Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm C

KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

Suy Niệm 1:

Chúa Giêsu khuyên ta khi cầu nguyện đừng nên dài dòng, vì Thiên Chúa biết rõ những điều ta cần trước khi ta mở miệng cầu xin (x. Mt 6,7-8). Điều đó liệu có mâu thuẫn không, khi hôm nay một lần nữa Chúa Giêsu khuyên ta phải kiên trì cầu nguyện?

Cuộc sống hằng ngày của ta không thiếu những “thứ bận”, thời gian không đủ để làm việc, nghỉ ngơi; đầu óc không rảnh bao giờ thì làm sao ta có thời giờ để kiên trì cầu nguyện? Mặt khác, đâu phải kiên trì cầu nguyện thì ta sẽ được Thiên Chúa nhậm lời! Vì biết bao lần ta cầu nguyện, nhưng chẳng thấy Chúa nhậm lời đó sao?

Có những câu hỏi, có những lý do để biện minh cho những thiếu sót của ta trong cầu nguyện. Rồi chưa kể, những lần ta tưởng kiên trì cầu nguyện là lặp đi lặp lại những điều ta muốn cầu xin, như thể Thiên Chúa – Ngài không nhớ, hay Ngài quên; Ngài chẳng quan tâm gì tới nhu cầu của ta; nên ta cứ phải nhắc đi nhắc lại như thế! Cách cầu nguyện đó của ta chẳng khác gì cách cầu nguyện của những người thờ thần Baan mà ngôn sứ Êlia đã chế nhạo: “Hãy kêu lớn tiếng nữa lên, vì người là một vị thần mà! Người đang mãi suy nghĩ, hay là đi vắng hoặc trẩy đường xa; cũng có khi người đang ngủ, người sẽ thức dậy thôi!” (1V 18,27).

Chúa Giêsu, Ngài không đồng ý với cách cầu nguyện như thế nên bảo rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8).

Nếu quả thật, kiên trì cầu nguyện là phải lặp đi lặp lại những điều mình cầu xin, thì ta sẽ không có thì giờ để cầu nguyện; vì suốt ngày ta bận bịu với công việc, nghề nghiệp, gia đình, những giao tiếp xã hội, thời giờ không có, trí óc cũng không rảnh, thử hỏi làm sao ta có thể kiên trì?

Nhưng may mắn thay, kiên trì cầu nguyện không phải là như thế. Bởi vì, cầu nguyện không chỉ dừng lại ở lời nói, một cuộc trò chuyện, hay chỉ là hành động. Nhưng cầu nguyện còn là tình trạng của tâm linh, lúc nào cũng hướng về Thiên Chúa, là một thái độ sống khôn ngoan đem lại cho ta sự bình an, niềm vui, và sức mạnh trong tâm hồn. Tình trạng của tâm linh trong một thái độ sống có ý thức. Ý thức Thiên Chúa luôn hiện diện với mình, và mình đang sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Còn Ngài, Ngài đang nhìn ta bằng ánh mắt yêu thương, đang theo dõi từng hơi thở, từng bước đi, từng hành động của ta như người mẹ luôn quan tâm theo dõi đứa con bé nhỏ…trông chừng nó, kẻo nó ngã.

Vì thế, cầu nguyện là cách giúp ta cảm thấy mình đang sống với Chúa, với hết lòng tin tưởng, phó thác tuyệt đối, luôn nhớ Chúa hiện diện và có thể trò chuyện với Chúa bất cứ lúc nào, cả khi đang làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Người cầu nguyện đích thực luôn tin tưởng Thiên Chúa là Cha, là Mẹ của mình, yêu thương mình vô hạn. Đồng thời, ta cũng hiểu rõ Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và quyền năng. Đó là lý do mà Ngài biết rõ những gì ta cần, để ta được sống hạnh phúc ở đời này, và nhất là được hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau.

