Cẩm nang Thượng Hội đồng về tính hiệp hành phát biểu:
“Hiệp thông: Cội nguồn sâu xa nhất của sự hiệp thông mà chúng ta cùng chia sẻ phát xuất từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi …”
Hiệp thông không phải là ước muốn hay ý thích của chúng ta hay của Giáo Hội. Hiệp thông khởi nguồn từ Thiên Chúa, Thiên Chúa là sự hiệp thông: Thiên Chúa duy nhất là: Cha và Con và Thánh Thần. Thiên Chúa tạo dựng con người cũng để cho con người được hiệp thông với Ngài. Sự nhập thể cứu độ của Ngôi Lời cũng với mục đích tái lập sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và liên kết con người với nhau trong Chúa Thánh Thần.
Lời khẩn cầu của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng: Hiệp thông bao gồm sự hiệp thông với nhau và hiệp thông với Chúa, theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi: “Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).
Tắt một lời, nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được hiệp thông với Chúa, hiệp thông với nhau, và đạt tới cùng đích là hiệp thông mãi mãi trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Vậy “Hiệp thông” là gì?
Trong tiếng Việt, đôi khi nó được hiểu như là “hiệp ý cầu nguyện”, hoặc “chia sẻ, cảm thông”. Tuy nhiên, nhiều khi đi trên cùng một con đường nhưng người đi trước kẻ đi sau theo kiểu mạnh ai nấy đi. Và vì thế, không đi đến đâu. Bởi vì muốn đi xa, phải đi cùng, có nghĩa là phải cùng đi với nhau, nương nhau, dìu nhau, đợi nhau, theo nhau đi…Cũng vậy hiệp hành sẽ mãi là khẩu hiệu, chỉ là kiểu nói hay, nếu không có hiệp thông.
Hiệp thông là tham dự, chia sẻ, là trao ban và lãnh nhận. Sự hiệp thông nơi Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và mẫu mực cho sự hiệp thông của loài người.
Câu chuyện: « Một Cha Sở thấy trong họ đạo có một người rất chăm chỉ đi nhà thờ, nhưng bỗng thấy vắng hẳn ông. Cha Sở tới gặp thấy ông đang ngồi cạnh lò sưởi. Không nói gì, Cha lẳng lặng gắp ra một cục than hồng để trên tảng đá, hồi lâu than tàn dần, người kia bèn cất tiếng phá vỡ bầu khí nặng nề: Thưa cha, cha khỏi cần phải nói lời nào hết, ngày mai con sẽ đi dự lễ như mọi khi…Than hồng một mình sẽ tàn lụi dần, cùng chung với các than trong lò, nó sẽ sáng hồng và nóng mãi ».
Hiệp thông là một trong những yếu tố cần thiết quyết định cho sự sống còn của Hội Thánh. Bởi lẽ, nó là yếu tố làm cho mọi thành phần Dân Chúa hiệp nhất nên một với nhau trong đời sống và sứ vụ để trở nên một Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Mặc dầu chúng ta đang ở trong thời đại 4.0, mặc dầu thế giới ngày nay được gọi là “thế giới phẳng” qua xu thế toàn cầu hóa và tác động internet trên cuộc sống thực của mỗi chúng ta. Những gì xảy ra trên thế giới chúng ta có thể biết cách tức khắc, nhưng ta lại không hiệp thông thực sự với thế giới ấy, và thế giới ấy không có sự hiệp thông.
Hội Thánh ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm mọi nước, mọi dân, mọi ngôn ngữ, mọi thời đại, nhưng vẫn chỉ tuyên xưng cùng một đức tin duy nhất, nhận được từ các Tông đồ. Điều đầu tiên mà Kitô hữu cần làm để xây dựng đời sống hiệp thông đại đồng chính là sự hiệp thông trong đức tin.
Trong Thông điệp đầu tay Lumen Fidei, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến chiều kích hiệp thông trong đức tin, khởi đi từ đời sống gia đình. Đời sống đức tin là một quá trình tiệm tiến, vì thế trước khi trở nên chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội, mỗi người cần được nuôi dạy trong môi trường gia đình và giáo xứ của mình. Nhờ đức tin được nuôi dạy từ môi trường gia đình, người Kitô hữu sẽ mang đến nhiều điều tốt lành cho xã hội loài người trong cuộc sống chung. Nhờ đức tin chúng ta nhận ra rằng, hiệp nhất vẫn cao cả hơn xung khắc, hoà bình hơn là chiến tranh. Nhờ đức tin, chúng ta nhận ra rằng, tình yêu là sức mạnh kỳ diệu giúp hàn gắn những đổ vỡ của thế giới này.
Chính sự hiệp thông trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa là nền tảng cho đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình Thánh đã đặt nền tảng, niềm hy vọng và nguồn bình an của mình trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nhìn vào Gia đình Thánh chúng ta cũng thấy các Ngài đã gắn bó với nhau theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thánh cả Giuse đã đồng hành với Maria và Hài nhi Giê-su trong những chặng đường khó khăn gian khổ: Thánh nhân đã luôn gắn bó với gia đình bằng tất cả lòng yêu mến và trách nhiệm.
Đức Maria đã chấp nhận gian khó trong tình yêu mến. Mẹ luôn luôn hiện lên trong một dung nhan dịu hiền, âm thầm, kín đáo. Mẹ đã thực sự trở nên một người phụ nữ gương mẫu trong đời sống gia đình, luôn tín thác nơi Thiên Chúa và hết mình lo lắng cho con.
Với Hài Nhi Giê-su dưới mái nhà nơi miền Nazareth, Ngài đã luôn vâng phục trong tình yêu mến hầu chương trình cứu chuộc nhân loại được thực thi.
Gia đình ấy quả thực là một Gia đình Thánh, một gia đình luôn yên vui đầm ấm. Mọi thành viên luôn gắn bó với nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, luôn nâng đỡ nhau trong tình yêu mến, trên thuận dưới hòa. Các gia đình sẽ đứng vững trong sự bình an khi biết rập khuôn theo mẫu gương Gia đình Thánh. Người chồng biết lắng nghe và sống tinh thần trách nhiệm. Người vợ luôn sống dịu hiền, yêu thương chồng, chăm sóc cho con. Một người vợ luôn biết yêu thương và hết mình chăm sóc con cái là chiếc nôi bảo đảm cho gia đình yên vui hạnh phúc. Những người con trong gia đình chỉ có thể trưởng thành đầy đủ khi biết tôn trọng và tùng phục cha mẹ trong tình yêu mến. Có được như vậy, đời sống gia đình sẽ đẹp biết bao. Gia đình sẽ là chiếc nôi để ươm trồng sự sống, là không gian cho tình yêu triển nở, là đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị.
Tóm lại, Thiên Chúa Ba Ngôi là mô mẫu cho tình hiệp thông nhân loại. Ba Ngôi luôn hiệp nhất với nhau, lắng nghe nhau, thông truyền cho nhau và dù Ba Ngôi phân biệt nhưng không bào giờ tách biệt. Mỗi Kitô tô hữu được mời gọi trở nên chứng nhân cho tình yêu Ba Ngôi cho con người trên thế giới. Ước gì, với tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội trở nên thực tại hiệp thông và mỗi Kitô hữu trở nên chứng nhân hiệp thông, hầu làm cho Tin Mừng tình thương của Chúa thấm đẫm mọi thực tại trần gian, mong mai ngày tất cả công trình tạo dựng được quy tụ và hưởng niềm vui của mầu nhiệm hiệp thông trong Vương Quốc vinh hiển.
M. Hoa Rơi