BÀI 3: ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG THIẾU NHI THÁNH THỂ

  1. HUYNH TRƯỞNG THIẾU NHI THÁNH THỂ LÀ AI?

Theo từ điển Việt Nam:

  • Huynh là anh.
  • Trưởng là người dẫn đầu.

Huynh trưởng là một người anh cả, là người dẫn đầu của một nhóm, một đoàn thể.

– Trưởng còn là trưởng thành. Huynh trưởng là một người đã trưởng thành về cả hai mặt:

  • Tự nhiên: Thành một người tốt (tư cách, tác phong, đức tính)
  • Siêu nhiên: Thành Một Kitô hữu tốt (đời sống đạo đức)

Định nghĩa đề nghị: Huynh trưởng TNTT là Kitô hữu được mời gọi, sai đi, tham gia vào công tác tông đồ của Giáo Hội. Huynh trưởng là người trưởng thành, đã được đào tạo có tư cách, tác phong, đạo đức và những đức tính tốt để trở thành một người anh hướng dẫn các em Thiếu Nhi.

  1. ƠN GỌI CỦA HUYNH TRƯỞNG

Trải dài hàng ngàn năm lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã mời gọi rất nhiều người.

  • Thời Cựu Ước:

Khoảng năm 1800 TCN, Chúa đã gọi Abraham với vợ là Sara, hai ông bà rời bỏ quê hương lên đường từ Haran đi xuống Canaan sống đời du mục nay đây mai đó. Họ không có con cái và ông bà cũng đã cao niên. Chúa gọi và ông đã đáp lời. Ông được chúc phúc là tổ phụ của Israel, và là tổ phụ của những người tin. (St 12,1-5)

Chúa cũng đã gọi các tiên tri Êlia, Isaia, Giêrêmia, Êdêkiel và riêng tiên tri Samuel, Chúa gọi không phải một lần mà tới ba lần (1Sm 3,4-10)

  • Thời Tân Ước:

Khi bắt đầu công cuộc rao giảng Chúa Giêsu đã gọi 12 tông đồ: Phêrô, Andrê, Gioan, Giacôbê (Mt 5,18-22); Mathêu (Lc 5, 27-28)… và các tông đồ khác. Vào thời sơ khai của Giáo Hội, Chúa đã gọi Phaolô khi ông đang trên đường bách hại Giáo Hội (Cv 9,1-6) .

Và thời nay, Ngài còn tiếp tục mời gọi những người nam, người nữ dâng mình cho Ngài để phục vụ trong cánh đồng truyền giáo.

Như vậy, một khi ai đó được Chúa gọi, là để được Ngài trao cho một sứ mệnh, yêu cầu người đó tự do đáp trả tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi người mà thi hành sứ mệnh được trao.

  • Vậy Ơn gọi là lời Thiên Chúa ngỏ với người Ngài muốn chọn và ủy thác cho họ một sứ mệnh đặc biệt trong ý định cứu rỗi của Ngài.

Huynh trưởng TNTT là những Kitô hữu, qua Bí tích Thánh Tẩy được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, được chia sẻ sứ mạng với các tông đồ. Chúa không trực tiếp mời gọi chúng ta nhưng thông qua Giáo Hội, chúng ta được mời gọi, được sai đi, được tham gia vào công tác tông đồ của Giáo. Người Huynh Trưởng ý thức rằng ơn gọi của mình là xuất phát từ chính Chúa, và cũng vì tình thương mà chính Người đã chọn gọi họ.

 Với mỗi người huynh trưởng TNTT hôm nay, chúng ta được mời gọi phục vụ cho thiếu nhi, đôi khi chúng ta phân vân không biết mình có ơn gọi hay không? Mỗi người huynh trưởng chúng ta hãy cầu nguyện và tự trả lời những câu hỏi sau:

  • Tôi có thực sự yêu mến Chúa Giêsu không?
  • Tôi có thực lòng yêu mến các em thiếu nhi không?
  • Tôi có sẵn lòng hy sinh để phục vụ các em không?
  • Tôi có muốn giúp các em mỗi ngày nên tốt hơn không?

Chân thành trả lời những câu hỏi ấy và nếu có những phản ánh tích cực cho những câu hỏi như thế, thì đó là tín hiệu để nhận ra tôi đang có “ơn gọi”.

III. SỨ MẠNG CỦA HUYNH TRƯỞNG

Sứ mạng là trách vụ mà một người đảm nhận cách tự nguyện hay lãnh nhận từ một lý tưởng hoặc được cấp trên trao phó. Sứ mạng của Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh Thể là điều khiển, dạy dỗ, giáo huấn Thiếu nhi theo tôn chỉ mục đích phong trào. Sứ mạng ấy làm cho chúng ta trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc hoàn hảo hóa con người. Người Huynh trưởng tìm kiếm nước Thiên Chúa qua sự chăm sóc, nâng đỡ các em Thiếu nhi được trao phó cho mình.

Phục vụ cho Thiếu nhi là cách gieo mầm Lời Chúa bằng chính chứng tá sống động và gương mẫu của người huynh trưởng, sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống và suy nghĩ của các em. Ngày nay người ta tin vào những người chứng hơn là những lời rao giảng. Người huynh trưởng hôm nay phải có một nền linh đạo vững chắc, một vốn giáo lý phong phú, đồng thời phải sống đạo cách cụ thể.

