Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A

Suy niệm 1:

Cái chết của Chúa Giêsu không những để lại một nỗi đau thương, sợ hãi trong tâm hồn các môn đệ, nhưng biến cố ấy còn lấy đi cả niềm tin và hy vọng của họ. Chính sự Phục Sinh của Người đã mang lại niềm hy vọng, thắp sáng niềm tin của người môn đệ khi Người tỏ mình ra cho họ qua từng hoàn cảnh khác nhau.

Thật không thể tưởng tượng nổi, bởi sự chán nản, thất vọng vì mọi sự đã tan thành mây khói. Thầy chẳng còn, mọi ước mong và sự chờ đợi một cuộc sống sung túc nơi Thầy đã đổ vỡ. Các ông bắt đầu suy nghĩ và lên đường đi tìm cuộc sống khác. Trời đã dần chiều, dưới dáng dấp của một người khách lạ, Chúa Giêsu đã tiến đến và cùng đi với hai ông. Hai ông không nhận ra Người. Người chia sẻ nỗi buồn của họ bằng sự lắng nghe, dần dần, Người kéo họ ra khỏi nỗi thất vọng bằng việc giải thích Kinh Thánh, Người thắp lại niềm tin trong họ bằng việc đồng bàn và tỏ mình ra cho họ. Ngay khi họ nhận ra Người thì Người biến mất. Người biến mất nhưng họ nhận ra lòng mình đã được bừng cháy lên tia hy vọng, niềm tin thúc đẩy họ hớn hở trở về Giêrusalem để báo tin cho các anh em khác.

Đời sống thánh hiến trong giáo hội dường như ngày càng xuống dốc, càng đau lòng hơn khi trong các tu viện có những anh chị em chuyển hướng. Họ chuyển hướng với nhiều lý do khác nhau: do hoàn cảnh, bệnh tật, thất vọng, chán nản hay nghe theo tiếng gọi của con tim. Lý tưởng ban đầu đi theo Chúa, cùng sống trong Chúa, cùng chia sẻ vui buồn với anh chị em và cùng nâng đỡ nhau trên con đường đem tình thương Chúa đến với tha nhân đã vụt tắt. Họ lầm lủi bước đi như hai môn đệ trên đường Emmaus, bao nổi buồn rầu, chán nản, thất vọng làm họ kiệt sức và quay gót trở về con đường cũ, con đường của thế gian.

Chúng ta cũng thế, nhiều lần trong chúng ta cũng muốn bỏ cuộc buông xuôi, nhưng may mắn thay chúng ta cũng được gặp Chúa trên đường đời qua sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm, những người nâng đỡ ta cách này cách khác. Chúng ta nhận ra rằng Chúa vẫn muốn giữ gìn chúng ta để chúng ta còn tiếp tục bước theo Người.

“Chiếc áo dòng không làm nên đời tu” nhưng chiếc áo dòng chính là ngôn ngữ không lời minh chứng chúng con làm môn đệ Chúa ngay trần gian này. Xin cho chúng con luôn biết trân quý ơn gọi của mình, và nhạy cảm như hai người môn đệ, biết nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của đời sồng chúng con.

Xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hướng dẫn cho chúng con biết đến với Chúa trong Bí Tích Tình Yêu là nguồn mạch và linh dược giúp chúng con kiên vững trên hành trình theo Chúa.

Nguyện xin Chúa Giê-su Phục Sinh luôn đồng hành giữ gìn chúng con trên bước đường theo Chúa. Xin ánh sáng Lời Chúa củng cố đức tin và thắp sáng niềm hy vọng cho những ai đang tìm Chúa, tìm chân lý để chúng con, anh chị em cùng một Cha trên trời sẽ được cùng gặp Chúa ở cuối nẻo đường, nguồn suối của sự bình an.

Ephata

Suy niệm 2:

ĐỒNG HÀNH

Đa số chúng ta đều cảm nhận được rằng với cùng một quãng đường nhưng nó sẽ trở nên ngắn hơn hay dài hơn phần lớn tùy thuộc vào tâm trạng hiện tại của bản thân. Bên cạnh đó, việc có hay không một người bạn đồng hành cũng là lý do chính làm cho cuộc hành trình thêm hứng khởi hay nhàm chán. Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần 3 Phục Sinh hôm nay là một dẫn chứng cụ thể và xác đáng cho ý kiến được nêu trên đây.

