TIỂU SỬ ĐỨC CHA PHÊRÔ LAMBERT DE LA MOTTE

TIỂU SỬ ĐỨC CHA PHÊRÔ LAMBERT DE LA MOTTE

Nội dung

Phần một: Cuộc đời

Chương I: Từ thời niên thiếu đến khi làm Giám Mục (1624 – 1660)

Giới thiệu

Bối cảnh thời đại

Thời niên thiếu

Tuổi thanh niên

Ơn gọi Linh mục

Thụ phong Linh mục

Phục vụ trung tâm xã hội Rouen

Ơn gọi truyền giáo

Chuyến đi Rôma

Kết quả cuôc thương lượng tại Rôma

Hai năm sau cùng ở Pháp

Rời Rouen và chịu chức Giám mục

Hành trình sang Đông Nam Á

 Chương II: Sự nghiệp thừa sai  (1660-1676)

Những công việc chuẩn bị

Công đồng Juthia (1664)

Soạn thảo huấn thị Juthia cho các vị Thừa Sai

Thành lập Chủng Viện và Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế

Thành lập Hội Tông Đồ (1665)

Những khó khăn của Đức Cha Lambert với chế độ bảo trợ

Kinh lý Đàng Ngoài và Công đồng Phố Hiến (1670)

Thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài (1670)

Kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất: thành lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong và Công Đồng Hội An (1671 – 1672)

Những năm tháng thành công nhất tại Juthia

Kinh lý Đàng Trong lần thứ hai

 Chương III: Những năm tháng cuối cùng (1676 – 1679)

Niềm vui cuối đời

Cái chết lành thánh

 Phần hai: Chân dung tinh thần của Đức Cha Phêrô Lambert De La Motte

Chương I: Đời sống thiêng liêng

Linh đạo tổng hợp

Tâm hồn thờ phượng

Lòng yêu mến Thánh giá

Tinh thần khổ chế

Tinh thần nghèo khó, khiêm nhường

Lòng sùng kính Mẹ Maria và Thánh Giuse

Chương II: Đời sống tông đồ

Hồn tông đồ

Tinh thần phục vụ

Tinh thần thích nghi

Xây dựng Giáo Hội điạ phương

Tinh thần đồng trách nhiệm

Xây dựng dòng tu địa phương

Thao thức hiệp nhất

Lời kết

 Phần một: Cuộc đời

Giới thiệu

Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte là một trong ba vị Giám Mục Thừa Sai người Pháp tiên khởi trong chức vụ Đại Diện Tông Tòa được gửi sang truyền giáo tại miền Đông Nam Á vào thế kỷ thứ mười bảy. Ngoài việc truyền chức cho các linh mục bản xứ Việt Nam và việc thiết lập hàng giáo sĩ địa phương, ngài còn có công sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một tu hội nữ đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam và để phục vụ cho dân tộc Việt Nam. Sát cánh với các vị thừa sai khác, ngài đã gieo vào lòng Giáo Hội Công giáo Việt Nam một nền linh đạo tập trung vào Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh, để chính nền linh đạo này đã trở nên động lực vững chắc thúc đẩy hàng trăm ngàn tín hữu Việt Nam mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong suốt gần 300 năm cấm đạo.

Sau đây là vài nét về cuộc đời của Đức Cha Lambert de la Motte, được tóm gọn từ quyển Tiểu Sử do ban Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá thực hiện.

Chương I: Từ thời niên thiếu đến khi làm Giám mục (1624 – 1660)

  1. Bối cảnh thời đại
    Cuộc đời Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte nằm gọn trong lòng thế kỷ XVII (1624 – 1679). Ngài sinh ra và lớn lên dưới triều đại Vua Louis XIII (1610 – 1643). Ngài đã chọn hướng đi cho đời mình và thực hiện sự lựa chọn đó dưới triều đại Vua Louis XIV (1643 – 1718).

Tuy không thiếu những bóng tối trong xã hội và Giáo Hội, nhưng lịch sử nước Pháp và lịch sử Giáo Hội thế kỷ XVII được coi là vĩ đại về mọi mặt, với những tên tuổi như Descartes, Pascal, Corneille, Racine, Molière. Đây còn là thời đại huy hoàng, thời phục hưng của Giáo hội Pháp, do ảnh hưởng của Công Đồng Tridentinô (1545 – 1563), những sinh hoạt nở rộ của các Dòng tu, các Hiệp hội đạo đức giáo dân; cũng như các tác phẩm tu đức danh tiếng. Chỉ trong thời kỳ này, nước Pháp đã cống hiến cho Giáo Hội hai mươi bảy vị Hiển Thánh và Chân Phước.

  1. Thời niên thiếu

Phêrô Lambert sinh ngày 16 tháng 01 năm 1624 tại Lisieux, vùng hạ Normandie, phía Tây Bắc nước Pháp, trong một gia đình quý tộc, thẩm phán. Song thân là ông Pière Lambert de la Motte và bà Catherine Heudey de Pommainville et de Bocquencey.

Sống trong gia đình đạo đức, cậu Phêrô Lambert thường hay tiếp xúc với nông dân và chia sẻ của cải vật chất cho người nghèo. Cậu thích tản bộ trong rừng vắng để cầu nguyện. Đặc biệt cậu say mê đọc và suy niệm sách Gương Phúc, một tác phẩm tu đức đã ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống Giáo Hội từ hai thế kỷ trước. Lúc lên chín tuổi, năm 1633, cậu được ơn Chúa soi sáng cho biết: những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu nên qui tụ lại thành một Hội Dòng mang tên Mến Thánh Giá, lấy từ đầu đề chương 11, quyển II của tác phẩm đó.

Sớm mồ côi cha mẹ, và là trưởng nam trong gia đình gồm bảy anh chị em, Phêrô Lambert phải gánh vác việc nhà, nên không hề nghĩ tới ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, trong thời gian theo học chương trình phổ thông tại trường các tu sĩ Dòng Tên ở Caen (Collège de Mont), cậu được Cha Hayneuve, đồ đệ của Cha Louis Lallemant khai tâm về đời sống cầu nguyện để tìm ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Với thiên hướng sẵn có, cũng như ảnh hưởng lành thánh của môi trường, cậu tập được thói quen tốt lành: nguyện gẫm mỗi ngày hai giờ, ăn chay nhiều lần trong tuần và rước lễ hằng ngày, điều hiếm thấy trong thế kỷ XVII.

