Là tín hữu kitô, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho người chết. Không ngạc nhiên khi có kitô hữu khó chịu về điều này, phản đối rằng Thiên Chúa đâu cần chúng ta nhắc để yêu thương và tha thứ…
Gilbert K. Chesterton từng nói, kitô giáo là nền dân chủ duy nhất mà người chết cũng được bỏ phiếu. Tôi xin chia sẻ hai câu chuyện về khía cạnh này.
Trong một hội nghị tôi tham dự, một nhà tâm lý đã chia sẻ câu chuyện như sau: Một phụ nữ trong tâm trạng khá sầu thảm đến văn phòng ông. Bà bất an vì cuộc nói chuyện với chồng ngay trước khi ông mất. Bà kể, hai vợ chồng bà hạnh phúc suốt 30 năm, không hề có cãi nhau to tiếng giữa họ. Rồi đến một ngày nọ, họ cãi nhau về một chuyện vặt vãnh (bà còn không nhớ đó là chuyện gì). Cuộc cãi vã kết thúc trong giận dữ, ông chồng đùng đùng bỏ đi làm, rồi chết vì trụy tim ngày hôm đó, khi họ chưa có cơ hội nói chuyện lại với nhau.
Thật quá bất hạnh! Ba mươi năm không có chuyện gì nghiêm trọng, thế mà bây giờ, những lời cuối cùng họ lại nói với nhau những lời giận dữ. Ban đầu, nhà tâm lý học bông đùa bảo đảm với bà, lỗi là ở người chồng quá cố, ông đã chọn chết ở thời điểm khó xử như vậy, để bà sống trong mặc cảm tội lỗi!
Ông hỏi bà, “nếu bâygiờ chồng bà ở đây, bà sẽ nói gì với ông?” Bà trả lời, bà sẽ xin lỗi và sẽ nói với ông chuyện hôm đó chẳng là gì so với bao nhiêu năm họ ở bên nhau, bao tình yêu họ đã dành cho nhau. Ông cam đoan với bà, chồng bà đang sống trong sự hiệp thông các thánh và đang ở bên họ lúc này. Rồi ông nói thêm, “sao bà không ngồi đây mà nói với ông những lời bà vừa nói, rằng tình yêu chung thủy của hai người với nhau lấn át hoàn toàn cuộc nói chuyện cuối cùng này. Thật sự, hãy cùng nhau cười với chuyện oái oăm này”.
Câu chuyện thứ hai. Gần đây, tôi gặp một gia đình mà người cha gia đình đã tự tử cách đây 20 năm. Qua thời gian, họ có được bình an với chuyện này, nhưng cũng như các gia đình có người thân mất vì tự tử, vẫn còn một chút đau lòng trong lòng họ. Họ đã tha thứ cho người cha, đã tha thứ cho bản thân mình vì những gì không làm được, và tha thứ cho Thiên Chúa vì sự bất công khi Chúa để cho cái chết xảy ra như thế này. Nhưng họ vẫn còn một điều gì đó chưa xong, một điều gì đó họ cảm nhận nhưng không xác định được (dù 20 năm đã trôi qua, dù mọi tha thứ, dù đã thông hiểu về việc tự tử). Tôi cũng không thể xác định được nó, chỉ có thể gợi ý một phương thuốc mà thôi.
Tôi gợi ý họ nên có một buổi nghi thức tôn vinh tình yêu dành cho người cha, tôn vinh món quà là chính cuộc sống của ông, và chuộc lại cách ra đi bất hạnh của ông. Tôi gợi ý: Hãy chọn một ngày, có thể là sinh nhật ông, hoặc ngày giỗ của ông. Cả nhà tụ họp lại và tổ chức một lễ mừng vui vẻ, với bong bóng, rượu ngon, với tinh thần thoải mái. Hãy chia sẻ những câu chuyện về ông, nêu bật những câu chuyện vui vẻ của ông, vui cười, phấn khởi, những câu chuyện khi ông tạo bầu khí sinh lực đặc biệt cho mọi người. Hãy mừng những chuyện đó với đồ ăn ngon, rượu ngon, tiếng cười và tình yêu. Ông vẫn ở với các bạn. Các bạn vẫn ở trong sự thông hiệp sự sống với ông. Ông đang vui vẻ. Hãy mừng điều đó cùng ông. Hãy cất đi gánh nặng 20 năm. Thiếu đi dạng lễ mừng này chính là điều không nói ra được giữa các bạn và người cha.
Những câu chuyện như thế này có thể hấp dẫn và mơ mộng, nhưng chúng có nền tảng vững chắc, được xác định trong giáo lý kitô giáo, có căn nguyên nơi đức tin dạy rằng chúng ta đang hiệp thông với nhau trong Nhiệm thể Chúa Kitô. Là tín hữu kitô, chúng ta tin mình đang hiệp thông với nhau trong một thân thể sống (một thân thể chứ không phải là một tổ chức) và sự hiệp thông trong một thân thể này bao hàm toàn thể chúng ta, cả người sống lẫn người chết. Chúng ta có thể giao tiếp với nhau, xin lỗi nhau, bù đắp cho nhau và mừng cuộc sống cũng như sinh lực của nhau, kể cả khi có người trong chúng ta đã qua đời. Là tín hữu kitô, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho người chết. Không ngạc nhiên khi có kitô hữu khó chịu về điều này, phản đối rằng Thiên Chúa đâu cần chúng ta nhắc để yêu thương và tha thứ. Họ nói đúng, nhưng xét đến cùng, đó đâu phải là lý do chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu đã mất. Cho dù cách thức cầu nguyện mà chúng ta thường dùng là xin Chúa thương xót, nhưng mục đích thực sự của lời cầu nguyện cho người đã qua đời là để chúng ta giữ liên hệ với họ, thông hiệp sự sống với họ. Mục đích thực sự trong lời cầu nguyện và các nghi lễ của chúng ta dành cho người đã qua đời là để chúng ta tiếp tục ở trong thông hiệp sự sống có chủ ý hơn với họ, để hoàn thành những việc còn dang dở, để xin lỗi, để tha thứ, để xin tha thứ, để vẫn quan tâm đến bầu khí mà họ truyền vào địa cầu này khi họ còn sống, và để thỉnh thoảng nâng ly mừng họ.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch