BÀI 13: Cách Soạn Và Dạy Bài Khóa Cho Đoàn Sinh

Ai trong chúng ta cũng đã có ít nhất một lần phải thuyết trình, báo cáo chuyên đề, chia sẻ kiến thức hoặc kinh nghiệm ở một chuyên ngành/ lĩnh vực nào đó. Nhưng nếu phải đứng lớp để truyền thụ kiến thức cho một tập thể mang tính chất lớp học, khoá học, thì tất nhiên người phụ trách đã đứng ở cương vị một người thầy. Mà một người thầy, thì không thể nói rằng mình không biết hoặc không cần đến sư phạm. Cho nên, khi nói đến thầy dạy, chúng ta phải nói đến sư phạm, nói đến những quy tắc, và phạm trù trong nghề thầy dạy. Hay nói cách khác, đó chính là những kỹ thuật chuyên môn giúp người đứng lớp đạt hiệu quả cao.

Chính vì thế, khi một người huynh trưởng được trao phó trách nhiệm đứng lớp, nên tự vấn chính mình: “Tại sao mình được giao nhiệm vụ này? Mình cần phải chuẩn bị như thế nào? Mình sẽ phải làm gì và làm ra sao ?”. Để trả lời cho những câu hỏi trên, hôm nay, chúng ta cùng đến với đề tài: CÁCH SOẠN VÀ DẠY BÀI KHÓA CHO ĐOÀN SINH.

  1. CÁCH SOẠN BÀI KHÓA

Soạn bài khóa là bước đầu tiên và bắt buộc đối với người dạy. Nếu không soạn bài sẽ không biết bắt đầu từ đâu, chấm dứt chỗ nào, điều gì cần nói trước, điều gì phải nói sau. Nên, “khi chưa soạn bài, không nên dạy”.

  1. Trước khi soạn bài
  2. Cần Xác định mục tiêu, mục đích, đối tượng, thời gian, địa điểm, chủ đề:
    • Chủ đề: Tạo dựng, Thời thơ ấu của CGS,…
    • Mục tiêu: Nằm ở tựa bài
    • Mục đích: Điều mong muốn đạt được
    • Đối tượng:
      • Lứa tuổi
      • Tâm lý
      • Hoàn cảnh sống
      • Trình độ
    • Thời gian:
      • Thời gian soạn: Càng xa càng chu đáo
      • Thời gian giảng: Tùy thuộc vào lứa tuổi
    • Địa điểm: Trong nhà, ngoài trời
  1. Thu thập thông tin: Từ sách vở, các trang mạng, những người đi trước
  • Tài liệu:
    • Ưu tiên bản chính thức của liên đoàn
    • Tìm hiểu thêm thông tin trên các trang mạng
    • Không ngừng đào sâu và tích lũy kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm sống
  • Bàn hỏi: Nếu chưa hiểu rõ đề tài hay còn hoang mang với các thông tin trên mạng thì nên kiếm những người đi trước, có uy tín và có trách nhiệm để tham khảo thêm.
  1. Trong khi soạn bài

– Xác định trọng tâm

Vd: Lửa thiêng thánh thể

  • Cấp 1: Giới thiệu, nêu ý nghĩa
  • Cấp 3: Cách thức trình bày

 – Chọn lọc ý tưởng sau khi đã tham khảo tài liệu và bàn hỏi

  • Các chủ đề mới: Qui nạp
  • Những chủ đề đã có mẫu : Diễn dịch

– Bố cục và thời gian

  • Viết thành bài và coi tới coi lui nhiều lần
  • Ví dụ: Sử dụng 5W 1H cho bài khóa Phương pháp hội họp
  • What: Phương pháp hội họp là gì?
  • Why: Tại sao phải có phương pháp hội họp?
  • Who: Đối tượng sử dụng phương pháp hội ở đây là ai?
  • When: Khi nào thực hiện phương pháp hội họp?
  • Where: Thực hiện phương pháp hội họp ở đâu?
  • How: Họ đã tiếp thu và thực hiện như thế nào?
  1. Sau khi soạn bài
  • Đọc lại
  • Kiểm tra nội dung (ý chính, bài hát, trò chơi…) sao cho phù hợp và mạch lạc.
  • Hỏi những “chuyên gia” rồi điều chỉnh lại bài cho hoàn chỉnh.
  • Căn chỉnh thời gian
  • Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, tài liệu
  • Tóm tắt bài soạn bằng những từ khóa nhưng chắc chắn bạn đã nhớ bài của mình.
  • Thiết kế bài kiểm tra
  1. CÁCH DẠY BÀI KHÓA
  2. Những lưu ý

