chưa phân biệt nam nữ.
  • Tình cảm gia đình vẫn là chính, vân yêu quý và kính trọng thầy cô giáo, HT-GLV.
  • Muốn được người lớn chú ý, thích được giao việc và hoàn thành việc nghiêm túc.
  • Biết cảm phục và thưởng thức các vẻ đẹp thiên nhiên.
  • Lương tâm đã “thức tỉnh” nhờ một số dấu hiệu như bắt đầu biết e lệ, biết chơi – giận, muốn biết người khác nghĩ gì về mình và chờ đợi gì nơi mình.
  1. Giải pháp giáo dục

Tổ chức hệ thống hàng đi với sự phân công cụ thể  và nên có những lớp đào tạo TĐDT ➜ Nên có lễ trao quyền chỉ huy đội và có sinh hoạt đội.

Tạo điều kiện cho trẻ hoạt động nhóm.

Đưa ra những tình huống để trẻ cùng Trưởng tìm cách giải quyết, phân biệt phải trái, đúng sai, hay dở, chỉ cho trẻ thấy việc tốt xấu cụ thể, giúp trẻ nhận ra chính tiếng Chúa nơi lương tâm và làm theo sự  chỉ dẫn của Thiên Chúa trong lòng.

Trưởng phải vừa là bạn để thấu hiểu, vừa là Thầy để chỉ đường.

Giáo dục bằng tình thương, cần nhìn nhận mặt tích cực của trẻ  để khuyến khích, không nên đe dọa, gây áp lực cho trẻ.

Giúp trẻ hiểu đúng về tội: Tội không phải là phạm luật, mà tội là không đáp lại tình yêu của Thiên Chúa để trẻ biết làm lành tránh dữ.

Trẻ hiếu động do đó nên xen kẽ giờ học bằng những bài hát có kèm cử điệu, bằng băng reo, trò chơi…

➽ Để đạt hiệu quả giáo dục, người Huynh Trưởng phải vừa là người thầy với kiến thức quảng bác, tâm hồn sâu sắc, để truyền đạt tri thức, gợi mở sáng kiến; vừa là một người bạn trẻ trung, tâm huyết, đáng tin cậy trong mọi mặt sinh hoạt vui nhộn  cũng như tâm linh sâu lắng của các em, hầu vun đắp cho các em những tâm tình nhân ái, vị tha vui tươi và dễ thương đúng với độ tuổi các em.

  1. ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ NGÀNH THIẾU (9-12 tuổi):
  2. Đặc điểm tâm sinh lý
  3. Phát triển thể lý

Trẻ 9-12 tuổi phát triển khá mạnh, xương mau to, cứng hơn và khỏe hơn. Tay chân như dư thừa, quờ quạng.

Óc, não phát triển mạnh ➜ bắt đầu biết nhận xét, lý sự về mọi điều xung quanh.

Nhu cầu về ăn, uống, ngủ, nghỉ rất cao.

  1. Nhận thức:

Khả năng tập trung, chú ý đang tăng lên, có ý thức về sự chú ý nghĩa là khi chú ý vào vấn đề nào đó, các em nhắm đến một mục đích.

Khả năng ghi nhớ có chủ định bắt đầu hình thành rõ nét nhờ sự tham gia tích cực của ngôn ngữ.

Tư duy:

Tư duy lý luận, tư duy ngôn ngữ phát triển mạnh. Biết quan sát và nhận xét sự việc, hình ảnh theo cách nghĩ của mình, nhìn ra được các mối liên quan ” nguyên nhân – hệ quả “

Hay thắc mắc, lý sự khi thấy điều các em học khác với thực tế các em đã trải nghiệm.

Có óc thực tiễn, thích hoạt động.

  1. Tâm lý:

Thích hoạt động và hướng ngoại: Trẻ dễ bị thế giới bên ngoài lôi cuốn và dễ bị ảnh hưởng, tác động bởi thế giới ấy. Những gì nghe,sờ thấy được có sức lôi cuốn mãnh liệt, tạo sự thích thú với trẻ. Khi tò mò muốn biết thì trẻ tìm mọi cách để tiếp cận xem nó là gì. Thích

khám phá để sử dụng, chế tạo máy móc, đồ vật -> Tuổi của thực nghiệm.

