Suy niệm 1:
Xong ca trực, trở về nhà vào lúc tờ mờ sáng và trong sự mệt mỏi. Mở phòng ra tôi nghe có tiếng động và thấy một thanh niên đang lom khom ngay cửa vào phòng ăn. Trước tầm kiểm soát và đề phòng của nghề cảnh sát chuyên nghiệp nên đã túm lấy được anh ta. Nhưng với sức mạnh kháng cự của anh thanh niên da đen nên cô ta đã dùng hết võ công của mình và cuối cùng đã nổ phát súng làm anh ta trọng thương nặng. Vì mất máu quá nhiều trong khi gọi cảnh sát đến nên anh ta đã không thể qua khỏi.
Tiếng còi hú của xe đồng nghiệp đến, đợi mãi mà không thấy họ đến tầng lầu nơi cô ấy đang đứng. Chợt nhìn lại xung quanh căn hộ, chỗ đang đứng không phải là phòng của cô ấy. Cây súng tự vệ trên tay cô ấy bỗng rơi xuống sàn nhà đã làm cô giật bắn người tĩnh lại, cô ấy đã vào lộn phòng!
Thế rồi, phiên tòa định mệnh cũng đã đến. Cô đã nhận lỗi mình đã quá lầm và quá sai, cúi đầu chấp nhận bao ánh mắt, lời nói của số đông người đàm tiếu và đang chỉ trích. Phẩm phán đã công bố và đưa ra một hình phạt theo như luật định. Phiên tòa kết thúc tưởng chừng như trong đau thương và nuối tiếc!
Bỗng có một anh thanh niên da đen đứng lên, thì ra đó là em trai của anh thanh niên bị giết. Anh ta đã lớn tiếng và phát biểu: “Kính thưa thẩm phán, chiếu theo luật thì cô đây phải chịu án phạt vì tội đã phạm. Nhưng đối với tôi, gia đình tôi và nhất là trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Chúa chúng tôi đã dạy rằng, hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người xúc phạm đến chúng tôi. Phận là con người ai cũng yếu đuối và không hoàn thiện, ai cũng có lỗi lầm chỉ có Chúa là Đấng hoàn thiện tuyệt đối.
Chính trong sự hiểu lầm mà cô ấy đã giết chết anh tôi. Tôi tin rằng Chúa của chúng tôi đã tha thứ cho cô ta trước sự thinh lặng và thiện chí của cô ấy. Vì cả cuộc đời của cô ấy đã cống hiến cho sự nghiệp, cho công lý và cho lợi ích vì người khác. Anh chúng tôi đã chết, dù cô ấy có chết như luật định thì anh tôi cũng sẽ không sống lại. Mọi sự xảy ra trong cuộc đời này là do Chúa an bày. Anh tôi chết nhưng anh ấy sẽ sống mãi với Đấng Hằng Sống và luôn yêu thương nhân từ. Chúng tôi tin rằng anh tôi cũng rất vui khi chúng tôi tha thứ cho cô ấy và Chúa chúng tôi sẽ luôn hài lòng khi chúng tôi sống theo điều Ngài dạy”.
Nói xong rồi, anh thanh niên xin phép thẩm phán đến và ôm cô ấy. Phiên tòa căng thẳng trong bi thương bỗng trở nên tràn ngập yêu thương và cảm thông. Mọi người chứng kiến cảnh tượng đó ai ai cũng rơi lệ và cùng chạy đến ôm hôn cô ấy.
Phiên tòa định mệnh ấy là chuyện có thật đã làm rúng động bao tâm hồn con người. “Ở đâu có hai ba người nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, ở giữa họ” (Mt18,20). Chỉ có tình yêu mới xua tan hận thù, chỉ có tha thứ mới nối kết những bất hòa. Thiên Chúa là Đấng tình thương sẽ đem lại cho con người khát vọng, sự tha thứ và bình an.
Mọi sự theo chu kỳ từng ngày qua đi. Cuộc đời mỗi người theo qui luật cũng sẽ kết thúc, nhưng cái còn lại là tình người, là tình thương chúng con đã chia sẻ cho tha nhân. Mọi thứ chúng con có: thời gian, sức khỏe, vị thế trong cuộc đời là do Chúa ban. Hơn thua nhau một hai lời nói để làm gì, thứ Thánh Phêrô đã dạy rằng: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao cho anh em” (1Pr 3,5).
