Suy Niệm Tĩnh Tâm Tháng 12. 2023

Mùa Vọng: Mùa Trở Về

Chu kỳ Phụng vụ cứ mãi vần xoay, niên lịch Phụng vụ lại mở sang trang mới, chúng ta đang bước vào Phụng vụ năm B được bắt đầu vào mùa Vọng. Vọng là trông mong, chờ đợi. Thời gian mùa Vọng Mẹ Giáo hội muốn con cái sống mãnh liệt hơn tâm tình khát mong Chúa đến. Nhưng Chúa đến khi nào? Chúng ta biết Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm trong thân phận làm người nơi hang đá Bêlem. Mùa Vọng có mục đích đầu tiên là chuẩn bị tâm hồn người tín hữu mừng lễ Giáng sinh, kỷ niệm biến cố Ngôi Hai xuống thế làm người, đồng thời cũng tuyên xưng Người sẽ trở lại trong vinh quang vào ngày cánh chung.Thế nên mùa Vọng mời gọi chúng ta sống tích cực hướng tới ngày Chúa quang lâm bằng việc suy ngắm Chúa đã đến trong thân phận làm người, đón nhận Chúa đang đến trong tâm hồn chúng ta bằng ân sủng như lời Kinh Thánh: “Ai yêu mến Ta thì Cha Ta sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ cư ngụ trong người ấy”.

Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta cuộc đời là hành trình trở về với Đấng cội nguồn yêu thương. Chúng ta là những khách lữ hành cắm lều ở trần gian và mỗi ngày đang tiến về quê Trời. Mọi thứ ở đời nầy như: tiện nghi, của cải, danh vọng, chức quyền có thể đem lại hạnh phúc, nhưng đó là những thứ tương đối của hạnh phúc chóng qua. Chỉ có điều tuyệt đối mà chúng ta khao khát kiếm tìm là Thiên Chúa, vì Chúa mới chính là hạnh phúc đích thực mà chúng ta đang tha thiết chờ mong, như lời thánh Augustinô nói: “Linh hồn con khắc khoải mong chờ cho đến khi nào được nghỉ an bên Chúa”. Và khi sống giữa biển đời đầy nước mắt, thì ai trong chúng ta cũng khao khát ngày về để gặp được Chúa:

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong

Hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa! (Tv 42,2)

Ngoài ý nghĩa mùa Vọng mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn để mừng đại lễ Giáng sinh, thì mùa Vọng kêu mời chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa đến viếng thăm vào ngày cuối đời của mỗi người. Ngược dòng lịch sử, vào đêm 15/4/1912, chiếc tàu Titanic xa hoa, lộng lẫy, tối tân của nước Anh, chở  2.223 thượng khách thuộc giới quí tộc, giàu sang du hành trên Đại Tây dương đã đâm vào khối băng ngầm khổng lồ và làm thiệt mạng 1517 người. Những con người nầy họ đâu ngờ vào đêm không trăng không sao ấy, chuyến tàu cực kỳ hiện đại nầy đã trở thành con tàu định mệnh đến với họ giữa lòng đại dương. Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng có ngày chuyến tàu định mệnh đến rước đi, không biết đến rước ở đâu, vào lúc nào và bằng cách nào? Chúng ta đang bước đi trong biển trần gian, biển đời có biết bao lực hấp dẫn mời gọi quyến rũ chúng ta. Chúng ta mãi mê bước đi và bị vòng xoáy vật chất cuốn hút mà quên chuẩn bị cuộc trở về với Chúa. Chúa sẽ đến vào lúc chúng ta không ngờ. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về tính hữu hạn của hành trình dương thế. Bất cứ ai cũng đối diện với điểm đến cuối đời của mình là ngày về với Chúa. Vì vậy Giáo Hội dùng mùa Vọng để mời gọi chúng ta trở về, đừng cố lì trong bóng tối của sầu buồn, chán nản, cô đơn để rồi hụt hẩng mất niềm tin và vô vọng. Không ai biết được giờ nào vì thế hãy chuẩn bị sẵn sàng như lời Chúa nói: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc13,33). Do đó, tỉnh thức không là đợi chờ cách thụ động nhưng chúng ta chu toàn tốt phận việc của mình là thi hành ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Trước hết, tỉnh thức để nhận ra sự hèn yếu bất toàn của chính mình luôn cần được lòng Chúa xót thương. Tỉnh thức để sống đúng căn tính đời tu, để ý thức mình là chị nữ tu Mến Thánh Giá có Hiến chương và Nội quy là tường rào che chắn để bảo vệ ơn gọi cho ta. Tỉnh thức để nở nụ cười thân ái và cho đi cử chỉ thân thiện với người chị em khó tánh đang sống gần ta. Tỉnh thức để phục vụ tha nhân và mở lòng ra đến giúp đỡ những ai cần đến chúng ta. Nhất là tỉnh thức để nhận ra Chúa đang hiện diện trong tâm hồn, để ta lắng nghe tiếng Chúa và vâng theo thánh ý Người. Muốn gặp được Chúa chúng ta cần tỉnh thức và ngẩng đầu lên, tỉnh thức ở đây không mang ý nghĩa là tư thế tỉnh ngủ, lo lắng, hồi hộp… nhưng là thái độ nội tâm khi ta sáng suốt khôn ngoan, chọn lựa trong tư thế sẵn sàng bằng cách trân quý và sống tròn đầy giây phút hiện tại, làm việc bằng cả trái tim và tín thác đời mình vào tình yêu của Chúa quan phòng. Chúa đang chờ đợi để bước vào cuộc đời chúng ta cách âm thầm lặng lẽ. Ta có can đảm cho Chúa ở lại và chạm tới ngỏ ngách tâm hồn nguội lạnh của chúng ta không? Cõi lòng chúng ta khô cằn, cần làm cuộc trở về bằng cách mở lòng để ân sủng Chúa tưới gội, tắm mát hầu mảnh đất tâm hồn trổ sinh hoa trái. Hãy thành thật trở về với thẳm sâu cõi lòng mình để gặp Chúa và dám ra khỏi chính mình để lên đường đến với những mãnh đời nghèo khổ. Cần tỉnh thức để nhận ra bàn tay Chúa quan phòng đang dìu dắt chúng ta. Ngẩng đầu lên với niềm hân hoan vui sướng vì biết Chúa ở trời cao đang đón đợi và dọn sẵn nơi cho chúng ta vào dự tiệc nước Trời.

