Nhìn hàng chữ in đậm nét trong cuốn lịch GPVL tháng 11 HẾT NĂM PHỤNG VỤ 2023-2024. Nhiều chị em chúng ta chép miệng thở dài: một năm nữa lại trôi qua. Nhanh thật. Thời gian đúng là nước chảy qua cầu. Bóng câu vút ngang cửa sổ. “Ngậm ngùi nhìn lại đời mình để suy tư. Như người thương buôn tính sổ, kết toán cuối năm…”
Giáo Hội, người mẹ hiền luôn hiệp hành với con cái mình trong tiến trình về quê Trời, cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta dừng lại, dành chút thời gian để nhìn lại đời mình. Cách riêng, những tâm hồn đã chọn Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh làm đối tượng duy nhất đời mình, hãy sống chậm lại, hãy có những khoảng lặng để “LẶNG và LẮNG bên Giêsu” hầu cảm nhận tình thương lớn lao của Giêsu đong đầy đời mình và thổn thức đau đớn nhận ra biết bao lỗi lầm yếu đuối của chính “tôi” chứ không ai khác, đã làm tổn thương nặng nề đến Giêsu Vua tình yêu và mọi anh chị em chung quanh tôi.
Sau đây là những khoảng lặng có thể giúp chúng ta suy cho cùng, nghĩ cho thấu, để sửa đổi và quyết định hướng đi đời mình.
Khoảng lặng 1:
Hãy sẵn sàng (Mt 24, 42 – 44)
Hãy canh thức và tỉnh thức (Mt 26, 40- 41)
Châm ngôn của Hướng đạo sinh là “sắp sẵn” nghĩa là sẵn sàng. Đây cũng là châm ngôn của người Kitô hữu trong mọi thời đại và mọi lúc. Chúng ta phải ở trong trạng thái chờ đợi. Chúa Kitô đã đến làm người cách đây 2000 năm. Người đã chết và sống lại để cứu độ trần gian. Ngài đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần và Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới.
Như người lính thức đêm canh giữ, luôn tỉnh táo canh chừng kẻ thù đột nhập. Chúa cũng muốn chúng ta canh thức để cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì ma quỷ, thế gian xác thịt luôn rình mò để bắt chúng ta. Sống tỉnh thức là sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra để biết phân biệt cái tốt, cái xấu. Tỉnh thức là bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng, có chuẩn bị. Điều tối cần thiết là khôn ngoan, là có chuẩn bị, là cầu nguyện trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là chiều kích Kitô.
Hội Thánh dùng những từ này với ý nghĩa chúng ta phải sẵn sàng trong mọi lúc… Chủ sẽ về bất ngờ, vào giờ chúng ta không biết
Những giây phút trầm lặng bên Chúa, những ngày tĩnh tâm tháng, năm, là thời gian tâm hồn lắng động, suy tư, phân định một cách sáng suốt để có hướng sống cho đời tu của mình.
Theo Chúa, chúng ta phải tiến, lùi, bỏ cái này, lấy cái kia… phải sống sao trong hoàn cảnh nầy mà vẫn tín trung với Chúa. Lương tâm bằng yên hay xáo trộn, nổi sóng gió. Đời tu của chúng ta có giống chuyện kể về một chú trâu của Thiền sư người Ấn không? Đạo lý của ngụ ngôn là ở “Cái Đuôi Con Trâu”. Con trâu này có sừng to, thân to, bụng to, 4 chân to rất oai hùng cộng thêm cái đuôi bé nhỏ chẳng là gì. Nó ăn cỏ hoài nên nhàm chán, đi tìm rơm khô đổi khẩu vị cho sướng miệng. Nó đến túp lều bỏ hoang và ăn hết rơm khô bên dưới, rồi ngẩng đầu rứt rơm trên mái lều thấp. Ăn hết rồi mà còn thèm, vì không thể rướn cổ với tới phần rơm trên cao. Nó bực mình và tìm cách quyết lấy cho được phần rơm này. Nó đi vòng quanh và thấy một phần trống của cửa sổ… Mừng rỡ, nó xáp lại gần, nghiêng đầu lách sừng, luồn lách chui tọt tấm thân đồ sộ vào bên trong, chưa kịp mừng, nó cảm thấy bị vướng chặt cái thân vào bên trong, không thể nhúc nhích thêm 1 bước. Nó bị vướng cái đuôi dù nó rống và dẫy dụa nhưng không thể nhích thêm một bước. Thiền sư mỉm cười và nói “Vô lý thật”. nhưng xưa nay người đời vẫn thường bị vướng cái đuôi nhỏ bẻ đấy. Trong Phúc Âm Mt 16, 26 và Mc 8, 36 Chúa Giêsu đặt lên cân hai giá trị linh hồn và thế gian. Thế gian là 3 chữ (tiền, tình, tội) Cả thế gian thì nhẹ hều như đuôi trâu. Cái nhẹ hều nầy là mấu chốt kéo đời tu chúng ta xa Chúa và mất linh hồn.
