Suy Niệm Tĩnh Tâm Tháng 09. 2023

CHỦ ĐỀ : SỐNG LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

 GỢI Ý :

 1. Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỨC KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN

    * Đức Khiết tịnh Thánh hiến “vì Nước Trời” mà các tu sĩ khấn giữ, phải được quý trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh, ơn ấy giải thoát lòng con người cách đặc biệt để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người hơn. (Perfectae caritatis, số 12).

    * Sự khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết, biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa, là phản ảnh của tình yêu vô biên, đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba Ngôi (Vita consecrata, số 21).

    * Khiết tịnh là trái tim của đời tu, và không thể tách rời khỏi sự thánh thiện của Giáo Hội (Linh mục Gambri).

    * Khiết tịnh thánh hiến là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ (Perfectae caritatis, số 12).

     * Đức khiết tịnh thánh hiến là một giá trị tích cực, mở rộng trái tim đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, yêu thương mọi người, làm tăng trưởng sự sống nơi bản thân và tha nhân, theo gương Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm (Hiến chương Dòng Mến Thánh Giá, điều 13).

  1. BẢN CHẤT CỦA ĐỨC KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN

     + Về phương diện pháp lý, lời khấn Khiết tịnh đòi buộc tu sĩ phải giữ sự tiết dục hoàn toàn đời sống độc thân vì Nước Trời.

   + Sống Khiết tịnh để yêu thương, đối tượng của người tu sĩ là chính Chúa Giêsu. Người tu sĩ sống khiết tịnh hiểu được giá trị tuyệt vời của tình yêu cao quý nầy, nên quyết chí hiến trọn cả hồn xác cho tình yêu này, và mạc khải cho người khác hiểu được tình yêu đó. (Theo cha Marcello de Carvalho Azevedo trong tác phẩm “Ơn gọi và sứ mạng” ).

         Tu sĩ khấn Khiết tịnh:

    + Khước từ mọi khoái lạc nhục thể hay tình yêu phái tính;

    + Khước từ hôn nhân, không trao thân mình cho bất cứ người nào;

 +  Khước từ khả năng làm cha làm mẹ về mặt thể lý;

    + Sống đức khiết tịnh thánh hiến sẽ làm cho tu sĩ thăng hoa tình yêu tự nhiên để có một tình yêu siêu nhiên thuần khiết dành cho một mình Thiên Chúa.

 III.  NHỮNG PHƯƠNG THẾ GIỮ ĐỨC KHIẾT TỊNH

  1. Đời sống thiêng liêng:

Cử hành việc Phụng Vụ – Bí tích – các kinh nguyện  trong ý thức và bằng  tất cả tâm hồn.

     Trong quyển Sức Mạnh và Ơn Gọi, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “không say mê Đức Kitô, không có tương lai cho Đời Sống Thánh Hiến”. “Tu sĩ không cầu nguyện thì không phải là tu sĩ”.

      + Cầu nguyện là yếu tố hàng đầu để bảo đảm cho đời tu.

      + Cố gắng xây dựng một tình yêu thiết thân với Chúa qua việc cầu nguyện và kinh nguyện hằng ngày. Phải cầu nguyện: khi vui lúc buồn, khi gặp thử thách, khi đau khổ, khi bị cám dỗ… sống thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể, để kín múc nguồn sinh lực thần thiêng cho đời sống Khiết tịnh.

  + Chuỗi Mân Côi hằng ngày, nhờ Mẹ Maria bảo vệ Đức Khiết tịnh.

  + Cầu nguyện với Thánh Giuse là Đấng che chở kẻ giữ mình đồng trinh.

  + Đọc, suy niệm và thực hành Lời Chúa.

2. Với bản thân:

Đức Khiết Tịnh như viên ngọc quý được đựng trong bình sành dễ bể, cần trân quý và bảo vệ.

    +  Lạc quan vui vẻ chấp nhận phái tính Chúa ban cho mình:  Phái yếu.

    + E thẹn là đồ trang sức đẹp nhất cho sự trong sạch của người nữ .

      + Sự trong sạch là hoa quả của Chúa Thánh Thần, là ân huệ của Thiên Chúa ban cho những ai sống đời thánh hiến.

      + E thẹn là tự trọng và tự vệ mình.

Một nữ tu khi không còn biết e thẹn nữa, thì đức khiết tịnh và tính dục trở thành tầm thường, Khiết tịnh xem như bị hạ xuống thành một “món hàng” cho người khác tiêu dùng!