  1. Tuổi thanh niên

Sau khi tốt nghiệp trung học, sinh viên Phêrô Lambert học luật, rồi làm luật sư lúc mới 23 tuổi (1646), theo đúng truyền thống một gia đình thẩm phán, quí phái. Sau đó làm việc tại Nghị viện Paris, Tòa án Thuế vụ và Trung tâm Xã hội Rouen. Trong khi thi hành chức nghiệp, Phêrô Lambert tích cực tham gia các sinh hoạt đạo đức, tông đồ và xã hội của Giáo Hội vùng Normandie và tìm được hướng đi cho đời mình, nhờ ảnh hưởng của ba nhân vật thời danh là:

Ông Henri de Lévis, người sáng lập Hiệp Hội Thánh Thể năm 1627 với mục đích phát huy lòng tôn sùng Bí Tích Thánh Thể, thực hiện các công việc bác ái và tổ chức tuần đại phúc cho giáo dân.

Ông Jean de Bernières de Louvigny, một giáo dân đạo đức xây dựng ẩn viện tại Caen làm nơi tĩnh tâm để cổ võ đời sống chiêm niệm. Ông cũng sáng lập hội giúp người nghèo khó, bệnh tật và Hiệp Hội Khổ Nhục để phát huy đức khiêm nhường và tinh thần khổ chế.

Thánh Jean Eudes, vị sáng lập Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria với mục đích truyền giáo và huấn luyện hàng giáo sĩ. Đặc biệt, thánh nhân chủ xướng một linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Thập Giá Chúa Giêsu, dựa trên kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh Phaolô mà nét chính yếu được diễn tả trong câu: “tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh.” (Col:24). Sau khi trở thành bạn tâm giao của Thánh Jean Eudes, Phêrô Lambert bỏ nghề luật sư, xin vào chủng viện.

4. Ơn gọi linh mục

Từ ngày đến cầu nguyện tĩnh tâm tại ở ẩn viện Caen của ông Jean de Bernières de Louvigny, tinh thần và đời sống thầy Phêrô Lambert như bừng lên và thay đổi rất nhiều: “Chỉ thiết tha một điều là chết đi đối với trần gian và sống cho một mình Thiên Chúa.” (J. C. Brisacier ĐQT, Std, tr. 113 – 114). Thầy đi Paris cùng với ông Jean de Bernières để tìm dịp tham gia vào chương trình truyền giáo Canađa; đồng thời hành hương kính viếng nhiều nhà thờ, nhiều nơi thánh trong tinh thần nghèo hèn, chay tịnh và cầu nguyện để xin ơn soi sáng; ngoài ra thầy còn tham dự những buổi thuyết giảng. Sau đó, một mình thầy trở lại Caen cũng trong bộ dạng nghèo khó để tập chịu khinh chê, sỉ nhục. Thầy vẫn tiếp tục các cuộc hành hương, tĩnh tâm cho đến các cuộc tĩnh tâm cuối năm 1654 với những quyết định:

– Gia nhập chương trình truyền giáo Canađa.

– Chọn đời sống giáo sĩ.

– Bỏ nghề luật sư tại Tòa án Thuế vụ và xin vào Chủng viện.

5. Thụ phong Linh mục

Để chuẩn bị chịu chức Linh mục, thầy Phêrô Lambert đã tĩnh tâm ba mươi ngày, đi bộ hành hương từ Caen đến Rennes hơn 120 cây số, cải dạng thành người nghèo khổ, cắt tóc ngắn, ăn mặc tồi tàn khiến cho mọi người chế giễu. Tại Rennes, thầy làm tuần cửu nhât kính viếng mộ tu sĩ thánh thiện Jean de San Samson, sau đó lại đi bộ khất thực trở về Caen. Tuy chịu nhiều khốn khó trong thân xác nhưng tinh thần rất hân hoan và bình an, giúp thầy từ bỏ nhiều hơn và làm tăng lòng kính mến Đức Mẹ bội phần (ĐQT, sđd, tr. 113).

Tháng 9 năm 1655, tại Caen, thầy chịu phép cắt tóc và các chức nhỏ do Đức Cha địa phận Bayeux. Sau cuộc tĩnh tâm bốn mươi ngày, thầy lãnh tác vụ Linh mục ngày 27.12.1655.

6. Phục vụ trung tâm xã hội Rouen

Sau khi thụ phong Linh mục, cha Phêrô Lambert muốn sống đời sống ẩn dật và trau dồi Thần học, nhưng theo đề nghị của Hiệp Hội Thánh Thể, Đức Tổng Giám Mục và nghị viện Rouen,ngài phải chấp nhận điều hành Trung tâm Xã hội Rouen với chức vụ giám đốc. Đây là một tổ chức đạo đời để tiếp đón và giúp đỡ dân nghèo, đặc biệt giới nữ.

7. Ơn gọi truyền giáo

Ơn gọi truyền giáo phát xuất từ sự yêu thích cầu nguyện, sự hy sinh vì lòng yêu mến Thiên Chúa và các linh hồn, sự hướng dẫn của ông Jean de Bernières và cha linh hướng Hallé. Chính cha Phêrô LambertLambert đã ghi lại sau Thánh lễ mở tay: “Tình yêu Thiên Chúa đã đốt lên nơi tôi lòng nhiệt thành đến với người chưa bết Chúa, để nhờ công nghiệp Máu Thánh Chúa đổ ra, họ cũng được ơn cứu độ.” (J. C. Brisacier, ĐQT, sđd, tr. 141).

Nhân chuyến đi Paris cho công việc của trung tâm Xã hội, cha Lambert khám phá ra chương trình truyền giáo Đông Á do cha Đắc Lộ Dòng Tên trình bày. Trở về Rouen, ngài thấy lòng mình nghiêng theo chương trình này. Trong thinh lặng, cầu nguyện, suy nghĩ và bàn bạc với cha linh hướng Hallé, ngài xác tín Chúa gọi mình dấn thân vào công việc truyền giáo nên đã nôn nóng trở lại Paris. Đến nơi, ngài được mờ tham dự các buổi họp của các vị lo việc truyền giáo và ngài ngỏ lời xin được tháp tùng một giáo sĩ như nhà thừa sai bình thường. Khi được biết chương trình truyền giáo Viễn Đông bị bế tắc vì vấn đề tài chính, cha Lambert thiết tha dâng hết gia sản còn lại của mình cho công cuộc ấy (J. C. Brisacier).

