Mùa Chay – khoảng thời gian đặc biệt trong năm phụng vụ Công giáo – là dịp để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Đại Lễ Phục Sinh qua việc thực hành ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành.
Bước vào hành trình Mùa Chay, nó tự nhắc mình về những điều cần làm, những gì cần từ bỏ, và thường xuyên tự hỏi: “Làm sao để có một Mùa Chay ý nghĩa nhất?” Áp lực phải cầu nguyện nhiều hơn khiến nó canh cánh trong lòng mỗi khi cảm thấy mình chưa đủ tĩnh lặng và sâu lắng. Nó tự nhủ sẽ cố gắng sống trọn vẹn 40 ngày Chay mà không để mình rơi vào cảm giác tội lỗi hay thái độ thờ ơ trong đời sống đức tin. Thế nhưng, ngay khi bước vào Mùa Chay, nó đã cảm nhận sự yếu đuối trong tâm hồn: sự khô khan trên đường nhân đức, thái độ lơ là trong việc thờ phượng và thiếu ý thức trong đời sống bác ái. Nó mong muốn sự hoàn hảo, nhưng rồi nhận ra mình vẫn là con người bất toàn.
Thật ra, Mùa Chay không phải là thời gian để lo lắng về những điều mình phải làm, mà là cơ hội để đón nhận điều Thiên Chúa mong muốn nơi mỗi người. Chắc chắn, Mùa Chay không miễn trừ chúng ta khỏi cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái, bởi vì chính những thực hành này giúp chúng ta xây dựng mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Hiện nay, Giáo Hội chỉ buộc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu Mùa Chay, và ăn chay cùng với kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng chỉ một vài ngày chay theo luật buộc liệu có đủ để gọi là hy sinh, để thực hành bác ái, để thể hiện tình yêu dành cho Chúa và tha nhân? Vậy, đâu mới là việc chay tịnh đúng nghĩa?
Mùa Chay phải được sống trong tinh thần yêu thương, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Ta cần lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 12,7). Vì thế, chay tịnh không chỉ dừng lại ở việc kiêng ăn uống một cách hình thức, mà còn là “chay tịnh trong tâm hồn”. Chẳng hạn, thay vì dành thời gian lướt điện thoại để giải trí, đi chơi, mua sắm, chúng ta có thể hy sinh để hiện diện nhiều hơn bên gia đình, thăm hỏi cha mẹ, bạn bè, tham gia các sinh hoạt chung, hay giúp đỡ những người chung quanh bằng khả năng của mình. Cùng với việc gặp gỡ Thiên Chúa nơi Bí tích Hòa giải và Thánh Thể, việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện cũng sẽ giúp chúng ta gắn kết với nhau hơn. Trong Thiên Chúa, chúng ta nhận lãnh tình yêu thương nhưng không, ân sủng và sự tha thứ. Cũng chính nơi Ngài, chúng ta học cách hoàn thiện bản thân và biết yêu thương, tha thứ vô điều kiện.
Khi lên kế hoạch cho Mùa Chay, hãy dâng lên Chúa tất cả dự định của mình. Không phải như những nhiệm vụ cần hoàn thành, mà là để Thiên Chúa nối kết chúng ta với Ngài. Mùa Chay chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta ý thức rằng đây là khoảng thời gian linh thiêng để vun đắp mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.
Hãy dành thời gian suy gẫm: Điều gì là gốc rễ của tội lỗi trong chúng ta? Đó có phải là sự kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam hay thờ ơ? Nhận diện những khuynh hướng sâu xa ẩn sau tội lỗi sẽ giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân khiến tội lỗi bén rễ. Nhờ ơn Thánh Thần, chúng ta có thể cắt đứt mối liên kết với tội lỗi, để hạt giống yêu thương mà Chúa đã gieo vào tâm hồn mỗi người có thể trổ sinh hoa trái. Việc thường xuyên xét mình và kiểm điểm đời sống giúp chúng ta nhận ra ưu khuyết điểm của bản thân, từ đó dễ dàng hơn trong việc xưng tội, và hân hoan đón nhận sự tha thứ, chữa lành của Thiên Chúa.
Trong suốt hành trình Mùa Chay, hãy tin tưởng và nhịp bước cùng Chúa Giêsu. Ngài luôn yêu thương và đồng hành với chúng ta trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống. Đừng ngần ngại trò chuyện với Ngài mỗi ngày, chẳng hạn như hỏi: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài nghĩ gì về điều này?” Hay đơn giản là dâng lên Ngài lời tạ ơn về những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Chúa trong từng giây phút đời mình.
Đừng quên lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy yêu người thân cận như chính mình”. Người thân cận ở đây không chỉ là những người ta yêu mến, mà còn là những người có thể khiến ta khó chịu, những ai không đồng quan điểm, hay thậm chí là kẻ thù nghịch với ta. Mùa Chay cũng là thời gian để nhìn lại các mối tương quan, để nhận ra ai là người mình khó yêu thương nhất, và xin Chúa biến đổi trái tim mình theo tình yêu của Ngài.
Hành trình Mùa Chay là hành trình trở về trong yêu thương và đón nhận những điều Thiên Chúa mong muốn nơi mỗi người. Đây không phải là một cuộc chạy đua để đạt đến sự hoàn hảo tức thì, nhưng là một tiến trình biến đổi chậm rãi, bắt đầu từ chính bản thân mỗi người và khởi đi từ tình yêu. Khi mở lòng để Thiên Chúa hành động, khi lắng nghe và thực hành Lời Ngài, chúng ta sẽ được chữa lành và ngày càng thắt chặt mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa và anh chị em.
Trong ân sủng, tình yêu và sự biến đổi của Chúa Thánh Thần, ước mong bạn và tôi sẽ sống trọn vẹn Mùa Chay Thánh này. Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi và thánh hóa tâm hồn chúng ta, để mỗi ngày chúng ta trở nên tốt lành và thánh thiện hơn.
Sr. Hoa Xuân