Yêu Lại Từ Đầu

Đời dâng hiến không gì khác hơn là một cuộc tình mà trong đó tiếng yêu thương được cất lên qua tiếng gọi của Thiên Chúa và lời thưa xin vâng của người được chọn gọi. Cũng giống như bao mối tình trần gian, tình yêu giữa Thiên Chúa và người Tu sĩ đều phát xuất từ sự tự do và tự nguyện. Thiên Chúa tự do chọn người mà Ngài muốn trao gởi yêu thương và sứ mạng. Con người cũng tự do có đáp lại tiếng mời gọi đó hay không? Và khi đủ tin yêu phó thác, người Tu sĩ tự nguyện cam kết trọn cuộc đời trung thành với tình yêu Thiên Chúa, hiến thân phục sự Ngài và phục vụ anh chị em đồng loại. Nhưng dù là tình yêu đó, lý tưởng đó có cao cả đến đâu thì nó cũng không tránh khỏi quy luật “vạn vật thay đổi” của cuộc sống. Thiên Chúa là Đấng tín thành, với Ngài sẽ không bao giờ có sự thay đổi. Nhưng Ngài lại kết duyên cùng con người, một loài thụ tạo nhỏ bé, yếu đuối và căn bản là luôn luôn hướng tới sự mới mẻ, trông ngóng mong chờ vào những điều trong tương lai mà dần phủ nhận đi hiện tại, dù hiện tại đó có ấm êm và hạnh phúc thế nào. Đó vốn dĩ là bản tính của hầu hết mọi người vì thế sự trung thành trong đời dâng hiến là điều tối quan trọng và cũng là bằng chứng sống động nhất cho lời giao ước tình yêu của con người với Thiên Chúa. Trung thành trong tình yêu không có nghĩa là không bao giờ phản bội, nhưng là giữa ngàn vạn những quyết định sai lầm người ta có đủ can đảm để chọn lại cho đúng hay không?

Trong tình yêu quá “chênh lệch” này thì dường như đang xảy ra sự liều lĩnh của cả hai phía. Thiên Chúa thừa biết con người dễ thay lòng đổi dạ, nhưng Ngài vẫn trao gởi yêu thương đến cho người Ngài đã chọn lấy. Người Tu sĩ biết mình chỉ mang thân phận yếu đuối mà dám thề hứa cùng Đấng trung tín mãi muôn đời, dám lãnh lấy sứ mạng loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Nhưng phải chăng qua đó lại làm cho tình yêu này thêm đẹp và đáng trân quý. Bởi lẽ cái gì cũng có giá của nó. Sự đánh đổi, hy sinh càng to lớn sẽ càng chứng tỏ rằng điều được lựa chọn càng quý giá. Thêm vào đó, sự không chắc chắn trong tương lai cũng làm cho cuộc tình này thêm thú vị hơn. Sẽ như thế nào nếu người ta biết trước cuộc đời mình sẽ ra sao? Chắc hẳn không còn ai muốn cố gắng làm gì cả. Vì quả thật ai lại cố gắng dồn sức lực tâm trí cho một việc đã rồi, hay không thể thay đổi được nữa.

Thiên Chúa biết người Tu sĩ của Ngài sẽ sai phạm, sẽ có lúc phản bội lại lời giao ước với Ngài nhưng Ngài vẫn tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi họ, vì Ngài cho họ có tự do chọn lựa và quyết định. Ngài không bảo vệ tình yêu của mình bằng cách đóng khung người Tu sĩ trong vòng “an toàn”, nhưng cho họ ra đi, cho họ va chạm với cuộc đời nhiều thử thách và mời gọi để họ thật sự trưởng thành. Với người Tu sĩ, qua những lựa chọn của bản thân, người tu sĩ biết mình đang yêu Chúa ở mức độ nào, tình yêu đó có còn tinh ròng hay đã bị vấy bẩn vì thế gian lôi kéo.

Chắc một điều rằng, sự lỗi nghĩa trong đời dâng hiến của người Tu sĩ không thể nào không xảy ra nhưng điều không đoán trước được là người Tu sĩ có can đảm đứng lên quay trở lại “yêu lại lần nữa” hay thất vọng buông xuôi từ bỏ? Tình yêu đẹp không phải vì nó chưa từng xảy ra sự tổn thương nhưng là sau khi xảy ra tổn thương người ta có kiên nhẫn quay về chữa lành cho nhau hay không? Thiên Chúa luôn nhẫn nại chờ đợi để chữa lành cho con người; luôn tìm mọi cách để hàn gắn lại những đổ vỡ do con người gây nên, phần còn lại là người Tu sĩ có thiện chí muốn cùng Chúa vun đắp tình yêu ấy ngày càng tươi đẹp hay không? Một câu nói rất hay mà thiết nghĩ phù hợp và hữu ích cho những ai sống đời thánh hiến đó là: “Những khi muốn bỏ cuộc hãy nghĩ đến lý do vì sao mình lại bắt đầu!”.

Bảo Bảo

Trả lời