Và không thể không nhắc đến những lần ta chẳng được Thiên Chúa nhậm lời. Đó là những lần ta xin trong sự thiếu sáng suốt hoặc nhiều khi điều đó có hại hoặc không có lợi cho tâm hồn ta. Thì lúc đó, Thiên Chúa vì thương ta, nên Ngài không nhậm lời. Quả thật, Chúa Cha đã không nhậm lời Đức Giêsu khi Ngài cầu xin cho khỏi uống chén đắng của Ngài (x. Mt 26,39.42). Vì thế, khi lời cầu xin không được như ý, ta hãy cứ bình an, vui tươi, vì Chúa biết điều ta cầu xin không ích lợi cho ta, ít ra là trong lúc này.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con, Chúa đã nêu gương và dạy con cách cầu nguyện, xin cho con được trưởng thành hơn trong cầu nguyện. Xin Chúa nâng đỡ con, đừng để đời sống tâm linh của con trở nên mòn mỏi và kém phát triển do cách cầu nguyện ấu trĩ của con. Xin cho con luôn ý thức Thiên Chúa đang hiện diện với con, để con sống với Chúa mọi lúc mọi nơi, trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh và từng ngày sống của con. Amen.

Hoa Xuân

Suy niệm 2:

Lc 18, 1- 8

“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. (Lc 18, 8)

Nhìn chung, đời sống đức tin của người ki tô hữu ngày nay, có vẻ như được củng cố sau cơn đại dịch COVID-19, cùng với nhiều biến cố thiên tai bất trắc xảy đến trong đời sống hằng ngày. Và nhận thấy họ biết tìm lại cho mình điều cốt yếu trong chính đời sống đức tin của mình là hướng về Chúa, là hiệp thông với anh chị em, là gắn bó, là tương quan với chính Thiên Chúa, biết đặt Chúa làm trung tâm điểm cho cuộc sống mình nơi hành trình dương thế mau chóng qua này.

Thế nhưng Chúa Giê-su cảm thấy lo lắng và chất vấn chúng ta, “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng”.

Sự kiên vững trong niềm tin đòi buộc chúng ta có đời sống cầu nguyện, khi có đời sống cầu nguyện, Chúa Giê-su mong muốn chúng ta thể hiện niềm tin ấy bằng sự phó thác tin yêu và kiên định trong lời kêu xin của chúng ta.

Cũng qua lời chất vấn ấy, Chúa Giê-su đang cảnh giác chúng ta: phải chăng đức tin mong manh của chúng ta sẽ mau phai nhạt và đổi thay khi đời sống chúng ta gặp những cơn thử thách; khi cuộc đời chúng ta bị phủ lấp bởi những bóng tối của thất bại, của cám dỗ và bởi những hào nhoáng của đam mê, của quyền lực và những thế lực mà chúng ta cậy dựa.

Trong lời khuyên của Thánh Augustino: “Đức tin là nguồn mạch của lời cầu nguyện, và nếu thiếu đức tin, thì không có cầu nguyện. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin để đức tin của chúng ta không bị suy yếu đi. Đức tin sinh ra lời cầu nguyện, và đến lượt nó, lời cầu nguyện đạt được sự củng cố đức tin”. Xin Chúa Giê-su cho chúng con luôn biết nhận ra phận mình yếu đuối để sống nương tựa vào Ngài một cách trung thành. Xin Chúa Giê-su cho chúng con có lòng khao khát, thuần khiết trong lời cầu nguyện chứ không vụ lợi cho việc suy tính ý riêng mình, hầu chúng con có thể đạt được những gì chúng con ước nguyện. Xin cho chúng con luôn nhiệt tâm trong lời cầu nguyện, vì chính lời cầu nguyện giúp chúng con không mất đức tin, và gia tăng lòng tin, lòng cậy, lòng mến trong mỗi hoàn cảnh cuộc đời chúng con. Amen

M.Nhị Thơ

Trả lời