        + Nết na, đoan trang đức hạnh trong cách ăn, nết ở. “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở” (I Pr,15)

        + Giảm bớt chủ nghĩa thích sống thoải mái, dễ dãi, hưởng thụ.

        + Hy sinh, khổ chế hằng ngày, dù nhỏ.

        + Quân bình trong các mối tương quan. Tránh biểu lộ tình cảm thiếu trong sáng, nhất là với người khác phái.

       + Chu toàn những bổn phận, sắp xếp thời gian làm việc sao cho hợp lý: Cầu nguyện và làm việc, nghỉ ngơi, giải trí… (ở không nhưng là cội rễ mọi sự dữ).

       + Cẩn thận và có ý hướng ngay lành trong giải trí, tra cứu sách vở, phim ảnh, học hỏi về giới tính… để hiểu biết và trưởng thành tình cảm.

       + Luôn tìm học hỏi và rèn luyện bản thân để giúp mình thăng tiến.

       + Quan tâm, chăm sóc các đối tượng tông đồ của mình cách vô tư, khách quan, khôn ngoan và cẩn trọng,

       + Bảo toàn sức khoẻ thể xác (ăn uống, nghỉ ngơi, thể dục điều độ)

       + Trung thành việc hồi tâm, xét mình hằng ngày để thấy những sai lỗi mà sám hối và điều chỉnh ngay.

       + Trung thành thực hành Hiến chương và Nội quy của Hội dòng.

3. Với Cộng đoàn:

Là con người ai cũng cần được yêu thương. Người sống đời thánh hiến không ngoài định luật nầy. Đời sống cộng đoàn là một nét đẹp, là một yếu tố quan trọng trong đời Thánh hiến, phản ánh gia đình gương mẫu, đó là gia đình Nagiarét; Hãy ý thức :

         * Cộng đoàn là 1 gia đình đức tin,

         * Mỗi chị em là 1 quà tặng Chúa ban cho nhau,

         * Chị em Thuộc về nhau,

         * Nơi chị em biết đón nhận và cho đi,

         * Nơi chị em thể hiện yêu thương, quan tâm, chăm sóc phục vụ nhau,

         * Tôn trọng, thông cảm và tha thứ cho nhau,

         * Bảo vệ ơn gọi cho nhau,

         * Giúp nhau sống hạnh phúc và nên thánh,

Cộng đoàn là chiếc nôi nuôi dưỡng, vun trồng và bảo vệ  Đức Khiết tịnh.

  1. Với người khác phái:

     + Luôn ý thức mình đã khấn Khiết tịnh với Chúa: Hiến dâng cho Chúa trọn vẹn con tim và thân xác.

    + Lành mạnh, trong sáng trong các mối tương quan.

    + Tế nhị, lịch thiệp, chừng mực trong giao tiếp.

    + Tránh nói khôi hài bằng những câu bông đùa, nhạy cảm, liên quan đến phái tính và đức trong sạch.

   + Phải biết sợ, biết “chạy trốn”… Đừng liều lĩnh, chứng tỏ mình can đảm, hoặc trưởng thành.

Ông bà ta có câu:

     “Con người già chứ ma quỷ không có già!

      Bảy mươi chưa gọi mình lành “.

   + Đứng đắn trong giao tiếp. Tránh những cử chỉ quá thân thiện, đụng chạm khi tiếp xúc, khiến cho tình dục có cơ hội nảy sinh.

   + Năm yếu tố quan trọng cần ý thức trong tương quan với người khác phái, để tránh những cơ hội gây dịp tội:

        * Nơi chốn gặp gỡ.

        * Thời gian và thời lượng.

        * Khoảng cách thể lý và tâm lý.

        * Sự có mặt của người thứ ba.

        * Cảm thức sâu xa về sự hiện diện của Chúa.

 (Chia sẻ của Cha Phaolô Minh Huy về Lời khấn Khiết Tịnh)…

 1. HOA TRÁI CỦA ĐỨC KHIẾT TỊNH

    + Sống khiết tịnh đúng nghĩa giúp người tu sĩ chìm sâu vào tình yêu Chúa, để mang tình yêu ấy đến với mọi người. Đó là một lối sống đậm chất yêu mãnh liệt, xuất phát từ con tim luôn yêu Chúa và mềm lòng mở ra với tất cả mọi người.