Cha mẹ sinh con nhưng trời sinh tính. Bản tính mỗi người khác nhau nên cũng tùy mỗi người mà chúng ta góp ý xây dựng cách tế nhị, cùng nâng đỡ nhau tiến bộ. Thế giới có khoản 8 tỷ người nên có cơ may gặp nhau đã là cái duyên. Hãy luôn yêu thương, cảm thông và giúp đỡ nhau khi còn có thể. Xin Chúa cho chúng con có một con tim đủ lớn để đón nhận tha nhân. Xin mượn lời của bài hát Lời kinh Hòa Bình để kết thúc tâm tình chia sẻ: “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh Thánh Ái xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai đầy lòng thiện chí: Ơn An Bình”. Amen.
Ephata
Suy Niệm 2:
ĐỨC ÁI
Trong cuộc sống, là con người dù lớn hay nhỏ, già hay trẻ hoặc ở vị thế nào, ai trong chúng ta cũng hơn một lần sai lỗi. Hôm nay Đức Giê-su dạy chúng ta phương thế sửa lỗi cho nhau cách rất nhân bản, Ngài chỉ dẫn chúng ta từng cấp độ, từ bí mật cho đến công khai, nhưng trên hết, nền tảng Đức Giê-su đặt ra cho việc sửa lỗi chính là Đức Ái. Quả thật, nhờ đức ái chúng ta mới có đủ sức mạnh để chân thành liên đới với tha nhân; hơn nữa, đức ái còn là chìa khóa giúp chúng ta mở cánh cửa của những tâm hồn đang đóng kín do bị tổn thương bởi hoàn cảnh sống, hoặc do bị tội lỗi đè nặng.
Bởi thế, khi Đức Giê-su vạch rõ lộ trình cho chúng ta sửa lỗi anh chị em, Ngài bắt đầu từ hình thức cá nhân, gặp gỡ và đối thoại với họ, nếu điều đó không ổn thỏa thì chúng ta cùng với ai đó có thế giá để thuyết phục họ, và nếu điều đó không được thì ta mới đưa ra cộng đoàn. Đây là quy tắc Đức Giê-su dạy chúng ta phải làm. Hơn nữa, Đức Giê-su còn lưu ý chúng ta rằng, khi sửa bảo anh chị em là phải giúp tận tâm và hết khả năng, sau cùng “nếu Hội Thánh mà họ cũng không nghe, thì kể người ấy như kẻ ngoại đạo hay người thu thuế”. Ở đây, Đức Giê-su muốn chúng ta hiểu cách thấu đáo: người ngoại phải được nghe rao giảng Tin Mừng, người thu thuế là người cần phải được hoán cải. Vậy, nếu chúng ta coi người anh em như người ngoại thì họ cần lời rao giảng cũng như chính lối sống của ta, để họ được thuyết phục và hoán cải.
Thế giới công nghệ ngày nay đặt chúng ta trước một thách đố khá phổ biến, đó là công kích nhau trên mạng xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau như: nói trống (ném đá giấu tay), dùng nickname của người khác để phê bình, chỉ trích, lên án, hoặc gài bẫy cho người mình không thích mắc bẫy, … Và trong các tương quan cũng vậy, đôi khi chúng ta không dám can đảm và không biết cách đối diện với anh chị em khi họ phạm lỗi với mình hay phạm lỗi với ai đó. Thay vì chúng ta nâng đỡ, hướng dẫn anh chị em mình trong ý hướng thiện lành, thì chúng ta lại có cách hành xử không đẹp với họ, làm cho họ đã sai lại càng sai thêm. Thử hỏi, có bao giờ chúng ta đặt đức ái làm tiêu chí hàng đầu cho việc sửa lỗi giúp anh chị em mình như Đức Giê-su mời gọi hay chưa?
Thực vậy, khi đến trần gian, Đức Giê-su đã mạc khải cho chúng ta hình ảnh về Thiên Chúa – Đấng từ bi và hay thương xót, Đấng không muốn bất cứ ai phải hư mất. Thế nên, Đức Ái là nền tảng, quy tắc để chúng ta sửa lỗi cho nhau, và là mục đích dẫn đưa chúng ta đạt tới đức ái hoàn hảo như vị tông đồ Phao-lô khuyên cộng đoàn tín hữu Rô-ma: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tình thương”. Để có thể trả món nợ này, chúng ta được mời gọi sống liên đới với anh chị em của mình trong mọi trạng huống của cuộc sống, và nhất là bác ái với nhau khi giúp ai đó vượt qua những bất toàn hay yếu đuối của phận người, tất cả vì yêu thương và trong yêu thương.
