Kỹ Năng Tự Phục Vụ Của Trẻ Trong Trường Mầm Non

Giáo dục kỹ năng tự phục vụ là một nội dung rất cần thiết để giúp trẻ phát triển bản thân một cách có định hướng, nuôi dưỡng và hình thành nên những thói quen tốt ở mọi lúc mọi nơi. Kỹ năng tự phục vụ chính là chìa khóa cho sự tự lập, sự phát triển toàn diện của mỗi người. Vì vậy việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với lứa tuổi mầm non. Đó là phương tiện không thể thiếu để gíúp trẻ tăng năng lực hội nhập, tích cực, chủ động, sáng tạo, tự tin vững vàng.

Kỹ năng tự phục vụ là những thói quen sinh hoạt thường ngày trong giao tiếp và ứng xử của trẻ đối với bản thân và những người xung quanh. Tập những kỹ năng tự phục vụ cho trẻ, từng bước hình thành nhân cách sống cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được đưa lên hàng đầu. Nếu các con không có kỹ năng tự phục vụ bản thân, các con sẽ không thể chủ động và tự lập trong cuộc sống hiện đại. Trẻ ở lứa tuổi mầm non rất thích tự làm những công việc vừa sức của mình để phục vụ cho bản thân. Hiểu được điều này, các cô luôn khuyến khích trẻ rèn luyện tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Các con rất hào hứng khi được giúp cô giáo những việc đơn giản như: chuẩn bị bàn, ghế cho giờ học, giờ ăn hay tự mình sắp xếp đồ dùng ngay ngắn để vào cặp. Trong giờ ăn, các bé được tập cách bê bát ăn cơm một cách cẩn thận về chỗ ngồi của mình và sau khi ăn xong các bé biết tự mang bát đến khu vực quy định. Đối với trẻ mới vào lớp chưa quen kĩ năng tự phục vụ bản thân thì những trẻ đã được học trước sẽ trở thành người hướng dẫn cho bạn mới. Những lúc như vậy các cô giáo luôn chú ý khen ngợi, động viên, khuyến khích trẻ và trẻ luôn vui thích và cố gắng phát huy những kĩ năng tốt này. Các cô luôn tạo điều kiện để trẻ học những kĩ năng sống vì những trải nghiệm sẽ giúp trẻ thích ứng nhanh với môi trường xung quanh, phát triển tính nhanh nhẹn, khả năng tư duy, ý thức tự giác và tinh thần tập thể.

Ở độ tuổi mầm non để đưa các cháu vào nề nếp thói quen thật sự không hề đơn giản. Thực tế các cháu còn rất bé, chưa có ý thức được như các anh chị lớn, điều này cũng là thử thách lớn cho cô giáo. Muốn tạo cho trẻ được thói quen thường xuyên phải luôn nhẹ nhàng gần gũi và tình cảm với trẻ để uốn nắn trẻ hoặc thông qua các bài hát, bài thơ, câu chuyện trò chơi có nội dung nói về nề nếp thói quen để trẻ phần nào liên hệ tới bản thân mà ngoan hơn và biết vâng lời cô giáo.

Ví dụ: Rèn luyện cho trẻ thói quen biết chào hỏi thông qua các bài hát như: Lời chào buổi sáng, Mẹ yêu không nào. Qua các bài thơ rèn cho trẻ thói quen khi chơi xong biết cất dọn đồ chơi như:

“Bạn ơi hết giờ rồi

Nhanh tay cất đồ chơi,

Nhẹ tay thôi bạn nhé.

Cất đồ chơi đi nào”.

+ Thông qua các bài thơ dạy cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn như

Bài thơ: “Rửa tay cho sạch”

“Cô dặn bé

Trước giờ ăn

Khi tay bẩn

Phải rửa ngay

Với xà phòng

Bé ghi lòng

Lời cô dặn.”

Còn rất nhiều câu chuyện, bài thơ, bài hát, đồng dao, ca dao mà thông qua những nội dung đó trẻ học kỹ năng tự phục vụ

Ngoài việc giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ ở nhà trường, các bậc phụ huynh kết hợp chặc chẽ với nhà trường trong việc tập cho trẻ những kỹ năng tự phục vụ khi ở gia đình.  Tránh làm thay trẻ, cần tập và lặp đi lặp lại để trẻ hình thành thói quen. Người lớn nên là một tấm gương khi áp dụng các cách giáo dục con cái với các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Giáo viên và các phụ huynh luôn có những biện pháp khen thưởng, khích lệ, động viên công nhận trẻ đã hoàn thành công việc nào đó và đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm như trẻ tự cất và lấy dép khi đến trường, dọn gối sau khi ngủ dậy, phụ kê bàn ghế chuẩn bị bữa ăn.

  • Các biện pháp áp dụng thực hiện

+ Trong giờ đón, trả trẻ cô giáo rèn trẻ biết chào hỏi, cất đồ dùng cá nhân đúng nơi quy định.

+ Rèn một số kĩ năng cho trẻ thông qua hoạt động ngoài trời.

+ Rèn cho trẻ thực hiện một số quy định của lớp thông qua hoạt động học

+ Rèn cho trẻ một số hành vi và quy tắc ứng xử xã hội trong hoạt động vui chơi.

+ Rèn cho trẻ một số kỹ năng tự phục vụ trong giờ ăn, giờ ngủ, khi vệ sinh

+ Sử dụng các tình huống có vấn đề ở mọi lúc mọi nơi để rèn kỹ năng tự phục vụ cần thiết cho trẻ.

+  Phối kết hợp giữa cô giáo và cha mẹ trẻ

Tóm lại:  Việc rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non cần được áp dụng càng sớm càng tốt và là phương pháp rất quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ. Trong việc rèn luyện nề nếp thói quen cho trẻ trong học tập, vui chơi, ăn ngủ, vệ sinh tự phục vụ bản thân của trẻ không phải nói mà có được, mà cô giáo và các bậc phụ huynh là người phải thật sự nhiệt tình nhẹ nhàng dìu dắt trẻ dần dần từng bước, nhẹ nhàng, ân cần, động viên, khích lệ, khen thưởng trẻ để trẻ tự tin hứng thú thực hiện các hoạt động trong ngày cách tốt nhất.

Cộng Đoàn Ân Phúc – Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn

Một số hình ảnh:

 

Trả lời