Chúa Nhật XX Thường Niên Năm A

Suy Niệm 1:

Sức Mạnh Phi Thường Từ Lòng Tin

“Này lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. (Mt 15, 28)

Norman Vincent Peale (1898-1993) là một mục sư danh tiếng trong Giáo Hội Tin Lành Methodist, đồng thời cũng là nhà tâm lý trị liệu danh tiếng ở Mỹ, đã xuất bản nhiều tác phẩm thuộc hạng ăn khách nhất (best-selling books), trong đó có cuốn “Sức Mạnh Của Tư Tưởng Tích Cực” (The Power of positive thinking) xuất bản năm 1952, được dịch ra đến 41 thứ tiếng, bán ra hơn 20 triệu cuốn và còn được thu vào băng dĩa để phát hành.

Cuốn sách này lôi cuốn được nhiều độc giả vì nó giúp cho người ta tìm thấy bí quyết tránh thất bại và đạt tới thành công. Bằng cách nào? Tác giả cuốn sách viết: “Người ta thất bại vì người ta thiếu lòng tin, thiếu lòng tin nơi Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào khả năng của mình. Vậy muốn thành công, hãy gầy dựng cho mình một niềm tin mạnh mẽ”.

Tác giả dùng một câu lời Chúa, trích trong Tin Mừng Matthêu làm nên bí quyết để thành công trong cuộc đời, để giành lấy thắng lợi. Câu đó là: “Nếu bạn có lòng tin thì chẳng có việc gì mà bạn không làm được.” (Mt 17,20)

Đọc câu chuyện trong Tin Mừng này, tôi nhớ lại câu chuyện của Chúa Nhật vừa rồi. Trong câu chuyện mà Chúa Nhật XIX đã tường thuật lại: Tông đồ Phêrô bị Chúa quở trách là “kẻ yếu lòng tin”. Nghĩ cũng thật là mâu thuẫn. Một người môn đệ theo Chúa suốt mấy năm trường, gần gũi thân quen với Chúa, sau này lại được đặt làm cột trụ trong Giáo hội, vậy mà bị “chê” là yếu lòng tin, còn người đàn bà xứ Canaan, là một người ngoại giáo, Chúa lại khen là có một đức tin mạnh.

Ta thấy được người đàn bà này thật liều lĩnh. Bà không phải là người Do Thái mà dám đến với Chúa Giêsu là người Do Thái ngay khi người Do Thái rất xem thường những người ngoại giáo. Bên cạnh đó bà không chỉ gặp một mình Chúa Giêsu mà cả một nhóm Tông Đồ. Bà biết chắc các vị nà chẳng ưa và cũng chẳng chút cảm tình với bà.

Người đàn bà không những liều lĩnh nhưng còn bị thử thách rất nặng nề. Thật khó hiểu thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng này. Một Chúa Giêsu rất hiền lành và nhân từ mà lại lạnh nhạt với một người đàn bà trong tình trạng đau thương như vậy, và nếu bà không kiên nhẫn trong thử thách, can đảm chấp nhận những điều xem ra có vẻ xúc phạm danh dự bản thân bà thì chắc phép là đã không xảy ra. Dù Chúa dùng những từ ngữ dường như để “chọc tức” lòng tự ái của bà thì bà càng khiêm tốn hạ mình hơn nỗi tức giận. Chính vì điều đó mà lòng tin của bà đã chiến thắng… Nên Chúa đã khen bà có một đức tin mạnh mẽ.

Từ câu chuyện này chúng ta rút ra được một bài học, một thái độ sống giữa những khổ đau và bất hạnh, giữa những gian nguy và thử thách chúng ta gặp phải giữa lòng cuộc đời. Lòng tin phải có sự kiên nhẫn, cậy trông và phó thác. Như chúng ta đã biết: đau khổ và thử thách là như một cái gì gắn liền với thân phận con người: thoạt sinh ra thì đã khóc oe oe, đời có vui sao chẳng cười khì! Giáo lý nhà Phật đã gọi đời là bể khổ mà mỗi người chúng ta là một cánh bèo trôi dạt trên đó.

