CHÚNG TA LÀ CON MỘT CHA
“Nơi mọi quốc gia trên địa cầu, chỉ có một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa, gồm những người được kết nạp từ muôn dân nước để trở thành công dân của một vương quốc không thuộc về thế gian nhưng thuộc thiên quốc. Quả thật, tất cả các tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông với nhau trong Chúa Thánh Thần, và như thế “kẻ ở Rô-ma biết rằng người Ấn Độ chính là chi thể của mình”. (Hiến chế Lumen Gentium số 13)
Ngày 31 tháng 12 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI qua đời. Theo dõi tin tức các trang mạng chúng ta thấy Cả Giáo Hội và thế giới đau buồn trước thông tin này, bao nhiêu người loan truyền cho nhau tin buồn này để cùng hiệp thông cầu nguyện cho vị cha chung.
Các Giáo hội Kitô giáo trên khắp thế giới bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trước cái chết của Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI và tưởng nhớ ngài như một thần học gia lỗi lạc và một con người hết sức nhân văn.
Khi hàng ngàn người bắt đầu đổ về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ở Vatican để bày tỏ lòng thành kính lần cuối đối với Đức Bênêđictô XVI, những lời bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức cố Giáo hoàng tiếp tục đổ về từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các Giáo hội Kitô giáo khác, các vị Nguyên thủ quốc gia và chính phủ, cũng như từ các nhà lãnh đạo đức tin của các tôn giáo khác.
Đồng thời chúng ta cũng biết được vào đúng 09g30p phút sáng ngày thứ năm 05.01.2023 theo giờ Roma, tức là 15g30p chiều cùng ngày giờ VN, thánh lễ an táng Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã diễn ra một cách trang nghiêm, sốt sắng, tuy bề ngoài có vẻ trầm lắng, đơn giản nhưng không kém phần long trọng. Đến tham dự thánh lễ này có khoảng hơn 50 ngàn người tín hữu, cùng với 120 vị Hồng y, hơn 400 Giám mục và khoảng 4.000 linh mục đồng tế. Ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cùng rất nhiều nhà báo từ các quốc gia cũng có mặt tại thánh lễ này. Đặc biệt, việc hát lễ an táng do ca đoàn tổng hợp gồm 250 ca viên đảm nhận. Cũng vào thời điểm này, trên thế giới hàng triệu hàng triệu tín hữu Công giáo âm thầm, sốt sắng thông công thánh lễ an táng trực tuyến của vị nguyên Giáo hoàng.
Cha ông chúng ta thường nói: “Anh em như thể tay chân” để nói lên sự liên kết, gắn bó trong một gia đình, một dòng tộc. Trong Giáo hội Chúa Kitô, sự liên kết này còn bền chặt hơn nữa. Không phải chúng ta chỉ coi nhau như thể tay chân, mà chúng ta thực sự là tay chân của nhau. Thánh Phaolô quảng diễn mối hiệp thông nội tại trong thư gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 12,12-13.17). “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất…. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?”
Hiến chế Lumen Gentium khẳng định rằng trong Giáo hội có một sự hiệp thông sâu xa giữa tất cả mọi người đã được rửa tội: tất cả đều có chung một Đức Chúa và một Thánh Linh, họp thành một thân thể duy nhất; tất cả chia sẻ cùng một đức tin và cùng một phép rửa, cùng một ân huệ và ơn gọi, và cùng trách nhiệm và công tác (số 32). Sự hiệp thông này không chỉ giới hạn vào những người trên trần thế mà còn mở rộng đến những người đã đi vào vinh quang thiên quốc (số 50). “Như Tông đồ Phaolô, ngài mắc nợ đối với tất cả mọi người, ngài phải hăng say rao giảng Tin Mừng cho mọi người (x. Rm 1,14-15), và khuyến khích các tín hữu hoạt động tông đồ và truyền giáo. Còn các tín hữu phải liên kết với Giám mục như Giáo hội gắn bó với Đức Giêsu Kitô, và như Đức Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả luôn đồng tâm trong tình hợp nhất và mang lại hoa trái phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,15)”. (số 27).
Hữu hình là những gì chúng ta mắt thấy tai nghe, vô hình là những gì là thiêng liêng chúng ta không thể thấy được. Cũng vậy, chúng ta thường nghe nói: Gia đình là xã hội thu nhỏ, là Hội Thánh tại gia. Trong gia đình, tôn ti trật tự trong gia đình là sự gắn kết chúng ta thấy được. Tình cảm là sự gắn kết thiêng liêng của các thành viên trong gia đình không thấy được nhưng không thể nào chối bỏ được.
Tất cả các thành viên trong Giáo Hội của chúng ta không chỉ hiệp thông liên kết với nhau, không chỉ bo bo lo cho chính mình, lo cho các phần tử của mình mà còn vươn ra ngoài đến với những cùng ngoại biên.
Vâng! Vào mọi thời và trong mọi dân tộc, bất kỳ ai kính sợ Thiên Chúa và thực thi đức chính trực đều được Người tiếp nhận (x. Cv 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. (số 9)
Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, như xưa Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, xin Chúa cũng đồng hành với chúng con trên cuộc lữ hành trần thế. Xin thêm sức mạnh vì chúng con con yếu đuối, xin thêm niềm vui để chúng con lạc quan, xin thêm lòng tin để chúng con can trường và xin thêm tình mến để chúng con sẵn sàng bước đi cùng nhau trên hành trình về với Chúa.
Fiat