Bài 14: Thu Gọn Và Trải Rộng Một Đề Tài

  1. KHÁI NIỆM

Đặt vấn đề “Cách thu gọn và trải rộng một đề tài” là giả thiết đã có một đề tài hoặc dài quá, nhiều chi tiết hoặc quá ngắn, quá đơn giản, không phù hợp với đối tượng, thời lượng để trình bày không đủ hoặc quá dư. Với đề tài quá dài, cần thu gọn lại; với đề tài quá đơn giản, cần trải rộng ra, làm cho phong phú hơn mà không thay đổi ý chính của đề tài.

II.THU GỌN ĐỀ TÀI

Thu gọn đề tài là làm cho bài ngắn lại, dễ hiểu hơn, có thể trình bày trong thời gian ngắn hơn. Để thu gọn đề tài, chúng ta nên:

Đọc đề tài nguyên thuỷ để biết:

  1. Biết ý chính của đề tài và ghi chép lại hoặc đánh dấu những điểm chính yếu cần thiết để đưa vào bài tóm sau này.
  2. Mỗi bài viết tác giả đều có đối tượng cụ thể, để sử dụng ngôn từ, cú pháp và cách trình bày ý tưởng, nói chung là văn phong của tác giả cho phù hợp. Văn phong là yếu tố quan trọng nhờ đó độc giả thích đọc hay không.

Văn phong viết cho người lớn, trẻ em khó hiểu; viết cho giới trí thức và chuyên môn, người bình dân khó hiểu, nên không muốn đọc, mà có đọc cũng chẳng tiếp thu được gì. Muốn thu gọn đề tài, trưởng phải tìm cách thay thế từ ngữ, cách diễn đạt, cú pháp cho phù hợp với đối tượng.

  1. Thời gian tính của đề tài: Cách suy nghĩ; cách nhìn, cách phê phán và đánh giá sự việc ở mỗi thời điểm khác nhau, nhất là hai thời điểm cách nhau quá xa (ba bốn mươi năm) hoặc ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ ngữ ở mỗi thời, mỗi giai đoạn lịch sử cũng được sử dụng khác nhau. Đôi khi những người sống trong môi trường xã hội, và được đào tạo ở một nền giáo dục cách đây ba bốn mươi năm không chấp nhận một số từ ngữ mới với ngữ nghĩa mới của xã hội hiện tại. Nhưng nên nhớ rằng ngôn ngữ sống động luôn thay đổi theo thời gian, theo sự tiến hoá của xã hội, là sinh ngữ, là quy ước của xã hội, dù muốn hay không cũng không thể quay ngược lại được.
  2. Địa phương tính của đề tài: Để truyền đạt ý tưởng, mỗi địa phương có một số từ ngữ, khái niệm khác nhau để chỉ chung một việc, một vật hoặc một tình trạng. Trưởng phải biết những khác biệt đó để thích nghi với địa phương.
  3. Thời lượng cần để trình bày đề tài nguyên thuỷ: Một đề tài có thể được viết ra hàng chục, hàng trăm trang hoặc cả một cuốn sách, độc giả có thể đọc và nghiền ngẫm trong vài ngày, vài tháng hoặc cả năm. Trưởng phải biết tóm tắt để vừa sức tiếp nhận của đối tượng và phù hợp với thời gian trình bày cho phép.

Tìm hiểu đối tượng cụ thể: Những nghiên cứu về tâm lý thiếu nhi tho biết đoàn sinh thiếu nhi có những đặc tính sau:

– Ngôn ngữ các em còn nghèo nàn, chưa hiểu được những từ có tính bác học hoặc triết học như “chủ thể, khách thể, suy tư, hiện tượng…”. Thay vào đó, trưởng có thể dùng từ quen thuộc hơn để thay thế như  “bản thân, người khác, suy nghĩ, hình ảnh…”. Hoặc đối với một câu phức tạp như: “Tôi, như các bạn đã biết, vốn xuất thân từ một gia đình thôn dã, không hội nhập được với lối sống của các bạn, những người từ bẩm sinh sống trên nhung lụa, mà chỉ quen với cách sống bình dân như tôi và đồng bào tôi đang sống mà thôi.” Có thể được viết lại: “Các bạn biết đó. Tôi sinh ra trong một gia đình thôn quê. Tôi chỉ quen với cách sống bình dân như tôi và đồng bào tôi đang sống, chưa quen với cách sống của các bạn là những người đã sống giầu sang từ lúc mới sinh ra.”

