Bài 28: Chương Trình Dài Hạn Cho Đoàn

BÀI 28: CHƯƠNG TRÌNH DÀI HẠN CHO ĐOÀN

  1. DẪN NHẬP

Muốn Đoàn hoạt động điều hòa, sinh động vui tươi, mỗi Trưởng phải có một chương trình sinh hoạt cho đơn vị của mình. Chương trình sinh hoạt có thể là chương trình ngắn hạn hoặc dài hạn. Ngắn hạn là 1 tháng, ba tháng. Dài hạn là một năm hoặc cả một nhiệm kỳ hai hoặc ba năm.

  1. SOẠN MỘT CHƯƠNG TRÌNH DÀI HẠN

Muốn đề ra chương trình dài hạn đoàn trưởng cần phải lưu ý những điểm sau:

  1. Xác Định Rõ Mục Đích Nhắm Đến

Nhớ mục đích chính của đoàn TNTT là giáo dục thiếu nhi về hai phương diện SIÊU NHIÊNTỰ NHIÊN, để các em trở nên những Kitô hữu hoàn hảo và những con người kiện toàn, đồng thời đoàn ngũ hoá và hướng dẫn các em truyền thông Tin Mừng và góp phần xây dựng xã hội. Mọi hoạt động trong chương trình đều phải nhắm góp phần từng bước đạt được mục đích nêu trên. Đặc biệt phải biết quan sát tình hình thực tế nơi Xứ đoàn. Cần nhận định xem, đoàn đang ở vị trí nào trên đường đạt tới mục đích. Từ đó, Đoàn trưởng đưa ra chương trình làm việc để thực hiện mục tiêu đề ra.

  1. Xác Định Rõ Đối Tượng Và Thời Gian Thực Hiện

Chương trình dài hạn này soạn cho cấp nào, Ngành nào? Lứa tuổi, tâm lý và trình độ hiểu biết ra sao? Chương trình dài hạn sẽ thực hiện trong khoảng thời gian bao lâu? Khi nào bắt đầu và khi nào chấm dứt? Trong thời gian đó có những dịp lễ lớn nào? Có những ngày nghỉ nào để sắp xếp chương trình sinh hoạt cho thích hợp.

3. Xác Định Và Phân Bố Nội Dung Cần Thực Hiện

  1. Xác định nội dung: Chương trình dài hạn của Đoàn thường bao gồm: Giáo lý, Nhân bản, Phong trào và Kỹ năng chuyên môn. Ngoài ra, gồm các sinh hoạt thường xuyên như hội họp, huấn luyện bồi dưỡng huynh trưởng và tông đồ đội trưởng, lễ tuyên hứa, thăng cấp đoàn sinh và đội trưởng. Kế đến là các chương trình không thường xuyên như các chiến dịch thi đua, công tác từ thiện bác ái.

Mặc dù việc soạn thảo một chương trình dài hạn cho Đoàn thường tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi Đoàn, mỗi địa phương. Nhưng cũng không được đi ra ngoài khuôn mẫu chung của Phong Trào trong Chương trình Thăng tiến, trong việc huấn luyện đoàn sinh theo đúng Tôn Chỉ và Mục Đích của Phong Trào, về cả hai phương diện: SIÊU NHIÊNTỰ NHIÊN.

  1. Phân bố nội dung: Đoàn trưởng cần dựa vào nội dung và căn cứ vào tình hình thực tế của đoàn mình mà linh động sắp xếp, phân phối sao cho thích hợp. Đoàn trưởng cần phải biết chia đều các khóa, các tiết mục, các đề tài sao cho phù hợp với thời gian và không gian. Xen kẽ trong các bài học, trong chương trình học. Đoàn Trưởng cần có những sinh hoạt vui tươi, các hoạt động xen kẽ như nhảy múa, ca hát, picnic v.v… là điều cần thiết khi soạn thảo chương trình. Chương trình phải được sắp xếp thứ tự, phân chia rõ ràng từng phần: từ dễ đến khó, từ trình độ căn bản cho đến trình độ cao hơn; các bài học từ ngắn, dễ hiểu cho đến các bài học đòi hỏi nhiều cố gắng…

Đặc biệt cần lưu ý: Các đề tài của chương trình dài hạn cần có sự thực tế. Những thực tế hàng ngày các em phải đối diện trong đời sống nơi học đường, gia đình, đoàn thể, xã hội. Tránh những đề tài có vẻ trừu tượng, thiếu thực tế và chẳng giúp được gì trong đời sống hiện tại.

4. Những lưu ý khác

Sinh hoạt của Đoàn không thể hoàn toàn biệt lập, nhưng còn có liên quan và tuỳ thuộc vào người và môi trường xung quanh như cha Xứ, cha Tuyên uý, Hội đồng mục vụ giáo xứ, phụ huynh, chính quyền địa phương. Vì thế, chương trình dài hạn của Đoàn phải phù hợp với chủ trương, kế hoạch mục vụ của cha xứ và cha Tuyên uý, phù hợp với chương trình tổ chức của Hội đồng mục vụ giáo xứ, đáp ứng được mong đợi chính đáng của phụ huynh là những người mà chương trình dài hạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con em họ, không gây trở ngại cho trật tự công cộng.

