Chầu Thánh Thể Số 7

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Kính lạy Chúa Giêsu Thánh Thể!

Trong giây phút thầm lặng ấm cúng này, chúng con cùng tụ họp bên Chúa và chính nơi đây chúng con xác tín Chúa đang hiện diện giữa chúng con bằng một tình yêu trọn vẹn và mãnh liệt trong Bí tích Thánh Thể, Bí tích của tình yêu. Chúng con xin tôn vinh và sấp mình thờ lạy, xin tri ân và chúc tụng vì tình yêu tự hiến và tự hủy của Chúa đã ưu ái dành cho mỗi người chúng con.

Đêm nay, đêm thứ Năm tuần Thánh, mời gọi chúng ta tìm về bên Thánh Thể Chúa như tìm về căn phòng tiệc ly năm xưa, để chiêm ngắm Đức Giêsu yêu thương và hiến mình cho các môn đệ cũng như cho chúng ta qua việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và nghe những lời trăn trối của Chúa.

Giờ đây, một lần nữa, chúng ta nhìn lại biến cố Tiệc Ly và những hành động của Chúa Giêsu đã làm, để thử trắc nghiệm lại niềm tin-sự trung tín-và tình yêu của mình một cách chân thành nhất trước sự hiện diện thẳm sâu của Bí tích Thánh Thể.

HÁT: Lòng Chúa ái tuất.

  1. Đây lòng Chúa ái tuất không bến bờ, thương loài nhân thế đang vướng tội nhơ, đem trót máu thịt nuôi dưỡng xác hồn, ngày đêm ban xuống cho muôn ngàn ơn.

ĐK. Con xin kính tin sấp mình thờ lạy Chúa. Và dâng tiến lên niềm yêu mến trung thành. Từ nay con quyết sống tình yêu Chúa, ở nơi thế gian, và trên chốn thiên đình.

  1. Trong hình bánh Chúa náu thân khổ hèn. Con dù không thấy luôn vững niềm tin. Đây chính Máu Thịt Con Đức Chúa Trời, là Vua trên hết các vua trần gian.

MỜI CỘNG ĐOÀN ĐỨNG

ĐỌC TIN MỪNG: Ga 13, 1-15

Bài trích Tin Mừng Đức Giêsu Ki-tô theo thánh Gioan:

1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

 6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là “ Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. ĐÓ LÀ LỜI CHÚA. Lạy Chúa Ki-tô ngợi khen Chúa.

Mời cộng đoàn ngồi

Suy niệm 1: Trong cuộc sống thường ngày, nơi các gia đình, và trong cả phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, thì bữa ăn có một giá trị khá quan trọng trong lòng người, nơi đó: niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường được san sẻ, nhằm mục đích lên tinh thần cho nhau và thêm gắn kết hơn. Đồng thời, nơi bữa ăn, có thể là hợp mặt, là chia tay; nơi đó để lại nhiều kỷ niệm cho kẻ ở người đi, nhưng dù thế nào đi nữa, thì ý nghĩa thực sự của bữa tiệc ấy phải là động lực cho người đi, và là niềm hy vọng cho kẻ ở lại, nhưng cả hai đều biết mục đích của bữa tiệc ấy.

Trong Bữa Tiệc Ly năm xưa, chỉ có Đức Giêsu và các tông đồ, nhưng chỉ có một Đấng duy nhất biết được mục đích của bữa tiệc này, trước niềm vui, sự ngây thơ của các tông đồ,.. Chúa Giêsu lại chất chứa một tâm tư khát khao sâu thẳm: chỉ vài giờ nữa thôi, Ngài phải bước vào một thử thách lớn lao-một tình yêu tuyệt đối dành cho Chúa Cha và nhân loại, phải làm sao để xoa dịu nỗi đau nơi các tông đồ, phải làm gì để ghi dấu muôn đời, để thêm nguồn trợ lực, và để nên một đời “tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người”, một sáng kiến tuyệt vời, một tặng phẩm quý giá, đó chính là Bí tích Thánh Thể và ‘truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài’. Một tình yêu cao cả, một cái chết vì hạnh phúc của người khác, Bí tích Thánh Thể chính là một sự hiện diện thật, sau khi Ngài không còn ở trần gian này nữa, mặc dù vô hình nhưng lại rất trọn vẹn.