Lạy Chúa, hôm nay chúng con đặt mình trước nhan thánh Chúa. Xin Chúa giúp chúng con tỉnh thức, cách thức và sẵn sàng trong nguyện cầu, trong khôn ngoan để phân định đời chúng con đúng ý Chúa.
Tại sao tôi đã bỏ nhiều thứ, mà cái đuôi trâu lại vướng, cái đuôi trân của tôi là gì?
Tôi đã tu rất lâu rồi, sao tôi chưa nên thánh? Chưa yêu Chúa và cũng chưa yêu mến anh chị em mình.
Khoảng lặng 2
Thiên tai: bão lụt sạt lở, sập cầu
Chiến tranh Nga và Ukraine – Israel và Iran
Cơn bão dịch Covid 19 đã qua nhưng dị chứng vẫn còn và nguy cơ phát sinh những di tượng xuất hiện điểm báo chẳng lành. Bão quát vật Hélène – Milton đổ ập vào Florida (Mỹ) với sức tàn phá kinh khủng – Cộng thêm chiến tranh kéo dài Nga và Ukraine – Israel và Iran. Nước nào cũng muốn mình là anh hùng cái thế.
Việt Nam ta chịu ảnh hưởng từ bảo Yagi gây thiệt hại nhân mạng và tài sản ở Làng Nủ, Lào Cai.
Biết bao thương đau khi con người còn ngạo mạn xem mình là trung tâm, là bá chủ vạn vật. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những giây phút trầm lắng đứng giữa quảng trường Thánh Phaolô vắng lặng – Ngài nói. “Đây là thời kỳ ân sủng”. Chúa muốn chúng ta hiểu được ý Chúa, để biết phải từ bỏ những gì ? để trở nên khiêm tốn và giản dị hơn. Tất cả những hoạn nạn thử thách này, phơi bày sự yếu đuối của con người, đồng thời cũng là 1 cơ hội lớn để hoán cải, để chứng minh rằng chúng ta đã bỏ quên những sự cần thiết CHÚA – Thiên Chúa của mình.
Hãy lắng lòng và phân định để biết Thiên Chúa muốn gì ở con người, chúng ta phải làm gì để cứu rỗi chúng ta và thế giới.
Khoảng lặng 3:
Báng bổ phạm thượng
Một sự kiện lịch sử chấn động thế giới là màn trình diễn khai mạc Thế vận hội Olympic Paris vào thứ 7 ngày 27 tháng 7 năm 2004 của một nhóm người (drag-queens). Họ đã bóp méo và nhạo báng “Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu Kitô” qua màn trình diễn nhảy múa vũ điệu “sống chung”. Mặc dù ông Damini Gabriae, diễn viên tác giả và đạo diễn đã bảo vệ và ca ngợi việc “sống chung”. Nhưng nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng đã lên án màn trình diễn này là “sự mục nát của nền văn hóa văn minh phương Tây”. Nhà sáng lập Stesla Elon Musk đã nói: Điều này cực kỳ thiếu tôn trọng đối với những người theo Thiên Chúa Giáo . Hội đồng Giám Mục Pháp (CEF) đã lấy lắm tiếc rất sâu sắc về cảnh chế giễu và nhạo báng Kitô Giáo. Đây là một trò đùa nhái lại bữa tiệc ly… Bữa ăn cuối cùng của Chúa Kitô, lấy cảm hứng từ bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci Nhà báo Video Nick Sorter viết “chuyện quái quỷ gì đã xảy ra ở Thế Vận Hội. Vậy! Chẳng trách chẳng ai còn thèm xem nữa”.
