I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
1. Giai đoạn đầu thành lập (1844-1857)-Khai sinh trong âm thầm
Ngày 11.03.1844, Đàng Trong được chia thành hai Địa Phận: Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) và Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Đức Cha Dominique Lefebvre Ngãi được giao trách nhiệm coi Địa Phận Tây Đàng Trong. Một trong những công việc đầu tiên của ngài là phái bốn chị: Quyền, Vui, Hiền, Cung thuộc Tu Viện Mến Thánh Giá Cái Nhum về lập Dòng Mến Thánh Giá tại Cái Mơn, và chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm làm quan thầy. Ban đầu các chị đến tạm trú tại nhà ông trùm Bốn, sau đó, cha Fontaine dựng cho các chị một căn nhà lá đơn sơ bên bờ sông Cái Mơn, ngang với nhà thờ Cái Mơn hiện nay.
Vào thời điểm Vua Thiệu Trị ra chỉ thị cấm đạo gắt gao nhất, ngày 30.10.1844, khi Đức Cha Lefebvre Ngãi bị bắt tại Cái Nhum, tất cả các chị Mến Thánh Giá Cái Nhum (cách Cái Mơn 6km) phải di tản đến tá túc tại Cái Mơn. Năm 1846, tình hình Cái Mơn bất ổn, các chị lại phải rút về Cái Nhum.
Năm 1847, Đức Cha Lefebvre Ngãi được trả tự do, ngài lại cử bốn chị: Thơ, Lựu, Huỳnh, Hơn từ Nhà Phước Lái Thiêu đến Cái Mơn, tập họp chị em tản mác về chung sống trong mái nhà thô sơ.
Năm 1851, tình hình tạm yên, Đức Cha Miche Mịch nhận thấy cộng đoàn đã khá đông, nên ngài đặt những vị Bề Trên tiên khởi là dì Matta Nguyễn Thị Lành làm Bà Nhất và dì Maria Trinh làm Bà Nhì để điều khiển cộng đoàn. Kể từ đó, Nhà Phước chính thức được thừa nhận với danh hiệu Dòng Chị Em Mến Thánh Giá Cái Mơn. Để có thêm chị em Mến Thánh Giá ở nhiều nơi
khác nữa, nên đầu năm 1852, Đức Cha đã cho năm chị: Quyên, Bạch, Quý, Sửu, Thọ đến thành lập Tu Viện mới ở Chợ Quán.
Năm 1853, các chị: Cung, Hơn, Loan, Thanh lập nhà khác ở Đầu Nước (Cù Lao Giêng); và năm chị: Trí, Tài, Cần, Học, Bình lập chi nhánh tại Mặc Bắc. Tại đây, khi Thánh Philípphê Phan Văn Minh cùng với một số chủng sinh bị bắt, cộng đoàn Mặc Bắc cũng bị tàn phá tan nát. Năm 1859, hai chị Sáo và Màu lập thêm cộng đoàn khác ở Bãi Xan. Vì không có cơ sở vững chắc nên sau cùng, chị em ở những nơi vừa kể đã quy tụ về Cái Mơn và Cái Nhum. Cuộc sống ban đầu tuy rất vất vả và thiếu thốn, nhưng chị em cảm thấy biết bao đầm ấm yên vui. Hằng ngày chị em cố gắng giúp nhau tập sống thánh thiện trong đời tu, nhờ sự hướng dẫn của quý cha Bề Trên: Phêrô Tám, Phaolô Lượng, Phêrô Lựu, Giuse Tùng. Cuối tháng 11.1858, cha Phêrô Đoàn Công Quý về thay cha Phêrô Tám. Ngày 07.04.1864, cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu bị bắt và được phúc tử vì đạo tại Mỹ Tho.
2. Giai đoạn bị bách hại (1858-1867)
Triều đình Huế càng lúc càng ra những chiếu chỉ cấm đạo gắt gao hơn trước. Cái Mơn là nơi đón nhận những cuộc đổ máu của các anh hùng tử đạo thuộc phần đất Lục Tỉnh miền Nam. Ngay từ khi thành lập, Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn gặp biết bao sóng gió do các cuộc bắt đạo. Vì thế, Nhà Dòng trở thành trung tâm cầu nguyện, nơi trú ẩn cho nhiều linh mục và quý chức. Điều này gây sự chú ý cho các quan triều đình. Ngày 08.12.1858, khi quân lính ập đến Nhà Dòng để tìm bắt các linh mục thừa sai nhưng không thấy, vì thế, Bà Nhất Matta Lành và dì Ysave Ngọ bị bắt, bị tra tấn, đòn vọt dã man và bốn năm lao tù (1858-1862).
Trong lúc Bà Nhất Lành bị lao tù, Nhà Phước cũng lâm cảnh hết sức tang thương. Nhà cửa bị triệt hạ, may nhờ bốn đạo chôn giấu dùm một ít cột kèo dưới rạch gần đó. Còn đá ong Nhà Phước dự định để xây nhà thì các quan cho ghe chở đổ xuống sông Mỹ Tho để ngăn chận tàu bè của Pháp. Tình hình biến động, tâm trạng bất an, chị em sống trong phập phồng lo sợ. Đau đớn thay, thời gian này, Bà Nhì Maria Trinh lại được Chúa gọi về, chị em như đàn gà con lạc mất mẹ.