8. Chuyến đi Rôma

Cha Phêrô Lambert chuẩn bị đi Rôma theo đề nghị của vị linh hướng khuyên bảo (J. C. Brisacier). Hai ngày trước khi lên đường, ngài biết tin Tòa Thánh muốn lập Đại Diện Tông Tòa và chính ngài là thành phần được đề cử. Dù vô cùng kinh ngạc nhưng ngài vẫn điềm tĩnh phó thác mọi sự trong tay Chúa.

Ngày 18.11.1657 ngài tới Rôma, chuyến đi này là một cuộc hành hương cầu gnuyện. Ngài cùng với phái đoàn của cha Vincent de Meur và và cha Pallu kiên trì vận động cho chương trình, rồi cùng với cha Pallu soạn ra một dự án lập chủng viện chuyên về việc truyền giáo. Cha François Pallu xem việc có mặt của cha Lambert với phái đòan như ơn Chúa quan phòng vì ngài giúp họ giải gỡ được nhiều khúc mắc (J. C. Brisacier).

Cuối cùng, cha Lambert xuống tàu trở về, trên đường ghé Nancy viếng mộ thân phụ. Ngài tới Paris ngày 20.4.1658.

9. Kết quả cuộc thương lượng tại Rôma

Do sự hậu thuẫn tích cực của bà Công tước D’ Aiguillon, sự giới thiệu của nhóm Bạn Hiền và Hiệp Hội Thánh Thể cũng như sự dấn thân tích cực của cha Phêrô Lambert, ngày 29.7.1658, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII bổ nhiệm cha François Pallu làm Giám mục hiệu tòa Heliopolis, cha Phêrô Lambert làm Giám mục hiệu tòa Bérythe. Ngày 9.9.1659, Tòa thánh lại bổ nhiệm hai vị tân Giám mục này làm Đại Diện Tông Tòa đi truyền giáo cho lương dân. Đức Cha François Pallu đảm nhiệm Đàng Ngoài, Lào và năm tỉnh miền Nam Trung Hoa. Đức Cha Phêrô Lambert phụ trách Đàng Trong, Campốt, bốn tỉnh miền Tây Nam Trung Hoa và đảo Hải Nam.

10. Hai năm sau cùng ở Pháp

Lập chủng viện:

Ngày 21. 7. 1658 – cha Lambert nhận được thư ban phép của Vua Louis XIV.

Ngày 9. 11. 1658 – Thánh Jean Eudes ký nhận ngôi nhà chủng viện tại Rouen do công sức và tiền bạc của cha Phêrô Lambert de la Motte.

Ngôi nhà tá túc cho các thiếu nữ hoàn lương cũng được giải quyết tốt đẹp nhờ sự cộng tác của các nữ tử Thánh Giá (Filles de la Croix) đến từ Dijon.

– Giúp giải quyết một số vấn đề của các tu viện.

– Bàn giao Trung tâm Xã hội của ông Bimorel.

11. Rời Rouen và chịu chức Giám mục

Ngày 2. 6. 1660, cha Lambert âm thầm rời Rouen. Sau tám ngày tĩnh tâm, ngày 11. 6. 1660 cha Lambert được phong chức Giám mục tại nguyện đường Dòng Thăm Viếng Paris, Đức Tổng Giám Mục Bouthillier, Tổng Giám Mục Tours, cùng hai Giám mục phụ tế, vì lúc đó Hội Đồng Giám Mục Pháp đang họp tại thủ đô (Assemblée du Clergé de France).

12. Hành trình sang Đông Nam Á

Ngày 18. 6. 1660, Đức Cha Phêrô Lambert và linh mục Jacques de Bourges cùng với một người giúp việc, âm thầm rời Paris. Đến Lyon, ngài ngã bệnh nặng, liệt giường năm mươi hai ngày, đến nỗi phải chịu các phép sau cùng nhưng ngài bình phục mau chóng như một phép lạ. Sau đó ngài tiếp tục lên đường đến Avignon bằng đường sông, rồi đến Marseille bằng một loại xe lừa kéo (litière). Tại đây có cha François Deydier đến nhập đoàn thừa sai. Ngày 24.11.1660 đoàn rời Pháp, vượt biển Địa Trung Hải.

Lên bờ Syria tại Alexandrette rồi mạo hiểm bằng đường bộ qua Iran, Irac, đến Ấn Độ và Thái Lan; trải qua muôn vàn thử thách, vất vả, gian nguy như kinh nghiệm của thánh Phalô trên hành trình truyền giáo (2Cr 11, 26-28).

Tuy nhiên, đối với ngài, cuộc hành trình thừa sai này là một cuộc hành hương đặc biệt, giúp ngài nhận thức được nhu cầu hoán cải không ngừng và vun trồng đời sống nội tâm cho hoàn hảo, thánh thiện hơn. Mỗi chặng dừng chân là một cuộc tĩnh tâm để lắng nghe thần khí và phó thác vào Thiên Chúa như một trẻ thơ. Thái độ đức tin này xuất phát từ sự vâng phục quyết định của Tòa Thánh khuyên nhủ thử nghiệm mở đường cho các thừa sai đến miền Châu Á.

Ngày 2. 8. 1662 ngài tới Juthia sau hai năm hai tháng sáu ngày. Ngài chưa thể đến Đàng Trong vì lúc đó đang có những cuộc bách hại dữ dội, nên Juthia là nơi tạm trú an toàn cho các thừa sai từ Châu Âu đến truyền giáo tại vùng Đông Á.

