Muốn đạt tới mục tiêu làm việc phải có phương pháp. Trong việc giáo dục thiếu nhi, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể dùng 2 phương pháp: phương pháp Tự nhiên và phương pháp Siêu nhiên, nói lên 2 chiều kích sống đạo của Thiếu nhi là tương quan với Chúa và tương quan với tha nhân.
- PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN
Phương pháp Tự nhiên nhằm giáo dục thiếu nhi về đời sống nhân bản, dưới 2 khía cạnh: tinh thần như Tinh thần trách nhiệm, Lòng hiếu thảo, Tính quảng đại, Óc phán đoán; và thể chất như Khéo tay, Vệ sinh, Bảo vệ sức khoẻ… Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể dùng 5 phương pháp Tự nhiên:
- Phương Pháp Hàng Đội: Nhằm
– Huấn luyện tinh thần đồng đội, tinh thần trách nhiệm tự quản để các em biết quan tâm săn sóc nhau.
– Giúp các em có cơ hội tự đào luyện bản thân và giúp nhau thăng tiến
– Giúp việc tổ chức và giáo dục đạt hiệu qủa cao
– Giúp từng em được quan tâm và giáo dục
– Giúp các em biết sống với nhau và cho nhau.
- Hội Họp
Là sinh hoạt không thể thiếu của Thiếu Nhi Thánh Thể. Thông qua hội họp, các em được:
– Gặp nhau thường kỳ. Từ đó nảy sinh tình thân ái, tình đồng đội, biết sống cho và sống với tha nhân
– Học tập để đào sâu đời sống tâm linh, nhân bản; trau dồi kỹ năng chuyên môn, chuẩn bị cho đời sống trưởng thành mai sau
- Sinh Hoạt Vui
Sinh hoạt vui là điều kiện cần trong việc giáo dục thiếu nhi. Sinh hoạt vui như “chất dẫn, chất xúc tác”:
- Giúp các em dễ dàng hấp thụ nội dung học tập.
- Giúp giáo dục các em ngay trong sinh hoạt, như lòng ngay thẳng, thành thật, sự hăng hái, tình đồng đội…
- Giúp củng cố và ghi sâu các bài học
Các Sinh hoạt vui TNTT thường xử dụng là:
- Ca, múa, tiếng reo, kể chuyện, kịch nghệ, …
- Trò chơi lớn, nhỏ, cắm trại,…
- Chương Trình Thăng Tiến
Chương Trình Thăng Tiến là hệ thống giáo dục đoàn sinh, được soạn thảo theo tiến trình từ dễ đến khó; từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với đặc tính tâm lý của từng lứa tuổi.
Chương Trình Thăng Tiến TNTT có 4 phần chính:
- a) Giáo Lý (Tín lý, Thánh Kinh, Bí Tích-Phụng Vụ, Luân lý, Cầu nguyện )
- b) Nhân Bản
- c) Hiểu Biết về Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể
- d) Các Kỹ Năng Chuyên Môn
- Vào Sa Mạc
Vào Sa Mạc là cách giáo dục thiếu nhi trong môi trường thiên nhiên. Giữa thiên nhiên các em dễ:
– Hướng tâm hồn lên, gặp gỡ Chúa trong tĩnh lặng ca tụng Chúa khi ngắm nhìn thiên nhiên.
– Thoát ra khỏi những lo toan thường ngày, dễ nảy sinh tâm tình đạo đức. Tạo cơ hội cho các bạn nhìn lại chính mình.
– Đời sống trại giúp các em thắt chặt tình thân ái vì sống chung nên hiểu nhau hơn, biết đón nhận nhau để có thể cộng tác với nhau.
– Có cơ hội học tập những điều mới và thực hành những điều đã học.
