CHỦNG VIỆN THAM GIA
Trong thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 3: Những thành phần trong Giáo Hội tham gia ngoài Giáo sĩ, Tu sĩ, Giáo dân, Thư Mục vụ còn gợi ý “Cách riêng, các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo lý viên, thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thánh Thể, những người đặc trách Phụng vụ, thành viên của các hiệp hội và hội đoàn, cần có đời sống nội tâm và học hỏi giáo huấn của Giáo Hội để tham gia các sinh hoạt với tinh thần siêu nhiên, tích cực nhiệt thành mà vẫn luôn hiệp thông hài hòa với các linh mục, tu sĩ và cộng đoàn.” Vậy cộng đoàn Chủng viện tham gia thế nào vào đời sống của Giáo Hội? Cộng đoàn Chủng viện là môi trường đào tạo linh mục, giúp cho mỗi ứng sinh nhận ra ơn Chúa kêu gọi và đáp trả bằng cách tích cực cộng tác vào việc đào tạo để trở thành mục tử như lòng Chúa và Giáo Hội ước mong và ba điểm nổi bật trong nhiều điểm mà cộng đoàn Chủng viện tham gia vào đời sống của Giáo Hội: (1) Đối thoại, (2) Cộng tác và (3) Đồng hành. Nhờ đó, các thành phần khác biệt nhau trong cộng đoàn Chủng viện liên kết với nhau trong Chúa Thánh Thần bằng tinh thần bác ái huynh đệ hiệp nhất với nhau (Pastores Dabo Vobis, số 60).
Chủng viện là cộng đoàn dân Chúa thu nhỏ, nơi quy tụ những người được Chúa gọi trở thành môn đệ của Ngài để được sai đi trong thiên chức Linh mục. Là những ứng sinh linh mục, thì người chủng sinh cần có sự đối thoại. Người chủng sinh phải biết mở lòng ra với những anh em cùng sống chung một mái nhà qua việc gặp gỡ, trò chuyện thân tình, lắng nghe nhau. Sự đối thoại là sợ dây gắn kết họ với nhau, hiểu nhau hơn, chấp nhận nhau dễ dàng hơn. Ngoài ra, chủng sinh còn được mời gọi mở lòng ra với nhà đào tạo. Chính sự đối thoại giúp cho nhà đào tạo lắng nghe những ước muốn, những khó khăn gặp phải trong đời sống ơn gọi. Từ đó, nhà đào tạo và người thụ huấn có thể hiểu nhau qua đối thoại, giúp cho việc đào tạo được tiến triển tốt đẹp dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Sự đối thoại này cũng tương tự như việc Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus. Chúa Giêsu lắng nghe họ, trò chuyện với họ, giải thích cho họ hiểu các sự kiện dưới ánh sáng của Lời Chúa (x. Lc 24, 13-35). Hành trình trở thành Linh mục là một quá trình dài thăm thẳm và tiệm tiến và cũng là một chương trình đào tạo suốt đời. Vì vậy, ngoài việc đối thoại với nhau thì người chủng sinh còn phải tiến thêm bước nữa đó là sự cộng tác với nhau trong tình bác ái huynh đệ.
Có thể ví sự đối thoại như là phần lý thuyết thì sự cộng tác giống như phần thực hành. Lý thuyết và thực hành luôn song hành với nhau, tuy có khác biệt nhưng không thể tách rời nhau. Đời sống trong Chủng viện cũng hướng người chủng sinh cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Đối thoại giúp cho những ứng sinh hiểu biết lẫn nhau để từ đó cộng tác với nhau trong công việc. Ai cũng được Thiên Chúa ban cho những khả năng khác nhau, điều cần thiết là phải dung hòa những khả năng đó lại với nhau. Giống như việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra đối thoại với hai môn đệ trên đường về Emmaus. Nếu Chúa Giêsu cứ trò chuyện và giải thích cho họ hiểu biết về Lời Chúa thì họ chưa nhận ra Chúa được. Nhưng chính hành động “bẻ bánh” của Ngài như chìa khóa mở mắt họ ra để nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh (x. Lc 24, 13-35). Cũng thế, người chủng sinh được đào tạo để nhận ra những khả năng của mình cũng như của người khác dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua nhà đào tạo. Để từ đó, họ cộng tác tích cực hơn trong việc đào tạo và chấp nhận những ưu khuyết của nhau trong tinh thần bác ái huynh đệ, cũng như cho việc mục vụ sau này.
Bên cạnh đó, sự đối thoại và cộng tác đưa người chủng sinh lên một bậc cao hơn nữa đó là sự đồng hành. Đối thoại giúp cho người chủng sinh mở lòng mình ra với anh em và nhà đào tạo, sự cộng tác hướng họ đi đến hỗ trợ nhau trong việc làm; còn việc đồng hành đưa người chủng sinh vào mối tương quan thiêng liêng với Chúa qua nhà đào tạo và anh em với nhau. Sự đồng hành này giúp cho người chủng sinh sẽ không cảm thấy sự cô đơn một mình trước những khó khăn, nhất là trong hành trình ơn gọi của mình. Trong quá trình đào tạo này, nhà đào tạo luôn đồng hành với những ứng sinh không những về mặt trí thức mà còn cả về đời sống thiêng liêng nữa như: lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm đức tin, cuộc chiến đấu thiêng liêng và ngay cả về tình yêu dành cho Thiên Chúa. Sự đồng hành này giúp cho chủng sinh có thể phân định và quyết định cách dứt khoát để sống triệt để với ơn Chúa kêu gọi trong thiên chức Linh mục sắp lãnh nhận. Có thể nói rằng đối thoại, cộng tác và đồng hành như là cái kiềng ba chân giúp cho chủng sinh đứng vững trong hành trình theo Chúa.
Qua đó, cho ta thấy được rằng mọi thành phần trong Giáo Hội đều được mời gọi cộng tác cách tích cực để tham gia vào đời sống của Giáo Hội theo những khả năng và bậc sống của mình. Đối với cộng đoàn Chủng viện, là cộng đoàn Dân Chúa thu nhỏ, cũng được mời gọi tham gia tích cực vào sứ vụ đào tạo. Mỗi chủng sinh đều được mời gọi tham gia xây dựng vào đời sống chung của Chủng viện qua đối thoại, cộng tác và đồng hành với nhau. Đó là hình ảnh của một Hội Thánh thu nhỏ đồng tham gia. Cộng đoàn Chủng viện cũng cần nhắc các chủng sinh phải tự đào tạo mình có được sự trưởng thành thật sự về nhân bản, tình cảm và ngay cả trưởng thành về mặt tính dục nữa. Đào tạo Linh mục là một chương trình dài thăm thẳm, tiệm tiến và trường kỳ, nhằm giúp cho những ứng sinh thêm lòng yêu mến Thiên Chúa và có được tinh thần của đức ái mục tử như Đức Kitô vị Mục Tử Tối Cao. Từ đó, người chủng sinh nhận ra trách nhiệm và bổn phận của mình trong Giáo Hội, trong cộng đoàn mình đang sống để có cái nhìn bao quát hơn và khách quan hơn trong việc tham gia tích cực xây dựng đời sống chung ở Chủng viện.
Anna Thương Thảo