Bữa tiệc ly năm xưa, không giống như bữa tiệc chia tay của trần thế, bởi nó chất chứa quá nhiều thổn thức, khát khao, bồi hồi và cảm xúc dâng trào từ một Đấng yêu thương, nên dâng tất cả, không giữ lại chút gì cho riêng mình, nhắn gửi thật nhiều và trao ban thật tình, để mong những người thân tín của mình nhận ra sự hiện diện đích thực của Ngài nơi Bí tích Thánh Thể. Cảm thấu được Tình Yêu này, để sống một đời chứng tá trong khiêm nhu và cho “giới luật yêu thương” của Ngài được tiếp nối và nên trọn vẹn giữa thế giới hôm nay.

Lạy Chúa! Làm sao chúng con hiểu được tâm tư của Chúa trước khi bước vào cuộc Tử Nạn này, chỉ khi yêu thực sự chúng con mới hoàn toàn cảm thấu. Cảm tạ Chúa đã vì yêu chúng con quá nhiều, xin cho chúng con biết dùng thời giờ để hoán cải bản thân, cầu nguyện cho lương dân, cách riêng cho những gia đình trẻ biết quý trọng những bữa cơm gia đình trong sự thân thiện và yêu thương, biết ngước trông lên Thánh Giá Chúa, để cảm nghiệm rằng: mình được Chúa yêu, hầu chúng ta cũng dễ dàng sống và làm chứng cho Chúa ngay trong thế giới hôm nay.

Hát:

  1. Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống những ngày cao điểm của năm Phụng Vụ, tưởng niệm mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Hôm nay Chúa đã khai mạc cuộc thương khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa Tiệc ly. Trong bữa tiệc cuối cùng này, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể như dấu chỉ của Giao Ước Mới – Giao Ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên Thánh Giá.

Thánh thể là Bí Tích Tình Yêu như thánh Gioan Tông đồ đã xác tín: “Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ và yêu thương họ đến cùng” – Đỉnh cao tình yêu của Chúa Giêsu là lập Bí Tích Thánh Thể, để từ nay Chúa Giê-su trở thành nơi gặp gỡ ân tình giữa Thiên Chúa với con người, và cũng là nơi nối kết giữa chúng con với nhau. Vậy, trong tình yêu và vì tình yêu, Chúa Giêsu đã tìm ra phương thế tuyệt hảo để ở lại với tất cả những ai tin. Quả thật, như lời Chúa đã nói: “Thầy ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” – Chúa đã ở lại, đã chờ đợi chúng con luôn mãi trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Thể còn là Bí Tích của sự chia sẻ, trong bầu khí thân thương của bữa ăn từ biệt Chúa Giê su và các môn đệ, Chúa đã lần lượt cấm tấm bánh và chén rượu truyền phép phân chia cho các môn đệ cùng ăn, cùng uống với nhau trong tình huynh đệ. Chính hành động này đã biểu lộ tình yêu tột cùng khi Chúa trao mình hiến tế cho Chúa Cha và cho nhân loại. Trước tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu, thánh Phêrô đã khuyên nhủ tín hữu Rôma cũng như chúng con: “Anh em hãy hiến dâng thân xác anh em làm của lễ sống động đẹp lòng Chúa Cha” (Rm 12,1) – những lời này đã gợi lại lời Chúa Giê su trong bữa tiệc ly: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con” (1Cr).

Vâng, tình yêu là một dòng chảy không thể dừng lại được. Vì thế, đón nhận và trao ban quả là một tiến trình của tình yêu “Con người đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”. Do đó, tình yêu sẽ thực sự có ý nghĩa khi chúng con biết ý thức san sẻ cho nhau. Ngoài việc cử hành Thánh lễ, chúng con cần phải sống mầu nhiệm Thánh Thể ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con sẽ cử hành Thánh Thể một cách có ý nghĩa hơn nếu biết sống vị tha, biết quan tâm nhu cầu của những người xung quanh, để mỗi ngày giống Chúa hơn trong suy nghĩ, tư tưởng, lời nói và hành động của chúng con. Chúng con phải trở nên những cánh tay nối dài của tình yêu và tha thứ, là nhịp cầu kết nối mọi người với Chúa và với nhau.