       Lạy Chúa, giữa cuộc sống muôn vàn thử thách chông gai, xin Chúa cho chúng con có niềm tin mạnh mẽ dù chỉ lớn như hạt cải kia, nhưng tin chắc rằng niềm tin vào Chúa sẽ giúp chúng con vượt qua tất cả và đón nhận tất cả với lòng yêu mến, có cái nhìn lạc quan tích cực trong mọi vấn đề thì xin cho chúng con cũng biết đặt trọn niềm tín thác nơi Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, nhất là mỗi khi gặp thử thách gian nan. Chúng con tin rằng quyền năng của Chúa đủ sức biến đổi và chữa lành cả thể xác cũng như tâm hồn mỗi người chúng con.

Hạt cát nhỏ

Suy niệm 2:

Sức Mạnh Của Niềm Tin

Các bài đọc Kinh Thánh Chúa nhật hôm nay loan báo một Tin Mừng cho chúng ta: ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho mọi người không giới hạn, đến tất cả các dân tộc khác kể cả người dân ngoại. Lời Chúa phải được loan báo cho mọi người. Đồng thời, mời gọi chúng ta thay đổi cách nhìn đối với những người không cùng niềm tin với chúng ta.

Trong Tông huấn “Niềm Vui Của Tin Mừng” số 20, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “…Mọi Kitô hữu và mọi cộng đồng sẽ phân biệt đâu là con đường mà Chúa đòi hỏi, nhưng chúng ta đều được mời chấp nhận lời mời gọi này: đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng”. Tuy nhiên để đón nhận ơn cứu độ hay sự sống mới, con người phải vượt qua thử thách.

Tin Mừng cho chúng ta thấy khi Chúa Giêsu lui về vùng Tyro và Syđôn, vùng đất ngoại giáo, và chính ở đó đã diễn ra cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Canaan. Chắc là chúng ta cảm thấy khó hiểu về thái độ của Đức Giêsu đối với người phụ nữ dân ngoại đến xin Người chữa cho con gái của bà đang bị quỷ ám. Lúc đầu, Đức Giêsu tỏ ra thờ ơ và phân biệt đối xử khi Người không đáp lời hoặc nói những câu kỳ lạ như: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen mà thôi” (Mt 15,24) và “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15,26). Nhưng vì quá thương con, bà đã không bỏ cuộc, trong thái độ cung kính bái lạy, bà tiếp tục khẩn khoản nài van: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”. Cuối cùng, người ngoại đạo này thể hiện sự khiêm tốn, và trên hết là một đức tin đáng kinh ngạc khiến Chúa Giêsu phải thán phục. “Ít nhất lũ chó con còn ăn những mẩu bánh vụn rơi dưới gầm bàn của chủ chúng”. Đây là một bài học phi thường cho người Do Thái, cho các môn đệ và cho cả chúng ta hôm nay. Đức tin của người phụ nữ Canaan là một sự mở rộng trái tim, một niềm tín thác lớn lao vào Đấng mà bà van xin. Khi tất cả là vô vọng, người mẹ vẫn hy vọng. Đức tin của người mẹ ngoại quốc đã mở rộng trái tim Chúa Giêsu cho dân ngoại. Việc mở ra cho dân ngoại hôm nay là khởi đầu cho sứ vụ ngày mai. Như Chúa Giêsu đã phán: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ”. (Mt 28,19)

Con người ngày nay sống trong vòng xoáy của một xã hội đang bị tục hóa lan tràn, một xã hội mà chủ nghĩa hưởng thụ đang lên ngôi. Trong xã hội ấy vẫn còn những tiếng nhộn nhịp, vội vã, hối hả của cuộc sống, đan xen vào đó còn là những tiếng lòng vang lên trong nẻo nhân sinh khiến chúng ta không thể không dừng chân để lắng nghe và thấu cảm. Con người rất mạnh mẽ, nhưng cũng dễ yếu đuối và buông xuôi trước những thử thách. Dường như chúng ta thiếu xác tín mãnh liệt về ơn gọi của mình, chúng ta dễ rút lui khi bị từ chối. Người phụ nữ Canaan chứng minh cho ta thấy kiên trì là một nhân đức, vì nó lay chuyển được tấm lòng của Thiên Chúa.

Như người phụ nữ Canaan, chúng ta xin Chúa Kitô: “Xin thương xót chúng con, thương xót thế giới của chúng con đang bị dày vò bởi chiến tranh, bất công, bạo lực, đau khổ. Xin cho chúng con biết làm chứng cho tình yêu của Chúa đối với tất cả những người bị thương tích, bệnh tật, bị loại trừ, tù nhân. Đồng thời xin Chúa đem lại sự chữa lành chúng con nhờ phương thuốc Chúa ban cho chúng con Lời và Mình Người, cùng với Thánh Thần của Người. Amen.