Rời khỏi thành Giêrusalem sau những ngày mừng lễ Vượt Qua, hai môn đệ đi đến Emmau – một làng nhỏ cách đó 11 cây số. Quãng đường này cũng không quá xa nhưng với họ: sao đi hoài mà chẳng tới? Hai người đi cùng nhau nhưng chẳng thể vui vẻ phấn khởi vì những chuyện họ bàn với nhau xoay quanh chủ đề đau buồn: Đức Giêsu – Thầy của họ đã bị đóng đinh vào thập giá; đi cùng nhau nhưng chẳng giúp cho đoạn đường ngắn lại; nói chuyện với nhau nhưng chẳng giúp nhau khá hơn. Trời càng về chiều, bóng hai người đi càng dài ra thêm. Mặt trời dần khuất bóng, ánh nắng càng nhạt đi. Điều đó giờ đây tỉ lệ thuận với những bóng tối, lạnh giá trong lòng của hai người môn đệ càng gia tăng.

Những tưởng họ sẽ mãi mang cùng một tâm trạng như thế cho đến khi một người bạn đồng hành mới xuất hiện – người này làm thay đổi toàn bộ cục diện đang diễn ra. Người đó là Đức Kitô Phục Sinh. Với cách thức tiếp cận hết sức tự nhiên và nhẹ nhàng, Chúa Giêsu bước vào cuộc hành trình của họ. Ngài khai mào cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi xem ra có phần “hơi vô vị”. Bằng chứng là sau câu hỏi đầu tiên của Chúa Giêsu, một người tên Cơ-lê-ô-pát đã nhận định: “chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những gì đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. Chẳng biết do nhiệt tình hay có dịp trút hết nỗi lòng của mình mà hai môn đệ ấy đã kể lại tường tận cho người khách lạ này về toàn bộ sự việc đã xảy ra bao gồm cái chết đau thương của Đức Giêsu, và cũng không quên nói đến việc những người phụ nữ được thiên thần hiện ra bảo rằng Đức Giêsu vẫn sống.

Nghe đến đây, Đức Giêsu biết rằng đã đến lúc Ngài phải khơi lại niềm tin và lòng nhiệt thành mà họ đã đánh mất sau cái chết của Ngài. Kiên nhẫn dùng những lời kinh thánh, Đức Giêsu giải thích cho họ hiểu những gì đã và đang và sẽ diễn ra trong cuộc đời của Đấng Cứu Thế và cuối cùng với cử chỉ quen thuộc là bẻ bánh trao cho hai môn đệ, Đức Giêsu đã làm cho tâm hồn họ sống lại, ngọn lửa tin yêu nhiệt thành được nhóm lên. Họ không đi về nơi mình muốn đến nữa nhưng là trở lại nơi mà Chúa muốn họ tiếp tục đi theo đó là Giêrusalem.

Quá nhiều suy nghĩ và bài học chứa đựng trong Tin Mừng của ngày hôm nay:

  • Trong hành trình cuộc sống, khi không có Chúa đồng hành thì con người ta dù có đi cùng nhau cũng chẳng có thể làm nhau khá hơn hay giúp nhau hạnh phúc hơn được.
  • Khi mãi co cụm trong những đau đớn giày vò của bản thân, chúng ta khó có thể nhìn thấy Chúa đang đến trong cuộc đời chúng ta. Việc cần thiết khi gặp đau buồn không phải là tự gặm nhấm nỗi đau mà là can đảm bước đến với Chúa để bày tỏ nỗi lòng và chờ đợi được Ngài chữa lành.
  • Khi có kinh nghiệm về sự chữa lành của Thiên Chúa, chính chúng ta sẽ trở thành “lương y” chữa trị cho tâm hồn của những người khác.
  • Thánh lễ là một cuộc chữa lành thật sự vì nơi đó con người có thể gặp được anh em mình, được lắng nghe lời Chúa và được cùng nhau dự tiệc Mình Máu Thánh Chúa là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, đời chúng con là những cuộc hành trình mà trong đó có biết bao lần chúng con lầm lũi một mình bước đi, có bao phen nước mắt phải rơi, có lắm khi chẳng nhìn thấy đích đến. Xin Chúa luôn đồng hành với chúng con, xin thêm sức mạnh vì chúng con con yếu đuối, xin thêm niềm vui để chúng con lạc quan, xin thêm lòng tin để chúng con can trường và xin thêm tình mến để chúng con sẵn sàng bước đi cùng nhau trên hành trình về với Chúa.