– Khả năng tập trung còn kém: Đối với bài học dài, trưởng có thể thu gọn cho phù hợp với khả năng của các em để các em dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu. Thí dụ, Bài 1 của sách Giáo Lý Bao Đồng 3, trưởng rút ý chính của bài:

Chúa tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày:

  • Ngày 1, ngày 2, ngày 3: công trình phân biệt.
  • Ngày 4, ngày 5, ngày 6: công trình trang trí.

Giáo huấn về việc tạo dựng của Thiên Chúa:

  • Thiên Chúa là đấng tạo dựng muôn loài
  • Mọi sự Chúa tạo dựng đều tốt đẹp và có tuần tự
  • Con người là tạo vật cao nhất của Thiên Chúa, là hình ảnh của Ngài
  • Thiên Chúa cho loài người làm chủ muôn loài.

Tâm tình cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đã tạo dựng con giống hình ảnh Chúa, xin cho con biết giữ vững niềm tin, để mọi người nhìn con sống mà nhận ra Chúa, tin Chúa và yêu Chúa.

III.TRẢI RỘNG ĐỀ TÀI

Mục đích của việc trải rộng đề tài là làm cho bài thêm chi tiết phong phú. Để trải rộng đề tài, trưởng nên:

 Đọc đề tài nguyên thuỷ để biết:

  1. Biết ý chínhcủa đề tài và ghi chép lại hoặc đánh dấu những điểm chính yếu cần thiết để khai triển thành bài rộng hơn, chi tiết hơn.
  2. Văn phong của đề tài: Mỗi bài viết tác giả đều nhắm đến đối tượng của mình để sử dụng ngôn ngữ, cú pháp và cách trình bày ý tưởng, nói chung là văn phong của tác giả theo cách nào đó cho phù hợp. Bài viết cho đề tài tóm tắt thường cô đọng, không mang tính văn chương, cốt chỉ để người đọc nắm ý chính. Người đọc sẽ không thoả mãn với những lời văn cộc lốc. Muốn trải rộng đề tài về mặt văn phong, trưởng cần: có vốn từ phong phú và khả năng điêu luyện về ngữ pháp để có thể quảng diễn ý tưởng bằng chữ viết mà không làm thay đổi mục đích nguyên thuỷ của đề tài; có nhiều kiến thức về nội dung đề tài đó. Nếu không đủ, trưởng phải đọc, tham khảo và nghiên cứu thêm từ những tài liệu liên quan khác.
  3. Thời gian tính của đề tài: Mỗi thời có cách suy nghĩ, cách nhìn, cách phê phán và đánh giá sự việc khác nhau, nhất là hai thời điểm cách nhau quá xa (ba bốn mươi năm) hoặc ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Từ ngữ ở mỗi thời, mỗi giai đoạn lịch sử cũng được sử dụng khác nhau, nên nhớ: ngôn ngữ sống động luôn thay đổi theo thời gian và sự tiến hoá của xã hội, sinh ngữ là quy ước của xã hội.
  4. Địa phương tính của đề tài:Để truyền đạt ý tưởng, mỗi địa phương có một số từ ngữ khác nhau để chỉ chung một việc, một vật hoặc một tình trạng. Trưởng phải biết những khác biệt đó để chuyển đổi ngôn ngữ trong bài viết và trong cách nói cho phù hợp.
  5. Thời lượng cần để trình bày đề tài: Một đề tài tóm tắt được viết nhằm mục đích cho người đọc có một cái nhìn tổng quát và có thể đọc trong thời gian ngắn, nhưng lại không đáp ứng nhu cầu của người muốn biết sâu rộng và chi tiết đề tài. Muốn trải rộng đề tài trưởng phải có nhiều kiến thức về nội dung đề tài đó. Nếu không, phải tham khảo và nghiên cứu thêm từ những tài liệu liên quan khác, nhưng vẫn phải lưu ý về thời lượng cho phép cũng như thời gian và địa phương tính của ngôn ngữ.
  6. Tìm hiểu đối tượng cụ thể:Đề tài trải rộng thường phục vụ những độc giả có kiến thức, có trình độ ngôn ngữ và có thời gian. Nhưng khi trải rộng đề tài, trưởng vẫn phải xác định đối tượng. Đối với độc giả là các trưởng, đã có vốn liếng ngôn ngữ và ngữ pháp nhất định, đề tài có thể không bị khống chế về ngôn ngữ. Thí dụ, Từ bài toát yếu của đoàn sinh, trưởng có thể trải rộng dùng làm bài giảng của mình, hoặc viết thành bài khoá cho các trưởng khác sử dụng. Trong trường hợp này, đối tượng đọc đề tài trải rộng của mình là các trưởng như mình. Xác định được đối tượng, trưởng sẽ dễ dàng trong việc chọn lựa hình thức và nội dung bài viết. Có lẽ các trưởng sẽ không thích đọc một đoạn văn với nhiều mệnh đề độc lập như: “Tôi sinh ra trong một gia đình thôn quê. Tôi chỉ quen với cách sống bình dân như tôi và đồng bào tôi đang sống. Tôi không làm quen được với cách sống của các bạn, Các bạn là những người đã sống giầu sang từ lúc mới sinh ra”, mà có lẽ thích đọc một câu phức gồm nhiều cụm từ và mệnh đề phụ như: “Như các bạn đã biết, vốn xuất thân từ một gia đình thôn dã, không hội nhập được với lối sống của các bạn, những người từ bẩm sinh sống trên nhung lụa, mà chỉ quen với cách sống bình dân như tôi và đồng bào tôi đang sống mà thôi.”