Mặc dầu cha Bề Trên Borelle Hoà vội vàng chỉ định dì Anna Sáo đang ở Bãi Xan về điều hành Nhà Phước, nhưng tất cả vẫn phải tản mác vì ông Tổng Trị, người cai quản vùng Cái Mơn luôn tìm bắt các linh mục, vu cáo các dì phước để khảo tiền. Chị em hoặc về gia đình, hoặc ẩn trốn nơi nhà giáo dân, ngày ngày đi bán cao đơn hoàn tán, dùng phương pháp cổ truyền chữa một vài thứ bệnh thông thường, và qua những dịp như thế có thể dạy giáo lý, rửa tội cho người lớn, trẻ nhỏ trong trường hợp nguy tử.
3. Thời phục hưng (1862-1867)
Từ chốn lao tù về lại tổ ấm Nhà Dòng, sau hai tháng an dưỡng, Bà Nhất Matta Lành bắt đầu xây cất lại Nhà Phước, và dần dần quy tụ 11 chị em tản mác trở về để ổn định lại đời tu. Năm 1862, niềm vui mừng được nhân lên khi Đức Cha Dominique Lefebvre Ngãi đến và nhận lời tiên khấn của hai chị Thức và Quyền. Năm 1864, Nhà Phước có tám chị khấn và năm tập sinh.
Thuở ban đầu, chị em không có tu phục, khi dự Thánh Lễ chị em mặc áo dài như các phụ nữ Việt Nam. Đến năm 1864, cha Pierre Charles Gernot Quý về nhận sở Cái Mơn đồng thời làm cha Bề Trên Nhà Phước. Năm 1867, cơn bắt đạo dường như tắt hẳn, cha Gernot đề nghị với Đức Cha Lefebvre cho các nữ tu có tu phục. Các chi khấn mặc áo dòng đen, lúp đen, đeo ảnh Thánh Giá trước ngực; các tập sinh mặc áo dài trắng, không lúp và không đeo ảnh Thánh Giá.
Chúa Nhật thứ I sau lễ Phục Sinh năm đó, cha giúp chị em cấm phòng, rồi chính tay cha cắt tóc cho các chị tiên khấn. Từ nay, qua việc tuyên khấn và tu phục, chị em chính thức là một nữ tu Mến Thánh Giá. Đây là một bước tiến vững chắc của chị em sau bao thăng trầm thử thách.
II. TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1867-1975)
1. Tình hình khởi đầu
Vào thời điểm này, Cái Nhum và Cái Mơn có thể nói được là chiếc nôi của đạo Công Giáo trong vùng Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho. Cái Mơn nằm gọn trong cù lao Minh, hầu như được bao kín bởi những nhánh sông uốn khúc quanh co, kênh rạch chằng chịt. Vì là nơi hẻo lánh, vua quan không mấy để ý, giáo hữu khá đông (do lánh nạn đến lập cư), các cha thường xuyên lui tới và có thể ngụ lại. Do đó, đạo phát triển khả quan và có nhiều ơn gọi.
Lúc mới thành lập, cuộc sống của chị em còn nhiều khó khăn, tài chánh Nhà Dòng eo hẹp, việc học vẫn chưa được coi là nhu cầu cấp bách. Do đó, chị em học ít, lao động nhiều; phải đi cấy, đi gặt, đi xúc, đi tát, đi đăng… kiếm sống qua ngày, vất vả lắm mới được ngày hai bữa ăn. Khi đi làm vườn, mỗi chị em mang theo cái gáo dừa, để khi gặp con còng, con cá… dù nhỏ, cũng bắt đem về ăn, khi không bắt được gì thì ăn “muối kho quẹt”. Ban ngày làm việc nặng nhọc, đêm đến chị em phải thức khuya dậy sớm để xay lúa giã gạo. Với lối sống mộc mạc, giản dị, khiêm tốn, chịu khó và thương người, chị em đã thu hút được nhiều ơn thiên triệu đến từ các họ đạo lân cận.
Nhân sự Hội Dòng phát triển theo thời gian: năm 1850, có 5 khấn sinh; năm 1873, 27 khấn sinh; năm 1904, 167 khấn sinh; năm 1973, 351 khấn sinh; năm 1975, 356 khấn sinh.
2. Xây dựng cơ sở vật chất
Số nữ tu ngày càng đông, những dãy nhà lá mỏng manh không đủ chỗ cho chị em sinh hoạt, vì thế:
– Năm 1855, cha Thánh Phêrô Lựu, cha sở họ đạo Cái Mơn đã cho cất một ngôi nhà gỗ khá tốt, chia thành từng khu vực và phòng ốc ngăn nắp hơn.
– Năm 1905, cha Bề Trên Gernot Quý và Bà Nhất Anna Miều cất được một nguyện đường. Nguyện đường này được bà Nhất Anna Hồi tái thiết năm 1972. Năm 2007, ngôi nhà nguyện này được xây mới lại hoàn toàn.
– Năm 1915, Bà Nhất Ysave Kế vâng lời cha Bề Trên Isidore Đượm (sau làm Giám Mục) xây cất ngôi nhà dành riêng cho các chị đã khấn. Năm 2006, ngôi nhà này đã được tái thiết lại.
– Năm 1924, nhà tập được xây dựng và hoàn thành.
– Năm 1929, xây nhà ăn.
– Năm 1933, xây nhà hưu dưỡng. Năm 1953, nhà này được chuyển thành trường nữ trung học đệ nhất cấp Fatima. Ngày 03.03.1978, nhà nước mượn ngôi trường này để sử dụng vào việc giáo dục. Năm 2009, ngôi trường đã được trả lại cho Hội Dòng.