Bảo Bảo

Suy Niệm 3:

Niềm tin và hy vọng là điều cần có trong cuộc đời của mỗi người. Hôm nay, Phụng Vụ cho chúng ta đọc lại trình thuật hai môn đệ trên đường Em-mau. Các môn đệ, sau cái chết của Thầy Giê-su, họ cảm thấy không còn gì để bám víu, niềm tin, hy vọng đã lịm tắt, nơi họ chỉ còn lại nỗi thất vọng và chán chường. Do đó, họ thất thểu trở về quê sống cuộc đời bình thường trước đây. Thế nhưng, khi hai ông đang trên đường trò chuyện với nhau, “chính Chúa Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”. Chúa Giê-su nhận ra nỗi niềm đang đè nặng trong tâm hồn họ, nên Ngài đến để xua tan và thắp lên niềm tin, niềm hy vọng nơi tâm hồn họ. Quả thật, với việc lắng nghe, giải thích Kinh Thánh, nhắc lại những kỷ niệm cũ và nhất là với cử chỉ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”, Thầy Giê-su đã hồi sinh sự sống vốn đang dần tắt lịm nơi các môn đệ của mình. Vì vậy, để có niềm tin – hy vọng sống động, chúng ta được mời gọi ở lại trong Chúa, gắn bó đời mình với suối nguồn tình yêu là bí tích Thánh Thể, bí tích của niềm hy vọng và nguồn cậy trông vững chắc cho ơn gọi làm người, làm con Chúa của mỗi tín hữu.

 Thực ra, hành trình trở về làng Em-mau của hai môn đệ cũng chính là hành trình cuộc đời của chúng ta. Vì rằng đời sống chúng ta ít nhiều cũng “mộng vàng tan mây” như hai môn đệ xưa. Không ít lần chúng ta tin theo Chúa với cảm thức sẽ “được” hơn là “mất”: được thành công, hạnh phúc, sẽ không gặp gian nan thử thách..vv. Thế nhưng, Chúa Giê-su hiện đến, đồng hành và vén mở cho các môn đệ một nhãn quan mới, vượt lên trên tầm nhìn hạn hẹp đầy tính nhân loại của các ông – “chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel”. Thầy Giê-su mở mắt tâm trí cho các ông bằng việc ở lại, nhắc nhở những gì liên quan đến Ngài được ghi trong Kinh Thánh, “bắt đầu từ Môsê đến tất cả các ngôn sứ”.

Quả vậy, việc Chúa Giê-su ở lại với các môn đệ đã làm cho niềm tin – niềm hy vọng của họ được hồi sinh sau những tan vỡ, thất vọng mà chính các ông tưởng chừng không thể vượt qua. Chúa Giê-su không nhắc lại cái quá khứ của sự phản bội và trốn chạy của họ, cũng không khiển trách hay loại trừ, nhưng Ngài gợi lại những khoảnh khắc đẹp, khoảng thời gian đầy thân tình khi Thầy trò cùng chung chia vui buồn trong suốt hành trình đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Cách ứng xử tuyệt vời ấy khiến các ông được khích lệ, cảm giác chán chường nhường chỗ cho niềm vui và hân hoan, nỗi thất vọng được phủ lấp bởi sự bình an và hạnh phúc, sự thất thểu bước đi trở nên cơ hội hồi sinh vì có Thầy Giê-su đồng hành.

Ngày nay, do ảnh hưởng bởi vòng xoáy của nhịp sống xã hội, nhiều gia đình không còn xem trọng việc hiện diện quây quần bên nhau, ít có thời gian dành cho nhau. Họ chú trọng đến công ăn việc làm hơn là hướng đến xây dựng một mối tương quan; họ ưu tiên nhiều hơn cho những dự tính cá nhân, tìm thỏa mãn tính hiếu kỳ của giác quan hơn là sống chậm lại, cảm thông và chung chia điều gì đó với người thân của mình. Thầy Giê-su đã đồng hành với các môn đệ, hôm nay Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống sự hiện diện của Ngài để sống giữa mọi người – hiện diện để đem sự nâng đỡ, an ủi, đem niềm vui và niềm hy vọng cho những ai đang lữ hành trong cuộc sống này.

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, Chúa đã chọn cách ở lại với hai môn đệ trên đường Em-mau vì Chúa thấy cuộc đời của họ cần có Ngài đồng hành, Chúa không đành để họ bỏ cuộc, tháo lui, an phận trở về sống lối sống cũ. Ngày nay, cũng vì yêu thương, Chúa tiếp tục chọn cách ở lại với chúng con nơi bí tích Thánh Thể, để hằng ngày hiện hữu bên đời chúng con. Chúa biết niềm tin, niềm hy vọng của chúng con còn non yếu, dễ ngã lòng thất vọng khi gặp phải đau khổ, buồn phiền và trái ý, xin Chúa thương soi trí mở lòng, giúp chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn chúng con, cùng xác tín rằng Chúa luôn đồng hành cùng chúng con trên mọi nẻo đường đời. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy niệm 4:

 HÃY VỮNG TIN ! CHÚA GẦN BÊN TA.

