Suy nghĩ xấu

Chúng ta còn có “suy nghĩ xấu” theo những cách tinh vi hơn thế. Chúng ta còn giết nhau mỗi khi chiều theo những ảo tưởng tự đại, ảo tưởng mình là siêu sao, xuất chúng, hơn người, ưu việt, và xem người khác thấp kém hơn mình…

Có người từng châm biếm rằng chúng ta dùng nửa đầu đời để vật lộn với giới răn thứ sáu – Chớ ngoại tình, rồi dùng nửa đời sau để vật lộn với giới răn thứ năm – Chớ giết người! Câu này có một sự thật đáng để chúng ta xem xét.

Trong đạo công giáo mà tôi được nuôi dạy, có sự nhấn mạnh rất lớn vào giới răn thứ sáu. Tình dục và các vấn đề liên quan đến tình dục bị cho rất rõ, đó là vấn đề của hành vi phạm tội. Mọi tình dục ngoài hôn nhân đều bị xem là có tội, nhưng ảo tưởng tình dục cũng vậy. Nếu bạn thích thú với bất kỳ ảo tưởng tình dục nào thì bạn phải xưng tội với linh mục. Trong cách nói thời đó, thì chuyện này bị gọi là “có suy nghĩ xấu”. Vì bản tính con người và vì các kích thích tố,  chắc chắn gần như ai cũng có “suy nghĩ xấu”.

Khi lớn lên, tôi bắt đầu nghĩ các ảo tưởng tình dục không phải là mối nguy thật sự về mặt suy nghĩ xấu. Khi thêm tuổi, những suy nghĩ xấu chúng ta cần xưng tội nhất lại liên quan nhiều hơn đến giới răn khác, đó là “chớ giết người”. Những suy nghĩ xấu ngăn chúng ta đến với tình yêu, cộng đồng và bàn tiệc thiên quốc nhất, là những suy nghĩ liên quan đến người chúng ta giận, người mà chúng ta không đội trời chung, người chúng ta không muốn ngồi cùng bàn, người chúng ta muốn báo thù, người chúng ta không thể tha thứ và người chúng ta không ủng hộ thái độ sống của họ.

Cha Henri Nouwen từng nói, rất lâu trước khi người nào bị bắn, thì họ đã bị bắn bằng lời lẽ, và rất lâu trước khi họ bị bắn bằng lời thì họ đã bị bắn bằng suy nghĩ. Những suy nghĩ kiểu như: Bà đó quá tự mãn! Tôi ghét bà! Tôi không thể ở cùng phòng với bà nổi! Chúng ta giết nhau trong suy nghĩ, trong xét đoán, trong thù ghét, ghen tị và tránh né nhau. Đây là những suy nghĩ xấu mà chúng ta cần xưng nhất.

Hơn nữa, đó chỉ là những hình thức thô thiển nhất trong những gì chúng ta phạm điều răn chớ giết người. Chúng ta còn có “suy nghĩ xấu” theo những cách tinh vi hơn thế. Chúng ta còn giết nhau mỗi khi chiều theo những ảo tưởng tự đại, ảo tưởng mình là siêu sao, xuất chúng, hơn người, ưu việt, và xem người khác thấp kém hơn mình. Cũng như những ảo tưởng tình dục, những ảo tưởng này đi kèm với sức mạnh chúng ta khó cự lại. Như những ảo tưởng tình dục, chúng bủa vây chúng ta bằng sự ấm áp tự thỏa mãn.

Nhưng tại sao chúng sai trái? Chiều theo những ảo tưởng rằng chúng ta đặc biệt, xuất chúng và anh hùng thì có gì sai?

Ngắn gọn, tự chúng thì không sai về luân lý. Nghĩ mình đặc biệt thì không phải là tội, nhất là khi chúng ta đặc biệt thật! Thiên Chúa tạo nên mỗi một người đều đặc biệt và độc nhất vô nhị, nhận ra mình như thế thì không có gì sai. Hơn nữa, trong phần lớn cuộc đời, như thế lại có thể là lành mạnh. Phải về sau này, vấn đề mới nảy sinh, khi đến lúc chúng ta phải bắt đầu xem lại bản thân một cách dũng cảm và dữ dội hơn, đối diện với những thứ trong nội tâm đang ngăn cản chúng ta nên một với mọi sự. Đừng nghĩ câu “nên một với mọi sự” có vẻ quá phật giáo, hay ấn giáo, kitô hữu chúng ta cũng nghĩ rằng tình trạng cuối cùng của mình trên thiên đàng sẽ như vậy, làm một với mọi sự, với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ và với chính mình.

Dù tự thân những ảo tưởng này không sai, nhưng chúng bồi đắp cho sự tách rời của chúng ta với tha nhân, đặt mình xa cách họ, ưu việt hơn họ, và cuối cùng, nó là vật cản cho sự hiệp nhất trong tình yêu với những gì chúng ta được kêu gọi và tiền định. Chúng cũng là cách để chúng ta giết nhau, dành vị trí chủ bàn tiệc cho chính mình.

Chúng ta dành phần lớn đời mình đấu tranh với giới răn thứ sáu. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta cuối cùng phải đấu tranh với giới răn thứ năm còn cam go hơn nữa. Dụ ngôn trong phúc âm về người con hoang đàng cho chúng ta thấy rõ vài điều về chuyện này. Người cha (Thiên Chúa) có hai con trai, và ông cố xin cả hai vào nhà (thiên đàng). Người con thứ, người con hoang đàng bỏ nhà đi vì những vấn đề với giới răn thứ sáu. Dù vậy, cuối cùng anh về với người cha và vào nhà. Người anh cả, không hề rời nhà, nhưng lại ở ngoài nhà cha vì anh đang chiến đấu với một thứ khác, là giận dữ, cay đắng, ghen tị và phán xét. Anh đang chiến đấu với những suy nghĩ xấu. Anh đang giết em mình bằng phán xét, ghen tương, bằng những ảo tưởng về sự ưu việt đạo đức của mình.

Cái kết của dụ ngôn này đáng để chúng ta để ý. Chuyện không kết lại với việc ăn mừng người em trở về và đoàn tụ với gia đình. Chuyện kết lại với việc người cha đứng bên ngoài nhà, ân cần vỗ về người con cả ghen tương, cay đắng, phán xét, ân cần dỗ dành anh bỏ đi những suy nghĩ xấu của mình.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Để lại một bình luận