Bài 10: Phương Pháp Khung Cảnh Thánh Kinh

 

“Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu” – lời mà Thánh Giê-rô-ni-mô đã viết. Thánh Kinh trở thành sức mạnh nâng đỡ và là ánh sáng soi đường cho chúng ta. Chính vì lẽ đó, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) được xây dựng trên nền tảng
của Thánh Kinh. Đường lối, tôn chỉ và phương pháp đều dựa vào Lời Chúa, Lời Chúa bao trùm mọi hoạt động của Phong trào. Phong trào hoạt động trong khung cảnh Thánh Kinh.

Khung cảnh Thánh Kinh là 1 trong 5 phương pháp giáo dục siêu nhiên của Phong trào TNTT, giúp các em về đời sống tâm linh, khai mở, thăng tiến ý thức và sống mối tương quan với Chúa. Có thể nói, khung cảnh Thánh Kinh là một phương pháp sống động
nhằm mang đến cho các em Thiếu nhi một môi trường lành mạnh, vui tươi và thánh thiện, từ đó các em dễ nảy sinh tâm tình biết ơn và yêu mến Thiên Chúa.

Trong thư Mục vụ năm 2005 chủ đề “Sống Lời Chúa”, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định rằng: “Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể
của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu vềChúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời.

Nhìn chung, Ki-tô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.” Điều này có thể lý giải vì sao còn nhiều Thiếu nhi thờ ơ với Lời Chúa, không tha thiết với việc học hỏi Lời Chúa. Thêm vào đó, áp lực học văn hóa ngày càng nặng nề, và các phương tiện giải trí truyền thông trong thời công nghệ 4.0 đã phần nào làm giảm sút đi tinh thần hăng say học hỏi Lời Chúa của các em.

Vì thế, áp dụng phương pháp khung cảnh Thánh Kinh trong việc dạy và học Giáo lý góp phần tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn, cũng như gây được ấn tượng sâu sắc trong tâm trí, giúp các em nhớ bài lâu hơn. Như vậy, khung cảnh Thánh Kinh là gì, mục đích áp dụng trong sinh hoạt Phong trào TNTT và đâu là phương pháp vận hành khung cảnh Thánh Kinh một cách hiệu quả nhất, sẽ được khai triển trong bài luận này.

  1. KHUNG CẢNH THÁNH KINH LÀ GÌ?

Khung cảnh Thánh Kinh đích thực chính là khoảng không gian và thời gian trong lịch sử. Nơi đó, lúc đó diễn ra những việc Thiên Chúa làm cho nhân loại, những lời Thiên Chúa nói với con người, sau này được ghi lại trong Thánh Kinh . Lời Thiên Chúa nói với con người cách đây hơn 2000 năm nhưng vẫn còn thiết thực và sống động cho mọi người và nhất là vẫn còn có ích cho việc giáo dục Thiếu nhi Thánh Thể bằng khung cảnh Thánh Kinh.

  1. MỤC ĐÍCH ÁP DỤNG KHUNG CẢNH THÁNH KINH TRONG GIÁO DỤC THIẾU NHI THÁNH THỂ

Theo điều 4, Nội Quy Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể
Việt Nam: “Lời Chúa trong Thánh Kinh là nền tảng và là chất liệu đặc biệt Phong trào dùng để giáo dục, thánh hóa và hướng dẫn giới trẻ trong hoạt động tông đồ cũng như xã hội”. Phong trào TNTT nhận Chúa Giêsu Thánh Thể là Lý Tưởng, mọi thành phần trong Phong trào chọn đích điểm để đạt tới là Chúa Giêsu Thánh Thể.

Tài liệu Huấn luyện TNTT Việt Nam 2003 đã viết: “Một đoàn thể mà không có sinh hoạt là một đoàn thể hữu danh vô thực. Sinh hoạt mà không có tôn chỉ, không có mục đích, không được hướng dẫn thì chẳng khác nào “một bầy khỉ” vô tổ chức”. Vì thế, việc áp dụng các phương pháp TNTT nói chung và phương pháp khung cảnh Thánh Kinh nói riêng vào việc dạy và học Giáo lý nhằm nâng cao sự sinh động trong giảng dạy cũng như thúc đẩy tiến trình trưởng thành đức tin của các em một cách trực quan, giúp các em “vui mà học, học mà vui”.

Khung cảnh Thánh Kinh giúp các em Thiếu nhi dễ:

– Hiểu bài học bằng những hình ảnh trực quan, sinh động.

– Ghi nhớ và nhớ lâu bài học.

– Nâng cao niềm vui, niềm hứng khởi khi được nhìn thấy, được chạm vào và được sống trong bầu khí của Thánh Kinh.

– Học hỏi và noi theo gương Chúa Giêsu.

– Nảy sinh tâm tình biết ơn và yêu mến Thiên Chúa.

