Trong một xã hội hiện đại mà qua mạng Iternet, sự liên kết giữa con người với nhau không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, thì điều cấp thiết đòi hỏi Giáo Hội trong thời đại mới này là hãy mở ra và đi đến với tất cả mọi dân tộc, mọi tầng lớp xã hội để tạo nên sự hiệp thông không giới hạn như lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các tông đồ trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Nếu như Chúa Giêsu có lời cầu xin cho sự hiệp nhất các Kitô nên một trong Thiên Chúa (Ga 17,22) thì Ngài cũng cầu nguyện với Chúa Cha cho tất cả mọi người được hiệp thông với nhau trong cùng một Thánh Thần: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con” (Ga 17, 20).
Suốt cuộc đời công khai rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài đã rất nhiều lần từng bước phá đi bức tường ngăn cách giữa con người với con người, giữa các tôn giáo, các dân tộc và các tầng lớp xã hội. Ngài muốn ơn cứu độ phải được ban phát cho tất cả mọi người và vì thế Giáo hội là chi thể của Ngài đang gìn giữ kho tàng ân sủng có trách nhiệm phải mở cửa ra và đi đến với con người ở tận cùng cõi đất. “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 7-8).
Nhưng có một cám dỗ to lớn trong thời đại hôm nay là khi mọi nhu cầu về đời sống của con người được nâng cao, người ta dễ thu mình vào vỏ bọc an toàn hơn là bước ra để đi đến với tha nhân, thích hưởng thụ và ngại cho đi; thích an nhàn hơn là phải hy sinh dấn thân; thích thoả hiệp hơn là phải chiến đấu cho công bằng chân lý. Đáng buồn hơn, đôi khi Giáo hội của Chúa Kitô hôm nay cũng bị cuốn vào “vòng xoáy yên bình” như thế. Tuy nhiên, để thức tỉnh Giáo hội, thức tỉnh những con cái của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 23 đã kêu gọi chúng ta hãy “ra đi đến vùng ngoại biên”. Và đó chính là biên cương xa xôi không bao giờ bị giới hạn: “Giáo hội phải bước ra ngoài để rao giảng Tin mừng cho mọi người, trong mọi hoàn cảnh, không do dự, không lo âu, không sợ sệt. Niềm vui của Tin mừng được dành cho toàn dân, không ai bị loại ra bên ngoài”.
Hiệp thông không giới hạn mời gọi mọi người “cùng nhau cất bước hành trình”, không để ai xa cách, không để ai bên lề mà không cùng đi trên con đường. Hiệp thông không giới hạn mời gọi chúng ta tích cực lắng nghe, tìm mọi cách để mọi người được phát biểu, đặc biệt là những thành phần bị lãng quên hay bỏ rơi, những người bị xã hội loại trừ, những người đã trải qua những đau khổ khốn cùng, những quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, …
Trong một xã hội mà con người chỉ chú trọng vào của cải vật chất, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, sự Hiệp thông không giới hạn kêu gọi chúng ta hãy nói không với các thực trạng xấu như: nền kinh tế loại trừ, ngẫu thần mới là tiền bạc, hệ thống tài chánh thống trị thay vì phục vụ, và đặc biệt là nói không với sự bất bình đẳng là nguồn gốc của bạo lực và chiến tranh.
Trung thành noi gương Thầy mình là Đức Giêsu, Giáo hội hôm nay tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi dịp, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi. Vì tình yêu đích thực không có chỗ cho sự sợ hãi. Niềm vui của Tin Mừng được dành cho mọi người: không thể loại trừ ai. Đó là điều thiên sứ đã công bố cho các mục đồng tại Bêlem: “Anh em đừng sợ; vì này, tôi đem đến cho anh em một tin vui trọng đại cho toàn dân” (Lc 2,10).
Sự ra đi đến vùng ngoại biên của Giáo hội để tạo nên sự Hiệp thông không giới hạn sẽ làm cho “Giáo hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường” nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, số 49 có nói ngài thích một Giáo hội như thế “hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục”.
“Vùng ngoại biên” của sự Hiệp thông không giới hạn không chỉ xoay quanh những quốc gia, những dân tộc hay ngôn ngữ nhưng còn là việc đón nhận, yêu thương, nâng đỡ và trợ giúp cho những người nghèo, những người bị gạt qua bên lề xã hội, những người không có tiếng nói trong một xã hội quá ồn ào bởi những hơn thua tranh giành, đề cao các giá trị thực tiễn hơn là tình thương yêu giữa con người với nhau. Giáo hội Chúa Kitô là một Giáo hội của người nghèo và Nước Thiên Chúa là của những người bé nhỏ (Mt 19,14).
Sự hiệp thông không giới hạn nhắc nhớ chúng ta Thiên Chúa là Đấng vô biên, nơi Ngài không có loại trừ, không có ngăn cách và chia rẽ, không có “bức tường” nhưng tất cả đều là “cầu nối”. Và tình yêu là chất “kết dính” duy nhất gắn kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Tình yêu cũng là “chất nổ an toàn nhất” phá đi những tảng đá, những rào cản, những bức tường ngăn cách giúp nhân loại hiệp thông trọn vẹn trong một Thiên Chúa duy nhất là Cha.
Bảo Bảo