Khuynh hướng độc lập, tư hữu phát triển: Ở tuổi này, mặc dù bản thân chưa thể quyết định được việc gì nhưng vẫn muốn được tự lập, tự có một cái gì đó cho riêng mình.

Khuynh hướng xã hội phát triển:

Có nhu cầu lập nhóm kết bạn để vui chơi và thường đánh giá nhau theo tiêu chuẩn bên ngoài.

Do có sự thay đổi nhanh về thể chất dẫn đến tâm lý đa cảm, các em bắt đầu biết e lệ với nhau, không còn tự nhiên như tuổi ấu. Nam nữ có sự phân biệt rõ rệt, không thích chơi chung với nhau.

Dễ chịu ảnh hưởng xã hội qua nghe,nhìn: Phim ảnh, sách báo có ảnh hưởng mạnh mẽ vì sự hấp dẫn của nó. Các nhân vật trong phim, truyện dễ trở thành thần tượng cho các em.

Thích tranh đua nhưng không thích thua cuộc.

Muốn được người lớn tín nhiệm và giao việc.

Thích hành động theo quy luật.

  1. Giải pháp giáo dục

Xây dựng tốt phương pháp hàng đội ➜ trao việc cho các em. Nghi thức sai đi, trao khăn, tuyên hứa, trao quyền chỉ huy đội là cách để các em nhận ra khả năng của mình.

Tổ chức chiến dịch, thi đua có thưởng,tuyên dương-> giúp các em luyện tập sự chú ý.

Tổ chức học bằng hình thức chơi.

Tập cho trẻ làm việc theo nhóm, tự sưu tầm, tra cứu các điều cần học.

Không nên dập tắt những thắc mắc của các em mặc dù đôi khi những câu hỏi đó có vẻ lạ thừa, ngớ ngẩn mà thông qua đó giúp các em xác định và đưa ra câu trả lời trong sáng  cho các em.

Giúp định hướng về các ảnh hưởng xã hội bên ngoài qua việc lắng nghe các em nhận xét, đánh giá về các nhân vật trong phim ảnh, sách báo-> đặt ra một vài câu hỏi để giúp các em nhận ra cái đúng để bắt chước, cái sai để loại bỏ.

Xây dựng bài học phải mang tính thực tiễn, cách trình bày phải lôi cuốn, hấp dẫn.

Khen nhiều hơn chê. Nên tuyên dương những thành công, sự đóng góp của các em trước tập thể nhưng nên sửa dạy các em một cách kín đáo, hạn chế hình thức kỷ luật công khai.

  1. ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ NGÀNH NGHĨA ( 12-15 tuổi )
  2. Đặc điểm tâm sinh lý:
  3. Thể lý:

Hiện tượng dậy thì:

Giai đoạn đặc trưng với những dấu hiệu của tuổi dậy thì nam nữ, giai đoạn của sự phát dục.

Các tuyến nội tiết như tuyến sinh dục, tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận phát triển mạnh dẫn đến thay đổi về mặt hình thái đặc biệt là sự nhảy vọt về chiều cao, các bộ phận thể hiện giới tính nảy nở.

Quá trình hưng phấn ở vỏ não mang tính lan tỏa dẫn đến việc không kiềm chế được bản thân dễ bị kích động, dễ nổi nóng, gây gổ, hay cường điệu cảm xúc của mình.

  1. Nhận thức:

Việc học tập ở các lớp THCS, THPT đòi hỏi học sinh phải nghiên cứu và lĩnh hội các môn học khác nhau, các em phải nắm vững một khối lượng kiến thức lớn do đó tư duy lý luận, tư duy phân tích phát triển mạnh.

Những tri thức mang tính khái niệm, khái quát, logic của các môn học giúp phát triển sự tập trung chú ý có chủ đích, ghi nhớ có ý nghĩa.

Ham hiểu biết tìm tòi, thích khám phá thể nghiệm ➜ khả năng sáng tạo.

