Ước mong rằng: trong những ngày đại lễ sắp tới, mỗi khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng, chúng ta được khơi lại và thúc đẩy việc sống đức ái nơi cuộc sống hàng ngày của mình. Các con đừng sợ bất kỳ một điều gì khi thực thi đức ái với mọi người, vì không có một việc tốt nào phát xuất từ lòng yêu mến, lại mang theo hay để lại một hệ quả xấu cho chúng ta cả.
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2022
Các con thân mến,
Chúng ta đang đi trên những chặng đường cuối của hành trình Mùa Vọng, một khoảng thời gian được nhấn mạnh bằng hai ý nghĩa chính yếu: chuẩn bị mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh và hướng về ngày Chúa quang lâm. Chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh không chỉ đơn thuần là một lễ hội của đức tin, với những trang hoàng rực rỡ và công phu, nhưng trên hết, vì đó là một biến cố rất quan trọng cho và trong niềm tin của mình, qua lời suy tư của Thánh Phaolô tông đồ: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gal 4, 4-5). Chúa đến mở ra một trang sử mới của đức tin, ban cho chúng ta một ơn trọng đại, đó là được làm con Chúa. Giờ đây, trong không khí rộn ràng của những ngày cận kề mừng Chúa Giáng Sinh, cùng với lời chào của mình, cha muốn chia sẻ với các con một vài điều về Mầu Nhiệm rất đặc biệt này.
1. Giáng sinh trong sự nghèo khó.
Sau thời gian lắng xuống của dịch bệnh, Lễ Giáng Sinh năm nay, tại nhiều nơi như cha đang nhìn thấy qua truyền thông xã hội, có thể được trang hoàng quy mô và sinh động hơn, nhưng chắc chắn rằng, những trang trí phong phú đầy sáng kiến ấy sẽ không làm mất đi nét đặc trưng của mầu nhiệm Giáng Sinh, được các Thiên Thần báo tin cho các mục đồng, đó là sự nghèo nàn của Con Thiên Chúa làm người: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12). Con Thiên Chúa đãchọn một Bêlem bé nhỏ, chọn một gia đình nghèo nàn, chọn một đêm khuya lạnh lẽo, chọn một cánh đồng hoang vắng, chọn một hang đá đơn sơ, chọn một thời điểm khó khăn để được sinh ra. Và như thế, chắc chắn rằng, việc Thiên Chúa giáng sinh làm người sẽ mãi là một điều kỳ diệu cho tất cả nhân loại. Tại sao lại có những nghịch lý đến ngỡ ngàng như vậy trong mầu nhiệm này? Tại sao Đấng mà Thánh Gioan mô tả là đã có từ lúc khởi đầu, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (x. Ga 1, 1-3), lại xuất hiện trong một khung cảnh im lìm và đơn giản như thế? Dường như không có bất kỳ một câu trả lời nào cho thỏa đáng, nếu chúng ta bỏ qua lời của Thánh Phaolô tông đồ khi nói về Thiên Chúa của mình: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8, 9). Thật vậy, với sự kiện Adam và Eva trong vườn Địa Đàng, con người đã đánh mất tất cả những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban tặng lúc ban đầu, nghèo nàn và xa cách trong ân sủng với Thiên Chúa của mình. Dầu vậy, Thiên Chúa nhân từ vẫn luôn trung thành với ý định ban đầu, là dựng nên con người để chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Người, nên giờ đây, khi thời gian đã đến, trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hạ mình xuống để trở thành con người và thậm chí cho phép con người sinh ra mình, để sống, chịu đau khổ và chết cho con người, trả lại sự giàu có thiêng liêng cao quý mà Thánh Gioan không ngần ngại gọi chúng ta là những kẻ thừa tự gia nghiệp đời đời (x. Ga 4, 7).
2. Giáng sinh kêu gọi sống Đức Ái
Trong bài giảng Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người hãy vượt qua những ánh đèn, đừng chú ý đến những món đồ trang trí, nhưng hãy tập trung vào điều chính yếu của mầu nhiệm Giáng Sinh: đó là một trẻ thơ được sinh ra trong cảnh khó nghèo cùng cực nơi máng cỏ. Từ tâm điểm này, người kêu gọi: hãy yêu mến Chúa Giêsu nơi những người rốt hết, hãy phục vụ Người nơi những người nghèo khó. Họ chính là những người giống Hài Nhi Giêsu nhất, Đấng đã sinh ra trong khó nghèo vì và cho chúng ta. Bởi đó, khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng năm nay, cha muốn cùng với chúng con nhìn lại sự kiện liên quan để học lấy bài học của Đức Ái cho cuộc đời của mình.