Fiat

Suy niệm 3:

Niềm Tin Sắt Đá

Trong cuộc sống có những thử thách làm nên thành công nhưng lắm khi cũng đưa đến sự thất bại. Có những gian khó tạo nên sự kiên trì nhưng đôi khi cũng vô tình đánh bại sự hèn nhát, buông xuôi bỏ cuộc. Đời sống tự nhiên là thế. Đời sống siêu nhiên cũng không khác hơn nếu không nói là còn cam go hơn thế. Vì đời sống tự nhiên còn được chứng thực qua những lời nói, hành động, kết quả trước mắt để người ta quyết định có nên buông xuôi hay tiếp tục cố gắng. Còn đời sống thiêng liêng chỉ duy nhất dựa vào lòng tin là ánh sáng chiếu soi dẫn đường cho cuộc hành trình có khi là đêm tối ấy.

Bài tin mừng hôm nay dẫn người tín hữu vào một khung cảnh có phần khá là ảm đạm. Một người phụ nữ ngoại giáo có một người con gái bị bệnh đến kêu xin Đức Giêsu cứu chữa. Những tưởng sau bao lời đồn đại về danh tiếng và quyền năng của Đấng được gọi là Messia, lời cầu xin của người phụ nữ này sẽ được Ngài đồng ý, thương tình mà cứu giúp. Nhưng không, một thực tế hoàn toàn đối lập với những gì bà suy nghĩ! Theo cấp độ tăng dần: ban đầu Đức Giêsu im lặng xem như thờ ơ với lời cầu xin của bà. Tiếp theo Ngài từ chối khéo bằng một câu nói: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel”. Câu này cũng có ý ám chỉ bà là người không thuộc dân Thiên Chúa. Và cuối cùng với sự so sánh giữa con cái và chó con, Đức Giêsu đã chạm đến lòng tự ái của bà, cũng như chạm đến chính danh dự và nhân phẩm của bà. Từ những hành động, thái độ và lời nói của Đức Giêsu đã đưa người phụ nữ đến tột đỉnh của sự chọn lựa. Bà sẽ tự ái mà bỏ đi, sẽ nguyền rủa và trách móc hay kiên trì nhẫn nại, khiêm tốn hạ mình cho tới khi lời cầu xin được chấp nhận?

Và theo Tin mừng thì kết quả chúng ta đã rõ. Với lời thưa khiêm tốn đầy lòng tin tưởng của người phụ nữ, phép lạ đã xảy ra và con bà được cứu sống. Kèm theo đó là một lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho người phụ nữ: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật”.

Khi đọc bài Tin Mừng, chúng ta thường đặt câu hỏi tại sao với nhiều người khác Đức Giêsu lại tỏ ra nhiệt tình cứu giúp, còn với người phụ nữ dân ngoại này, Ngài có vẻ thờ ơ nếu không nói là bỏ mặc. Điều quan trọng không nằm ở những thử thách khó khăn mà Đức Giêsu đưa ra nhưng hệ tại ở lòng tin sắt đá của người phụ nữ đặt nơi Đức Giêsu. Bà không đặt để tình cảm cá nhân hay lòng tự ái của bản thân lấn lướt đi niềm tin bà đặt nơi Chúa. Những lần bị thờ ơ, từ chối, sỉ nhục như là những nấc thang đưa bà đến gần hơn với Thiên Chúa. Những thử thách như là lửa nóng thanh tẩy đức tin của bà thêm tinh ròng. Và rồi sau tất cả bà nhận được điều mà bà trông ngóng cầu xin.

Hơn thế nữa, qua hành động diễn tả niềm tin của mình vào Đức Giêsu, người phụ nữ ngoại giáo cho chúng ta là những người Kitô hữu một bài học quý giá: chỉ có đức tin sắt đá mới chứng thực được rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Vì trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi những đau buồn khó khăn thử thách nhưng điều chúng ta có thể làm được là đặt trọn vẹn niềm tin yêu vào Thiên Chúa và kêu xin Ngài bằng một tấm lòng khiêm nhu, phó thác.

Thử thách tôi luyện lòng nhẫn nại

Gian khổ nung đúc chí kiên cường

Bảo Bảo

Để lại một bình luận