  1. Tâm lý:

Về mặt tâm lý, tuổi mới lớn là giai đoạn có những rối loạn sâu sắc. Lúc ấy như có hai nhân vật cạnh tranh nhau trong một cơ thể duy nhất. Người thứ nhất muốn bảo vệ những đặc quyền của thời thơ ấu, còn người thứ hai lại thích sử dụng ưu thế của tuổi trưởng thành. Được trang bị về mặt sinh lý như một người trưởng thành nhưng lại được định hướng bằng những phản ứng trẻ con, tuổi mới lớn thường chất chứa những điều rồ dại.

Tư tưởng của các em lúc nào cũng như sục sôi lên khiến các em không mấy chú ý đến những gì đang thấy, đang nghe. Các em như sống trên mây, hay mơ màng và lười biếng nên còn gọi là tuổi mộng mơ, tuổi trăng tròn, tuổi duy ngã, tình cảm.

Khuynh hướng thích làm người lớn:

Ở tuổi này các em muốn được tự do, được quyền tự quyết định, thích xen vào chuyện người lớn, thích công nhận khả năng, thích chứng tỏ mình đã lớn.

Muốn tách rời khỏi sự chăm sóc tỉ mỉ của cha mẹ, không còn hoàn toàn tin vào cha mẹ, thầy cô và  đòi hỏi được đối xử bình đẳng như người lớn.

Quan hệ bạn bè:

Có bước biến đổi cơ bản, đã có sự chọn lựa để kết bạn và đi đến bạn thân.

Tiêu chí chọn bạn:

Cùng sức học (Giỏi, khá, trung bình, yếu ➜ phân nhóm)

Tự nhiên giỏi, ngoan ➜ thân thiện nhau

Không hiểu, dở, dốt ➜ quậy phá.

Ở tuổi này tình bạn quan trọng hơn cha mẹ, thầy cô vì nơi bạn bè các em tìm thấy sự đồng cảm, sự chấp nhận trong quá trình phát triển của mình. Sự trung tín trong tình bạn là đặc điểm nổi bật, sẵn sàng đổi chác, chịu sự trừng phạt của người lớn để trung thành với bạn.

Nhu cầu tự khẳng định mình:

Tuổi vị thành viên, các em bắt đầu xác định “cái tôi” của mình và xây dựng những cái tôi khác nhau.

“Cái tôi hiện thực”: nhìn lại bản thân và xác định mình là ai,mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào đồng thời tìm cách phát huy những ưu điểm, khắc phục nhược điểm.

“Cái tôi lý tưởng”: chọn một mẫu người lý tưởng như người cha, người mẹ, thầy cô, anh chị Huynh trưởng hoặc một diễn viên điện ảnh, một danh thủ…và bắt chước từ cử chỉ, dáng đi, cách ăn mặc, nói năng, hành động đó là sự tôn thờ thần tượng.

“Cái tôi ảo tưởng” (người trong mơ) : các em thường mơ  mộng muốn trở thành người anh hùng sẵn sàng lăn xả vào công việc cứu

nhân độ thế hoặc trở thành những nhà bác học, nhà khoa học với mong muốn cải tạo thế giới.

  1. Giải pháp giáo dục:

Tuổi bất ổn nên thường có những mâu thuẫn với chính bản thân, giằng co trong chính nó, dễ rơi vào khủng hoảng. Ở tuổi này trẻ rất đau khổ vì người lớn không hiểu được mình dẫn đến việc chống đối để tự vệ, tự bào chữa, chứng tỏ mình đã lớn hoặc quậy phá để giải trí, xóa bỏ căng thẳng ➜ Đừng tìm cách bẻ gãy chống đối nhưng  hướng sức mạnh của trẻ vào mục tiêu tốt bằng cách tổ chức các hoạt động.

Khả năng nhận thức được nâng cao đồng thời với sự xuất hiện của các cấu tạo tâm lý mới khiến các em thường hay đặt lại các vấn đề, hay lý luận, hay có những ý nghĩ mâu thuẫn nhưng không diễn đạt được cách trôi chảy, thấu đáo những ý nghĩ của mình. Lý luận các em thường chỉ trích hơn là xây dựng  ➜ Tổ chức học dưới hình thức thuyết trình tạo cho các em khả năng tự tìm tòi khám phá, biết diễn đạt ý tưởng đồng thời tạo điều kiện để các em có thể trình bày ý kiến của mình. Trong khi hướng dẫn cần chú ý lắng nghe, tôn trọng ý kiến các em: biết khích lệ, khen thưởng các ý kiến hay, đúng một cách nhẹ nhàng, tế nhị và uốn nắn, sửa chữa những lời phát biểu chưa đúng hoặc lộng ngôn. Đôi khi cũng phải biết im lặng trước những lập luận một chiều của các em nếu thấy rằng việc giải thích của chúng ta chưa thuyết phục.