– Năm 1958, xây nhà khách.
– Năm 1973, tái thiết nhà hưu dưỡng.
Để bảo đảm cho cuộc sống và phát triển, Nhà Dòng mua thêm sở ruộng, đồng thời mua nhà ở Sài Gòn, Vĩnh Long, Trà Vinh, Vũng Tàu làm trụ sở của Hội Dòng.
3. Hoạt động tông đồ
Năm 1867, cha Bề Trên Gernot Quý chỉ định dì Anna Miều 26 tuổi, cùng với một chị đến dạy kinh bốn ở vùng Phú Hiệp, Bến Tre. Ban ngày hai chị rảo quanh các làng mạc để đem Chúa đến cho nhiều tâm hồn, đêm đến lại trở về con thuyền chật hẹp để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Khi lãnh trách nhiệm làm Bà Nhì, bà Miều vẫn tiếp tục đi giảng đạo và dạy chầu nhưng (dự tòng) ở các vùng lân cận như Cái Tắc, Cái Hàng, Giồng Mít, Bang Tra thuộc tỉnh Bến Tre.
Ở Bang Tra, bà giảng dạy giữa chợ, có nhiều lần vô chùa cãi lẽ đạo với sư sãi. Lần kia, bà vô thăm và cãi lẽ trong chùa, khi ra về, bà hẹn hôm sau trở lại, nhưng khi trở lại thì “vườn không chùa trống” sư sãi lần tránh đâu mất… Bà còn len lỏi đi xuống Tú San, Giồng Luông, Giồng Miễu, tới mãi Giồng Ôi (tỉnh Bến Tre) để giảng đạo. Và kết quả thật vượt quá khả năng của loài người, trong vòng hai năm (1867-1869), hơn 600 người lớn nhỏ tin theo đạo Chúa và được rửa tội.
Năm 1869, bà được chị em chọn làm Bà Nhất, lãnh đạo Nhà Phước 46 năm. Bà rất khôn ngoan trong việc cai quản Nhà Phước, lúc nào cũng nhiệt tâm sốt sắng trong việc truyền giáo. Bà là người cộng tác đắc lực nhất của cha Bề Trên Gernot Quý.
4. Văn hoá
Nhà Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn thường phục vụ nơi các họ đạo thôn quê, cho giới bình dân nghèo khổ. Vì thế, trong buổi sơ khai, các chị vào tu do thiện chí và tinh thần tu là căn bản. Học kém hay thất học cũng không mấy quan trọng, yêu mến Thánh Giá mới chính là động lực!
Trong buổi sơ khai, cuộc sống của chị em còn nhiều khó khăn, điều kiện học hành thiếu thốn. Sách vở giấy bút không có, chị em phải rọc lá chuối non hoặc lá mít, phơi khô rồi dần cho thẳng để làm giấy viết bài học. Nhiều lúc ban đêm phải học dưới ánh trăng vì không đủ đèn.
Khi hoàn cảnh thay đổi, dân trí mở mang, các Bề Trên đặc biệt quan tâm đến nhu cầu nâng cao trình độ văn hoá cho chị em. Việc huấn luyện trong Nhà Dòng dần dần có những chuyển hướng nhằm chuẩn bị cho chị em có đủ khả năng và điều kiện để dấn thân phục vụ. Các tập sinh và thử sinh có thời gian học văn hoá nhiều hơn lao động tay chân, để có thể đảm trách các trường Công Giáo trong các họ đạo của Địa Phận. Từ năm 1913, chị em đã dự các kỳ thi chính thức của ngành giáo dục.
Về sau, các Bề Trên còn gửi chị em đến Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt… học nghề để lấy văn bằng và các chuyên ngành để mở rộng kiến thức. Nhờ đó, chị em có thể hiểu rõ giá trị đời tu, sống đạo sâu sắc hơn và thực hiện tốt việc truyền giáo. Năm 1953, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục cho phép Nhà Dòng mở trường trung học tại Nhà Mẹ để dạy chị em trong nhà và các nữ sinh vùng lân cận. Bên cạnh đó, Nhà Dòng cũng tổ chức những lớp dạy nữ công gia chánh, dạy nghề cho các em. Thời cha Bề Trên Quý (khoảng đầu thế kỷ XX), Nhà Dòng đã mở được 52 trường tiểu học do chị em đảm trách.
5. Xã hội
Mặc dù không chuyên về công tác xã hội, nhưng vì những việc bác ái từ thiện là con đường đi vào lòng người, nên từ thời xa xưa Nhà Dòng đã gầy dựng nhiều cơ sở làm việc bác ái xã hội:
– Lập cô nhi viện để nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi: Năm 1873 tại Cái Mơn, năm 1895 tại Giồng Rùm (Phước Hảo), khoảng năm 1912 tại Tam Bình. Những nhà này sau một thời gian không còn tồn tại vì kinh tế khả quan hơn, dân chúng ít bỏ rơi con, trong một vài trường hợp, nếu họ không nuôi con được, họ có thể đưa vào cô nhi viện.
– Năm 1875, cô nhi viện tại Cái Mơn được hình thành, nhà này sau chuyển về huyện Mỏ Cày, thuộc tỉnh Bến Tre.
– Năm 1885, cha Bề Trên Gernot Quý lập nhà thương bên cạnh Nhà Dòng với mục đích để an ủi, giúp đỡ người nghèo và rửa tội cho lương dân.