– Khả năng tập trung của các trưởng đã vững vàng: Các trưởng có khả năng tập trung lâu và chính xác để đọc, hiểu và nắm được những điểm chính, điểm phụ của bài.

Thí dụ, để có thể trải rộng đề tài từ một bài toát yếu của thiếu nhi để làm bài giảng hoặc bài khoá cho trưởng từ toát yếu bài 1 của sách Giáo Lý Bao Đồng 3, trưởng có thể soạn thành bài giảng hoặc bài khoá với nhiều chi tiết hơn:

Trưởng có thể trải rộng Bài toát yếu sau:

 “Chúa tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày:

  • Ngày 1, ngày 2, ngày 3: công trình phân biệt.
  • Ngày 4, ngày 5, ngày 6: công trình trang trí.
  • Ngày 7: Thiên Chúa nghỉ ngơi

Giáo huấn về việc tạo dựng của Thiên Chúa:

  • Thiên Chúa là đấng tạo dựng muôn loài
  • Mọi sự Chúa tạo dựng đề tốt đẹp và có tuần tự
  • Con người là tạo vật cao nhất của Thiên Chúa, là hình ảnh của Ngài
  • Thiên Chúa cho loài người làm chủ muôn loài.”
  • Bằng cách: Trích nguyên bản văn Sáng Thế về 6 ngày tạo dựng của Thiên Chúa.
  • Nói lên cách diễn tả công trình tạo dựng của Chúa bằng ngôn ngữ loài người, theo trình độ hiểu biết về vũ trụ của tác giả, dươi ảnh hưởng của văn hoá khu vực Cận Đông vào thời đại cách đây khoảng 3.000 năm.
  • Đứng trước những khám phá của khoa học về vũ trụ, nhất là về giả thuyết Darwin, trưởng phải có lập trường nào về vấn đề này.
  • Dự đoán những thắc mắc và câu trả lời.
  • Ý nghĩa của 6 ngày tạo dựng và ngày Sabat.
  • Giáo huấn về ngày Sabat.

Tâm tình cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đã tạo dựng con giống hình ảnh Chúa, xin cho con biết giữ vững niềm tin, để mọi người nhìn con sống mà nhận ra Chúa, tin Chúa và yêu Chúa. Lạy Chúa, con biết bí mật vũ trụ là sự bỏ ngỏ của Chúa để cho con khám phá, nhưng càng khám phá con người càng thấy Chúa quyền năng và đầy tình thương. Xin cho con biết dùng kiến thức và tài năng ngày một phát triển của con để ca ngợi quyền năng và tình yêu Chúa dành cho con và nhân loại Chúa đã dựng nên. (Nên nhớ, sau một bài giáo lý luôn luôn dẫn đến tâm tình cầu nguyện)

Trả lời