Phần lớn những người được nói chuyện trước đám đông, nhất là lần đầu tiên đứng trước một tập thể, đều có chung những lo âu nhất định, nhất là đây lại là một khóa học gồm những đoàn sinh đa dạng về trình độ, về tuổi tác, về nghề nghiệp. Tuy nhiên, với bước chuẩn bị kỹ càng như nêu trên, cũng đã một phần không nhỏ giúp người huynh trưởng đứng lớp tự tin hơn, chững chạc hơn, và chắc chắn kết quả khả quan hơn. Để đạt hiệu quả tốt, khi đứng lớp, người huynh trưởng nên áp dụng một số đề nghị sau:

Tìm hiểu lớp học: Như trên đã nói, một trưởng phụ trách huấn luyện cho một khóa học đa dạng như vậy khi cần tìm hiểu đối tượng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là một giáo viên trong ngành giáo dục, vì trong ngành giáo dục, những lớp học có nhiều điểm chung, ít ra thì cũng không có những cách biệt quá lớn.  Tuy nhiên, cũng không nên vì thế mà bỏ qua công việc này. Phải biết được hoàn cảnh địa dư, ngôn ngữ, phong tục, tập quán … của từng vùng, miền, từng địa phương nơi mình phụ trách bài khóa. Cũng cần phải biết được tỷ lệ giới tính (nam nhiều hơn hay nữ nhiều hơn), trình độ tiếp thu (nông thôn khác thành thị, miền xuôi khác vùng cao …), trình độ tuổi tác (già hoặc trẻ chiếm đa số)… Câu nói “anh hãy cho những cái mà họ cần, đừng cho những cái mà anh thích” và “cách cho quý hơn của cho”, rất đúng và rất cần cho trưởng đứng khóa trong trường hợp này.

Chú ý diện mạo: Nếu như trưởng muốn tạo ấn tượng mạnh mẽ ngay từ ban đầu thì trang phục phải thật chỉn chu và tươm tất. Ngoài ra, người huynh trưởng cần phải giữ tư thế thật tốt trong suốt buổi dạy giáo lý – sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp không chỉ giúp người huynh trưởng tự tin hơn mà còn giúp kiểm soát được hơi thở của mình. Người huynh trưởng cần tránh sự lo âu hoặc những biểu hiện không tốt ảnh hưởng đến tinh thần đoàn sinh.

Thái độ ứng xử: Người huynh trưởng không tự cho mình giỏi, có kiến thức sâu rộng nhưng phải biết khiêm nhu tự hạ, không khoe khoang hợm hĩnh. Niềm nở thân mật, nhưng không suồng sã lố lăng, khi tiếp xúc. Khi đứng lớp, cần giữ tư thế đứng nhiều hơn là ngồi, nếu có thể, nên đi tới gần bàn học viên, tạo sự hoà đồng.