– Năm 1965, lập cô nhi viện An Phong ở Vũng Tàu, do Dòng Chúa Cứu Thế tài trợ; thời gian sau đưa về Vĩnh Long, đổi tên là cô nhi viện Diễm Phúc.
6. Ảnh hưởng thời cuộc – Lá lành đùm lá rách
Những năm cuối cùng của thế chiến II, Sài Gòn bị bom đạn, nên năm 1944, Đức Cha Jean Cassaigne đã gửi bảy nữ tu Dòng Kín Sài Gòn đến tá túc tại Nhà Phước Cái Mơn. “Lá lành đùm lá rách”, Nhà Phước Cái Mơn ân cần tiếp đón những nữ tu chiêm niệm. Mặc dầu cuộc sống vật chất có đạm bạc, thiếu thốn, nhưng tình thương chan hoà, đôi bên kết nghĩa thân tình, đùm bọc và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống. Thấm thoát ba năm trôi qua, tình thế yên ổn, các chị được trở về Sài Gòn tiếp tục nếp sống chiêm niệm khổ hạnh. Những ngày chung sống kết thúc, một cuộc chia tay đầy lưu luyến.
7. Những khó khăn
Song song với việc Pháp bị Nhật đảo chánh, Nhà Dòng cũng lâm cảnh lo âu. Việc tập trung đông đảo nhiều thiếu nữ tại một nơi gặp nhiều khó khăn, nên cuối năm 1945, chị em đang ở Nhà Mẹ phải tản về gia đình, còn các chị đang phục vụ ở họ đạo không dám trở về Nhà Mẹ. Đồ đạc, lúa thóc của Nhà Dòng phải đem gửi nhà giáo dân vì sợ bị đốt nhà. Liên tiếp ba năm liền, Nhà Dòng sống trong cảnh phập phồng lo sợ, việc khấn dòng cũng phải tạm ngưng. Mỗi lần có cuộc xung đột, Nhà Dòng lại bận rộn, vừa lo cho chị em trong nhà, vừa đón tiếp và lo cho giáo hữu đến tá túc.
III. THANH LỌC VÀ CANH TÂN
1. Biến đổi do thời cuộc (1975-1990)
Sau biến cố 1975, đất nước thống nhất, mọi sự hoàn toàn thay đổi. Những cơ sở của Nhà Dòng bề ngoài xem ra quy mô, có thể làm cho chị em ít nhiều hãnh diện, nhưng dường như Chúa Quan Phòng không thuận ý. Trường học, cô nhi viện không còn, đệ tử viện phải giải thể. Ruộng đất nuôi sống chị em cũng mất hết. Nhà Dòng lại không tích lũy, nên ngoài những ngôi nhà để trú ngụ, chị em chỉ có đôi bàn tay trắng. Để mưu sinh, chị em chuyển sang chăn nuôi, trồng tỉa, đan thêu… Phần vật chất đã vậy, tinh thần cũng không thiếu khó khăn, đau phiền, khiếp đảm. Một số chị em không thích nghi với hoàn cảnh này đã chuyển hướng. Số còn lại nhờ ơn Chúa vẫn kiên trì trong cuộc sống đơn nghèo, mộc mạc trong ơn gọi Mến Thánh Giá. Ngày ngày chị em gặp được niềm vui khi phục vụ đồng bào nghèo và các trẻ em ngây thơ, chất phác.
2. Củng cố – Vươn lên (1990-2005)
Đất nước ngày càng ổn định và tươi sáng hơn. Vào thời điểm này, quý Bề Trên nhận thấy cần phải khắc phục khó khăn để đời sống tu trì được canh tân thích ứng với đường hướng của Toà Thánh.
2.1. Học vấn
Sau một thời gian dài xếp bút nghiên, nay Hội Dòng tạo điều kiện cho chị em học tập theo nhịp tiến chung của xã hội và Giáo Hội, để việc tông đồ mang lại hiệu quả tốt. Chị em được gửi theo học các chuyên ngành: thần học, đại học xã hội, sư phạm mầm non, bác sĩ, y sĩ, trung cấp về Đông y, tin học, ngoại ngữ… nơi các trường và trung tâm ở các tỉnh và các thành phố như Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.
2.2. Phê chuẩn Hiến Chương
Ngày 14.09.1993, trong tâm tình hân hoan, cảm tạ, chị em đón nhận quyển “Canh Tân Hiến Chương” như quà tặng lớn lao của Thiên Chúa qua Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giám Mục Giáo Phận, cho hai Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long. Hiến Chương gồm 48 trang, chứa đựng 60 điều ngắn gọn nhưng súc tích và thực tế. Chị em cố gắng học hỏi, đào sâu và sống Hiến Chương như kim chỉ nam hướng dẫn chị em trong hành trình ơn gọi Mến Thánh Giá theo tinh thần Đấng Sáng Lập.
IV. NHỮNG SỰ KIỆN ĐÁNG NHỚ
1. Mừng “Bách Chu Niên” thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn (1844-1944)
Ngày 08.02.1944, trong nhiệm kỳ của Bà Nhất Matta Hoàng, Nhà Dòng mừng kỷ niệm 100 năm thành lập. Đại lễ được diễn ra long trọng tại Nhà Mẹ. Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn, với sự tham dự đông đảo của các linh mục, tu sĩ và quan khách.
2. Mừng Tam Bách Chu Niên thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam (1670-1970)
Đại lễ mừng Tam Bách Chu Niên thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam được tổ chức long trọng tại Nhà Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Nhà Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn cũng đã tham gia để mừng ngày hội lớn này.