Trên Trời cao, Thiên Chúa nhìn đám con nhân loại giống như xưa Giavê nhìn dân Israel nhảy múa và cúng tế con bò vàng trong sa mạc. Bạn ơi! chính bởi chúng ta mà thế giới ra hư đốn. Chúng ta phải thay đổi trước. Kinh nghiệm lịch sử khi chúng ta trở về nội tâm là chúng ta trở về với con người thật của mình, để sửa sai và quyết tâm làm tốt hơn những gì đã tốt. Vì chuẩn của Kitô giáo qui chiếu vào 1 con người duy nhất đó là Đức Giêsu Nazarét. Hãy trở về bên trong để suy tư và khám phá ra chính mình. Như Thánh Phêrô, mỗi người chúng ta có cả thiên thần và ác quỷ. Chúng ta nói và hành động rất tốt. Vậy mà có lúc lòng chúng ta chất chứa những xấu xa nhất, độc ác nhất. Khi trở về chiều sâu của nội tâm, chúng ta sẽ thấy rõ, để bỏ một chút chất quỷ, thêm vào chất Chúa hơn. Tập phản tính đi!
Chúng ta biết con chó, nó có mắt sáng thấy rõ sự vật trong bóng tối, nhưng nó không thấy được bên trong nó. Con người chúng ta khác xa chó, vì chúng ta có thể thấy bên ngoài và cả bên trong. Đó là phản tỉnh. Nếu chúng ta chỉ nghe người khác nói về chúng ta thì thất bại. Chúng ta phải tập thấy mình và phải quyết tâm sửa đổi. Vì phản tỉnh thôi chưa đủ, mà phải sửa đổi, đó là Linh Thao của Thánh Inhaxiô đó bạn. Thể thao thiêng liêng. Chúa Giêsu của chúng ta khác với các nhà lãnh đạo thế giới ở điểm này nên Chúa chết cô đơn là vì thế. Thập giá cuộc đời nho nhỏ nhưng nối tiếp hàng ngày, thì rất khó mà vác bạn ơi, chỉ khi yêu Chúa thật lòng thì bạn mới vượt qua được.
Khoảng DỪNG 1: Giêsu Vua Tình Yêu
Chúa Nhật 34 cuối Phụng Vụ Giáo Hội dành để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Một vì Vua hoàn toàn khác biệt với các vua trần thế. Vua Giêsu không có 1 tấc đất, không quân đội, không chỗ gối đầu chỉ có sự thật là TÌNH YÊU, Ngài tạo dựng chúng ta trên thế gian này chính là sự thật, để cho chúng ta hạnh phúc đời sau. Sự sống Vua Giêsu ban cho chúng ta là sự sống đời đời, sự sống Thần Linh không phải bằng quyền lực, mà là bằng tình yêu. Chúa chinh phục chúng ta bằng tình yêu mà sau này chúng ta phải nhìn lên Đấng chúng ta đâm thâu. Xin vua tình yêu chinh phục chúng ta như chinh phục người trộm lành, viên sĩ quan và đám đông dân chúng. Họ ra về, đấm ngực ăn năn vì đã hùa theo kẻ ác mà giết người vô tội. Giáo Hội kết thúc năm Phụng vụ với lễ suy tôn Chúa Giêsu là Vua muôn vua Chúa các Chúa. Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta về ngày tận cùng của mỗi người. Vua Giêsu sẽ đến trong vinh quang và xét xử chúng ta về tình yêu đối với Đấng Tạo Hóa và lòng bác ái đối với đồng loại. Cúi xin Tình yêu vô biên của Vua Giêsu thương xót tất cả chúng con trong ngày ấy.
Khoảng DỪNG 2. Chúa Giêsu là bóng mát cuộc đời tôi.
Có một bài thơ rất ngắn của nhà thi sĩ Ấn Độ R. Ramesh tạm dịch như sau:
Chiều xuống dần..
Bóng mát nhà thờ…
Chạm tới người ăn xin …
Bài thơ ngắn ngủi như một đoạn phim không lời, nhưng làm nổi bật sự đối lập giữa tỉnh và động. Người ăn xin ngồi yên lặng giữa buổi chiều đầy nắng nóng không thấy ai đến bố thí một chút gì cả, không thấy ai đoái hoài đến đau khổ của con người cùng khốn ấy cả. Tưởng chừng như phận người nhỏ nhoi ấy bị quên đi bên lề của cuộc đời. Thì cái cái bóng râm mát của nhà thờ từ từ lan đến và chạm đến chỗ ngồi của người hành khất như một sự cảm thương. Cái bóng râm ấy che chở, đem lại an ủi cho một kiếp người bất hạnh.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Phải chăng người hành khất đơn độc nghèo khổ ấy chính là con. Cái bỏng mát râm ấy là biểu tượng cho tấm lòng xót thương của Chúa. Chỉ nơi bóng mát của Chúa, chúng con mới tìm thấy sự che chở ngọt ngào. Một khi đã cảm nhận được sự cảm thông tuyệt vời của Chúa. Xin cho tất cả chúng con trở thành bóng mát cho nhau trong cuộc trần thể khổ đau nầy.