2. Cách dạy bài khóa

  1. Khởi đầu
  • Giới thiệu bài học: thường có 2 cách khởi đầu:
    • Trực tiếp (Trực khởi): Đi ngay vào vấn đề
    • Gián tiếp (Lung khởi): Vào đề từ từ
  1. Trình bày nội dung
  • Trình bày theo văn nói. Nói êm nhẹ hoặc cường điệu tùy theo nội dung từng phần của bài. Các phần của nội dung cần được tiếp nối bằng những câu “bản lề” thích hợp. Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ hình tượng để tăng tính sinh động cho bài giảng. (Vd: Dụ ngôn “viên ngọc quý”, dụ ngôn “men trong bột”, dụ ngôn “cây nho và cành nho”…). Kể cả cách so sánh, so sánh ngầm…à Ngôn ngữ hình tượng sẽ khiến cho người nghe vừa dễ tiếp thu lại vừa dễ hiểu, nhờ đó mà tiếp cận và đón nhận chân lý cách hiệu quả, sâu sắc hơn.
  • Lớp học có bảng phấn, Huynh trưởng nên ghi rõ chủ đề và các tiểu đề trong dàn bài. Ngoài ra, có thể ghi những ý chính, những điểm nhấn, tên nhân vật hay những chứng liệu cần thiết, để đoàn sinh dễ theo dõi và ghi chép. Tuy nhiên, phần ghi chép, dài hay ngắn còn tùy theo cấp, theo độ tuổi.
  • Khi nhận thấy đoàn sinh có vẻ buồn ngủ, lo ra nhiều quá, tuyệt đối không nổi nóng vì đó là hành động phản sư phạm. Hãy tự nhìn lại mình xem “tại sao lại như thế?” phải chăng tại mình nói “hay” quá nên mới xảy ra nông nổi ấy? Từ đó nên thay đổi ngay cách nói: Hỏi một vài em để tạo lại sự chú ý cần thiết nơi các em, kể một câu chuyện dí dỏm hay thậm chí có thể là một bài hát ngắn. Đó là cách “chữa lửa” rất có tác dụng và là sự tinh tế trong giảng dạy.
  • Kiểm tra sự tiếp thu của các em bằng hệ thống các câu hỏi. Không tạo cho các em thói quen “vuốt đuôi”. Câu hỏi phải tích cực, chú ý đến những em muốn trả lời nhưng nhút nhát.
  • Đưa học cụ phù hợp vào đúng lúc là phương tiện hữu ích giúp các em hiểu và nhớ bài.
  • Sau mỗi bài, trưởng phải tự đánh giá, ghi nhận những chi tiết thuận lợi, khó khăn, những thiếu sót – phân tích nguyên nhân, rút kinh nghiệm cho bài học sau. Có thể rút kinh nghiệm bằng cách:
    • Tự rút kinh nghiệm
    • Rút kinh nghiệm qua đoàn sinh
    • Rút kinh nghiệm qua bạn bè
  1. Kết bài
  • Tóm lại những ý chính cần nhớ
  • Đưa ra quyết tâm và việc làm thực hành áp dụng nội dung của bài học vừa rồi.

III. NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ KHI SOẠN VÀ DẠY BÀI KHÓA

  1. Khi soạn bài khóa

Khi soạn bài cần cố gắng chọn lọc thông tin và viết sao cho đủ ý, lời lẽ văn chương cần ngắn gọn xúc tích. Để khi trình bày giúp người nghe dễ dàng hiểu được mình muốn nói gì.

Nếu trong bài có trích dẫn kèm theo thì nên nêu rõ/ giới thiệu nguồn để giúp người nghe có thể tìm kiếm thêm thông tin từ gợi ý mình đưa ra.

Tránh dùng những lời lẽ tiêu cực, hay những hình ảnh phản cảm, không lịch sự đưa vào bài soạn.

Hạn chế dùng những câu chuyện dài, những câu chuyện quá phức tạp làm ví dụ để khỏi lạc đề và phí thời gian.

  1. Khi dạy bài khóa

Kiểm soát tốc độ nói: Có thể vì căng thẳng và lầm tưởng rằng mình đang nói rất chậm mà nhiều trưởng thường nói rất nhanh. Vì lẽ đó, bài giảng của họ thường kết thúc khá vội vàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lắng nghe và ghi nhớ từ phía người nghe, mà nó còn khiến trưởng đó mất đi sự tự tin. Thay vào đó, người huynh trưởng hãy tự kiểm soát tốc độ nói của mình, nói với tốc độ chậm hơn trưởng nghĩ là phù hợp và nói rõ từng từ.