3. Năm 1972 – Ba sự kiện đáng ghi nhớ
3.1. Khánh thành nhà nguyện
Ngôi nhà nguyện nhỏ bé đầu tiên của Nhà Dòng được xây dựng vào năm 1905 dưới thời cha Bề Trên Gernot Quý và bả Nhất Anna Miều, đến thời điểm này đã quá chật hẹp so với số nhân sự hiện tại. Thời bà Bề Trên Anna Nguyễn Thị Hồi, nhà nguyện được tái thiết cho rộng rãi hơn. Lễ khánh thành được cử hành long trọng với sự hiện diện của hai Đức Giám Mục của Giáo Phận: Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Raphae Nguyễn Văn Diệp; Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo Phận Sài Gòn; và Đức Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giáo Phận Nha Trang.
3.2. Lễ khấn trọn đời đầu tiên sau 128 năm thành lập
Trong dịp mừng nhà nguyện mới này, niềm vui càng trọng đại hơn khi lần đầu tiên Nhà Dòng có lễ khấn trọn đời của 158 chị sau 128 năm thành lập.
3.3. Đổi tu phục
Cũng trong dịp này, tu phục cũ: áo vạt hò rộng, Thánh Giá to mang trước ngực được thay đổi bằng một tu phục mới: áo dòng có dây thắt lưng gọn gàng, trang nhã, cổ trắng, mang Thánh Giá nhỏ.
Sau biến cố 1975, chị em phải thay chiếc áo này bằng chiếc áo dòng suông, không dây thắt lưng. Ngoài chiếc áo dòng này, năm 1994, chị em cũng đã có thêm một chiếc áo “blouse” dùng trong những giờ kinh nguyện, khi sinh hoạt: dạy giáo lý, học hỏi, chia sẻ…
Năm 2004, tu phục lại được thay đổi: chiếc áo dòng có dây thắt lưng, cổ trắng lại trở về với chị em, cùng với Thánh Giá có dây đeo.
4. Rước hài cốt Bà Bề Trên Matta Lành năm 1991
Sau một thời gian hài cốt bà Matta được đặt ở Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, nay trong tâm tình tri ân vị Bề Trên Tiên khởi của Hội Dòng, Bà Nhất Maria Lê Thị Nghiêm đến rước hài cốt bà về. Thánh Lễ giỗ cầu cho bà Matta được cử hành với sự hiện diện đông đủ của chị em về tĩnh tâm. Sau đó, hài cốt bà Matta được chôn nơi đất thánh của Hội Dòng.
5. Mừng 150 năm thành lập Hội Dòng (1844-1994)
Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, ngày 14.09.1994, Hội Dòng hân hoan mừng kỷ niệm 150 thành lập, với phép lành Toà Thánh do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành. Thánh Lễ Tạ Ơn do Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giám Mục Giáo Phận chủ tế, Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp, Giám Mục Phó Giáo Phận, Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Giám Mục Giáo Phận Cần Thơ và quý cha đồng tế, và đông đảo quý khách tham dự.
Cảm tạ Chúa đã thương gìn giữ, che chở Hội Dòng trong suốt chặng đường Thánh Giá, một thế kỷ rưỡi với biết bao nhiêu hồng ân Chúa ban cho Hội Dòng. Toàn thể chị em trong Hội Dòng cùng hoà chung tâm tình tri ân cảm tạ và cũng không quên bày tỏ tấm lòng biết ơn quý Bề Trên đã dày công gầy dựng và phát triển Hội Dòng.
6. Xây dựng và khánh thành nguyện đường mới (25.03.2010)
Ngôi nhà nguyện cũ được tái thiết vào năm 1972 đã bị hư hại vì ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2005, đồng thời cũng không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hội Dòng. Vì thế, Hội Dòng xây dựng lại nguyện đường mới nhưng giữ lại di tích của ngôi nhà nguyện cũ là ảnh Đức Mẹ Ban Ơn, bổn mạng của ngôi nhà nguyện thuở ban đầu, và chiếc cầu thang lên gác đàn.
Lúc 9g sáng ngày 25.03.2010, Thánh Lễ cung hiến nguyện đường và làm phép bàn thờ được cử hành long trọng do Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long chủ sự. Cùng đồng tế có Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, nguyên Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long, Đức Viện Phụ Matthêu Nguyễn Bá Linh, Viện Trưởng Đan Viện Thiên Phước và hơn 100 linh mục trong và ngoài Giáo Phận, với sự tham dự của đông đảo quý tu sĩ, thân nhân và ân nhân của Hội Dòng.
V. HIỆN TÌNH CỦA HỘI DÒNG
1. Nhân sự
Theo thống kê năm 2016-2017, nhân sự của Hội Dòng: Khấn trọn: 286; khấn tạm: 89; tập sinh: 12; tiền tập sinh: 48; thanh tuyển sinh: 20.
2. Cơ sở
– Nhà Mẹ
Địa chỉ: Ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre
ĐT: (027) 53 875 146
Email: caimonmtg@gmail.com
– Các cộng đoàn: Hội Dòng có 120 cộng đoàn phục vụ trong các Giáo Phận: Vĩnh Long (112), Sài Gòn (2), Phú Cường (1), Bà Rịa (1), Kontum (1) và Pháp (3).
3. Vun trồng ơn gọi
Cộng đoàn chị em tại các họ đạo là nơi nuôi trồng ơn gọi. Các em nữ có ý định muốn đi tu thường xuyên lui tới tìm hiểu và được chỉ dạy những điều cần thiết.