- PHƯƠNG PHÁP SIÊU NHIÊN
Phương pháp Siêu nhiên nhằm giáo dục các em về đời sống tâm linh; giúp các em khai mở, thăng tiến ý thức và sống mối tương quan với Chúa. Phương pháp Siêu nhiên xây dựng trên 2 nền tảng chính là Thánh Thể và Thánh Kinh. Giúp các em kết hợp nên một với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, yêu mến học hỏi và sống Lời Chúa. Phương pháp Siêu nhiên gồm:
- Ngày Thánh Thể
Sống từng ngày kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng ý thức và việc làm suốt cả thời khoá biểu sống của ngày đó, từ khi thức giấc đến lúc nghỉ đêm, qua việc:
– Tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ
– Dâng ngày, vui vẻ mau mắn chu toàn bổn phận
– Cầu nguyện trước và cám ơn sau mỗi quyết định, việc làm
– Cầu nguyện tìm ý Chúa mỗi khi có biến cố, vui buồn, xẩy đến với mình, hoặc với người xung quanh
– Xét mình khi đêm về. Xin chúa tha thứ lỗi lầm và giúp em mỗi ngày nên tốt hơn…không những chỉ xét tội mà còn xét các việc tốt đã làm như những bó hoa thiêng dâng lên Chúa, giúp các em gia tăng điều tốt, sống tích cực, tránh điều xấu.
Nhờ sống Ngày Thánh Thể, các em dần dần đi vào mối tương quan biệt vị với Chúa trong từng giây phút của đời sống; ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.
Ngày Thánh Thể có thể áp dụng cho cá nhân cũng như cho tập thể (chi đoàn, đoàn, ) trong sa mạc hay các dịp thường huấn.
- Giờ Thánh Thể: là
– Cao điểm của việc sống Ngày Thánh Thể
– Giờ phút tâm tình, thờ lạy Chúa trước Thánh Thể, thời gian dài ngắn không đáng kể nhưng cần thường xuyên đến gần và tâm sự với Chúa
– Biểu lộ tình hiệp thông với nhau khi quây quần quanh Chúa Thánh Thể. Từ đó gia tăng lòng mến Chúa (chiều dọc) và nảy sinh tình bác ái (chiều ngang)
Các em, cũng như mỗi người cần được học để biết tâm sự với Chúa, viếng Chúa khi có thể, chiêm ngắm và dọn lòng rước Chúa, tham dự Giờ Thánh Thể thật sốt sắng, nhờ đó mỗi ngày hâm nóng thêm mãi lòng mến Chúa và tình yêu tha nhân
- Học Hỏi và Sống Lời Chúa
Thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Bỏ Thầy con đi với ai, vì Thầy có Lời ban sự sống”. Trong các buổi họp, Phong trào huấn luyện các em cách đọc, suy niệm và sống lời Chúa. Việc học hỏi và sống Lời Chúa giúp các em nhìn đời, suy nghĩ, đánh giá, chọn lựa, phản ứng trước các tình huống trong đời sống theo tinh thần Tin Mừng.
- Khung Cảnh Thánh Kinh
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể được xây dựng trên nên tảng Thánh Kinh. Nghĩa là từ lý thuyết đến thực hành; đường lối, phương pháp, tôn chỉ đều bén rễ trong Lời Chúa
Khung Cảnh Thánh Kinh là không gian nhất định trong lịch sử, nơi đó, lúc đó diễn ra những việc Thiên Chúa làm cho con người; những hoàn cảnh Lời Chúa đã nói với con người và sau này được Thánh kinh ghi lại. Trong lãnh vực tôn giáo, khung cảnh linh thiêng được duy trì để nuôi dưỡng đời sống đức tin.
Khi dạy các em về Giáo Lý, Lịch sử Cứu Độ, cuộc đời Chúa Giêsu tùy theo lứa tuổi, Phong trào cố gắng xây dựng một khung cảnh sinh động, nơi đó Con Thiên Chúa đã sống, đã gặp gỡ, đã cầu nguyện,..hình ảnh này sẽ giúp các em dễ hiểu và nhớ lâu.
- Bầu Khí Thánh Kinh
Mục đích giáo dục không chỉ là hiểu và nhớ lâu, nhưng còn giúp các em có được tâm tình, thái độ và hành động đáp trả. Tức là SỐNG. Khung Cảnh Thánh Kinh được tổ chức thành công khi giúp các em “lạc” được vào “cõi” Thánh Kinh với những lời nguyện, bài ca, trò chơi, tiếng reo, vũ khúc đượm mầu Thánh Kinh tạo nên Bầu Khí Thánh Kinh, trong đó các em hít thở, vui đùa và SỐNG.
Hai phương pháp siêu nhiên và tự nhiên đều được coi trọng và phối hợp hài hòa sẽ giúp làm hoàn hảo việc giáo dục thiếu nhi, giúp các em phát triển toàn diện – tâm linh và thể chất – như mục đích của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhắm tới.