Chương II: Sự nghiệp thừa sai (1660-1676)

  1. Những công việc chuẩn bị.

Sau bốn mươi ngày tĩnh tâm tại Juthia, Đức Cha Phêrô Lambert đã khởi công xây dựng các cơ sở cần thiết như nhà ở, nguyện đường, trường học và một nhà thương. Vì chưa thể đến giáo đoàn Đàng Trong, nên ngày 17. 7. 1663, ngài cùng với cha François Deydier xuống tàu đi Trung Hoa. Khi đi ngang qua bờ biển Campốt, tàu gặp bão lớn nên cuộc hành trình bất thành.

Các hoạt động đa dạng bên ngoài không làm giảm sút đời sống nội tâm của ngài. Trái lại, trong ngài luôn sôi sục một ý chí mãnh liệt muốn đồng hóa với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và sống khổ hạnh, khiêm nhường.

  1. Công đồng Juthia (1664).

Ngày 27. 1. 1664, Đức Cha François Pallu từ Pháp tới. Sau khi trao đổi tin tức, Đức Cha Phêrô Lambert đề nghị tổ chức một Công đồng địa phương, gọi là Công đồng Juthia, được khai mạc cuối năm 1664 và kết thúc vào lễ Hiển Linh ngày 6. 1. 1665, với sáu thành viên gồm hai Giám mục và bốn Linh mục.

Công đồng đã thảo luận và quyết định ba việc quan trọng, đó là:

– Lập Hội Tông Đồ.

– Xây dựng một chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông.

– Soạn thảo huấn thị gửi các thừa sai.

  1. Soạn thảo Huấn thị Juthia cho các vị thừa sai.

Huấn thị gửi các thừa sai là kết quả quan trọng nhất của Công đồng Juthia:

Các thừa sai phải cảnh giác trước đời sống dễ dãi và tập trung nỗ lực vào đời sống cầu nguyện.

Phải biết người, biết việc, biết ngôn ngữ nhưng phải khước từ những phương thế và thủ đoạn để tạo uy tín.

Phải trình bày Lời Chúa với một khoa sư phạm, thích hợp với từng lứa tuổi và từng giai đoạn, nhất là tôn trọng các tôn giáo bạn.

Trong tổ chức hoạt động các giáo xứ nên cử ra ông trùm, bà quản hoặc ông câu, ông biện để linh hoạt và điều động cộng đoàn: một vài nữ hộ sinh để giúp rửa tội cho các trẻ em nguy tử, kể cả trẻ sơ sinh bởi cha mẹ ngoại giáo.

Đời sống thiêng liêng được đề nghị cho các Linh mục địa phương là một nền linh đạo tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh.

Huấn thị được Tòa Thánh phê chuẩn hoàn toàn năm 1669. Trong ba thế kỷ qua, văn kiện này được hàng giáo sĩ dùng làm kim chỉ nam cho đời sống và hoạt động của mình. Điều đó chứng tỏ Đức Cha Phêrô Lambert chiếm một vị trí đặc biệt trong Giáo Hội Đông Nam Á.

  1. Thành lập Chủng viện và Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế.

Sau Công Đồng, Đức Cha Lambert bắt tay ngay vào việc lập chủng viện và lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế, soạn thảo một bản quy luật cho họ (x.Ltt 1, 1 – 6).

Từ Juthia, một mình Ngài phải điều khiển công việc truyền giáo cho cả vùng Đông Á, vì Đức Cha Cotolendi qua đời năm 1662 trên đường đến nhiệm sở, còn Đức Cha François Pallu phải du hành liên miên do công vụ.

  1. Thành lập Hội Tông Đồ (1665)

Từ những nhận định thực tế về đời sống của các tăng lữ Phật giáo, các thừa sai và các tín hữu, Đức Cha Lambert đưa đến quyết định lập Hội Tông Đồ với đời sống trổi vượt phi thường. Các thành viên tuyên ba lời khấn tư theo nghĩa nội tâm (x. CtkA 5-6), nguyện ngắm ba giờ mỗi ngày, không nằm giường nệm, không dùng thuốc chữa bệnh khi đau ốm, chỉ dùng thuốc thiêng liêng, ăn chay, kiêng thịt, kiêng rượu quanh năm kể cả Chúa nhật, trừ ba ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống.

Do uy tín và tài thuyết phục của Đức Cha Lambert, các thành viên Công Đồng tuyên khấn vào lễ Hiển Linh ngày 6.1.1665 (x. CtkA 11).

Nhưng vào năm 1669 Tòa Thánh trả lời không phê chuẩn Hội Tông Đồ vì quy luật quá nhiệm nhặt, không phù hợp với đời sống vất vả , nhọc nhằn của các thừa sai hoạt động tại một vùng khí hậu khắc nghiệt Đức Cha Lambert vui lòng đón nhận quyết định của Tòa Thánh.

  1. Những khó khăn của Đức Cha Lambert với chế độ bảo trợ

Tại Thái Lan, Đàng Trong và Đàng Ngoài, Đức Cha Lambert gặp rất nhiều khó khăn do người Bồ Đào Nha và các nhà thừa sai thuộc quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha gây ra. Khó khăn chủ yếu nằm trong bản chất của chế độ bảo trợ
(x. Ts 14).

– Năm 1663, Đức Cha Lambert suýt bị bắt giải nộp cho triều đình Bồ Đào Nha nhưng Ngài đã được các tín hữu gốc Đàng Trong bảo vệ.

– Năm 1665, Đức Cha Lambert bị cha Fragoso Dòng Đaminh Bồ Đào Nha chống đối, quy kết cho tội lạc giáo, mạo danh Giám mục và ra vạ tuyệt thông cho ngài.

Phần Đức Cha Lambert vì biết rõ Tòa Thánh đã rút lại những đặc ân cũ như cho phép tu sĩ đỡ đầu Thêm sức và phong các chức nhỏ. Vì hành động của cha Fragoso xúc phạm đến chính Đức Giáo Hoàng mà Ngài là người đại diện nên ngài đã ra vạ tuyệt thông lại cho cha Fragoso.

Tháng 8. 1670, Thánh Bộ Truyền Giáo viết thư khích lệ Đức Cha Lambert và phê chuẩn việc ngài phi bác các luận điểm của cha Fragoso. Năm 1671, Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX ban hành đoản sắc vô hiệu hóa vạ tuyệt thông do cha Fragoso ra cho Đức Cha Lambert vào năm 1665.