Hằng năm, Hội Dòng tổ chức tuần lễ tìm hiểu ơn gọi cho các em. Các em sẽ “đến” để “xem”, tìm hiểu và thường là có một số em “ở lại”, tiếp nối những bước chân rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho tình thương Chúa trong đời sống dâng hiến.
4. Các lãnh vực hoạt động tông đồ
4.1. Mục vụ họ đạo
Đa số chị em phục vụ ở các họ đạo để hỗ trợ cho các linh mục trong việc: dạy giáo lý, trao Mình Thánh Chúa, phụ trách phòng thánh, ca đoàn, thiếu nhi, giới trẻ…
4.2. Văn hoá
Chị em tham gia công tác giáo dục mầm non, nhóm trẻ gia đình.
4.3. Xã hội
Với sự cố gắng của Hội Dòng và sự giúp đỡ của một số ân nhân, Hội Dòng đã thực hiện một số công tác xã hội, từ thiện:
Phục vụ bệnh nhân phong: giúp bệnh nhân phong và gia đình họ sống tản mác trong ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long; giúp tiền ăn hằng ngày cho số bệnh nhân tàn phế nặng, đưa đi bệnh viện để điều trị khi bệnh tái phát, giúp phương tiện cho con cái họ học văn hoá, học nghề, xây nhà ở, giúp vốn chăn nuôi, trồng trọt, giúp cho có nguồn nước sạch; đào giếng nước và làm hệ thống nước lọc cho dân nghèo.
Phục vụ người khuyết tật, người nghèo, già, neo đơn, bệnh tật: thăm viếng, giúp đỡ lương thực hằng tháng cho các đối tượng nói trên trong ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long. Ngoài ra, Hội Dòng cũng đang nuôi các bà neo đơn tại Nhà Mẹ Hội Dòng.
Lập chương trình tiết kiệm: giúp các hộ dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Giúp học bổng: hằng năm, giúp học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học các cấp I, II, III, cao đẳng, đại học.
4.4. Y tế
Hội Dòng có một phòng khám từ thiện để phục vụ đặc biệt cho người nghèo. Hằng ngày chị em khám bệnh, cấp phát thuốc, châm cứu, bấm huyệt và tập vật lý trị liệu miễn phí cho bệnh nhân, không phân biệt tôn giáo.
VI. CÁC BỀ TRÊN CỦA HỘI DÒNG
- Bà Bề Trên Matta Lành (1851-1867)
- Bà Bề Trên Anna Sáo (1867-1869)
- Bà Bề Trên Anna Miều (1869-1915)
- Bà Bề Trên Agnès Triều (1915-1921)
- Bà Bề Trên Elizabeth Kế (1921-1924)
- Bà Bề Trên Matta Hoàng (1924-1930)
- Bà Bề Trên Maria Kính (1930-1936)
- Bà Bề Trên Matta Hoàng (1936-1941)
- Bà Bề Trên Maria Ban (1941-1942)
- Bà Bề Trên Matta Hoàng (1942-1951)
- Bà Bề Trên Maria Nhiều (1951-1954)
- Bà Bề Trên Phancica Ân (1954-1960)
- Bà Bề Trên Elizabeth Ân (1960-1966)
- Bà Bề Trên Anna Hồi (1966-1975)
- Bà Bề Trên Maria Vén (1975-1978)
- Bà Bề Trên Maria Nghiêm (1978-1990)
- Bà Bề Trên Maria Thể (1990-2001)
- Chị Tổng Phụ Trách Agnès Nguyễn Thị Phụng (2001-2013)
- Chị Tổng Phụ Trách Maria Nguyễn Thị Rỷ (2013-2017)
VII. NHỮNG GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU
Bà Matta Nguyễn Thị Lành, Bề Trên tiên khởi (1851-1867)
Bà Bề Trên Matta Lành sinh năm 1825 tại Rạch Rập, Chả Và (nay thuộc họ đạo Vĩnh Kim, tỉnh Trà Vinh), là con thứ tư trong gia đình gồm sáu anh em (ba trai, ba gái). Song thân của bà là ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thuỳ và bà Maria Phan Thị Mùi.
Matta chào đời giữa lúc đạo Công Giáo bị bắt bớ dữ dội. Các giáo sĩ, tu sĩ phải trốn tránh nay đây mai đó. Nhưng Chúa quan phòng đã dự liệu, cho Matta được sinh ra trong một gia đình đạo đức, nề nếp, được cha mẹ quan tâm giáo dục kỹ lưỡng và dạy giáo lý, kinh phần. Là một thiếu nữ ngoan hiền, ngoài việc siêng năng giúp đỡ gia đình trong công việc hàng ngày, vốn hiếu học, Matta chuyên cần trau dồi chữ quốc ngữ, đọc hạnh các thánh, cũng như sách bốn. Nhờ ảnh hưởng của các sách đạo đức này mà cô có được một đời sống tốt lành.
Năm 1847, khi vừa tròn 22 tuổi, Matta can đảm ngỏ ý với song thân và cha sở của mình, lúc bấy giờ là cha Hiền, để được đi tu, một lý tưởng mà cô đã ấp ủ từ lâu. Cha mẹ vui lòng chấp nhận ngay, vì vốn đã rõ tính tình cũng như lòng đạo đức của cô, cha sở không chút do dự giới thiệu cô vào Nhà Phước Cái Mơn mới được thành lập ba năm trước đó.