Ai trong chúng ta chắc cũng đã nghe biết được câu chuyện cảm động về tình bạn: “Lưu Bình Dương Lễ”, câu chuyện được kể tóm tắt như sau:

Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở thiếu thời. Dương Lễ nhà nghèo, còn Lưu Bình giàu có nên đã đưa bạn về nhà ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hữu rất là tương đắc. Dương Lễ biết phận mình là con nhà nghèo nên ra sức học, còn Lưu Bình cậy mình có của nên lười biếng, ham chơi. Ðến khoa thi, Dương Lễ thi đậu được bổ ra làm quan. Còn Lưu Bình thì thi rớt nên sinh ra chán nản, ăn chơi hơn trước, thi mãi không đậu, tiền của tiêu mãi rồi cũng hết. Trong lúc đó, Lưu Bình nhớ đến người bạn thuở thiếu thời là Dương Lễ, hiện đang làm quan lớn nên tìm đến mong nhận được sự trợ giúp của bạn. Cay đắng thay, Dương Lễ lánh mặt không tiếp, chỉ dọn mâm cơm hẩm với đĩa cà thâm để đãi. Lưu Bình tức giận tủi nhục ra về, dọc đường ghé lại quán trọ, làm quen với một cô gái xinh đẹp, đằm thắm tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình bị trượt hai kỳ thi, Châu Long kiếm lời an ủi, khuyên Lưu Bình nên bền chí. Nàng sẽ lo liệu mọi việc để cho Lưu Bình yên lòng ăn học, giao hẹn khi nào thi đỗ mới tính việc nên duyên vợ chồng. Trai tài gái sắc cùng sống chung một nhà, có khi Lưu Bình không nén được lòng, muốn thể hiện tình cảm nhưng Châu Long cương quyết từ chối, nàng nhắc lại lời giao hẹn lúc mới gặp nhau.

Nhờ sự động viên, giúp đỡ của Châu Long nên Lưu Bình ráng sức học hành tiến bộ, đến khoa thi năm đó thì đỗ Trạng Nguyên. Nhưng khi trở về nhà, Lưu Bình không thấy Châu Long đâu nữa. Hỏi thăm khắp nơi, không ai biết nàng ở đâu. Lưu Bình cũng không hiểu vì sao Châu Long lại biến mất vào lúc mình đã hiển đạt, nên đâm ra lo lắng, đau khổ, nhớ thương. Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ hằng mong rửa nỗi nhục mà Dương Lễ đã gây ra cho mình trước kia. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp và bất ngờ giới thiệu nàng Châu Long chính là thiếp thứ ba của mình. Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình, sợ mình không có nơi nương tựa mà bê trễ việc học hành, rồi sai vợ lẽ là Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ sống với nhau thân tình, khắng khít hơn xưa.

Tin Mừng Chúa Nhật tuần này rất đẹp, Giêsu rất gần với chúng ta, Ngài đã nhẫn nại cho hai môn đệ trút hết nỗi lòng, như chúng ta thường nói vui: làm thùng rác cho “xả”. Hai môn đệ đã thấy: Thầy mình bị bắt, bị kết án, bị đóng đinh trên thập giá và đã an táng trong mộ. Đối với họ, tất cả đã kết thúc. Họ đã hoàn toàn mất tinh thần. Tất cả những gì còn lại là để họ trở về nhà Emmaus. Bây giờ, trên đường trở về, một người lạ tham gia cùng họ. Đó là Chúa Giêsu nhưng họ không nhận ra Người.

Như câu chuyện trên, những gì mà Dương Lễ giúp bạn thì bạn không nhận ra, khi Lưu Bình thành tài muốn tìm bạn trả thù, rửa hận. Trong cuộc sống lữ hành, dù ở bậc sống nào, công việc nào cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, những vấp ngã, không có đường nào toàn thảm nhung êm ấm hay hoa thơm mật ngọt, và cũng lắm khi cùng đi trên một con đường, nhưng có người thấy hoa, người thấy cỏ, người thấy đường đẹp người thấy đường xấu, người thấy dễ đi người thấy khó đi, người thấy nhanh người thấy chậm, người thấy vui người thấy buồn… mỗi người tuỳ theo tâm trạng, tính khí, tư duy, sở thích, khả năng của mình mà thấy cái này mà không thấy cái kia…những lúc ấy chúng ta cần lắm một người bạn đồng hành.

Cũng chính Chúa Giêsu hai môn đệ gặp trên đường về Emmaus, chúng ta gặp gỡ Người trong mọi Thánh Lễ. Người soi sáng chúng ta bằng lời của Người và Người chia sẻ Bánh Thánh Thể với chúng ta. Nhưng sau đó điều gì còn lại khi chúng ta ra về? Chúng ta có cùng nhiệt tình và cùng tâm trạng như các môn đệ Emmaus không?

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô hằng sống ở trung tâm cuộc sống của chúng con qua các biến cố, để cùng với Người, chúng con sẽ mang lại bình an cho những ai đang buồn phiền và cho những ai đã đánh mất ý nghĩa của cuộc sống. Amen.

Fiat

 

Để lại một bình luận