Mùa Vọng đến với những tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh thật đẹp. Càng gần đến đại lễ, cảnh quang bên ngoài thêm rộn ràng, tưng bừng như cờ hoa phất phới, những sợi kim tuyến lấp lánh, những cây thông được trang trí đầy ánh đèn lung linh rực sáng, những bài thánh ca du dương vang lên khắp đó đây, báo hiệu Giáng sinh đang về. Sắc màu chuẩn bị bên ngoài của mùa Vọng nói lên niềm vui mừng kỷ niệm Con Thiên Chúa giáng trần nhưng nếu chúng ta không dọn máng cỏ lòng bằng việc thật tâm hoán cải thì chúng ta chỉ là “người ngoài cuộc”. Mùa Vọng mời gọi chúng ta làm cuộc trở về là hoán cải. Hoán cải hay sám hối là sự thay đổi tận căn từ tư tưởng đến hành động của bản thân mình, trở về thật với chính lòng mình, xa tránh dịp tội để hướng tới điều lành và sống trong tình yêu của Chúa. Sám hối là một cuộc trở về, là nhìn lại con đường mình đã đi qua, có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán sai lệch với những lũng sâu tâm tối thiếu vắng tình yêu. Sám hối là sửa lại những chỗ sai lệch, san bằng đồi núi của kiêu căng tự phụ, lấp đầy hố sâu của đam mê ích kỹ, của tham vọng và hưởng thụ, để có con đường cho Chúa ngự đến. Mỗi người hãy uốn cho ngay những quanh co lươn lẹo trong tư tưởng và chỉnh đốn lại hành động hầu sống tình huynh đệ hiệp thông với tha nhân. Sám hối là chúng ta dọn cõi lòng, dọn đường nội tâm để con Thiên Chúa ngự đến. Thật vậy, sám hối là cánh cửa mở ra để chúng ta được ơn tha thứ hầu bước vào cuộc sống mới trong hạnh phúc bình an. Hoán cải giúp con người đổi mới bản thân như Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Nếu lấy cái tôi ra khỏi trung tâm cuộc đời và đặt Chúa vào đó ta sẽ được an toàn, mạnh mẽ và đầy hy vọng”.

PHÚT HỒI TÂM

  • Đã bao nhiêu lần mùa Vọng đến trong cuộc đời tôi, tôi có ý thức đây là thời gian ân sủng, Chúa mời gọi tôi làm cuộc trở về không?
  • Tôi có quá chú tâm, tất bật lo hình thức bề ngoài để dọn Lễ Giáng sinh: chuẩn bị văn nghệ, hoạt cảnh, hang đá, đèn hoa… mà quên dọn máng cỏ lòng để Chúa ngự không?
  • Giữa những bấp bênh trong cuộc sống, tôi có bám vào Chúa và để bàn tay Chúa quan phòng dìu dẫn tôi không?
  • Lời rao giảng của Gioan Tiền hô: “Hãy dọn đường cho Chúa ngự đến”. Tôi có ý thức lời kêu gọi của Gioan bằng việc san lấp mặt bằng trong tâm hồn tôi chưa?
  • Mùa trở về: tôi có thật lòng trở về với Chúa qua Bí tích Hòa giải với quyết tâm mới, con người mới chưa?
  • Trong tương quan với chị em, tôi có thật sự trở về bằng cách đi bước trước làm hòa với người làm phiền lòng tôi không?
  • Tôi có chuẩn bị những cọng rơm hy sinh, những nắm cỏ bác ái để làm ấm áp cho Hài nhi Giêsu đêm giáng trần không?

 Lạy Chúa! Thêm một lần nữa mùa Vọng lại đến trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con thật tâm trở về bằng việc sám hối, để mùa Vọng trở thành mùa hồng ân, giúp chúng con điểu chỉnh những sai lệch, để dọn lòng cho Chúa ngự đến. Chúa ơi! Giữa những xôn xao của nhịp sống vội vã đời thường, xin cho chúng con biết dùng khoảng lặng bên Thánh Thể để nghe tiếng thì thầm ủi an của Chúa hầu cảm nghiệm được Chúa yêu thương và tăng sức mạnh giúp chúng con vượt thắng những gian nan khốn khó của biển đời hôm nay. Amen.

Trả lời