Tránh dùng quá nhiều từ đệm: Đây là một thói quen cực kì khó sửa mà hầu hết chúng ta đều sử dụng như: “à”, “ừ”, “ừm”… Thực tế, việc thêm các từ đệm là một giải pháp dễ dàng hơn là im lặng. Tuy nhiên, việc nói chèn thêm các từ đệm không hề chuyên nghiệp, và trong một bài giáo lý, nếu trưởng sử dụng quá nhiều thì đoàn sinh sẽ chỉ chú ý đến chúng mà thôi. Vậy nên, chúng ta hãy loại bỏ những từ đệm ấy bằng cách quên đi sự hiện diện của chúng và nói thật nhuần nhuyễn. Điều này, chúng ta có thể thực hành được bằng cách tránh đi những từ đệm ấy trong những câu chuyện hằng ngày của cuộc sống. Nếu làm được vậy chúng ta không còn phải lo lắng mỗi khi giảng bài hay thuyết trình nữa.

Hãy nhìn thẳng vào mắt người nghe: Đây là một kỹ thuật quan trọng giúp chúng ta tự tin hơn, dù ban đầu nó dễ gây lo lắng cho chính bản thân mình nhưng chúng ta hãy cứ thử xem. Khi chúng ta giảng, hãy cố gắng nhìn thẳng vào mắt mỗi đoàn sinh để gây chú ý rằng chúng ta đang giao tiếp với bạn ấy. Điều này giúp chúng ta nhanh chóng kiểm soát được bầu không khí và các đoàn sinh sẽ ngay lập tức lắng nghe lời bạn nói.

Thu hút đoàn sinh: Đừng chỉ giảng cho các đoàn sinh, hãy tìm cách để các bạn ấy cùng tham gia tích cực vào bài dạy của mình. Nếu chúng ta là những huynh trưởng đã có thâm niên “trong nghề”, có kỹ năng ứng biến và kịp thời xử lý tình huống thì hãy mời một vài đoàn sinh nêu ý kiến. Còn nếu chúng ta chưa có thâm niên nhưng vẫn thích sự tham gia của các đoàn sinh thì hãy yêu cầu các bạn ấy cho một tràng pháo tay, giơ cánh tay để thể hiện ý kiến. Sẽ rất khó khăn nếu trưởng yêu cầu các bạn đoàn sinh tự hình dung, hoặc hỏi một câu hỏi giả định. Ngoài ra, nói chuyện hài hước cũng là một cách tuyệt vời để giữ sự chú ý của các đoàn sinh, cũng như kể chuyện. Và chúng ta hãy luôn sử dụng những yếu tố này trong bài giáo lý của mình bằng mọi cách.

Luyện tập trước – nhưng đừng học thuộc: Người huynh trưởng cần tập dợt bài giảng của mình trước buổi dạy chính thức. Điều này giúp trưởng ghi nhớ những ý chính của bài, xác định những câu hỏi có thể xảy ra và giúp trưởng tự tin hơn. Tuy nhiên, trưởng đừng tập quá nhiều để tránh trưởng bị đóng khung trong cách nói hoặc mất đi sự tự nhiên khi giảng dạy trước các em.

Kiểm soát thời giờ: Khi đứng giảng chúng ta nên chú ý thời gian để biết mình đã giảng tới đâu và thời gian trôi qua như thế nào rồi. Nếu không kịp giờ, trưởng phải linh động xem có thể bỏ bớt những phần nào không quan trọng để tập trung vào những ý chính, đừng cứ theo sát bài giảng như đã soạn sẽ ảnh hưởng đến những công việc ở sau.

Kiểm soát ngôn từ: Trưởng phải cẩn thận đừng nói mà không suy nghĩ để tránh có những lời đưa đến hiểu lầm, và người huynh trưởng phải chắc rằng mình nghe rõ những gì mình nói để sửa ngay khi có nhầm lẫn. Trong lúc giảng dạy, nếu có tương tác với các em trưởng tránh dùng những từ “sai”, “không đúng”, “chưa chính xác”,… sau những câu trả lời của các em, mà thay vào đó chúng ta nên khéo léo hơn, sử dụng những câu từ tích cực, động viên, “gần đúng”,  “đúng nhưng trúng”, “rõ ý hơn một xíu”,….

Để lại một bình luận