Kim Khẩu có nghĩa là miệng vàng. Tài lợi khẩu và việc rao giảng đã khiến cho thánh nhân xứng đáng mang danh hiệu này. Tuy nhiên thánh nhân nổi tiếng vì chính con người của ngài hơn là tài giảng thuyết
Thánh Gioan Kim Khẩu sinh tại Antiôchia nước Syria, năm 347, cha ngài là một sĩ quan quân đội, đã qua đời ít lâu sau khi ngài sinh ra. Mẹ ngài goá bụa vào tuổi đôi mươi đã từ khước tái hôn để dành trọn tình mẫu tử vào việc giáo dục con cái. Vì vậy thánh nhân liên tiếp được hướng dẫn sống đời cầu nguyện thinh lặng. Gioan còn được mẹ ký thác cho Libaniô, nhà hùng biện thời đó, dạy cho thuật ăn nói. Thánh nhân nhanh chóng bắt kịp rồi qua mặt thầy về khoa này. Một ngày kia, khi đọc bài tập của Gioan, Libanio đã phải thốt lên :
– “Phúc cho những hoàng đế nào được tán tụng như vậy”.
Hai mươi tuổi, Gioan đã biện hộ trước tòa án với một tài năng đặc biệt khiến nhiều người thán phục. Gioan một thời gian đã để mình bị lôi cuốn theo nhiệt tình của dân chúng. Nhưng rồi ngài đã sớm nhận ra mối nguy của danh vọng và dứt khoát giã từ pháp đình để tự hiến cho Thiên Chúa. Sau khi học Thánh Kinh, ngài theo thánh Meletô (+381). Giám mục Antiochia, là đấng đã dạy dỗ, rửa tội và phong cho ngài tác vụ đọc sách.
Năm 374, thánh Gioan ẩn mình trong miền núi Syria, thụ giáo với tu sĩ thánh thiện trong 4 năm. Sau đó ngài ẩn mình trong một hang đá hai năm để cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh. Ngã bệnh vì cuộc sống quá khắc khổ, ngài trở lại Antiochia và được thánh Melatiô phong chức phó tế năm 318. Năm 386, ngài thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy, một phận vụ lúc ấy chỉ do các Giám mục phụ trách. Suốt 38 năm, tài lợi khẩu của ngài thật đăc biệt có sức lôi cuốn cả dân thành Antiochia.
Ngày 26 tháng 2 năm 398, thánh Gioan được tấn phong Giám mục thành Constantinople. Ngài mau mắn sửa đổi lại tòa Giám mục. Bán của cải, ngài phân phát cho người nghèo khó và xây dựng một nhà thương, ngài lo lắng nhổ tận gốc rễ những lạm dụng trong giáo đoàn. Với tất cả sự hùng biện, ngài công kích những vô kỷ luật xa hoa, ngay tại triều đình. Sự can đảm của ngài làm hoàng hậu Eudoxia mích lòng. Bà vận động chống lại thánh nhân. Ngài nói :
– “Hãy nói với Hoàng Hậu rằng : Gioan Kim Khẩu chỉ sợ có một điều, không phải lưu đày tù tội, cũng không phải nghèo túng và phải chết đi nữa, mà chỉ sợ phạm tội thôi”.
Và ngài đã bị lưu đày (nơi Cucuusus) ở Armenia. Đức Giám mục tại đó tiếp đón ngài nồng hậu. Đức Giáo Hoàng Innocentê I, gởi đặc sứ tới Constantinople triệu tập một công đồng để dàn xếp nội vụ. Nhưng các thành viên bị tống giam và thánh Gioan Kim Khẩu còn bị lưu đầy đi xa hơn nữa. Lúc ấy ngài đã già nua. Cuối cùng ngài bị bất tỉnh và được đưa vào nguyện đường thánh Basiliô gần Comana miền Cappadocia. Nơi đây sau khi chịu các phép bí tích cuối cùng, ngài qua đời ngày 14 tháng 9 năm 407. Năm 438 xác thánh nhân được long trọng rước về Constantinople. Vị tân hoàng đế và em gái ông đã hối hận vì tội lỗi của cha mẹ họ.
Kim Khẩu có nghĩa là miệng vàng. Tài lợi khẩu và việc rao giảng đã khiến cho thánh nhân xứng đáng mang danh hiệu này. (Tên ngài cũng dính liền với phụng vụ thánh Gioan Kim Khẩu, thịnh hành ở Đông phương).
Tuy nhiên thánh nhân nổi tiếng vì chính con người của ngài hơn là tài giảng thuyết. Ngài là một khuôn mặt có ảnh hưởng lớn lao và sống động thời đó. Qua các bài giảng của ngài, chúng ta thấy phản ảnh một con người nhẫn nại và đầy sức sống. Qua các tác phẩm và nhất là qua các thư từ của ngài, ngày nay chúng ta có được cảm giác sống động thế nào là một con người đầy nhân bản.
Trích: Theo Vết Chân Người, Lm. Phaolô Phạm Quốc Túy