Văn minh đã không còn

Có người đã từng nói, không phải chuyện gì cũng có thể khắc phục hoặc chữa lành, nhưng nó phải được đặt tên cho đúng.

Vì sao chúng ta không còn hòa hợp với người khác? Vì sao lại có sự phân cực cay đắng trong đất nước, ở khu phố, trong Giáo hội và cả trong gia đình chúng ta? Vì sao trong nhiều cuộc trò chuyện, chúng ta cảm thấy không an toàn, luôn mãi cảnh giác để không lỡ chân bước vào bãi mìn nào đó về đạo đức, chính trị và xã hội?

Chúng ta, ai cũng có lập luận riêng về những lý do này, và chúng ta hầu hết dựa vào mạng tin tức mình thích, vào bạn bè để củng cố quan điểm của mình. Vì sao? Vì sao lại có sự phân cực cay đắng và những chuyện phiền phức này duy trì giữa chúng ta?

Tôi xin mạn phép đưa ra câu trả lời từ một nguồn gốc cổ xưa: đó là Sách thánh. Tiên tri Malachi trong Sách thánh do thái, cũng là Cựu Ước của chúng ta, cho chúng ta cái nhìn thấu suốt về nguồn gốc của phân cực, chia rẽ và hận thù. Ngài viết lại lời sấm của Thiên Chúa: “Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật. Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế vì sao chúng ta lại phản bội nhau?”

Lời này chẳng hợp cho chúng ta thời nay sao? Khi, vì phân cực và thù ghét, trong Quốc hội, trong Giáo hội, trong cộng đồng, gia đình, và gần như mọi nơi mọi lúc chúng ta không còn tôn trọng nhau, không còn cố gắng đối xử văn minh với nhau. Chúng ta đã phản bội lẫn nhau. Văn minh đã không còn.

Hơn nữa, chuyện này ảnh hưởng đến cả hai phía trong lăng kính tư tưởng, chính trị, xã hội và giáo hội. Cả hai phía đều có những phe, những hệ tư tưởng riêng biệt từ hờ hững đến khinh miệt với những ai không cùng quan điểm với mình, những ám ảnh về thuyết âm mưu, kiên quyết không nhân nhượng, thiếu tôn trọng và còn hạ thấp những ai không chia sẻ cùng quan điểm. Và gần như lúc nào chúng ta cũng rao giảng, biện hộ, thù hận, tin rằng những điều này được thực hiện nhân danh Thiên Chúa, chân lý, luân lý, khai sáng, tự do, hay chủ nghĩa quốc gia.

Có người đã từng nói, không phải chuyện gì cũng có thể khắc phục hoặc chữa lành, nhưng nó phải được đặt tên cho đúng. Chuyện ở đây cũng vậy. Chúng ta cần đặt một tên cho nó. Chúng ta cần lớn tiếng nói, chuyện này là sai. Chúng ta cần lớn tiếng nói, những chuyện này không được làm nhân danh tình yêu. Và chúng ta cần nói to không bao giờ được lý luận hóa sự thù hận và vô lễ nhân danh Thiên Chúa, Kinh Thánh, chân lý, luân lý, tự do, khai sáng hay bất cứ lý do nào khác.

Phải đặt tên cho từng chuyện, dù chúng ta ở đâu trong cuộc tranh luận đầy thù hận và chia rẽ đang bao trùm xã hội hiện nay. Mỗi chúng ta cần xét mình về sự thiên vị của mình, cụ thể chúng ta ít muốn hiểu bên kia thế nào, chúng ta thiếu tôn trọng người khác thế nào, lời nói của chúng ta thiếu văn minh đến thế nào, và bao nhiêu hận thù đã vô thức len lỏi vào cuộc sống chúng ta.

Sau đó, chúng ta cần tự kiểm lại thêm một lần nữa. Từ chân thành “sincere” có nguồn gốc la-tinh là sine-không và cere-sáp. Chân thành nghĩa là “không có sáp”, là chính mình không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào. Nhưng chuyện này không dễ dàng như vậy. Cách chúng ta nhìn chính mình, điều chúng ta tin và quan điểm của chúng ta về mọi sự mọi lúc đều bị cuộc đời chúng ta phủ bóng rất lớn, qua những tổn thương, qua công việc, qua những người mình sống cùng, đồng nghiệp, bạn bè, qua đất nước, qua bầu khí của hệ tư tưởng, chính trị, xã hội, tôn giáo mà chúng ta đang hít thở. Không dễ để biết chúng ta thật sự nghĩ gì hoặc cảm thấy gì về một vấn đề nào đó. Tôi có chân thành không, phản ứng của tôi dựa trên bạn bè và đồng nghiệp của tôi như thế nào, và tôi đón nhận tin này ở đâu? Tận sâu thẳm trung tâm hiện hữu, tôi là ai khi tôi không có lớp sáp?

Khi chúng ta đấu tranh để chân thành, nhất là trong môi trường chia rẽ, thiếu tôn trọng và thù ghét hiện tại, có lẽ chúng ta nên tự hỏi xem những gì mình say mê đủ lớn để nảy sinh thù ghét trong mình, cái đó liệu có bén rễ từ sự chân thành hay là từ hệ tư tưởng, từ cảm xúc bản thân hay phản ứng tri thức đối với điều mà mình ghét?

Cũng dễ hiểu khi chúng ta không trả lời được câu hỏi này. Là con người, chúng ta phức tạp, và việc đi tìm sự chân thành là hành trình của cả một đời. Tuy nhiên, khi đi trên con đường đến với sự chân thành, có một số quy luật mang tính thiêng liêng và nhân văn không thể du di. Tiên tri Malachi đã nêu ra một luật trong đó: “Đừng thiên kiến trong quyết định và đừng phản bội nhau”. Câu này muốn nói gì?

Có một ý là: Bạn có quyền để đấu tranh, để bất đồng với người khác, để say mê vì chân lý, để thỉnh thoảng nổi giận và ngay cả đôi khi cảm thấy thù ghét (vì ghét không đối lập với yêu, lãnh đạm mới đối lập với yêu). Nhưng bạn đừng bao giờ rao giảng thù ghét và chia rẽ, đừng nhân danh sự thiện mà biện hộ cho chúng. Trong chân thành của mình, bạn cần nuôi dưỡng một sự bất tín bẩm tại với bất kỳ ai tích cực biện hộ cho thù ghét và chia rẽ.

Văn minh đã không còn.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Để lại một bình luận