Khuynh hướng làm người lớn: vì tự tin vào khả năng nên đòi hỏi người lớn tôn trọng, cư xử như người lớn  ➜ Nên tin tưởng và mạnh dạn giao việc, tập cho trẻ biết tự quản lẫn nhau, tạo điều kiện để các em chứng tỏ khả năng của mình, đặc biệt tuổi này không nên sai việc, chỉ nên mời gọi.

Coi trọng tình bạn, thường che giấu bí mật cho nhau, muốn tìm chỗ đứng trong tập thể nên tuổi này rất sợ khen chê ➜ Không nên

khen cá nhân, chê cá nhân, chỉ tác động qua nhóm, đội. Cần gặp riêng thì kín đáo, không cho bạn bè biết vì trẻ hiểu tạo sự ngăn cách giữa bạn thường bị cô lập.

Tuổi mộng mơ, thích phim ảnh, tiểu thuyết lãng mạn, say mê các thần tượng trong phim trong truyện, thường sống trong ảo mộng ➜ Cần gần gũi, lắng nghe để hướng dẫn các em đến cuộc sống có lý tưởng, biết vươn lên khắc phục khó khăn theo gương sáng các anh hùng, thánh nhân.

Biết tôn trọng bản sắc riêng của từng em, tránh xúc phạm trêu ghẹo khi các em có những biểu hiện bản sắc riêng phù hợp với con người của các em và đòi hỏi của luân lý,đạo đức xã hội chứ không mơ hồ, ảo vọng.

Huynh trưởng cần phải có uy tín nhưng không phải là uy tín của một người luôn luôn có lý mà là uy tín của một người từng có kinh nghiệm, đã trải qua những khó khăn của các em, chấp nhận những nghi ngại, mò mẫm của các em. Biết khuyến khích mà không động chạm quá. Không ra lệnh mà mời gọi, trình bày cho các em đâu là lẽ phải. Phải trở thành người bạn luôn nâng đỡ, tin tưởng vào các em ngay cả khi các em sa ngã. Phải luôn luôn bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe, đủ bao dung để giúp đỡ và đồng hành cùng các em trong cuộc sống.

  1. ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ NGÀNH HIỆP SĨ (15-18 tuổi)
  2. Đặc điểm tâm sinh lý
  3. Thể lý:
  • Đang dần đi đến sự quân bình về tăng trưởng cả chiều cao và cân nặng.
  • Não bộ đang dần hoàn thiện như người lớn.
  1. Nhận thức:
  • Trí tuệ và ý chí được tăng cường, bản ngã phát triển và cởi mở hơn.
  • Thích khám phá các giá trị và khả năng của trí tuệ, thấy trí tuệ con người chi phối được mọi sự.
  • Các em biết suy nghĩ cách trừu tượng và biết áp dụng những tư duy vào trong lý luận.
  • Sức tập trung chú ý cao và biết cách phân bổ sự chú ý vào từng đối tượng.
  • Khả năng ghi nhớ có ý nghĩa phát triển mạnh.
  1. Tâm lý:

– Tuổi của chủ quan

Một chân lý chỉ được đón nhận khi thấy nó có liên quan đến mình như đáp ứng ước vọng, giải đáp được sự lo âu và tìm hiểu của mình.

Cái giá trị  ( cái cao đẹp) quan trọng hơn sự kiện. Điều mình mơ ước quan trọng hơn thực tế. Sự thật không phải là cái đang xảy ra nhưng là cái lý tưởng đòi hỏi. Thiếu niên thường sống trong thế giới mộng tưởng và hướng về tương lai, ít chú trọng đến thực tế phũ phàng của cuộc sống.

Thiếu niên quá tự tin,nghĩ mình có thể tự hành động, tự phát triển, tự cứu.