III. CÁCH ÁP DỤNG KHUNG CẢNH THÁNH KINH CHO ĐOÀN SINH

Thánh Kinh được bắt đầu từ công trình tạo dựng, toàn bộ lịch sử cứu độ đều quy hướng về một Con Người duy nhất, đó là Đức Giêsu Kitô. Phong trào TNTT chọn cuộc đời của Chúa Giêsu làm khung cảnh Thánh Kinh cho Thiếu nhi, giúp tạo môi sinh Thánh Kinh để các em thấu hiểu và sống đức ái (các em suy nghĩ, nói năng, hành xử theo các nhân vật trong Thánh Kinh).

Phong trào TNTT tạm chia khung cảnh Thánh Kinh theo lứa tuổi như sau:

– Ngành Ấu: thời thơ ấu của Chúa Giêsu.

– Ngành Thiếu: thời niên thiếu của Chúa Giêsu, cuộc sống ẩn dật tại Na-da-rét.

– Ngành Nghĩa: công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu.

– Ngành Hiệp: cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

  1. ẤU NHI – NGOAN – Thời thơ ấu của Chúa Giêsu

“Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,12)

Khung cảnh: biến cố Truyền tin/ Hang Bê-lem, các mục đồng viếng thăm/ cuộc di tản, tị nạn sang Ai Cập/ cuộc sống ngoan hiền/ siêng năng cần mẫn, cảnh gia đình đầm ấm, yêu thương.

Mục đích: giúp trở thành những em Ấu nhi ngoan ngoãn, đơn sơ, thật thà.

Chất liệu giáo dục: kể chuyện, ca hát, trò chơi, vẽ tranh, tô màu, xem phim.

Yêu cầu: ngắn gọn – dễ hiểu, đơn giản – cụ thể, giáo dục sự đơn sơ – thật thà,

có tinh thần cầu nguyện, biết ca tụng danh Chúa.

Tạo khung cảnh: tận dụng các ngày lễ lớn như: Lễ Truyền Tin, Lễ Giáng Sinh, Quốc tế thiếu nhi, Trung thu,… giúp các em nhỏ hình dung và noi theo gương Chúa Giêsu.

  1. THIẾU NHI – HY SINH – Thời niên thiếu của Chúa Giêsu

“Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,51-52)

Khung cảnh: cuộc sống hy sinh, vâng phục, chăm chỉ/ được cha mẹ dạy dỗ yêu thương/ biết phụ giúp cha mẹ.

Mục đích: giúp các em biết sống cho – sống cùng – sống với mọi người, biết hy sinh cho nhau, biết sống khiêm tốn và nhường nhịn.

Chất liệu giáo dục: việc làm, bài học, trò chơi, bài hát xoay quanh các đề tài Thánh Kinh.

Yêu cầu: ngắn gọn – dễ hiểu, đòi hỏi chút suy nghĩ, phù hợp với tầm hiểu biết và óc phán đoán.

Tạo khung cảnh: tập cho các em biết vâng lời và hy sinh theo gương Chúa Giêsu thời niên thiếu, biết suy nghĩ và trình bày ý kiến của mình, rèn luyện những tập quán tốt và những việc đạo đức.

  1. NGHĨA SĨ – CHINH PHỤC – Công cuộc rao giảng của Chúa Giêsu

“Đức Giêsu đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23)

Khung cảnh: Chúa Giêsu khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng và mạc khải cho con người biết về sứ vụ ơn cứu độ của Ngài.

Mục đích: giúp các em trở thành người trưởng thành, óc phán đoán, biết suy nghĩ độc lập, có lương tâm trong sáng, tinh thần bác ái vô vị lợi.

Chất liệu giáo dục: việc làm, bài học, trò chơi, bài hát xoay quanh các đề tài Thánh Kinh và các đề tài mang tính giáo dục.

Yêu cầu: khích lệ tinh thần dấn thân phục vụ, phù hợp với lứa tuổi đầy tiềm năng và nhiệt thành.

Tạo khung cảnh: noi gương Chúa Giêsu sống quảng đại, vị tha, mạnh mẽ, cứng rắn, không thỏa hiệp với thế gian tội lỗi. Tạo cơ hội cho các em tiếp cận và học hỏi Lời Chúa. Chiêm ngưỡng cuộc đời Thánh Phao-lô.

4. HIỆP SĨ – DẤN THÂN – Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu

Đỉnh cao cuộc đời hoạt động của Chúa Giêsu là cuộc tử nạn, cái chết và cuộc Phục sinh vinh hiển. Từ khung cảnh Thánh Kinh đó, các em Hiệp sĩ sống niềm tin của mình trong gia đình, trong giáo xứ, đến với các bạn bè, nơi khu xóm và nơi trường học.

  1. MỘT SỐ LƯU Ý KHI ÁP DỤNG KHUNG CẢNH THÁNH KINH CHO ĐOÀN SINH

Để tổ chức khung cảnh Thánh Kinh hiệu quả, Huynh trưởng TNTT cần phải:

  1. Hiểu Kinh Thánh

Cần đọc, nghiền ngẫm Lời Chúa một cách cẩn trọng. Kinh Thánh như một bức thư dài mà Thiên Chúa gửi cho mỗi người, gồm nhiều quyển, nhiều thể văn khác nhau, được diễn tả bằng ngôn ngữ và tâm thức của những người thuộc nền văn hóa cách xa chúng ta
cả về không gian lẫn thời gian.

