Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Từ đó, Giáo Hội không ngừng thi hành sứ mạng này trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Công đồng Vaticanô II xác quyết: “Giáo Hội lữ hành, tự bản chất, là truyền giáo” (AG, 2). Do đó, mọi thành phần Dân Chúa – từ giám mục, linh mục đến giáo dân – nhờ Bí tích Rửa Tội, đều có trách nhiệm loan báo Tin Mừng và cộng tác tích cực vào sứ mạng ấy. Vậy, với tư cách là Kitô hữu giáo dân, chúng ta truyền giáo trong gia đình mình như thế nào?
Trước câu hỏi này, nhiều người cảm thấy lúng túng vì vẫn nghĩ rằng truyền giáo là ra đi đến những vùng xa xôi, nơi có người chưa biết Chúa. Thực ra, điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium (2013) kêu gọi: “Tất cả chúng ta phải rời khỏi vùng tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG, 20). Tuy nhiên, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 2225) nhấn mạnh: “Nhờ ân sủng Bí tích Hôn Phối, cha mẹ có trách nhiệm và vinh dự loan báo Tin Mừng cho con cái. Họ là ‘những sứ giả đầu tiên’ khai tâm đức tin cho con ngay từ thuở đầu đời.” Gia đình Kitô giáo còn được mô tả là “một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến… là sự hiệp thông phản ánh tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 2204–2205). Nói cách khác, gia đình là Hội Thánh tại gia – nơi nhân cách được hình thành, giá trị được vun trồng và tình yêu được học hỏi – là môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin.
Cha mẹ là những người thầy đầu tiên: hành vi, lời nói và thái độ của họ ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là ngày nay, nhiều gia đình dường như không còn quan tâm đến việc giáo dục đức tin. Cha mẹ bận rộn mưu sinh, con cái vùi đầu vào học hành, khiến thời gian dành cho nhau ngày một vơi cạn. Sự xa cách dần lớn lên, gây ra nhiều hệ lụy: con cái thiếu sự nâng đỡ tinh thần, dễ rơi vào trầm cảm, tệ nạn; cha mẹ nói mà không làm gương; vợ chồng bất hòa, gia đình rạn nứt… Đây là hồi chuông cảnh tỉnh và cũng là lời mời gọi khẩn thiết với các mục tử trong Giáo Hội, nhất là trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa.
Việc loan báo Tin Mừng không chỉ là lời rao giảng mà còn là lối sống. Ngay trong gia đình, chúng ta có thể xây dựng đời sống đức tin bằng những hành động cụ thể: cùng nhau chia sẻ, lắng nghe và cảm thông; đọc Lời Chúa, cầu nguyện và sống đức tin cách chân thành. Khi gia đình sống đức tin cách sống động, họ trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng cho xã hội.
Tóm lại, loan báo Tin Mừng là bổn phận chung của mọi Kitô hữu. Nhưng trong phạm vi gia đình – điều bài viết muốn nhấn mạnh – thì mỗi thành viên, đặc biệt là ông bà, cha mẹ, có trách nhiệm làm dậy men Tin Mừng trong tổ ấm của mình. Đức tin của mỗi người lớn lên cũng nhờ được nuôi dưỡng trong bầu khí đức tin của gia đình. Chúng ta không sống đức tin một mình, nhưng là cùng nhau sống, cùng nhau lớn lên trong đức tin.
Thánh Têrêsa Calcutta từng nói: “Nếu bạn muốn có một gia đình hạnh phúc và thánh thiện, hãy học biết chia sẻ, hãy dùng đôi tay để phục vụ và trái tim để yêu thương.” Quả thật, nhiều vị thánh đã trưởng thành trong những gia đình đạo đức: Thánh Augustinô, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII… Các ngài đã nên thánh trong chính gia đình mình – chúng ta cũng có thể.
Cuối cùng, đừng mong một Giáo Hội thánh thiện, một xã hội ổn định nếu chính các gia đình lại chia rẽ, bất hòa, nguội lạnh trong đức tin. Hãy bắt đầu truyền giáo ngay từ mái ấm của mình – nơi gần nhất, thiết thực nhất và quan trọng nhất.
Nt. Anna Thương Thảo