Xin Chúa Giê-su giúp chúng con can đảm đối diện với những điều không hài lòng về anh chị em trong tế nhị và chân thành, nhất là tạo cơ hội cho họ lớn lên trong ơn nghĩa Chúa. Xin Chúa dạy chúng con biết cư xử bác ái với người khác trong yêu thương như Chúa hằng thương yêu và quảng đại với chúng con. Amen.
M. Nhị Thơ
Suy niệm 3:
SỬA LỖI
Trong một xã hội mà ngày nay người ta sống với nhau bằng rất nhiều “khuôn mặt” với lý do chủ yếu là tránh va chạm, tránh mất lòng để tránh phiền phức, thì Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su lại mời gọi mọi người nhất là những người Kitô hữu hãy đến với anh em bằng tình yêu thương chân thật, hãy can đảm sửa lỗi cho nhau trong sự chân thành, trong chân lý và trong tình thân.
Thiên Chúa ghét tội nhưng Ngài yêu thương tội nhân. Vì đó là một nhân vị cần được tôn trọng và là một con chiên đi lạc cần được đưa về. Trong thời gian đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su, Ngài cũng đã rất nhiều lần bày tỏ và sống quan điểm này:
- Với người Pharisêu và các kinh sư giả hình, Ngài thẳng thắn chỉ vào những mặt tiêu cực mà các ông hay mắc phải để giúp các ông thức tỉnh mà quay về đường lối chính trực của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài cũng sẵn sàng đi đến dùng bữa khi được các ông ngỏ lời mời. (Lc 7, 36)
- Với những người được coi là “bên lề của xã hội”, bị mọi người cười chê, khinh bỉ vì phạm những tội công khai, Đức Giê-su lại không lên án, cũng không dung túng. Ngài đến như vị lương y chữa lành tâm hồn họ khỏi những hậu quả của tội và đón nhận họ như một cánh cửa mở ra cho họ bước vào.
- Với các tông đồ của mình, Đức Giê-su sẵn sàng dùng những từ được gọi là “khó nghe” để giúp các ông thức tỉnh khỏi những tham vọng trần thế, khỏi vướng bận của những hấp dẫn trần gian mà thanh thoát hơn trên con đường làm môn đệ của Ngài.
Qua lời giảng dạy và gương mẫu của Chúa Giê-su, người Kitô hữu chúng ta cần ý thức hơn về thái độ của chúng ta khi sống chung với anh em của mình. Vì khi nhìn thấy lỗi lầm của nhau, chúng ta thường xảy ra trong nội tâm hay tỏ rõ thái độ bên ngoài theo hai “thái cực”:
- Hoặc quá chú tâm xăm soi, lên án chỉ trích công khai làm cho đối tượng mắc lỗi cảm thấy nhục nhã, không còn ý chí phấn đấu sửa sai hay tệ hơn là nghĩ tới những cách thức tiêu cực nhất để giải quyết vấn đề. Thật ra điều này rất phổ biến trong “thế giới mạng Internet” hôm nay. Có vô số “anh hùng bàn phím” sẵn sàng bình luận vô tội vạ để thỏa mãn cái tôi của mình mà không nghĩ tới đối tượng mình đề cập đến sẽ bị tổn thương ra sao, để rồi gây nên biết bao những hậu quả đáng tiếc.
- Hoặc theo cách thức ngược lại đó là bàng quan trước những lỗi lầm của nhau với lý do không quan tâm, tránh đụng chạm tệ hại hơn đó là bưng bít che đậy. Với những thái độ này cũng không làm cho người có lỗi khá hơn chút nào. Vì có thể họ sẽ lún sâu vào vũng bùn tội lỗi, hoặc họ sẽ gây hại thêm cho nhiều người và cho chính bản thân mình. Điều này rất dễ nhìn thấy trong những gia đình có cha mẹ quá bận rộn với công việc mà quên đi sự hiện diện của con cái trong gia đình, để rồi khi phát hiện ra thì đứa trẻ đã đi quá xa trong con đường sai lạc. Hay trong xã hội ngày nay khi cán cân công lý được đo bằng chức quyền, tiền bạc thì việc sửa lỗi cho nhau không còn được chú trọng đến nữa.