Trong giờ phút thinh lặng của cõi lòng, chúng con xin thành tâm nhìn lại mình, đi vào tận sâu cõi lòng mình để thấy rõ mối tương quan chúng con đã sống với Chúa và với nhau trong suốt thời gian qua. Lạy Thánh Thể Chúa, xin ánh sáng tình yêu Chúa chiếu soi trên cuộc đời và cõi lòng chúng con giúp chúng con nhận ra những yếu đuối, những tội lỗi của mình vì chúng con sống thiếu bác ái với tha nhân và thiếu quảng đại với Chúa là chúng con đã xúc phạm đến Thánh Thể Chúa, nhờ đó chúng con bắt đầu lại và quyết tâm cùng Chúa đổi mới cuộc đời mình.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chiêm ngắm mầu nhiệm Tình Yêu cũng là lúc chúng con nghiệm ra tình yêu bao la của Chúa dành cho nhân loại và cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con can đảm hơn trong cuộc chiến đấu nội tâm và biết xác tín rằng trong gian nan, thử thách và bị hiểu lầm, … là lúc chúng con được thông phần vào cuộc thương khó của Chúa, là diệu kế để chúng con biết từ bỏ những đam mê trần gian để sống tín thác vào Chúa mỗi ngày trong đời sống của chúng con.

Hát:

  1. Cuộc sống con người luôn có muôn điều kỳ diệu vần xoay theo định luật tự nhiên. Đã sinh ra trong thân phận làm người, từ thuở ấu thơ đến tuổi già, ai ai trong chúng con cũng trải qua sinh, lão, bệnh, tử và ai cũng có nhu cầu yêu và được yêu. Khi yêu là lúc chúng con biết giúp đỡ người khác, được yêu là lúc người khác giúp đỡ chúng con, mối tương quan này được hình thành ngay trong gia đình, cộng đoàn, xã hội và Giáo Hội. Đứng trên một phương diện nào đó chúng con có thể hiểu được ý nghĩa và nghĩa cử yêu thương chân thành đó là phục vụ. “Ai muốn làm người đứng đầu phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Điều Chúa dạy mới nghe qua thì không phù hợp với suy nghĩ của thời Chúa Giêsu cũng như ở thời đại hôm nay. Vì ai cũng nhắm đến quyền lợi và địa vị trước tiên. Lời giáo huấn của Chúa không chỉ là mớ lý thuyết suông nhưng phản ánh rõ nét về cuộc sống của Người. Một cuộc sống trở nên khuôn mẫu cho mọi người, Chúa đã sống tinh thần phục vụ hết lòng và đầy tình yêu mến.

Cử chỉ phục vụ thể hiện cách rõ ràng và cụ thể khi Chúa hạ mình rửa chân cho các môn đệ, khi Chúa chữa lành bệnh tật cho nhiều người mà không đòi hỏi trả công, hay khi đi đường băng qua vùng Samari, dù rất mệt mỏi nhưng Chúa đã quên mình đi, quên cả sự đói khát để vượt qua bức tường ngăn cách giữa người Do thái mà người Samari mà đối thoại với người phụ nữ chỉ nhằm mục đích cứu rỗi linh hồn chị. Việc phục vụ của Chúa đã trổ sinh nhiều hoa trái. Chúa Giê su đã dùng những điều này với một tình yêu vô biên nhằm nêu gương cho các môn đệ của Người: “Nếu Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14)

Trong cuộc sống thường ngày chúng con cũng có những tấm gương phục vụ cho lợi ích của những người nghèo, người bị bỏ rơi, người cô thế cô thân, bệnh tật. Như Mẹ Têrêsa Calculta, thánh Đaminh và cũng không thiếu những người đã âm thầm phục vụ cho gia đình, cộng đoàn, …Người phục vụ không phải là người nhỏ, người đầy tớ nhưng là cho tất cả mọi người. Ai cũng có cách phục vụ theo bậc sống của mình miễn là để tôn vinh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Những cử chỉ yêu thương, cảm thông, tha thứ, nâng đỡ, an ủi rất cần cho đời sống cộng đoàn. Vì lúc chúng con cho đi là khi lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Những việc ấy luôn có giá trị rất riêng đối với Chúa. Như lời Chúa nói với hai chị em Matta và Maria, chúng ta đang làm rất nhiều việc trong ngày nhưng chúng ta có ý thức là mình phục vụ Chúa và tha nhân không? Xin Chúa cho chúng con cảm nhận được niềm vui khi dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Ước chi cuộc sống của mỗi người trong chúng con luôn thấm nhuần tinh thần của Chúa để mỗi ngày trôi qua chúng con điều sống “thánh” như lời Chúa dạy: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Xin cho chúng con có ánh mắt tế nhị, có cái nhìn cảm thông của Chúa, để trong cuộc sống chúng con thực sự trở nên chứng nhân sống động phục vụ cho tình yêu Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn.

Hát:

Trả lời