Năm 1673, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X gửi một đoản sắc cho Đức Tổng Giám Mục và Tòa Điều Tra Tổng Giáo Phận Goa, khẳng định rằng các vị Đại Diện Tông Tòa không trực thuộc quyền bính của Goa.

  1. Kinh lý Đàng Ngoài và Công đồng Phố Hiến (1670).

Từ ngày 30.8.1669 đến 14.3.1670, Đức Cha Lambert thay mặt Đức Cha Pallu kinh lý mục vụ miền truyền giáo Đàng Ngoài.

– Ngày 1.10.1669, ngài chỉ thị cho cha François Deydier tổ chức một cuộc họp công khai tại Thăng Long để công bố các sắc dụ của Tòa Thánh về trách nhiệm các vị Đại Diện Tông Tòa cho mọi người, trong đó có các cha Dòng Tên được biết (x. Clem 17).

– Trong tháng 1.1670, ngài phong chức Linh mục cho bảy thầy giảng Việt Nam. Ngài cũng ban chức cắt tóc và các chức nhỏ cho bốn mươi tám thầy khác (x. Lesl 4; Clem 19-20).

– Ngày 14.2.1670, ngài triệu tập và chủ tọa Công đồng Phố Hiến gồm chính ngài, ba linh mục thừa sai Pháp và chín linh mục Việt Nam.

–   Nghị quyết của Công đồng gồm bốn mươi điều gồm những điểm chính sau đây:

+ Ấn định vùng trách nhiệm cho mỗi linh mục bản quốc (x. điều 3-4).

+ Xác định nhiệm vụ các thầy giảng (x. điều 7-8).

+ Thiết lập quỹ chung để trang trải các nhu cầu giáo xứ, giáo phận và giúp đỡ người nghèo (x. điều 10-14).

+ Khuyến khích các linh mục bản xứ nuôi dạy các thiếu niên đạo đức để đưa vào chủng viện (x. điều 16). Đây là thời điểm của truyền thống linh tông tại Việt Nam.

+ Kêu gọi các linh mục quản xứ quan tâm đặc biệt đến các nữ tu Mến Thánh Giá (x. điều 18).

+ Kêu gọi các linh mục quản xứ, các thầy giảng và các quý chức khuyến khích giáo dân tập suy gẫm, nhất là suy gẫm chung trong nhà thờ và giới thiệu những người thích hợp vào Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế (x. điều 21).

Ngoài ra, Công đồng quy định một số điều liên quan tới kỷ luật của các thừa sai, các linh mục bản xứ và giáo dân. Cuối cùng, Công đồng quyết định nhận thánh Giuse làm bổn mạng Giáo Hội Đàng Ngoài (x. điều 34).

Công đồng Phố Hiến đã vận dụng tinh thần Công đồng Juthia vào thực tế của miền truyền giáo Đàng Ngoài và đã ảnh hưởng sâu sắc trên Giáo Hội Việt Nam từ hơn ba thế kỷ qua.

  1. Thành lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài (1670).

Năm 1666, cha François Deydier đến Đàng Ngoài, gặp thấy hai nhóm khoảng ba mươi trinh nữ đạo đức sống chung với nhau, ngài muốn soạn thảo cho họ một bản quy luật nhưng không thực hiện được.

Tháng 8. 1669, khi Đức Cha Lambert tới kinh lý Đàng Ngoài, cha Deydier giới thiệu với ngài các nhóm trinh nữ nói trên. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, Đức Cha quyết định chính thức thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá tại Bái Vàng – Hà Nam (nay thuộc giáo phận Hà Nội) và Kiên Lao – Nam Định (nay thuộc giáo phận Bùi Chu); trao cho các nữ tu này bản luật do ngài soạn thảo (x. Ltk V, 1; Nq/đ 18 Lesl 6).

Lễ Tro, ngày 19.2.1670, Đức Cha Lambert đích thân nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula tại Phố Hiến, đó là ngày chính thức khai sinh Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam.

Tòa Thánh gián tiếp công nhận hai bản luật của Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế và Tu Hội nữ Mến Thánh Giá qua Nghị định ngày 28.8.1678 của Thánh Bộ Truyền Giáo ban ơn đại xá và tiểu xá cho các thành viên của hai tổ chức này.

Theo chứng từ của chính Đức Cha Lambert, việc thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá nằm trong một dự định lớn, phát sinh từ kinh nghiệm thiêng liêng của ngài về cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cứu Thế Chịu Đóng Đinh.

  1. Kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất: thành lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong và Công Đồng Hội An
    (1671 – 1672)

Dù gặp khó khăn và chống đối, đức Cha Phêrô LambertLambert vẫn quyết định đi kinh lý Giáo Hội Đàng Trong. Sau hơn một tháng vượt biển đầy gian nguy do bão tố và hải tặc, đoàn thừa sai đã cập bến Nha Trang ngày 1. 9. 1671.

Những công việc Ngài đã thực hiện trong lần kinh lý lần này là:

– Ban các bí tích.

– Lập Dòng nữ Mến Thánh Gía tại An Chỉ vào dịp lễ Giáng sinh năm 1671.

– Khai mạc Công đồng Hội An ngày 15. 1. 1672 do Ngài chủ tọa với các giáo sĩ thừa sai, các linh mục bản quốc và khoảng ba mươi thầy giảng.

Công đồng thông qua một nghị quyết gồm mười điều liên quan tới việc công bố những sắc dụ của Tòa Thánh về quyền bính cua Đại Diện Tông Tòa mà tất cả các tu sĩ, thầy giảng và giáo dân phải tùng phục. Cồng đồng xác định nhiệm vụ của các thầy giảng và ban quý chức trong giáo xứ, nhắc lại một vài quy tắc về đời sống hôn nhân, nhất là kêu gọi tín hữu phải sẵn sàng can đảm tuyên xưng đức tin ra bên ngoài chứ không chỉ giữ đạo riêng trong lòng.

  1. Những năm tháng thành công nhất tại Juthia

Sau khi trở về Thái Lan vào cuối tháng 3. 1672, Đức Cha Phêrô Lambert đã thực hiện một số việc quan trọng.

– Thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá Thái Lan tại Juthia với những thiếu nữ gốc Đàng Trong, trao cho họ bản luật giống như ở Đàng Ngoài và Đàng Trong Việt Nam.

– Ngài cùng với Đức Cha François Pallu chọn cha Laneau làm Giám Mục Đại Diện Tông Tòa kế vị Đức Cha Cotolendi. Cha Laneau được Đức Cha Phêrô Lambert tấn phong Giám Mục hiệu tòa Metellopolis ngày 25. 3. 1674.

–  Xây dựng trung tâm truyền giáo, nhà thờ và chủng viện, tất cả đều mang tước hiệu Thánh Giuse.

Mối quan tâm hàng đầu của Đức Cha Lambert là đào tạo linh mục tại Chủng Viện Thánh Giuse, nơi quy tụ đông đảo chủng sinh đến từ nhiều nước Á Châu. Ngoài ra, Ngài dành thời giờ theo dõi, thăm viếng và an ủi các bệnh nhân tại bệnh viện Thánh Giuse và đẩy mạnh công việc truyền giáo cho lương dân, đặc biệt người Việt gốc Đàng Trong và các phật tử kể cả các tăng lữ.

  1. Kinh lý Đàng Trong lần thứ hai

Được chúa Hiền Vương mời, nên lần này Đức Cha Lambert đã đến Việt Nam cách công khai. Tuy nhiên trong cuộc kinh lý lần thứ hai này, Ngài gặp sự kiện đau lòng vì Giáo Hội Đàng Trong đang có nguy cơ chia rẽ trầm trọng do những người dựa vào thế chế độ bảo trợ của Bồ Đào Nha chống đối các Đại Diện Tông Tòa. Nhưng cuối cùng, nhờ thái độ vừa nhân từ vừa cương nghị, Ngài tái lập được trật tự trong miền truyền giáo của Ngài. Ngài đã cảm nhận tất cả là hồng ân và đánh giá cuộc kinh lý này như “một cuộc hành trình được Thiên Chúa ban đầy phúc lành”.

Chương III: Những năm tháng cuối cùng (1676 – 1679)

  1. Niềm vui cuối đời

Từ ngày trở lại Thái Lan vào giữa tháng 5. 1676, sức khỏe Đức Cha Lambert kém dần. Vào những năm cuối đời, uy tín của Ngài ngày càng lên cao. Vua Phranarai ở Thái Lan cũng như chúa Hiền Vương ở Đàng Trong rất quý trọng Ngài.

Từ năm 1667 trở đi, các tu sĩ thừa sai hoạt động tại Đông Á đều noi gương Đức Cha Antôn Brandao, Tổng Giám Mục Goa, chấp hành mệnh lệnh của Tòa Thánh. Riêng các thừa sai Dòng Tên có thêm chỉ thị của Cha Bề Trên Tổng Quyền Paulo Oliva, đòi buộc các ngài vâng phục các vị Đại Diện Tông Tòa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong. Cuối cùng, tinh thần vâng lời sẵn có của Dòng Tên đã đem lại sự bình an và bầu khí hiệp nhất, yêu thương đặc thù của Phúc Âm, điều mà tất cả các vị thừa sai dưới bất cứ màu áo nào đều có sứ mạng làm chứng và loan truyền giữa các dân tộc Á Châu. Các mâu thuẫn xảy ra trước đây chỉ là do hiểu lầm.

  1. An nghỉ lành thánh

Chứng bệnh đường ruột và sạn thận làm cho Đức Cha Lambert đau đớn nhiều, khiến ngài cảm thấy cần được yên tĩnh để cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh.

Vào những ngày cuối đời, ngài trải qua những cơn lo âu kinh khủng. Cha Gayme, người đã túc trực bên Đức Cha trong những ngày sau hết kể lại: “Trước đó, lúc nửa đêm, ngài còn xin rước Mình Thánh Chúa và bảo tôi đọc cho nghe lời nguyện tuyên tín. Phải thú thực, tôi vừa đọc vừa ứa lệ.” (A. Launay, Đàng Trong, tr. 72).

Sự kiện này chứng tỏ ngài luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội cho đến hơi thở cuối cùng.

Cũng theo lời chứng của cha Gayme, trong những cơn đau khủng khiếp lúc hấp hối, Đức cha Lambert không ngớt lập lại lời nguyện: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con” (A. Launay, Xiêm La, tr. 36).

Ngày 15. 6. 1679, lúc 4 giờ sáng,

Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte

Đại Diện Tông Tòa tiên khởi Miền Truyền Giáo Đàng Trong,

Giám Quản Tông Tòa Miền Truyền Giáo Đàng Ngoài,

Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá,

an nghỉ lành thánh trong Chúa tại Juthia.

Trong lúc thư đưa tin sự mất mát lớn lao này đang trên đường về Rôma, thì ngày 4.10.1679, Đức Thánh Cha Innôcentiô XI viết cho Đức cha Lambert một đoản sắc với lời lẽ rất trân trọng về những thành quả công việc truyền giáo của ngài.

Đó là lẵng hoa muộn màng của Đức Giáo Hoàng đặt lên mộ Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte đã an nghỉ trong Chúa hơn ba tháng trước (A. Launay, Xiêm La, tr. 36).

Phần hai : Chân dung tinh thần của Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte

Dung mạo Đức cha Phêrô Lambert de la Motte là một tổng hợp giữa những nét oai nghiêm và mộc mạc, giữa một ý chí cương nghị và một trí tuệ thông minh phi thường. Từ lúc thiếu thiếu thời, ngài có tính dè dặt, khiêm tốn nhưng hiếu học, có trí phán đoán quân bình và lập trường vững chắc. Ngài khôn ngoan và cẩn trọng. Trong nhận định của Đức Cha Lambert có sự khôn ngoan của vị thẩm phán và tính giản dị của bác nông dân, lòng nhiệt thành của nhà tiên tri và vẻ uy nghi của Đấng kế vị các Thánh Tông đồ (B. Jacqueline, Sđd, tr. 225-226). Khoa luật và nghề trạng sư đã tôi luyện cho ngài có biệt tài lý luận tinh vi và sắc bén. Ngài có sức thuyết phục phi thường, khiến cho những ai tiếp xúc đều bị thu hút (A. Launay, Lịch sử tổng quát, I, tr. 32). Những đức tính nhân bản này là chỗ dựa vững chắc làm nền tảng cho đời sống thiêng liêng và tông đồ của ngài.