Chúa Giê-su không muốn môn đệ của Ngài sống thiên về một thái độ nào trong hai thái độ trên. Ngài muốn chúng ta hãy đến sửa lỗi cho nhau bằng sự chân thành, trong tình bác ái và chân lý để giúp nhau thăng tiến trong đời sống thiêng liêng cũng như đời sống xã hội. Chân lý thiếu bác ái chỉ là sợi dây “khô khốc” trói buộc con người. Bác ái không đi với chân lý chỉ là nhu nhược, là nhát đảm, là thỏa hiệp.
Bảo Bảo
Suy niệm 4:
CÁCH SỬA LỖI NHAU
Người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”, là con người không ai là hoàn hảo, không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót, trái lại, còn thường xuyên sai lỗi, mắc nhiều thiếu sót là khác, nên cần được sửa lỗi và chỉ bảo cho nhau. Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định: “Ai nói mình không có tội, đó là kẻ nói dối” ( 1Ga 1,10). Nhưng phải giúp nhau sửa lỗi như thế nào và bằng cách nào? – Sự sửa lỗi cho nhau là trách nhiệm của mỗi người, chứ không phải là công việc tùy ý hay chỉ dành cho những ai có thẩm quyền, nhưng cần sửa dạy trong tinh thần yêu thương và kính trọng.
Chuyện rằng: Một hôm Mẹ Thảo bảo:
- Thảo à! Hôm nay, tan học con tranh thủ về chở mẹ xuống chợ giao đồ cho Chú Nhân nhé con.
- Vâng ạ!
Thế nhưng, sao giờ tan học Linh rủ Thảo:
- Ê Thảo, đi uống trà sữa nè. Hôm nay tiệm khai trương á, nghe nói ngon và hôm nay được giảm 50% luôn.
Thảo đắn đo và suy nghĩ: Chắc mình về muộn tí chắc mẹ không la đâu nhỉ? Và rồi Thảo đồng ý cùng Linh đi uống trà sữa. Còn Mẹ Thảo ở nhà trông Thảo về, đợi không được bà đành gọi xe ôm đi cho kịp. Còn Thảo mãi vui chơi cùng Linh và các bạn khác đến gần 2 giờ chiều mới về. Về đến nhà Thảo nói dối với mẹ là hôm nay Thầy dạy toán ôn thêm mà điện thoại con hết pin không gọi cho mẹ để báo ạ. Mẹ Thảo nhìn con với vẻ mặt buồn và bà bắt đầu nói:
- Mẹ rất buồn con vì con đang nói dối mẹ. Trưa nay con không về mẹ đã bắt xe ôm đi giao đồ dưới chợ, mẹ đã thấy con và các bạn trong tiệm trà sữa mới mở. Và bà bắt đầu dạy dỗ con phải sống thành thật, không được gian dối và bà đã dạy con điều gì tốt cần nên học …với sự tinh tế dạy dỗ con cách nhẹ nhàng, đầy tình thương của mẹ, Thảo hứa với mẹ là từ này về sau con không nói dối và làm điều gì xấu nữa.
Với cách dạy dỗ con, thay vì mắng chửi thì Mẹ Thảo dạy con cách nhẹ nhàng, cắt nghĩa cho con hiểu về lỗi lầm đang mắc phải để giúp con mình sửa đổi tốt hơn.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giê-su chỉ dạy cho chúng ta phương thức sửa dạy rất hay và tế nhị, phải kín đáo và từ tốn. Ban đầu là gặp gỡ riêng giữa mình và người sai lỗi. Gặp gỡ trong tình thân, chân thành nói chuyện với nhau. Và sau khi gặp riêng sửa không được thì mới cần trợ giúp thêm hai, ba, bốn người nữa để việc sửa dạy có hiệu quả hơn. Người được sửa dạy cần khiêm tốn nhận ra lỗi của mình, thành thật thú nhận khuyết điểm, mở lòng ra và lắng nghe những lời mà người khác đang giúp mình sửa đổi những lỗi lầm. Tuy nhiên cũng có người vì cái tôi và tính tự ái đã từ chối lắng nghe những lời sửa dạy của người khác.
Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết bao dung với anh chị em khi họ có lỗi với chúng con. Xin cho chúng con biết lấy tình thương để cảm hóa nhau và giúp nhau sống tốt hơn. Và khi con sai lỗi, xin cho con mau mắn chạy đến bên Chúa xin ơn tha thứ và xin cho con biết thành thật nhận ra lỗi của mình và khiêm tốn sửa đổi lỗi lầm ấy.
Cây Bút Chì
Suy niệm 5:
ĐỪNG BAO GIỜ ĐẶT DẤU CHẤM HẾT CHO MỘT NGƯỜI CÒN SỐNG
Trong Tin Mừng được phụng vụ trình bày trong Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta về cách sửa dạy huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu. Nếu anh chị em tôi phạm lỗi với tôi, xúc phạm tôi, thì tôi phải bày tỏ lòng bác ái đối với người ấy. Vấn đề không phải là sửa dạy hay giảng dạy mà Chúa sai chúng ta đến với tha nhân để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của chúng ta không phải là theo dõi tội nhân mà là chỉ cho nhau con đường được cứu sống.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân lên ngôi dẫn đến con người sống vô cảm, không quan tâm đến ai, mạnh ai nấy sống hay sống chết mặc ai. Đồng thời, mọi quan hệ giữa người với người đều dựa trên lợi nhuận kinh tế. Vì vậy, những việc không có lợi, người ta thường tránh né và cũng không ai muốn gánh thêm phiền phức vào cuộc sống của mình.
Con người còn sống là còn vận động là còn đổi thay. Hôm trước có thể là người xấu, hôm nay cũng có thể là người xấu hơn hay là người tốt hơn và ngày mai thì chưa biết ra sao. Dẫu biết rằng con người có thể thay đổi nhanh như thế nhưng chúng ta vẫn hay chỉ trích nhau khi thấy người khác phạm một sai lầm nào đó. Cũng có những lúc chúng ta tiếp thị, quảng cáo không hay về nhau, thậm tệ hơn là chúng ta dán nhãn hay đóng đinh nhau, đặt dấu chấm hết cho nhau. Với những điều đó, đôi khi vô tình hay cố ý, chúng ta đã đặt dấu chấm hết cho sự vươn lên của một con người, có khi đẩy họ xuống vực sâu, lấy đi cái tương lai mà lẽ ra họ có thể có được nếu chúng ta cho họ có cơ hội để làm lại.
Tự mình nhìn ra lầm lỗi, sai trái của mình rồi tự bản thân sửa đổi là điều lý tưởng nhất nhưng rất khó. Tâm lý chung của con người thường là dễ thấy lầm lỗi của người khác nhưng chính bản thân mình thì lại không nhận ra. Và trong thực tế, không ai thích người khác chỉ ra điều sai cho mình. Mỗi người chúng ta được Chúa tạo dựng nên không ai giống ai, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người mỗi tính tình khác nhau. Nhân vô thập toàn, không ai hoàn hảo cả vì thế chúng ta phải phát huy những ưu thế của mình và tận dụng nó trong việc giúp đỡ tha nhân.
Chính Chúa Giê-su khi đi rao giảng đã để lại cho chúng ta một mẫu gương rất tuyệt vời trong việc đối xử với tội nhân, mặc dù Ngài gặp không ít rắc rối. Tất cả những điều này là một tiến trình dài, là cả một nghệ thuật bao hàm một thái độ tế nhị, thận trọng, khiêm tốn và quan tâm đến những người đã phạm tội. Chúng ta phải tránh những lời nói có thể giết chết hoặc làm tổn thương anh chị em mình. Khi tôi nói điều xấu, khi tôi nói những lời chỉ trích thiếu tôn trọng, có nghĩa là tôi có thể giết chết thanh danh của người khác. Chúng ta phải làm mọi cách để tránh những ồn ào của những câu chuyện thời sự và những lời đàm tiếu trong cộng đồng. Bởi lẽ tất cả chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta cũng cần sự tha thứ. Sự sửa lỗi huynh đệ là một sự phục vụ mà chúng ta có thể thực hiện cho nhau.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian vì yêu nhân loại chúng con lỗi lầm, xin cho chúng con biết can đảm nhìn nhận những thiếu sót nơi bản thân mình và cố gắng từng ngày sống tốt hơn, đẹp lòng Chúa hơn cũng như biết mở rộng con tim, mở rộng vòng tay, đón nhận nhau và sống bao dung với nhau. Amen.
Fiat