Biết tự chủ suy nghĩ, tự lựa chọn hướng đi cho mình, muốn đời mình thành tựu.

Thích lý sự, tranh luận, hay thắc mắc, đặt lại vấn đề, chỉ có điều mình khám phá ra mới là sự thật. Tuy nhiên lời phê phán còn bị tình cảm chi phối.

– Tuổi của hoạt động

Thiếu niên yêu thích hoạt động, say mê thực hiện lý tưởng, dấn thân cụ thể cùng với một nhóm, theo sát một thủ lãnh.

Thiếu niên quảng đại và say mê lý tưởng.  Vì say mê lý tưởng mà thiếu thực tế.  Thường hành động mà không nghĩ xa, không cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra.

Vào 14-15 tuổi trẻ cảm thấy cô đơn do đó phát sinh nhu cầu yêu đương, nhưng đây còn là một thứ tình mơ hồ. Trong những năm sau trẻ dần dần trở nên thực tế hơn, có nhiều bạn bè để thông cảm với nhau hơn, tình yêu trở nên thực tiễn nhằm những đối tượng cụ thể, muốn hiến dâng. Đây cũng là lúc nam nữ bắt đầu biết tán tỉnh nhau để đến với tình yêu phái tính.

  1. Giải pháp giáo dục

Tạo điều kiện cho trẻ sinh hoạt theo nhóm nhỏ qua đó dạy cho trẻ sống kỷ luật, biết hòa đồng và cộng tác với các bạn, mang lại cho chúng nơi nương tựa bình an và có tình người.

Trí tuệ của tuổi này tiến triển mạnh do đó nội dung giáo lý cần được mở rộng và tăng cường để bao trùm những hiểu biết mới của trẻ.

Trẻ bước vào giai đoạn vui thích hoạt động, say mê lý tưởng ➜ Nên trao cho chúng những trách nhiệm cụ thể và giúp chúng vượt lên trên lòng quảng đại tự nhiên để hoạt động theo tinh thần tông đồ, chuẩn bị mọi mặt cả về kiến thức cũng như kỹ năng cho sứ mạng người Huynh trưởng tương lai .

Say mê lý tưởng nhưng thiếu thực tế, hành động mà không nghĩ xa, không cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra, dễ chán nản khi gặp thất bại ➜ Huynh trưởng cần đồng hành, định hướng một cách khéo léo để giúp trẻ thắng được cái “tôi” vị kỉ  để hướng về người khác

một cách cởi mở vị tha trong tinh thần phục vụ, giúp các em biết đem hết khả năng để phục vụ nhưng đồng thời cũng cần dựa vào Thiên Chúa, cần cầu nguyện mỗi khi bắt đầu làm một việc gì.

Thiếu niên không ưa những lời khuyên răn luân lý trực tiếp của thầy cô, Huynh trưởng ➜ Nên tổ chức học tập dưới hình thức tọa đàm để qua những phân tích của thầy cô, những nhận định của bạn bè các em sẽ xác định đúng hướng cho tương lai của mình.

Tuổi của yêu đương nên khi bắt đầu có tình cảm với ai đó các em dễ ngộ nhận đó là tình yêu ➜ Huynh trưởng cần tạo sự đồng cảm, chia sẻ một cách tế nhị và chân thành những kinh nghiệm đời thường của chính bản thân mình, phân tích từng điểm một để các em nhìn thấy được vấn đề. Tuy nhiên Huynh trưởng phải biết giới hạn về phái tính của mình để kiềm chế tốt nhất hãy để các em tin phục chứ đừng thân tình quá đến mức suồng sã.

➽ Tóm lại: Người Huynh trưởng được trao phó sứ mạng giáo dục và huấn luyện các em nên người, nên Thánh và nên Tông đồ do đó cần phải không ngừng học hỏi để sở trường được chuyên sâu, sở đoản thì đa dạng hầu đón đầu, thu phục được lòng tín nhiệm của các em và nhất là phải xuất phát từ tình yêu, luôn biết lắng nghe để thấu hiểu, bao duy để nâng đỡ các em đang nằm trong vòng tay giáo dục yêu thương của chúng ta.

 

Trả lời