Mục Vụ Tháng 9. 2022: Một Cái Nhìn Về Công Ích Theo Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo

 Ngày xưa ở Việt Nam, mỗi khi thấy người Tây xuất hiện thì ai cũng trầm trồ, quan sát, bàn xem họ có gì đẹp, lạ hơn người Việt mình…rồi tấm tắc khen họ. Mặc dù tiếng Tây chẳng rành nhưng người Việt cũng nhanh miệng, nói “Helo” cho vui người vui ta.

Ngày nay, sống trong một xã hội hiện đại. Người Việt thấy người Tây là chuyện rất bình thường, họ là đồng nghiệp, bạn bè, đối tác với mình … có khi lại là anh chị em dâu, rể nhà mình không chừng. Vì thời đại mới, hiện đại, hội nhập mỗi con người, mỗi tổ chức xã hội, mỗi đất nước có nhiều cơ may để gặp gỡ nhau và càng có điều kiện để hợp tác với nhau vì ích chung giữa các quốc gia và dân tộc.

Công ích là lợi ích chung cũng vì thế mà được thực hiện có ý thức, được đặt lên hàng đầu, để những con người xa lạ nhờ đó mà trở nên gần gũi, hiểu biết và thương mến nhau. Người người xích lại gần nhau nhờ việc học tập ngôn ngữ bạn, học tập sử dụng công nghệ tin học hiện đại.… để hiểu, trao đổi, phục vụ, sống với nhau. Công ích theo dòng thời gian mà được mở rộng trên toàn cầu.

Học thuyết xã hội của Hội Thánh của Công Giáo đã thảo ra nguyên tắc công ích rằng: Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người (x. TLHTXHCG, 164).

Qua học thuyết này, Giáo Hội luôn mong muốn công ích tùy thuộc vào những điều kiện xã hội của mỗi giai đoạn lịch sử mà giúp thăng tiến con người toàn diện, giúp cho con người được tự do phát triển về tri thức và tôn giáo của mình (x. Youcat, 327). Đồng thời, Giáo hội cũng mong muốn cá nhân, gia đình là những đơn vị nhỏ nhất của xã hội tham gia tích cực vào xã hội vì ích chung, và mong muốn bản thân họ cùng những người nghèo được quan tâm chăm sóc, nâng đỡ về vật chất và tinh thần.

Liên hệ thực tế, đất nước Việt Nam là của mọi người Việt Nam, mọi tôn giáo có mặt ở Việt Nam, mọi tầng lớp dân chúng, mọi sắc tộc ở Việt Nam, mọi giới, từ các em thiếu niên nhi đồng, đến tập thể giới trẻ, các người trưởng thành, người cao niên, và cả các cụ già. Không ai trong chúng ta được phép đứng bên lề xã hội. Chúng ta hiện hữu với nhau, vui buồn có nhau, sống và lệ thuộc vào nhau. Là linh mục, tu sĩ hay giáo dân chúng ta cũng là công dân của đất nước chúng ta phải là người linh mục, tu sĩ, giáo dân tốt và là một người công dân tốt có trách nhiệm thực thi công ích và có trách nhiệm đối với người khác.

Đại dịch covid 19 vừa qua là một bằng chứng thức tỉnh chúng ta và cả những ai đang ngủ quên trên quyền lực, địa vị, tiền tài, giàu sang, danh vọng… Rằng, một cơn dịch chớp nhoáng thôi có thể làm ta mất tất cả. Mất mạng, mất người thân, mất tiền, mất sức khỏe, mất việc… phải bệnh, phải chết, phải ở nhà, phải thất nghiệp, phải cách ly, phải giản cách và biết bao nhiêu thứ “phải” khác ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Những “mất mác” chồng chất, những thứ “phải” nối tiếp làm chúng ta đau lòng và suy nghĩ nhiều. Trong những dòng suy nghĩ ấy, phải kể đến những thứ thật chóng qua, thật vô nghĩa, những thứ phải giữ gìn, phải bỏ, đồng thời cũng suy nghĩ đến những thứ “thật cần” cho mình cho người lúc khó khăn, đặc biệt là lúc thập tử nhất sinh. Và rồi, ta cũng nhận ra rằng: cuộc sống này không chỉ có sòng phẳng, buôn bán, đổi chác nhưng có những thứ rất cần, trổi vượt trên tất cả. Đó là, tình yêu thương của Chúa, tình người với nhau, tình bác ái, sự quan tâm sẻ chia đối với anh chị em đồng loại … Những thứ đó làm ta rơi lệ, nhói tim vì không phải vì đau khổ nhưng vì ấm lòng, vì cảm nhận được hạnh phúc trong gian khó, khổ đau.

