Giáo Hội là một gia đình cùng hiệp thông trong một thân thể Đức Kitô. Theo Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội luôn bao gồm đầy đủ ba thành phần là: Giáo Hội lữ hành gồm những người đang sống trên trần gian. Giáo Hội vinh quang gồm những người đã chết và nay đã được hưởng vinh quang trên Thiên đàng. Hội Thánh đau khổ gồm những linh hồn đang còn phải giam cầm nơi luyện ngục cần được thanh luyện trước khi được hưởng nhan thánh Chúa.
Sự hiệp thông thiêng liêng bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội và không chấm dứt bởi cái chết, nhưng nhờ sự Phục sinh của Đức Kitô, đã trở nên viên mãn trong cuộc sống vĩnh cữu. Có một sự ràng buộc sâu sắc và bất khả phân ly giữa tất cả chúng ta, những người còn đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế này, và những người đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tất cả những người đã được rửa tội còn sống trên trần gian này, các linh hồn trong Luyện Ngục và các thánh đã được hiển vinh trên Thiên đàng làm thành một gia đình tuyệt vời.
Mỗi người Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta chọn tên một vị thánh như vị thánh bổn mạng của mình. Khi nhận bí tích Thêm Sức, một lần nữa chúng ta chọn tên một vị thánh để trở thành gương mẫu trong đời sống đức tin lâu dài của chúng ta. Từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, các thánh đồng hành cùng chúng ta. Trong hành trình đức tin của mình, ai trong chúng ta cũng đã từng sống kinh nghiệm bất an, lạc lõng và thậm chí nghi ngờ? Tất cả chúng ta đã có kinh nghiệm này, bởi vì chúng ta là những con người, được ghi dấu bởi sự mong manh và những hạn chế. Vì thế mỗi người trong chúng ta cần có sự trợ giúp của các thánh qua lời chuyển cầu.
Chúng ta là con cháu của các thánh và chúng ta bắt chước các nhân đức nổi bật của các ngài: gương can đảm nơi các thánh tông đồ, các thánh tử đạo, gương thánh thiện nơi các thánh hiển tu, ẩn tu hay các đấng sáng lập dòng… Khi chọn các thánh làm quan thầy, chúng ta có ý hướng noi theo đời sống tốt lành của các ngài, cầu nguyện cùng với các ngài và xin các ngài chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta trước mặt Chúa vì các ngài hằng bên cạnh Chúa luôn.
Các thánh không tạo ra phép lạ, mà chỉ có ân sủng của Thiên Chúa tác động qua các ngài. Phép lạ được thực hiện bởi Thiên Chúa, bởi ơn thánh của Thiên Chúa hành động qua một người thánh thiện, một người công chính. Có những người nói, “Tôi không tin Thiên Chúa, tôi không biết, nhưng tôi tin vào vị thánh này”. Không, điều này sai. Thánh nhân là một người chuyển cầu, một người cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện với ngài, và ngài cầu nguyện cho chúng ta và Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Chúa, nhờ vị thánh. Như vậy, sự hiệp thông giữa đất và trời được thực hiện cách đặc biệt trong những lời cầu thay nguyện giúp. Chúng ta là những người tội lỗi không xứng đáng để được Chúa ban ơn, chúng ta cần chạy đến các thánh để xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cứu giúp chúng ta. Sau đây là một câu chuyện kiên trì cầu nguyện cùng Đức Mẹ:
Tại Pháp, có gia đình sĩ quan đạo đức, sùng kính Đức Mẹ thật tình, gia đình có bốn người con và thuê hai người giúp việc. Một chị trong hai người giúp lại mắc chứng động kinh, nhà lại nghèo. Bà vợ sĩ quan chỉ muốn thải chị ta về quê không mướn nữa, vì sợ con mình có ngày chết oan vì chị ta. Nhưng ông chồng đạo đức, đầy lòng bác ái không chịu, chỉ muốn để chị ta lại nhà để nâng đỡ một gia đình nghèo túng. Nhân địp tháng Mẹ về, ông sĩ quan đặt hết niền tin ở Mẹ, rồi bảo với vợ cùng làm tuần cửu nhật khấn xin với Đức Mẹ cho chị khỏi bệnh. Bà vợ động lòng ưng thuận.
Qua tuần cửu nhật, chị giúp việc chưa khởi bệnh, bà vợ lại định cho chị trở về quê. Ông chồng nhất định để chị ở lại và cùng với vợ làm thêm 1 tuần cửu nhật nữa. Ông thường lấy câu Lời Chúa mà giục vợ tin cậy cho vững: “Ai tin sẽ được, ai gõ sẽ mở cho . . .” Sắp mãn tuần cửu nhật. Sau khi dự thánh lễ và hiệp lễ, ông về nhà ở trong phòng riêng, sấp mình trước ảnh Mẹ, thiết tha van nài: “Lạy Mẹ con đã đặt hết niềm tin ở Mẹ, đã đặt hết niền tin tưởng dâng cả gia đình con cho Mẹ, chẳng lẽ Mẹ bỏ lời con xin? Chẳng lẽ lời thánh Bênađô quả quyết: ‘Xưa nay chưa từng nghe nói ai chạy đến cùng Mẹ mà Mẹ từ chối’, xin Mẹ thương chị ở gia đình con”. Đức Mẹ đã nhận lời, hôm sau chị ở đã khỏi bệnh, cả nhà vui vẻ mua hoa nến đến nhà thờ xin lễ tạ ơn.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, nếu những thử thách của cuộc sống vẫn chưa đến mức hết chịu nỗi, nếu chúng ta vẫn có khả năng kiên trì, nếu bất chấp mọi việc chúng ta vẫn tiến bước một cách tin cậy, có lẽ tất cả điều này nhờ sự chuyển cầu của tất cả các thánh, một số vị đang ở trên Thiên đàng, những vị khác đang lữ hành trên trái đất như chúng ta. Trong niềm tin, chúng ta biết rằng mọi thành phần trong Giáo Hội từ những Kitô hữu đang tiến dần đến con đường trọn lành, hay các vị thánh đã đi đến mức hoàn thiện và cả các linh hồn còn đang chịu thanh luyện nơi luyện ngục đều hiệp thông mật thiết với nhau bằng lời chuyển cầu.
Anna Hồng Loan