Chương I: Đời sống thiêng liêng

  1. Linh đạo tổng hợp

Đời sống thiêng liêng của Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte quy hướng vào Ba Ngôi Thiên Chúa. Về điểm này, ngài tổng hợp giáo huấn của ba nhà linh đạo lớn thế kỷ XVII:

– Thánh François de Sales: nhấn mạnh đặc biệt lòng tin tưởng phó thác vào quyền năng và sự yêu thương quan phòng của Chúa Cha.

–  Đức Hồng Y De Pérulle: cổ võ sự hiệp nhất gắn bó với Chúa Giêsu.

–  Cha Louis Lallemant: cổ võ thái độ ngoan ngùy đối với tác động của Chúa Thánh Thần.

  1. Tâm hồn thờ phượng

Cha Lambert rất tôn sùng Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước Nhà Tạm, nhất là khi phải tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn (J. Guennou, MEP, tr.144). Vì coi trọng đời sống Phụng vụ, ngài muốn Thánh lễ và các giờ kinh cử hành thật trang nghiêm, sốt sắng, nhất là các ngày lễ, để tôn thờ Thiên Chúa cách xứng hợp (H. Chappoulie, Sđd, tr. 143, 148 – 149).

  1. Lòng yêu mến Thánh Giá

Đức Cha Lambert tha thiết yêu mến Thánh giá Chúa Giêsu và khát khao đồng hóa với Người trong mầu nhiệm Tử nạn. Ngài muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế và sẵn sàng cho Người mượn thân xác để tiếp tục hy sinh. Có lần ngài nói với các linh mục của mình: “Hãy học hỏi Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”. Thậm chí ngài còn quả quyết: “Người Kitô hữu nào không chịu đau khổ thì chỉ có cái vỏ của lòng đạo đức” (B. Jacqueline, Sđd, tr. 226).

Sau bốn mươi ngày tĩnh tâm tại Juthia năm 1662, ngài chọn châm ngôn: “Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi”, và ngài đã đặt tên gọi “Mến Thánh Giá” cho Hiệp Hội Giáo Dân Tông Đồ và Dòng nữ đầu tiên được thành lập tại Châu Á, mang dấu ấn kinh nghiệm thiêng liêng của ngài về cuộc gặp gỡ ân tình với Chúa Cứu Thế trong Mầu nhiệm tự hạ. (Pl 2, 6-8).

  1. Tinh thần khổ chế

Đức cha Phêrô Lambert sống khắc khổ ngài thường xuyên đánh tội, ăn chay kiêng thịt và rượu, trừ ba ngày lễ lớn: Giáng Sinh, Phục Sinh và Hiện Xuống. Về điểm này, ngài đã chịu ảnh hưởng của cha Hallé (x. số 3), ông Jean de Bernierès de Lougvigny (x. số 3) và các tăng lữ Phật giáo Thái Lan (x. số 14). Tinh thần khổ chế của ngài được phản ánh rõ nét trong các bản quy luật của Hội Tông Đồ, Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế và Dòng Nữ Mến Thánh Giá.

  1. Tinh thần nghèo khó, khiêm nhường

Khi còn là Linh mục, Đức Cha Lambert tự nguyện dâng tài sản cho chương trình truyền giáo Viễn Đông (x. số 6). Trong cơn bệnh nguy tử tại Lyon năm 1660, ngài xin được chôn cất như những người nghèo khó (x. số 8) và sau đó tại Juthia, ngài muốn nhường chức Giám mục cho một người khác (x. số 9). Theo cha A. Launay, nét nổi bật trong tính tình của Đức Cha Lambert là tự nguyện ham thích tìm kiếm sỉ nhục cho mình.

  1. Lòng sùng kính Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse

Đức Cha Lambert yêu mến đặc biệt Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse. Ngài quý chuộng kinh Mân Côi (x. Ltk, IV, 6) và tuần cửu nhật kính Đức Trinh Nữ. Ngài dành cho Đức Mẹ tước hiệu đầy vinh dự “Đấng Sáng Lập các miền truyền giáo của chúng tôi” (A. Launay, Đàng Trong I, tr. 209). Ngài nhận Thánh Giuse làm Quan Thầy Dòng Mến Thánh Giá (x. Ltk, IV, 14), chủng viện chung, nhà thờ, nhà thương tại Juthia, Giáo Hội Đàng Ngoài, Đàng Trong và Đông Á.

Chương II: Đời sống tông đồ

  1. Hồn Tông đồ

ĐứcCha Lambert có ý niệm cao về đời sống người tông đồ. Theo ngài, người tông đồ:

Có đời sống trổi vượt phi thường để tạo uy tín và gây ảnh hưởng tốt nơi môi trường truyền giáo.

Có tinh thần khổ chế, nghèo khó, để chung mọi của cải (x. Công đồng Phố Hiến, điều 10) và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Ngài viết: “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức bác ái phi thường của các thừa tác viên”.

Kết hợp hy sinh với cầu nguyện để “thân xác phục tùng tinh thần nhờ khổ chế và tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện. Đời sống người tông đồ là một cuộc chết liên lỉ”.

“Là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Kitô”.

Không cậy dựa vào tiền bạc, sự thông thái của mình hoặc thế lực quan quyền vua chúa nhưng “chỉ dùng những phương tiện Phúc Âm đề ra”. Đó là rao giảng Lời Thiên Chúa với lòng tín thác vô biên, với tinh thần bác ái vô hạn, tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu và với một tấm lòng cầu nguyện liên lỉ. Đức Cha Lambert nhắn nhủ các vị thừa sai: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng”.

Có thái độ hiền lành, khiêm nhường và kính trọng khi tiếp xúc với các tín đồ của các tôn giáo bạn.