Ơn gọi và sứ mạng của Huynh trưởng TNTT thật cao đẹp, góp phần xây dựng tương lai cho xã hội và Giáo hội đồng thời giúp định hướng đời sống cho các em, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì mỗi trẻ là một thế giới riêng và giáo dục con người đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Chỉ vận dụng tài năng, kiến thức và lòng nhiệt thành bản thân thì chưa đủ, cần có một tấm lòng, một đời sống nội tâm sâu sắc, vững vàng qua việc cầu nguyện liên lỷ và năng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể là vị tướng và lý tưởng của Phong trào: “Hãy học với Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng thật trong lòng”

Lòng nhiệt tình tông đồ thường bị cám dỗ, ngăn trở, làm cạn nhiệt huyết bởi sự nhàm chán trong công việc: những vướng bận của đời tư như bận học hành, công ăn việc làm (có khi là giả tạo), những thất bại trong việc tông đồ, sự bất đồng giữa anh chị em cùng làm việc, sự bất mãn với bề trên.

Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy, khi “những sự ấy” xẩy ra, hãy biết rằng đã từ lâu ta Làm Việc Chúa mà không có Chúa. Để thi hành sứ mạng làm Tông Đồ cho Thiếu Nhi, hãy sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh và Làm việc tông đồ.

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG CẦN LƯU Ý
  2. Đời sống của người người Huynh trưởng

Người Huynh trưởng phải có đời sống tự nhiên và siêu nhiên. Một Huynh trưởng cần phải có:

  1. Tác phong đứng đắn

Là những đức tính xã hội trong việc giao tiếp, ứng xử và làm việc với người khác. Huynh trưởng giỏi phải biết tự chủ bản thân trong lời nói, suy tư và việc làm, không dễ dàng nóng giận, luôn khiêm tốn và hiền lành.

Luôn có tác phong đường hoàng, tư cách đúng đắn trong mọi môi trường, mọi lãnh vực sống: Nơi gia đình, học đường, ngoài xã hội, nhất là trong Giáo Xứ và đặc biệt là trong đoàn đội của mình.

Tất cả y phục, cách ăn nói, cử chỉ, đi đứng, lúc điều khiển là những điểm giúp cho tác phong của người Huynh trưởng thêm đứng đắn.

  1. Đạo đức vững vàng

Đây mới là vấn đề căn bản nhất, và là hồn của người Huynh trưởng. Nói đến “đạo” nghĩa là người Huynh trưởng phải hiểu biết “đạo”, sống “đạo”. Và như Chúa Giêsu đã dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì” (Lc 9, 25). Như thế có nghĩa là lòng đạo đức phải đứng hàng đầu trong tất cả các ưu điểm của cuộc sống.

Một người Huynh trưởng giỏi phải là người gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, siêng năng tham dự thánh lễ, năng xưng tội và tham gia những công việc đạo đức, siêng năng học giáo lý, biết rành về lẽ đạo, về những luật đạo Công Giáo, rõ các nghi thức phụng vụ. Ngoài ra còn phải chuyên chăm học hỏi và yêu mến lời Chúa,biết làm hài lòng Chúa bằng việc tuân giữ lời Chúa dạy…

  1. Công tác nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn của người Huynh trưởng
  2. Nghiên cứu

Khi được tuyển chọn làm Huynh trưởng, người huynh trưởng phải cẩn phải:

  • Biết tự học, tự huấn luyện mình có thêm những kĩ năng mới. Có tầm nhìn xa hơn về TNTT địa phương và trung ương.
  • Tập có sáng kiến phát minh về những hoạt động TNTT theo hướng phát triển của Liên đoàn.
  1. Giảng dạy: Huynh trưởng là người giảng dạy thiếu nhi, nên phải:
  • Biết soạn và dạy bài giáo lý, bài khóa TNTT hấp dẫn, thu hút các em thiếu nhi.
  • Biết dạy bài giáo lý theo phương pháp TNTT để đạt kết quả cao.
  • Có thiên hướng về con người hơn các hoạt động khác, nên phải tìm hiều tâm lý các lứa tuổi, tâm lý sư phạm, có tâm hồn tông đồ hướng về thiếu nhi.
  • Tìm hiểu, sưu tầm và sáng tác những hoạt động thực hành, những dụng cụ học tập trực quan và những phương pháp thích ứng huấn luyện, sinh hoạt, thực hành.
  1. Hướng dẫn: Huynh trưởng là người hướng dẫn các em thiếu nhi, nên cần phải:
  • Biết tất cả các hoạt động, kỹ năng, kỹ thuật và có kinh nghiệm thực hành tuy không thuộc sở trường tất cả.
  • Biết cách hướng dẫn thiếu nhi thực hành những phương pháp tự nhiên và siêu nhiên trong việc giáo dục thiếu nhi. Cho thiếu nhi thực hành thường xuyên theo kế hoạch để thiếu nhi có ý thức và thành thực nhất là những hoạt động không bắt buộc.
  • Thiết kế những hoạt động thực hành để rèn luyện thiếu nhi: tháo vát, nhạy bén, phản xạ nhanh, quan sát tốt, giải quyết hiệu quả, hướng thượng và có tinh thần khoan dung đón nhận,…

Trả lời