Buổi sáng mùa hè năm ấy, Matta giã từ cha mẹ và mọi người thân thương, cô hăng hái lên đường để thực hiện mộng ước của mình. Vào Dòng không bao lâu, người thiếu nữ tốt lành này tỏ ra thích hợp với Nhà Chúa: yêu mến sự trọn lành, chuyên cần tập nhân đức, cũng như siêng năng chịu các phép Bí Tích.
Qua một năm sống trong Tu Viện, năm 1848, Matta được tuyên khấn lần đầu theo Quy Luật Dòng Mến Thánh Giá và ngày càng tiến đức hơn.
Từ khi được thành lập đến lúc này, Nhà Dòng Cái Mơn chưa có Bề Trên chính thức. Các linh mục thừa sai nối tiếp nhau coi sóc Nhà Phước. Mãi đến năm 1851, Đức Cha Michel Mịch chọn dì Matta Lành làm Bề Trên đầu tiên Nhà Dòng. Lãnh chức vụ trong khiêm tốn, Bà Nhất Matta luôn giữ thái độ hiền hoà, nêu gương sáng, yêu mến và lo lắng cho từng chị em.
Ngày 09.12.1858, binh lính do Tổng đốc Vĩnh Long sai đến ập vào Nhà Dòng bắt bà Bề Trên Matta Lành và chị Ysave Ngọ. Hai nữ tu bị giải về nhà giam Vĩnh Long, phải đeo gông chịu tù tội, bị tra tấn đòn vọt nhiều lần.
Năm 1862, khi thành Vĩnh Long thất thủ, quân Pháp tràn vào phá cửa ngục, thả các tù nhân. Cầm đầu là thuỷ sư Bosna, người Công Giáo, có chị làm nữ tu bên Pháp. Ông tỏ ra rất có thiện cảm với bà Matta, nhất là khi nghe hoàn cảnh khổ sở mà bà đã trải qua. Ông lại còn trao tặng bà một cái hộp bạc trong đó có đựng xương Bà Thánh Anê tử đạo.
Ròng rã suốt ba năm, ba tháng, 20 ngày trong tù, (08.12.1858-28.03.1862), tuy là thân liễu yếu, nhưng bà Matta đã tỏ ra anh dũng, xưng danh Chúa trước mặt quan quân, đã chinh phục được nhiều tù nhân ngoại đạo trở lại đạo Chúa.
Được ra khỏi tù và sau vài tháng chữa bệnh, bà Matta trở lại nhiệm vụ của mình. Đến năm 1865, Đức Cha Dominique Lefebvre nhờ bà lên phục hưng Tu Viện Mến Thánh Giá Cái Nhum. Hai năm sau, bà lại được Đức Cha Isidore Colombert sai đến chấn chỉnh đời sống cộng đoàn cho Tu Viện Mến Thánh Giá Chợ Quán.
Năm 1873, khi Tu Viện đã được ổn định, bà tình nguyện đi dạy dự tòng tại các miền phụ cận Sài Gòn như: Bà Điểm, Hóc Môn, Mỹ Huê, Tân Đông, Tân Hưng và lập họ đạo ở các nơi đó. Bà luôn lấy tình thương để an ủi, phục vụ mọi người. Nhờ đức tính dịu hiền, vui tươi, xứng với tên gọi của bà, đi đến đâu bà đem lại niềm vui đến đó và được nhiều người yêu thương mến phục. Số người trở lại đạo Công Giáo rất đông, cả quan Đốc Phủ (tổ tiên của chi họ Trần Tử) và gia đình cũng đến học đạo với bà.
Sau khi lập xong các họ đạo, bà Matta xin trở về Tu Viện Cái Mơn, sống nếp sống nữ tu bình thường và đi truyền giáo, lập họ Giồng Luông, Cái Cá, Bến Tre. Trong lúc bà còn hăng say truyền giáo tại các họ đạo mới này, thì các tín hữu ở Tân Đông, Tân Hưng, nài xin Đức Cha cho bà trở lại dạy dỗ, dìu dắt họ. Vâng lời Đức Cha, bà trở lại Tân Hưng. Nơi đây, sau một chuỗi ngày dài đầy công đức, bà đã an bình trút hơi thở cuối cùng ngày 08.05.1883, hưởng dương 58 tuổi. Thi hài bà được mai táng trong ngôi mộ đá đơn sơ như lời trối của bà.
Ngày 17.01.1986, các Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Cái Mơn và đại diện các Hội Dòng Mến Thánh Giá thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn cải táng ngôi mộ của bà. Hài cốt bà được con cái là Chợ Quán và Cái Mơn rước về nhà mình.
Cuộc đời Bà Nhất Matta Lành tuy ngắn ngủi, nhưng rất tốt đẹp và đầy ý nghĩa. Bà là nữ tu Mến Thánh Giá cố gắng thực thi Lời Chúa Kitô căn dặn các tông đồ trước khi về trời: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân…” (Mt 29, 19).
Bà Nhất Anna Miều (1869-1915)
Bà Anna Miều sinh ngày 19.12.1838, tại họ đạo Cái Mơn, Bến Tre. Song thân của bà là ông Phêrô Nguyễn Văn Ngọ và bà Luxia Đặng Thị Quyến.
Khi mới 12 tuổi, Anna Miều xin cùng cha giải tội để được đi tu, nhưng vì còn nhỏ nên phải hoãn lại. Vừa được 15 tuổi, Anna Miều rời nhà cha mẹ mà vào Nhà Phước Cái Mơn, lúc đó bà Matta Lành làm Bà Nhất, năm 1853. Đó cũng là năm Thánh Philipphê Minh chịu tử vì đạo tại Vĩnh Long. Anna Miều đằm thắm, dễ thương, vào Nhà Phước bốn năm thì chị được mặc áo đen, chị tỏ lòng sốt sắng, siêng năng, gan dạ, mạnh mẽ mà lo việc Chúa, cùng sẵn lòng chịu chết vì đạo thánh Chúa.