Không thể điểm lại hết những hành vi tốt, những việc làm công ích thể hiện tinh thần trách nhiệm với nhau mà Nhà nước và người dân Việt Nam đã làm trong suốt mùa dịch qua. Với nhiều hình thức khác nhau, tất cả cùng chung tay nỗ lực hỗ trợ. Từ những chuyến xe thực phẩm nghĩa tình, những đồng tiền nhỏ nhoi được góp nhặt với tình thương…Có người đóng góp bằng chính sức khỏe và chính sự an nguy của mình như các tình nguyện viên Công giáo, ngoài Công giáo, các y bác sĩ. Nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện hiến đất, trung tâm thương mại, nhà xưởng để xây dựng bệnh viện dã chiến. Nhiều người, nhiều tổ chức, dòng tu đóng góp bằng sức người, sức của, bằng chính những sản phẩm của mình, từ xe cứu thương, thuốc men, đến thực phẩm, sữa, nước uống giải nhiệt… với tinh thần hết lòng vì tuyến đầu chống dịch, hết lòng vì sức khỏe cộng đồng. Những hành vi công ích đó nhằm đem lại chút hơi ấm cho người dân cả nước, thể hiện niềm tự hào của một quốc gia đoàn kết và yêu thương “Lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Thật cảm động khi Đức Thánh Cha Phanxicô cũng kêu trong bài bình luận của Ngài về người Samari nhân hậu “chúng ta hãy cổ vũ công ích và hãy để mình đi vào con đường cổ vũ lợi ích chung!”

Công ích xã hội không phải là một mục tiêu tự thân; nó chỉ có giá trị khi có liên quan tới việc thực hiện các mục tiêu tối hậu của con người và ích lợi chung của toàn thể thụ tạo (x TLHTXHCG,170). Thiên Chúa là mục tiêu tối hậu của các loài thụ tạo do Người dựng nên. Và vì thế, công ích không chỉ là sự an vui đơn thuần nhưng siêu việt hơn là quy hướng về Chúa, Ngài là cùng đích, là tình yêu và là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Cũng cần nói thêm là, sống trên trần gian này, ai cũng phải lo cho mình và người thân của mình có được đời sống ấm no cho phù hợp với nhân phẩm. Trong mục đích và giới hạn này, Chúa không dạy chúng ta phải nghèo đói, rách rưới và vô gia cư thì mới được chúc phúc và cứu độ. Nghĩa là Chúa không cấm chúng ta đi tìm tiền bạc cho những nhu cầu chính đáng của thân xác và giúp thực thi bác ái với những anh chị em kém may mắn hơn mình. Nhưng, là người có niềm tin vào Thiên Chúa, tin có sự sống mai sau trên Nước Trời, thì ta phải coi trọng phần rỗi của linh hồn mình hơn hết, dựa trên lời khuyên dạy của Chúa Giê-su đó là: “hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá.” (Lc 12: 33). Nghĩa là tiên vàng hay trên hết mọi sự, ta phải tìm kiếm “Nước Thiên Chúa, còn các thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Lc 12: 31)

Các thứ kia là cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, xe cộ, bảo hiểm sức khỏe…là những thứ cần thiết cho đời sống con người bao lâu còn sống trên trần gian này. Và cầu xin Chúa ban cho những phương tiện sống cần thiết đó là điều chính đáng và đẹp lòng Chúa.

Tưởng nghĩ đến những chiếc cầu nối liền hai bờ sông cả. Những con đường cao tốc nối gần những miền đất xa xôi. Những tuyến bay dài nối những phương trời xa lạ. Những hợp đồng kinh tế nối kết đời sống các dân tộc. Những gặp gỡ nối kết con người. Những giao lưu văn hóa nối kết các truyền thống. Những đối thoại tôn giáo nối kết niềm tin. Từ những hình ảnh đó, Giáo Hội mong muốn mọi cố gắng hợp tác và nối kết của xã hội chúng ta đều nhắm đến mục đích giúp con người xích lại gần nhau, cùng chung tay chung sức với nhau, sống với tinh thần đầy trách nhiệm và yêu thương nhau (Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam về nguyên tắc công ích (x.TLHTXHCG, số 164 -170)).

Ban VH – TT Mến Thánh Giá Cái Mơn

Trả lời