Huynh trưởng – Giáo lý viên sẽ không dạy Kinh Thánh một cách chuyên sâu như những nhà chuyên nghiên cứu Kinh Thánh, bởi chính chúng ta không có khả năng ấy, và cũng không thể dạy các em theo cách ấy. Chúng ta sẽ dạy các em bằng con tim, bằng lòng xác tín của mình. Như vậy mới có thể truyền đạt sứ điệp Thánh Kinh đến với các em một cách gần gũi, sinh động, giúp các em vui học và dễ nhớ, qua việc tái dựng khung cảnh Thánh Kinh ngay trong Giáo xứ, hay gia đình nơi các em đang ở. Nhờ đó, các em mới có thể đáp trả và làm phát triển tình yêu mà Thiên Chúa hằng quan phòng qua thánh ý tốt lành của Ngài.

2. Hiểu tâm lý lứa tuổi

Khi tái dựng khung cảnh Thánh Kinh, người thực hiện cần nắm rõ đặc điểm của sự vật, sự việc mang tính biểu tượng. Bởi vì các biểu tượng phản ánh vào trong ý thức của các em dưới hình thức hình ảnh.

Trong giáo dục, ý nghĩa của biểu tượng là vô cùng to lớn
và không nên coi thường nó. Các kiến thức về hình dáng của biểu tượng đòi hỏi phải áp dụng phương pháp giảng dạy trực quan, ở mỗi một độ tuổi sẽ có khả năng ghi nhớ hình ảnh khác nhau.

Cụ thể:

– Tuổi Chiên – Ấu: tiếp cận những hình ảnh mang tính chất khái niệm, đơn giản, gần gũi và dễ hiểu.

Ví dụ: giới thiệu với các em về chân dung cậu bạn Giêsu càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, nhân đức.

– Tuổi Thiếu: bắt đầu phát triển óc quan sát, thường đi với các câu hỏi “vì sao?”, “tại sao?” và “như thế nào?”.

Ví dụ: giúp các em hiểu Chúa Giêsu đã lớn lên và sống tuổi niên thiếu như thế nào, vì sao Chúa Giêsu luôn vâng lời và yêu thương cha mẹ, Chúa Giêsu đã phụ giúp cha mẹ mình trong đời sống thường ngày như thế nào, v.v…

– Tuổi Nghĩa: bắt đầu hình thành khả năng phân định đúng sai, có chính kiến và quan điểm cá nhân.

Ví dụ: dạy các em về cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, những chân lý, những nội dung của sứ điệp và cách ứng xử của Ngài trên đường đi rao giảng. Đặc biệt nhấn mạnh tinh thần vâng phục Chúa Cha của Chúa Giêsu là bài học tinh thần trách nhiệm trong Hội Thánh, biết làm chứng cho đạo trong xã hội ngày hôm nay.

Ngoài ra, khung cảnh Thánh Kinh còn là một hình thức tạo ra môi trường vui chơi cho Thiếu nhi. Theo tâm lý học: “Trò chơi là một loại hoạt động riêng có ý nghĩa giáo dưỡng và giáo dục rất lớn trong cuộc sống con người. […] Trò chơi tạo tất cả những điều kiện để trẻ em biểu hiện nhu cầu tự nhiên về hoạt động, nó tạo đầy đủ nhất cho trẻ em những rung động thực tế nhất và quan trọng cho cuộc sống”[1].

Vì thế, việc hiểu được tâm lý của đoàn sinh trong việc tổ chức khung cảnh Thánh Kinh sẽ là phương tiện rất tốt để giáo dục toàn diện TNTT. Khung cảnh Thánh Kinh có thể tác động lên trí nhớ, trí tuệ, hoàn thiện các quá trình tri giác, tư duy, tưởng tượng của
các em, giúp các em biết yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn.

KẾT LUẬN

Cách hay nhất để dạy về Chúa Giêsu là dẫn các em vào trong khung cảnh cuộc đời của Ngài, để được sống với Ngài và nghe Lời của Ngài. Bên cạnh những bài học Giáo lý hay các sinh hoạt đạo đức như dâng ngày, dâng lễ, viếng Chúa, lần hạt,… thì việc tạo cho
các em Thiếu nhi môi trường thánh thiêng là một hoạt động không thể thiếu. Người Huynh trưởng – Giáo lý viên cần có sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, nhờ đó mà Lời Chúa thấm vào trong tâm hồn của anh chị, để anh chị có chất liệu vững chắc xây dựng khung cảnh Thánh Kinh thiêng liêng, sống động trước mắt các em.

[1] .A.Ruđich, Nguyễn Văn Hiếu dịch, Đức Minh hiệu đính (1986), Tâm lý học, Nxb Mir Maxcơva (Liên Xô) và Nxb Thể dục Thể thao Hà Nội

 

Trả lời