Bắt “Trend” Với Chúa

Dạo gần đây, xu hướng của giới trẻ trên các nền tảng giải trí là nêu lên những câu hỏi có vẻ khá “vô tri” để rồi tìm ra những đáp án mang tính hài hước, từ đó tạo nên tiếng cười cho người khác. Hoạt động này đa phần mang tính giải trí nhiều hơn là tập trung vào kiến thức vì xác định đây chỉ là trò đùa của giới trẻ. nhưng thật ra nếu tinh ý một chút bạn sẽ tìm thấy những câu trả lời mang lại ý nghĩa nhất định cho bản thân, nó có thể giúp bạn vượt qua một giai đoạn khó khăn nào đó trong cuộc sống.

Với một người khá nhạy cảm với cuộc sống vốn dĩ nhiều khó khăn thử thách như thế này, thì niềm vui và có lẽ cũng là động lực để giúp tôi vượt qua những nghịch cảnh chính là tìm cho mình những châm ngôn sống thật đơn giản và thiết thực, đôi khi chỉ là những câu chuyện hài hước đời thường. Bên cạnh đó, tôi cũng không quên bản thân mình là một Kitô hữu, một người nữ tu của Chúa, nên tôi luôn liên kết những điều có vẻ như “vụn vặt” ấy với niềm tin, lòng cậy trông vào Thiên Chúa để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống cả về tinh thần lẫn tâm linh.

Với vài dòng suy tư của mình, tôi muốn chia sẻ với bạn một câu hỏi mà tôi được nghe trong một chương trình giải trí trên mạng Internet có nội dung như sau: “Điều gì sẽ xảy ra sau đêm tối của thứ 6 ngày 13?”

Trước khi đi vào câu trả lời, tôi xin phép được giải thích vì sao lại có câu hỏi liên quan tới hai con số tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với nhau như thế. Thật ra, với đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng, thời gian là của Chúa, mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp, thế nên chẳng có điều “xui rủi” hay “ngày xấu”. Đó chỉ là quan niệm của người đời. Tuy nhiên, trên thế giới, khi có quá nhiều điều “không may, bất ưng” xảy ra trùng vào một thời điểm, mà cụ thể tiêu biểu đó là “thứ 6 ngày 13”, thì vô ngày hôm ấy lại được dán nhãn là “ngày đen tối”. Và vì thế, khi nhắc đến “thứ 6 ngày 13” thì vô thức người ta lại có ý tránh né những hoạt động diễn ra trong ngày hôm ấy. Điều này có vẻ tưởng chừng như vô lý, nhưng nếu trong cuộc sống có những lúc chúng ta gặp những điều bất ưng hay đau khổ, những lúc ấy chúng ta sẽ như thế nào: quy trách nhiệm cho tạo hoá, cho người khác hay tự dằn vặt bản thân? Dù ở góc nhìn hay tâm thế nào thì chắc chắn một điều, không ai có thể tránh khỏi những “đêm tối” của cuộc đời. Những đêm tối ấy có thể đến từ thiên nhiên, từ con người, từ những đau bệnh của cơ thể…Và rồi điều gì chúng ta mong chờ nhất trong khi rơi vào những “đêm tối” ấy?

Câu trả lời cho câu hỏi khá “vô tri” ở trên cũng “vô tri” không kém đó là: sau đêm tối của thứ 6 ngày 13 chính là “bình minh của thứ 7 ngày 14”. Đọc đến đây bạn có cảm thấy câu hỏi trên thật vô nghĩa hay không? Vì ai mà chẳng biết sau ngày thứ 6 sẽ đến thứ 7, sau đêm tối sẽ là bình minh, đó là điều rất hiển nhiên, vậy mà cũng đem ra làm câu hỏi. Thế nhưng, nếu liên kết với những suy tư về “đêm tối” trong cuộc đời của mỗi con người, thì câu trả lời này thật là một điều an ủi, là hy vọng cho những nghịch cảnh tưởng chừng như hoàn toàn tuyệt vọng. Vì đêm có dài tới đâu thì chắc chắn ngày mai bình minh cũng sẽ ló dạng.

Chúng ta cùng nhau nhớ lại một trong những “đêm tối” kinh hoàng nhất mà nhân loại vừa trải qua cách đây không lâu, đó là đại dịch Covid 19. Trong “đêm tối” ấy, nhân loại đã mong ước điều gì nhất. Có phải là “bình minh” của một ngày ngăn chặn được đại dịch kinh hoàng đó không?

Cụ thể hơn, chúng ta đang sống trong tâm tình vui mừng hân hoan của Mùa Phục Sinh. Vậy làm sao để có “bình minh” của ơn cứu độ nếu Đức Giêsu không trải qua “đêm tối” của đau khổ và sự chết? Nhờ sự Phục Sinh của Chúa Kitô, nhân loại không còn ưu sầu vì “đêm tối” của tội lỗi, sự chết, đau khổ thống trị nữa nhưng luôn chứa chan trong tâm hồn một niềm hy vọng “bình minh” của sự sống muôn đời.

Với suy nghĩ tiêu cực của con người, những đau khổ, khó khăn, thất bại là những “thứ 6 ngày 13” mà họ phải tránh né, nhưng với đức tin của người Kitô thì những điều trên chỉ là ứng nghiệm lời của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh: “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Và nếu mỗi ngày là một “cái khổ” mà ai trong chúng ta cũng sẽ đón nhận thì trong quyển Kinh Thánh lại cho chúng ta một câu nói được lặp lại với số lần vừa vặn với thời gian của một năm là 365 ngày là: “Đừng sợ”.

Và để khép lại những suy tư của mình, tôi xin được gởi đến bạn những ca từ trong một bài hát thánh ca mà tôi cảm thấy rất ý nghĩa trong Mùa Phục Sinh: “Nhưng hãy vui lên, hãy ca lên, hãy reo mừng Alleluia. Vì tận cuối đêm dài đã ló rạng bình minh của ngày sống lại. Nhưng hãy vui lên, hãy ca lên, hãy reo mừng Alleluia. Vì tận cuối đông dài đã xuất hiện mùa xuân không bao giờ phai.”

Bảo Bảo

Trả lời