Nhớ Ơn Thầy Cô

Lòng biết ơn là một nhân cách thể hiện sự trưởng thành trong mỗi chúng ta. Biết ơn đời, biết ơn người, và đặc biệt là biết ơn Thiên Chúa – Đấng đã tạo thành nên tôi và bạn, cho chúng ta được hiện hữu trong một thế giới xinh đẹp và tốt lành này. Với bao ân tình ấy, chúng ta chỉ có thể thốt lên lời cảm mến tri ân, và bản thân muốn cụ thể hoá bằng tâm tình biết ơn sâu xa đến những vị hữu trách, thầy cô giáo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam năm nay, các vị đã góp phần tô tâm hồn vẽ ước mơ đời tôi qua những nét chữ ê, a cùng lời dạy dỗ vỗ về, nhờ đó mà tôi được như ngày hôm nay, nên tôi ý thức rằng: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

Quả thế, với những năm tháng của tuổi học trò là những tháng năm ôm ấp nhiều kỷ niệm đèn sách, vui đùa cùng bạn bè, nhất là tôi được thụ huấn và nâng cao nguồn tri thức sâu rộng từ thầy cô, có thể nói rằng các vị ấy là những người đã thực hiện vai trò của mình vượt lên trên trách nhiệm được giao, họ cho tôi và bạn nhiều hơn những gì chúng ta mong đợi, đồng thời chính thầy cô cũng đã khơi dậy nơi ta lòng tri ân nơi tình yêu trong sáng và sự cống hiến của họ. Bởi vì Thầy cô hiểu được mục đích và giá trị mình vươn tới chính là chung tay dựng xây cho thế hệ tương lai thêm tươi sáng, mang lại lợi ích cho con người và xã hội.

Nói tới đây, tôi chợt nhớ đến ca khúc “Bụi Phấn” quen thuộc mà người học trò nào cũng thuộc làu bài hát này: “Khi Thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi …. Làm sao, có thể nào quên? Ngày xưa Thầy dạy dỗ, khi em tuổi còn thơ”. Những hạt bụi phấn ấy, gần như Thầy cô gói trọn tình cảm thiêng liêng, sự mong chờ của mình, ước mong sao người học trò trưởng thành, lớn lên về tri thức lẫn nhân cách và được kể như là thành quả tiên trưng cho công việc trăm năm trồng người.

Qua những dòng hoài niệm đơn sơ, mộc mạc nhớ về thầy cô, tôi cũng không thể không nhớ đến một người thầy thật đặc biệt trong cuộc đời mình, thầy ấy luôn dõi theo và đỡ nâng hành trình cuộc đời tu trì của tôi, đó chính là “Thầy Giê-su”. Bài học Thầy để lại cho nhân thế đáng ghi nhớ, cách riêng cho bản thân mình là “hiền hậu và khiêm nhượng trong lòng”; nơi Thầy đầy quyền năng nhưng năng quyền của Ngài biểu lộ không hệ tại để chế ngự trên người khác mà quyền uy của Thầy thể hiện bằng sự hiền lành và khiêm nhu với con người và mọi tạo vật.

Là người học trò bước theo Thầy từ thuở nhỏ cho đến hôm nay, một điều khiến tôi trăn trở là sự hiền lành – khiêm nhu của Thầy phải được thấm nhuần vào chính đời mình. Vì hai nhân đức này Đức Thánh Cha Phan-xi- cô gọi là hai vũ khí để chúng ta chống lại cám dỗ tinh thần của thế gian là quyền lực, sự phù phiếm, kiêu ngạọ và sự giàu sang của nó. Thực vậy, ngoài Lời Thiên Chúa thì hai vũ khí này Thầy Giê-su đã dùng để khống chế sự dữ, nhất là trong cuộc khổ nạn của Ngài “Như chiên bị đem đi làm thịt, … Người chẳng hề mở miệng (Ga 53, 7). Noi gương Thầy Giê-su cùng lắng nghe Lời Ngài, tôi và bạn cũng nhau thực hành như gương Thầy để lại.

Trong tâm tình tri ân thầy cô cùng với những vị có trách nhiệm trên cuộc đời mình, con nguyện xin Thầy Giê-su – Người Thầy Siêu Việt ban mọi ơn lành hồn xác cho tất cả thầy cô, cho những ai đã hướng dẫn con qua mọi hình thức, nhờ ơn Chúa trợ giúp, thầy cô có thể truyền đạt những bài học chân chính và lời hay ý đẹp đến với những ai mà thầy cô gặp gỡ.

M. Nhị Thơ

Trả lời