     + Càng sống Đức khiết tịnh, người tu sĩ thấy con tim mình được thanh thoát nhẹ nhàng để yêu Chúa, phục vụ Chúa và tha nhân. Yêu Chúa, yêu người và yêu đời mặn nồng hơn, dễ lôi kéo tha nhân về với Chúa hơn. Tu sĩ sẽ trở thành người của tất cả mọi người chứ không là “của riêng” ai.

Từ đó, mọi người có thể nhận ra được nét đẹp thanh thoát của nữ tu.

     + Sống khiết tịnh đúng nghĩa, tu sĩ sẽ chứng minh cho người đời thấy rằng : Người tu sĩ sống độc thân Khiết tịnh không phải là một cuộc đời già nua, cằn cỗi, khô khan, đơn độc và buồn tẻ; trái lại, là một cuộc đời luôn có tâm hồn tươi trẻ, chan hoà sức sống yêu thuơng, hạnh phúc và vui tươi, lan toả tình yêu đến mọi người, mọi nơi và mọi thời qua cung cách sống của mình.

      + Trong Tông Thư năm Đời Sống Thánh Hiến gửi cho các Linh mục và Tu sĩ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nhấn mạnh: “Ở đâu có Tu sĩ, ở đó có niềm vui”… Ngài còn nói thêm: “Tu sĩ là chuyên viên của sự hiệp thông”… “Tu sĩ phải có khả năng đánh thức thế giới”.

     + Trong thời đại hôm nay, có người đã đánh giá lời khấn khiết tịnh của tu sĩ được xem như lời khấn quan trọng nhất, và cũng là lời khấn khó giữ nhất; nhất là đối với các tu sĩ trẻ.

        Những cái khó ấy xuất phát từ những quyến rũ, mời mọc của xã hội, từ môi trường, cụ thể là từ chính bản thân của tu sĩ; nhưng với ơn Chúa trợ lực cùng với những cố gắng liên lỉ, các tu sĩ đã vượt qua được những thách đố ấy.

 + Thánh Phanxicô đã gọi Đức Khiết tịnh là “hoa huệ của các nhân đức, nâng con người gần ngang bậc thiên thần”.

+ Thánh Gioan Bosco: “Đức Khiết tịnh là Nữ hoàng của các nhân đức”.

 1. NHỮNG THÁCH ĐỐ KHI GIỮ ĐỨC KHIÊT TỊNH

   +  Các nữ tu khi làm công tác mục vụ, hoặc khi giao tiếp… là môi trường có nhiều liên hệ với người khác phái, nếu không ơn Chúa, không giữ lời khấn, dễ bị cám dỗ về tình cảm ngang trái.

  + Nhu cầu hưởng thụ và hấp dẫn của một đời sống tự do, thoải mái đang len lỏi vào đời tu. Người tu sĩ vẫn thích sống thoải mái, tiện nghi, với lý do để phục vụ hiệu quả, để hợp với thời đại. Xem thường khổ chế hy sinh, xem thường lời khấn và nhất là thiếu cảm thức về tội lỗi… dễ bị sa ngã.

     +  Khi phục vụ, tính năng động, cởi mở, thân thiện, dạn dĩ quá trớn để chứng tỏ mình hiểu biết, hoà đồng… người tu sĩ trẻ dễ quên mình là 1 nữ tu, nên nói năng, đi lại, giao tiếp tự do, thiếu kỷ luật, dễ tạo mối tương quan và nuôi dưỡng mối tương quan thiếu trong sáng, thiếu lành mạnh với người khác phái (đôi khi với người đồng phái nữa).

     + Như 1 tiện nghi không thể thiếu để làm việc tông đồ hoặc học hành có hiệu quả, tu sĩ cũng cần có nhu cầu sở hữu và sử dụng các phương tiện truyền thông. Phổ biến nhất là Facebook, Facetime, Google, Viber, Youtube, Zalo… Các phương tiện truyền thông nầy rất lợi ích cho người biết ý thức, tận dụng khi sử dụng nó.

       Nhưng nó như con dao hai lưỡi, nếu không tự cảnh giác, có thể làm cho tu sĩ, nhất là những tu sĩ trẻ bị cám dỗ mất quá nhiều thời gian để liên lạc, để tìm hiểu hoặc giải trí trong lãnh vực không cần và không được phép. Đây cũng là nguyên nhân làm cho trái tim, tình yêu của người tu sĩ bị phân mảnh, không còn thuộc về Chúa cách trọn vẹn nữa!