Đoàn trưởng cũng nên tham khảo lịch phụng vụ, chương trình sinh hoạt của giáo xứ, Hiệp Đoàn và Liên Đoàn, để những sinh hoạt của Đoàn mình không gặp khó khăn vì sự trùng lắp về thời gian. Chương trình dài hạn thường được tính theo năm phụng vụ, nên các kế hoạch cũng được lần lượt sắp xếp theo lịch phụng vụ. Phải lưu ý những ngày lễ nghỉ trong đạo, cũng như ngoài đời, như ngày thi, mùa thi ở trường phổ thông hoặc đại học để tránh bị ảnh hưởng.

Đoàn trưởng cần có tầm nhìn xa và tiên đoán được trước những gì sẽ làm, diễn tiến từng phần ra sao với khả năng và sự sắp xếp đã được đặt ra trong chương trình dài hạn. Cụ thể:

Tiên liệu về các phương tiện thực hiện: Mỗi việc làm đều đòi hỏi một số phương tiện nhất định để hoàn thành. Thi đua cần có phần thưởng, phần thưởng cần có tiền; cắm trại cần có lều bạt, xe di chuyển; công tác từ thiện cần có người, và tiền để giúp đỡ… Do đó, khi lập chương trình dài hạn, đoàn trưởng cần biết trong tay mình có phương tiện tới đâu. Nếu không, phải vận động thế nào, ở đâu ra… để thực hiện chương trình. Có chương trình mà không có phương tiện là không có gì cả.

Tiên liệu về những bất trắc và lập kế hoạch dự phòng: nhằm đáp ứng tức thời những sự cố bất ngờ. Với những sự cố có thể thấy trước, nhưng chưa xảy ra (có huynh trưởng sẽ đi tu, lập gia đình hoặc du học v.v…), đoàn trưởng có kế hoạch chuẩn bị người thay thế hoặc điền khuyết. Đối với những biến cố không thể thấy trước (thuyên chuyển cha Tuyên uý, trường hợp ma chay, bệnh hoạn…) đoàn trưởng không thể chuẩn bị trước, nhưng cần có sáng kiến, bình tĩnh và linh hoạt để đối phó khi sự việc bất ngờ xảy đến.

  1. Quy Trình Thiết Kế Một Chương Trình Dài Hạn

Theo nguyên tắc: Đặt dưới sự hướng dẫn của hàng Giáo sĩ. Vì thế, khi xây dựng chương trình dài hạn cho Đoàn, đoàn trưởng cần tôn trọng ý kiến của cha Tuyên úy.

Các bước tiến hành như sau:

Bước 1: Đoàn trưởng trình bày ý hướng chương trình sinh hoạt của Đoàn, trong thời gian tới với cha Tuyên úy và xin ý kiến hướng dẫn. Đồng thời tham khảo chương trình hoạt động của Hiệp Đoàn, Liên Đoàn và hướng mục vụ của Giáo xứ.

Bước 2: Trên cơ sở ý kiến của cha Tuyên úy, đoàn trưởng phác thảo đôi nét về chương trình dài hạn với các huynh trưởng trong Ban điều hành và Hội đồng huynh trưởng để xin các trưởng góp ý.

Bước 3:  Trình bày chương trình dài hạn (bản dự thảo) trước các huynh trưởng để xin bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo.

Bước 4: Khi tạm hoàn chỉnh, đoàn trưởng nộp bản dự thảo, xin cha tuyên úy duyệt, sửa chữa, cho đến khi cha Tuyên úy chấp thuận cho phổ biến. Lúc này, chương trình mới được kể là chính thức của đoàn và mới được thực hiện.

  1. Lượng giá khi Chương trình kết thúc

Cuối cùng, khi kết thúc chương trình dài hạn, đoàn trưởng cần tổ chức tổng kết chương trình, nhằm ghi nhận lại mức độ kết quả của từng giai đoạn thực hiện với những ưu, khuyết điểm trong việc thực hiện, về nhân sự cũng như về phương tiện. Tìm nguyên nhân của sự thiếu sót nhằm đưa ra phương cách cho chương trình sau. Sau khi tổng kết, mọi người phải hiểu rằng kết quả là của chung, mọi người có quyền vui chung với thành công; thiếu sót cần được tha thứ, mọi người đều có trách nhiệm, phải cùng nhau cố gắng hoàn thiện. Không tự mãn cá nhân, cũng không đùn đẩy trách nhiệm.

III. KẾT LUẬ N 

–    Chương trình dài hạn cho Đoàn là cần thiết.

–    Muốn lập Chương trình năm cho Đoàn, cần có:

  • Nhân sự.
  • Phương tiện.
  • Hoàn cảnh thuận tiện.
  • Sự chấp thuận của cấp trên.
  • Sự cộng tác tích cực của các thành phần trong Đoàn.
  • Tầm nhìn sâu xa và xuyên suốt của Đoàn Trưởng.
  • Có Chương trình dài hạn tổng quát, cần có Chương trình ngắn hạn để chi tiết hóa công việc.

 “Đoàn ta” không phải là một hòn đảo. Nhưng có liên hệ và ảnh hưởng qua lại với cấp trên, với giáo xứ, Hiệp đoàn, Liên đoàn. Do đó, chương trình của Đoàn phải: phù hợp với chương trình của Cha Tuyên úy giáo xứ, Hiệp đoàn, Liên đoàn để tránh trùng hợp, dẫn đến tình trạng bị động hoặc “vỡ kế hoạch”.

Trả lời