– “Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta” (x. Lc 2, 11).Đó là lời loan báo của sứ thần Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Chúa giáng sinh không phải để cho Chúa, nhưng là để cho chúng ta và vì chúng ta. Chúng ta học lấy bài học của Đức Ái nơi hài nhi bé nhỏ này, để từ nay không sống cho riêng mình nữa, đừng lấy mình làm trung tâm, nhưng là sống cho gia đình, cho Giáo hội và cho bạn bè mình.
– “Nào chúng ta sang Bê-lem…” (x. Lc 2, 15). Những bước chân này đã bỏ lại sau lưng những gì là đối lập, là bất đồng, để nhường chỗ cho niềm vui và hiệp nhất. Chúng ta cùng học lấy bài học của Đức Ái nơi những bước chân của các mục đồng, tạo mọi điều kiện cho tình hiệp nhất được triển nở. Hiệp nhất được lớn lên, chia rẽ nhất định sẽ nhỏ lại, hiệp nhất được kiến tạo, yêu thương chắc chắn sẽ lan tỏa. Thánh Gioan nói với chúng ta rằng: đó cũng chính là dấu hiệu để mọi người nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. Ga 13, 34-35).
3. Chúa Giêsu tấm gương Đức Ái.
Mầu nhiệm Giáng Sinh đã khởi đầu cho một hành trình sống Đức Ái tuyệt hảo của Chúa Giêsu. Thật vậy, trong sứ vụ trần thế của mình, Chúa Giêsu luôn luôn làm điều thiện: giảng dạy phúc âm, chữa lành bệnh tật, bày tỏ lòng trắc ẩn đối với người nghèo khó, người đau khổ và những người khốn quẫn tuyệt vọng. Sách Tông đồ Công vụ nói thêm rằng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”(Cv 10, 38b). Sau cùng, một biểu hiện cao nhất của Đức Ái, đó là cái chết chuộc tội vô giá của Người trên thập giá. Cái chết ấy đã chứng minh rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đến trần thế vì yêu thương, vác lấy thập giá bởi yêu thương, Đấng Cứu Thế muốn mọi người chia sẻ tình yêu thương này với những người khác, khi tuyên bố với các môn đồ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35). Là môn đệ của Chúa, qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, trong các mối tương quan hàng ngày, các con hãy sống yêu thương như chính Chúa Giêsu đã sống và đã dạy. Theo gương Người, mỗi người các con hãy là một người Samaritanô nhân hậu cho bạn bè, cho bất kỳ một ai mà các con gặp gỡ trong cuộc sống của mình. Điều đó không những giúp các con tìm được hạnh phúc ở đời này, mà còn là một bảo đảm cho phần rỗi đời của chúng ta ở đời sau vĩnh cửu.
Các con thân mến,
Đức Ái không bao giờ lỗi thời trong cuộc đời này, lại càng không thể thiếu vắng trong đời sống đức tin của chúng ta. Thánh Phaolô luôn nhắc nhở rằng: “Nếu tôi có làm được tất cả mọi sự, nói được mọi ngôn ngữ, biết hết mọi điều bí ẩn, bố thí cả gia tài, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng có gì…” (x. 1 Cr 13, 1-3). Ước mong rằng: trong những ngày đại lễ sắp tới, mỗi khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng, chúng ta được khơi lại và thúc đẩy việc sống đức ái nơi cuộc sống hàng ngày của mình. Các con đừng sợ bất kỳ một điều gì khi thực thi đức ái với mọi người, vì không có một việc tốt nào phát xuất từ lòng yêu mến, lại mang theo hay để lại một hệ quả xấu cho chúng ta cả. Ước mong đó, cha coi như một tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới dương lịch gửi đến các con, cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên Công giáo trên khắp mọi miền đất nước. Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu ban tràn đầy đức ái trên các con. Xin Người ban cho các con và toàn thể gia quyến của các con mọi điều an lành và hạnh phúc.
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2022.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công giáo