Năm 1858, Bà Nhất Lành bị bắt vì đạo, dì Anna Miều và một dì nữa vâng lời cha sở Tùng ẩn mình ở lại. Khi cha Bề Trên Gernot Quý về họ Cái Mơn, ngài sai dì Miều, lúc đó mới 20 tuổi, ra dạy kinh cùng cắt nghĩa sách phần cho người đạo mới.
Năm 1867, có nhiều người xin theo đạo, cha Bề Trên Quý sai dì Miều cùng với một nữ tu nữa đến vùng Phú Hiệp (Bến Tre) để dạy đạo. Ban ngày rảo quanh các làng mạc để chinh phục các tâm hồn cho Chúa, đêm đến lại rút về căn cứ là con thuyền chật hẹp để nghỉ ngơi và cầu nguyện.
Ngày 24.07.1867, dì Miều được chọn làm Bà Nhì nhưng vẫn tiếp tục đi giảng đạo ở các vùng lân cận như: Cái Tắc, Cái Hàng, Giồng Quýt, Bang Tra (Bến Tre).
Ngày 19.03.1869, dì được chị em chọn làm Bà Nhất, thế cho bà cựu xin nghỉ, vì bệnh.
Năm 1873, số chị em Nhà Phước Cái Mơn mặc áo đen là 27 người, áo trắng học tập là 13 người. Đến năm 1915, Nhà Phước có 166 người áo đen, 42 người áo trắng. Bà Nhất phải lo cất một nhà tầng rộng lớn để đủ chỗ ở cho chị em.
Bà Anna Miều, làm Bà Nhì hai năm, làm Bà Nhất 46 năm. Theo luật Nhà Phước, cứ ba năm thì bắt thăm Bà Nhất một lần, song bởi mỗi kỳ bắt thăm, thì hầu như hết thảy chị em đều chọn Bà Anna Miều, cho nên bà làm Bà Nhất cho đến khi qua đời, hưởng thọ được 77 tuổi.
Bà Anna Miều là một gương sáng cho các nữ tu Mến Thánh Giá Cái Mơn, đặc biệt trong công tác dạy “chầu nhưng” (dự tòng) theo ơn gọi truyền giáo của Hội Dòng. Bà rất khôn ngoan trong việc cai quản Nhà Phước, lúc nào cũng nhiệt tâm sốt sắng trong việc truyền giáo. Bà là người cộng tác đắc lực nhất của cha Bề Trên Gernot Quý.
LỜI KẾT
Xin mượn lời của Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long, viết về Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, nhân dịp Hội Dòng mừng 150 năm thiết lập (ngày 14.09.1994):
“Thiết nghĩ đọc những dòng lịch sử trên đây thì thấy được những nét đẹp siêu việt của Dòng Mến Thánh Giá. Dòng là mầm non, chiết từ Núi Sọ, trồng vào đất Cái Mơn, trong giai đoạn Hội Thánh Việt Nam đang cùng Chúa lần bước trên đường Tử Nạn (thời kỳ cấm cách), rồi phát triển trong họ đạo Cái Mơn, thời đó được kể là cái nôi truyền giáo trong vùng.
Xem ra như Chúa cần nhờ con người, cũng có thể nói được là Chúa cần chị em Mến Thánh Giá để Nước Chúa được lan rộng. Hình thành trong bấp bênh, quy tụ trong khó nhọc, nhiều lần phải phân tán, nhưng cành Mến Thánh Giá vẫn len lỏi để dấn thân và lan rộng.
Dòng trải qua nhiều giai đoạn phải tự lực cánh sinh, vất vả lao lực bằng nghề lao động, nói được là ‘ôm Thánh Giá để sống’.
Những công việc trợ tá truyền giáo vừa khiêm tốn vừa khổ nhọc. Vai mang Thánh Giá [chị em] cùng Chúa Kitô tiến bước. Dầu trong thời kỳ phải cập nhật hoá, [Hội Dòng] đã mở những trường trung học, tiểu học và điều khiển vài viện mồ côi, nhà trẻ nhưng không tách rời Thánh Giá.
Có thể có người xem thường Dòng Mến Thánh Giá. Nhưng giả sử Giáo Phận Vĩnh Long không có Dòng Mến Thánh Giá thì chúng ta sẽ thấy một khoảng trống đáng sợ. Nhiều trường học không người đảm trách, vắng một số lớn những người hiền mẫu chuyên cần đưa Lời Chúa vào tâm hồn các thiếu nhi. Bóng dáng nữ tu Mến Thánh Giá trước túp lều truyền giáo làm ấm lòng những con người đang tìm Chúa. Ngay những trường hợp đạo bị khủng bố, một nữ tu dẫu đang run sợ trong nhà nguyện, cũng làm cho các tín hữu trong giờ phút hoang mang được phần nào vững tâm.
Đẹp thay tinh thần Mến Thánh Giá. Chị em hãy chăm chú nhìn lại cội nguồn, để múc và chứa tràn đầy tinh thần Mến Thánh Giá.
Nhờ Thánh Giá, chị em thật sự thăng tiến.
Nhờ Thánh Giá, Chúa Kitô vinh thắng”.