  1. Tinh thần phục vụ

Đức Cha Lambert thể hiện lòng nhiệt thành đối với việc cứu rỗi các linh hồn và phục vụ hạnh phúc tha nhân bằng nhiều cách:

  1. Rao giảng Phúc Âm cho lương dân và hy sinh cầu nguyện cho họ được trở lại với Chúa (x. Ts 22; Ltk III, 1).
  2. Quan tâm tới việc rửa tội cho trẻ em lâm cơn nguy tử (x. Ts 12d; Ltk III, 4).
  3. Giáo dục nhân bản và văn hóa cho giới trẻ (x. Ts 9; Ltk III, 2).
  4. Săn sóc bệnh nhân và giúp người nghèo khổ (x. Ts 3 – 4; Ltk III, 3).
  5. Cứu vớt những phụ nữ trụy lạc (x. Ts 22; Ltk III, 5).
  6. Tinh thần thích nghi

Đức Cha Lambert cũng thao thức hội nhập và thích nghi vào văn hóa các dân tộc Á Châu. Để việc rao giảng Tin Mừng đem lại kết quả phong phú, ngài học tiếng Thái Lan và Việt Nam. Ngài còn muốn noi theo lối sống khắc khổ và chiêm niệm của tăng lữ Phật giáo tiểu thừa. Không những ngài xây chủng viện Thánh Giuse tại Juthia theo kiến trúc Thái Lan, mà cón cho phép các thừa sai Pháp mặc áo cà sa màu vàng đi giảng đạo cho các phật tử (J. Guennou, MEP, tr. 191 – 192).

  1. Xây đựng Giáo Hội địa phương

Đức Cha Lambert góp phần quan trọng vào việc xây dựng hàng giáo sĩ địa phương:

a.Ngài cùng với Đức Cha François Pallu thành lập Hội Thừa Sai Paris đảm trách việc truyền giáo ở Đông Á.

b.Ngài lập Chủng viện Thánh Giuse tại Juthia.

c.Ngài phong chức cho những linh mục Việt Nam đầu tiên tại Juthia năm 1668. Chính ngài cũng cử hành hai lễ phong chức linh mục đầu tiên trên đất nước Việt Nam tại Đàng Ngoài năm 1670 và Đàng Trong năm 1676.

d.Ngài cùng với Đức Cha François Pallu đã thành công trong cuộc thương lượng của Tòa Thánh về chương trình Viễn Đông, đáng kể là việc bổ nhiệm những vị Đại Diện Tông Tòa cho các xứ truyền giáo theo sự gợi ý của cha Đắc Lộ. Định chế mới này được Đức Hồng Y Marvella vào năm 1936 đánh giá như là “cuộc cách mạng triệt để nhất và bất ngờ nhất trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội”.

  1. Tinh thần đồng trách nhiệm

Đường hướng mục vụ của Đức Cha Lambert mang tính cởi mở, phát huy tinh thần đồng trách nhiệm. Khi tới miền truyền giáo nào, ngài liền tổ chức Công đồng địa phương để hoạch định đường hướng mục vụ.

  1. Xây dựng dòng tu địa phương

Đức Cha Lambert coi trọng vai trò của người tu sĩ, nhất là nữ tu, đối với công cuộc Phúc Âm hóa. Ngài lập Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài năm 1670, Đàng Trong năm 1671 và Thái Lan năm 1672.

Như thế, ngài đã thực hiện đầy đủ ơn linh hứng nhận được trong cuộc hành hương Annecy năm 1657. Đó là hàng giáo sĩ giới nữ tu phải cộng tác, bổ túc cho nhau trong việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô tại các miền truyền giáo: “Trong tay Hội Thánh Công Giáo, linh mục và nữ tu là hai nguồn mạch tuôn đổ đức tin và đức ái xuống trên một đất nước: Linh mục là hiện thân của lòng nhiệt thành, liều mạng như một chiến sĩ xông pha nơi trận tuyến đầy nguy hiểm còn nữ tu là biểu tượng cho sự trong trắng và kết hợp đời sống cầu nguyện với công việc bác ái phục vụ.

Phần gia nghiệp của Linh mục là chinh phục các linh hồn. Phần gia nghiệp của nữ tu là thoa dịu những nỗi khổ đau của tha nhân. Hai sứ mạng của đạo Công Giáo, trong đó linh mục được lương dân ngưỡng mộ như một anh hùng; còn nữ tu được họ tôn kính như một thiên thần. Hai hình thức dấn thân phục vụ này liên kết với nhau sẽ diễn tả cách viên mãn tính năng động của Kitô Giáo là một tổng hợp huyền nhiệm giữa sức mạnh và sự diụ hiền, giống như ngày xưa trên Núi Sọ, mẫu người trinh nữ đã cùng với mẫu người tông đồ tham gia vào công cuộc Cứu Thế” (x. Ts 5).

  1. Thao thức hiệp nhất

Đức Cha Lambert rất thao thức về sự hiệp nhất trong Giáo Hội, hiệp nhất giữa chủ chăn và dân Chúa, giữa những người làm việc tông đồ với Tòa Thánh Rôma. Ngài quyết tâm hy sinh mạng sống để bảo vệ quyền lợi và uy tín của Tòa Thánh trước sự tấn công của bất cứ người nào.

LỜI KẾT

Nơi chân dung tinh thần của Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte, người ta cảm nhận được nhân cách phong phú và sự kết hợp hài hòa giữa những cực đoan. Ngài vừa nghiêm khắc vừa nhân từ, vừa cương nghị vừa khiêm nhu, vừa mực thước vừa giàu óc sáng tạo thích nghi. Ngài mang nhiều nỗi ưu tư nhưng thâm sâu luôn an bình thanh thản. Đặc biệt, ngài có tâm hồn chiêm niệm sâu sắc, luôn quy hướng về Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh giữa những hoạt động tông đồ đa dạng.

Tên tuổi ngài gắn liền với sự nghiệp thừa sai, là Đấng Sáng lập Hàng Giáo Sĩ và Dòng Nữ Mến Thánh Giá, như hai cột trụ của công cuộc Phúc Âm hóa miền Viễn Đông.

Ngài được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển đạt ơn đoàn sủng cho Dòng Mến Thánh Giá. Chính Đức Cha Lambert đã sống đoàn sủng này trong đời sống thiêng liêng và tông đồ, đến mức độ trở thành mẫu mực cho con cái mình là các nữ tu Mến Thánh Giá.

Trả lời