HIỆP THÔNG THEO CHIỀU ĐỨNG VÀ CHIỀU NGANG
Hội Thánh là công trình hiệp thông của Chúa Ba Ngôi thể hiện nơi những kẻ tin. Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha xin cho tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ cũng được ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21). Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân (ban hành ngày 30/12/1988) nói: “Giáo Hội không phải là một thực thể khép kín lại nơi chính mình nhưng đúng hơn là thường xuyên mở ra cho công cuộc rao giảng Tin Mừng và đại kết đầy năng động, bởi vì Giáo Hội được sai đến trần gian để loan truyền và làm chứng, hiện tại hoá và truyền bá mầu nhiệm. Hiệp thông là mầu nhiệm tạo thành Giáo Hội: quy tụ mọi sự và mọi người trong Đức Kitô; là bí tích hợp nhất bền vững cho tất cả mọi người”. Vậy hiệp thông có hai mối tương quan: tương quan theo chiều dọc và tương quan theo chiều ngang.
- Hiệp thông với Thiên Chúa
Do đó điều cần thiết để có một tầm nhìn Kitô giáo về sự hiệp thông trước hết là nhận ra nó như một món quà đến từ Thiên Chúa khi Tuyên xưng Giáo Hội là “Mầu Nhiệm Hiệp Thông”. Hiệp thông trước hết là hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, trong Chúa Thánh Thần chúng ta nên một với Chúa Cha và Chúa Con. Rồi mới đến chiều ngang là “nhờ kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nên một với nhau, làm thành Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô”.
Mối quan hệ mới giữa con người và Đức Chúa Trời được thiết lập trong Đức Kitô và được truyền đạt trong các Bí tích cũng được mở rộng bởi một mối quan hệ mới giữa con người với nhau. Do đó, khái niệm hiệp thông cũng phải có khả năng diễn đạt một mặt là bản chất bí tích của Giáo Hội trong khi chúng ta sống lưu vong xa Chúa, và mặt khác là sự hiệp nhất đặc biệt làm cho các thành viên trung thành trong cùng một thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô. Giáo Hội là một Cộng Đoàn có cấu trúc hữu hình, một Dân Tộc được quy tụ lại theo mẫu gương hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần.
- Hiệp thông với con người
Thời giáo hội sơ khai theo Sách Công Vụ Tông Đồ, hiệp thông chính là “một lòng một ý” hay “đồng tâm nhất trí”. Điều ấy được diễn tả rõ nét qua nguyên tắc sống nền tảng của cộng đoàn Giáo Hội sơ khai như sau: không ai trong các tín hữu phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, đem số tiền thu được đặt dưới chân các Tông đồ, tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 34 – 35). Hiệp thông trong Giáo hội là “cộng đồng các tín hữu” gắn bó với nhau, nhưng không phải bởi một tình bằng hữu “thuần túy tự nhiên” hoặc một khế ước “thuần túy xã hội” nhưng là một “Dân Thánh”, được quy tụ bởi Tình Yêu Ba Ngôi”, được kết hợp với Thiên Chúa và nối kết với nhau nhờ “Hồng ân Thánh Thần” mà họ lãnh nhận qua Lời Chúa và các Bí Tích.
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta: Ra đi đến vùng ngoại biên. Hiệp thông mời gọi mọi người “cùng nhau cất bước hành trình” không để ai xa cách, không để ai bên lề mà không cùng đi trên con đường tiến về Nước Trời. Hiệp thông mời gọi chúng ta tích cực lắng nghe, tìm mọi cách để mọi người được phát biểu, đặc biệt là những thành phần bị lãng quên hay bỏ rơi, những người bị xã hội loại trừ, những người đã trải qua đau khổ khốn cùng…
Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, thế giới ngày nay được gọi là “Thế giới phẳng” qua xu thế toàn cầu hóa và tác động internet trên cuộc sống thực của mỗi chúng ta. Những gì xảy ra trên thế giới chúng ta có thể biết ngay tức khắc nhưng lại không hiệp thông thực sự với thế giới ấy, bởi vì internet chỉ mang tính chất truyền thông chứ chưa thật sự mang tính hiệp thông.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” đã cho ta một cái nhìn về thực trạng thế giới toàn cầu hóa, đồng thời ngài cũng kêu gọi chúng ta hãy nói không với thực trạng xấu này: Nói không với một nền Kinh tế loại trừ (53-54), nói không với Ngẫu thần mới là tiền Bạc (55-56), nói không với một hệ thống tài chánh thống trị thay vì Phục vụ (57-58), nói không với sự bất bình đẳng là nguồn gốc của bạo lực (59-60).
Ước gì chúng ta cùng khởi đầu tiến trình Hiệp hành bằng sự lắng nghe: Mục tử lắng nghe con chiên, con chiên lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe Mục tử; lắng nghe nhau với Lòng thương xót như Đức Chúa đã lắng nghe tiếng Dân Ngài kêu than vì bọn cai hành hạ và sai Mô-sê giải thoát họ (Xh 3,7-8); lắng nghe nhau với lòng nhân hậu và quả cảm thực thi bác ái như Thiên Chúa lắng nghe và ra tay bênh vực những “mẹ góa con côi bị ức hiếp” (Xh 22,11-22); lắng nghe nhau với lòng khiêm nhường tín thác như Samuel nhờ vâng nghe Thầy cả Êli nên mới nghe được tiếng Chúa dạy bảo cậu (1Sm 3,1-14).Và chỉ khi chiên lắng nghe chủ chăn, chủ chăn lắng nghe chiên, không làm ngơ giả điếc với nhau thì Thiên Chúa mới lắng nghe chúng ta thân thưa kêu cầu.
Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và nghe được lời mời gọi Hiệp Thông – Tham gia – Sứ vụ.
TYM