THÁNH THỂ LÀ CHÓP ĐỈNH VÀ CỘI NGUỒN CỦA HIỆP THÔNG
Thánh thể là chóp đỉnh và nguồn gốc của sự hiệp thông.
Để nhận thức tầm mức quan trọng đó, chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc Bí tích Thánh Thể và ý nghĩa hiệp thông.
Thánh Thể là Bí tích chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu, là Bí tích quan trọng nhất trong bảy Bí tích của Giáo hội Công Giáo, là trung tâm điểm để từ đó mọi mối liên hệ khác được hình thành nhờ các thành phần Hiệp Thông với nhau. Vì yêu thương nhân loại mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để tạo nên mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người. Đặc biệt, qua bí tích Thánh Thể sợi dây yêu thương giữa các Kitô hữu được thể hiện cách rõ nét hơn nhờ có sự Hiệp Thông với nhau trong cùng một của ăn là Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc của sự Hiệp Thông vì từ việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, Ðấng ban Mình và Máu Người để tất cả trở nên một thân thể (x. 1Cr 10, 16-17).
Chúng ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể không chỉ đơn giản nhắc nhớ ta rằng Con Thiên Chúa đã chịu chết cho nhân loại chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta được lớn mạnh trong Đức Kitô để có thể trưởng thành một cách toàn diện, hướng chúng ta đến khả năng có thể làm cho người khác những gì mà Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta.
Thánh Thể là nguồn mạch làm nên Giáo hội. Mỗi khi rước Thánh Thể, chúng ta được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và qua đó Chúa Kitô hiệp nhất tất cả các tín hữu với nhau trong cùng một thân thể của Người là Giáo hội. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Bởi vì chỉ có một Tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cor 10, 17). Mỗi khi Thánh Lễ kết thúc, đó là lúc chúng ta sống hoa trái của Bí tích Thánh Thể bằng chính cách sống quảng đại, yêu thương của mình. Khi được chia sẻ cùng một của ăn thiêng liêng với mọi người trong Thánh Lễ, chúng ta được nhắc nhớ hãy biết sẻ chia những gì mình có cho người khác. Thật không hay chút nào nếu chúng ta rước Thánh Thể Chúa vào lòng rồi mà chỉ giữ cho riêng mình. Thay vào đó, chúng ta cần chia sẻ những ơn đón nhận từ Thiên Chúa cho người khác với một tình yêu vô vị lợi như chính Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta vì Thánh Thể tượng trưng cho sự hiệp nhất. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta có thể là thành viên của một cộng đoàn, hội đoàn hay một dòng tu nào đó, Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta biết đón nhận sự khác biệt của người khác như tuổi tác, chủng tộc, quốc gia, giới tính, trình độ học thức, ngôn ngữ hay địa vị xã hội để có thể xây dựng cộng đoàn yêu thương và sống hiệp nhất với nhau.
Quả thật, cử hành Bí Tích Thánh Thể là cử hành Mầu Nhiệm hiệp thông. Sự hiệp thông ấy luôn luôn mang hai chiều kích, chiều dọc và chiều ngang, không thể tách biệt nhau. Do đó, khi đón nhận Thánh Thể chúng ta được hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và với nhau, vì chúng ta không phải là những chi thể cá biệt nhưng là những chi thể trong cùng một thân thể duy nhất là Giáo hội mà Đức Giêsu là đầu. Quả vậy, hiệp thông Thánh Thể đòi hỏi chúng ta trở nên những con người hiệp thông, nghĩa là biết từ bỏ những gì là riêng tư, ích kỷ trong đời sống hàng ngày, ngõ hầu xây dựng tình hiệp thông huynh đệ ở mọi nơi chúng ta hiện diện, từ trong gia đình, xóm làng cho đến cộng đồng giáo xứ, giáo phận. Kẻ thù của sự hiệp thông là chia rẽ, ghen ghét đố kỵ, ý riêng. Vì thế muốn chiến thắng được kẻ thù này hơn bao giờ hết mỗi người cần biết khiêm tốn lắng nghe, sẵn sàng phục vụ mọi người, coi người khác trọng hơn mình.
Tóm lại, mầu nhiệm Thánh Thể cao trọng và cực thánh, là dấu chỉ sự hiệp thông của Tình Yêu Thiên Chúa với dân Người, là Món Quà yêu thương của Đức Kitô cho người mình yêu trên thập giá, và trong bàn tiệc Thánh Thể, là kết quả của sự tự hủy cao cả của Chủ chiên, để liên kết chúng ta nên một với Thân Mình Giáo Hội. Vì thế, Thánh Thể là nguồn gốc và chóp đỉnh của sự hiệp thông.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con yêu mến Chúa, xin giúp sức cho chúng con biết sống tinh thần hiệp thông trong từng ngày sống của chúng con. Amen.
Maria Hồng Tâm