Khoảng DỪNG 3
Chúa Giêsu Thánh Thể Lương Thực Nuôi Sống Con Người
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Năng đã chia sẻ như sau: Hành trình của người Kitô hữu đi về nhà Cha trên Thiên Quốc còn dài lắm, xa rất xa. Tất cả chúng ta phải cần Chúa, cần Bí Tích Thánh Thể. Không như Mana người Do Thái ăn trong sa mạc, mau hư hoại. Lương Thực Thần Linh là chính Mình Máu Chúa Kitô sẽ cho chúng ta sức sống vĩnh cửu đủ sức vượt biển trần gian về quê Trời.
Chúng ta biết đẳng cấp con người có 3 dạng:
- Con vật: ăn mặc
- Tri thức: học hành, hiểu biết
- Tâm linh: Chúa, Thánh Thể, sự sống thần linh
Mặc dầu chúng ta thấy bánh rượu bất động, nhưng là thật. Khi bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô thật qua Lời Truyền của vị chủ tế. Loại trừ sự dửng dưng, sự ích kỷ, mê say tiền bạc thì con người đó không còn thèm ăn Chúa nữa. Còn lòng khao khát, thèm ăn, muốn ăn rất quan trọng, vì nó đem chúng ta đến sự ăn năn thống hối thật, khao khát Chúa thật và lòng muốn rước Chúa Thánh Thể thật. Sự ao ước thèm khát này không giới hạn cho những tâm hồn công chính mà còn cho kẻ tội lỗi nữa. Đức Cố Hồng Y Xavie Nguyễn Văn Thuận xác tín “còn Thánh Thể là còn tất cả”. Thánh Eymard Đấng sáng lập Dòng Thánh Thể “có Thánh Thể là có tất cả”.
Từ năm 1991, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bắt đầu chầu thánh thể thường xuyên ở Vương vung Thánh Đường Roma mỗi ngày 1 giờ. Sau đó, Ngài đã thiết lập “Hội giáo dân chầu Thánh Thể thường xuyên”. Ngài nói: “Chúa Giêsu luôn chờ chúng ta trong bí tích Thánh Thể Ngài không xin tiền bạc, mà chỉ xin chúng ta “thời giờ” để yêu Ngài.”
Mẹ Têrêsa Calcuta đã dành 2g mỗi ngày cho Chúa Giêsu Thánh Thể. Mẹ nói. “Khi nhìn lên Thánh Thể, chúng ta biết Chúa Giêsu đã yêu chúng ta dường nào. Khi nhìn lên Nhà Tạm, chúng ta biết Người đang chờ và yêu chúng ta biết chừng nào”.
Cầu nguyện trước Thánh Thể là nguồn sinh lực, là nhu cầu cần thiết cho mỗi người chúng ta. Chân Phước Carlo Acutis, vị thánh trẻ 15 tuổi của thời đại @, đã nhận định và so sánh: “Đối diện với mặt trời, mặt trời cho làn da sạm nắng. Đối diện trước Thánh Thể, Thánh Thể biến chúng ta trở nên những vị thánh của thời đại” .
Chính Chúa Giêsu đã tha thiết gọi mời chúng ta “Hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ bổ sức cho các người và tâm hồn các ngươi sẽ được bình an”.
Điều quan trọng đối với chúng ta là chúng ta hãy ý thức: Con thuyền đời mình giữa dòng sông mênh mông, giữa phong ba bão tố Có Chúa Giêsu đang dựa gối ngủ. Động từ Có rất quan trọng. Chúng ta phải tổng hợp toàn diện con người mình, để TIN và XÁC TÍN. Chúa Giêsu Thánh Thể thực sự hiện diện trong đời mình, trong xã hội loài người chúng ta. Phải khao khát, phải thèm, phải muốn ăn Chúa. Hãy cầu nguyện thành tiếng, hãy im lặng cảm nghiệm trong nội tâm sự hiện diện thực sự nầy. Từ đó, chúng ta được biến đổi, CHÚA và Ta trở nên Một. Thánh Phaolô nói “Tôi cùng chịu đóng đi với Đức Kitô vào Thập Giá. Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 19-20).
Ngợi khen – chúc tụng Vua Kilô đến muôn đời muôn thuở. Amen.