     + Người tu sĩ bạn trăm năm của Chúa cũng cần phải đẹp: đẹp người đẹp nết; nhưng có những tu sĩ chăm lo nhu cầu thể xác hơn đời sống tâm linh, thích làm đẹp, thích theo model, theo thời, thích được để ý… vô tình gây chú ý cho  người khác. Từ đó, dễ làm nô lệ cho cảm giác và dáng vẻ bên ngoài hơn là trau dồi nét đẹp tinh thần, của tâm hồn, của đời tu (cái nết đánh chết cái đẹp).

     + Cộng đoàn yếu về tinh thần tu, xem nhẹ lề luật và Nội quy, yếu lòng đạo đức, thiếu yêu thương. Khi gặp khủng hoảng, căng thẳng, không còn được tin tưởng nhau, người tu sĩ trẻ dễ đi tìm nơi một tình yêu khác.

     + Có thể có một số các tu sĩ trẻ bị cám dỗ liên quan đến tính dục, khi không tránh khỏi những xung động nhục dục tự nhiên trong mình còn quá mạnh… do thiếu sự hiểu biết, đôi khi không kiểm soát được, lại không được thông cảm và nâng đỡ của cộng đoàn, cảm thấy buồn và cô đơn khi nhìn hạnh phúc đời sống gia đình của bạn bè hay ai đó, tự nhiên cảm thấy mình bị lạc lõng…

      + Khát vọng hạnh phúc gia đình, khát vọng làm cha làm mẹ tồn tại trong con người nổi dậy, thúc đẩy họ nghĩ đến chuyện cần một bờ vai để nương tựa, để được cảm thông, an ủi… lắp vào chỗ trống vắng của tâm hồn. Đó là 1 nguy cơ!

 Châm Ngôn sống:

Người tu sĩ cần thực hiện ba điểm chính yếu của Đức Khiết tịnh trong đời tu :

       + Yêu thương, tìm kiếm Thiên Chúa,

       + Sống tinh thần hiệp thông huynh đệ cộng đoàn,  

       + Vì Chúa, yêu thương phục vụ tha nhân hết tình.

HỒI TÂM :

 XÉT MÌNH VỀ LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

Lời khấn Khiết tịnh mời gọi người tu sĩ yêu Chúa với trọn con tim không chia sẻ:

1.Tôi có luôn ý thức mình là Nữ tu Mến Thánh Giá Cái Mơn trong mọi nơi, mọi lúc và khi làm mọi việc không?

2. Khấn lời Khấn Khiết tịnh, tôi có thật lòng chọn Chúa là “Đối tượng duy nhất” của tôi và trung thành yêu Ngài không?

3. Tôi có để con tim của mình lệ thuộc vào một ai đó, đến nỗi không có thể yêu người khác được… ngược lại, tôi có ràng buộc ai với tôi không?

4. Tôi có chuyên chăm cầu nguyện để xin Chúa giữ gìn tình yêu của tôi dành trọn cho Ngài không?

5. Tôi có liều lĩnh khi sử dụng mạng lưới Internet như:

       –  Chat, email, điện thoại… để liên lạc, trao đổi với người khác phái những tình cảm lỗi đức Khiết tịnh không?

      –  Tò mò tìm hiểu, sách báo nhạy cảm, khiêu dâm…

      –  Xem tiểu thuyết tình cảm (không lành mạnh).

  1. Lời nói, tư cách tác phong của tôi có thể hiện tôi là 1 nữ tu đoan trang, nết na đức hạnh, để không gây cớ vấp phạm cho người khác phái không?
  2. Tôi có liều lĩnh, mập mờ, không can đảm NÓI KHÔNG trước những quyến rũ tình cảm có nguy cơ hại đến Lời khấn Khiết tịnh không?
  3. Tôi có yêu thương, tin tưởng, thành thật với chị em trong cộng đoàn, để phần nào giúp bảo vệ đức Khiết tịnh cho tôi không?
  4. Cầu nguyện là nhu cầu không thể thiếu trong đời tu. Tôi có viện lý do vì công việc mà bỏ qua, hoặc bê trễ việc cầu nguyện không?
  5. Tôi có dành phút hồi tâm mỗi ngày để kiểm điểm đời sống của tôi không?

Kính thưa Quý Dì,

       Những gợi ý trên, như một lời mời gọi mỗi chị em mình hồi tâm duyệt lại con tim và cung cách sống, để điều chỉnh lại sao cho đẹp lòng Chúa, khi sống Đức Khiết tịnh trong Đời sống thánh hiến của chúng ta.

Xin cảm ơn quý Dì

Trả lời