Mùa Cà Phê “Chín Mọng”

Hằng năm, vào độ cuối tháng 11 đầu tháng 12 dương lịch, các em khối tiền tập truyền tai nhau, to nhỏ nói với nhau: “chúng mình sẽ có một chuyến hái cà phê trên vùng cao nguyên”, em nào cũng ra “dzẻ” hớn hở, sẵn sàng cho hành trình trải nghiệm của mình.

Trên vùng này, ngay tại Tỉnh Gia Lai, Thành Phố Pleiku có sự hiện diện của quý Dì trong Hội dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn đang mục vụ, đó là Cộng đoàn Hiển Phúc. Điều ấn tượng nhất trước khi đặt chân tới cộng đoàn là phải đi ngang đất thánh thai nhi, tạo cho ta cảm giác không phải sợ hãi mà nó có gì đó rất linh thiêng, vì diễn tả sự sống là của Chúa mà không ai được tước quyền của Thiên Chúa ban tặng cho mỗi nhân linh đó là được hiện hữu từ trong dạ mẹ.

Và cũng vì lần đầu tiên đặt chân tới vùng đất này, nên khí hậu của mùa đông cũng khiến chúng tôi se lạnh, nhưng không buốt giá, trái lại rất dễ chịu. Khi tới nơi mỗi thứ ổn định, chiều bắt tay vào việc, từng bước đi vào những luống cà phê, khứu giác tiếp nhận một hương vị của những trái cà phê chín mọng, ánh mắt sáng lên vì lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy, đôi tay thì chạm vào từng trái chín đỏ, rất thích thú, cảm giác lâng lâng, bởi bấy lâu nay uống cà phê rất nhiều nhưng chưa biết nó phải trải qua công đoạn như thế nào để cho người tiêu dùng được cảm nếm.

Điều đáng nói ở đây là, khi các em được hướng dẫn cách thức hái cà phê như thế nào thì “thực tập vài cây” là các em đều thoăn thoắt đôi tay hái như những người chuyên nghiệp. Cách thức hái làm cho các em cũng như chính tôi đọc được ý nghĩa rằng bất cứ khi làm việc gì cũng phải có một sự khiêm tốn nhất định, muốn hái được trái cà phê phải luồng người xuống cây để hái, dùng bàn tay để “lặt” có khi buốt cả đầu ngón tay, nhưng nhìn trái rơi xuống thật thích thú, trái đỏ rực rỡ, còn khi nếm thử trái cà phê tươi thì có vị ngọt thanh thao là lạ làm sao.

Sau khi những trái chín mọng được hái xuống, các em cân từng bao được thu hoạch để biết số ký … rồi phơi … rồi phân loại để có những sản phẩm chất lượng nhất. Với thành quả thu về sau một ngày làm việc từ sáng sớm đến chiều tà làm tăng thêm sự nặng trĩu, không chỉ nặng trĩu của những bao cà phê, nhưng nặng trĩu tình thương với Hội dòng, nặng trĩu tình thương san sẻ với nhau khi vui cũng như khi buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi và khi thành công cũng như thất bại.

Và theo Chị Trưởng Cộng Đoàn Hiển Phúc cho biết, cà phê quý Dì làm đạt theo tiêu chuẩn “ba không” là không thuốc, không phân, không chất hoá học, có phân hữu cơ, hoàn toàn “cà phê Mộc”, có tên gọi Cà phê hạt Robusta còn được gọi là cafe vối. Đây là một trong những loại cà phê được bán phổ biến và được ưa chuộng ở thị trường Việt. Đây là một loại cà phê thiên về vị đắng. Nó có nguồn gốc từ Tây Châu Phi Sahara. Đây được xem là thánh địa của cà phê với sản lượng hàng đầu thế giới. Cây cà phê Robusta du nhập đến Đông Nam Á vào năm 1900 và được nhân giống, trồng trọt rộng rãi.

Hàm lượng cafein ở hạt Robusta rất cao, chiếm tỷ lệ từ 2 đến 3%. Ở cafe Arabica, hàm lượng này chỉ khoảng từ 1 – 2%, trong khi đó lại có đến hơn 60% chất béo, gấp đôi so với Robusta. Chính sự khác biệt này đã tạo nên những khác biệt về hương vị của hai loại cafe.

Khi nghe Dì nói tổng quát vài đặc điểm của loại cà phê Robusta, thì điểm đáng lưu ý là cà phê “nguyên chất, không pha trộn” như bất cứ cà phê nào trên thị trường, vì “muốn đảm bảo sức khoẻ cho người dùng”.

Trong tâm tình tri ân tình thương Chúa thương ban, tình thương của Mẹ Hội dòng và tình thương của chị em với nhau. Nhìn những trái cà phê chín mọng, đỏ au, một phần nào đó cho chúng tôi một dấu hiệu tốt lành về đời sống dâng hiến của chúng tôi cũng được chín mùi, đỏ rực sau những ngày tôi luyện mình trong tinh thần Tin Mừng, trong ba lời khấn dòng, được chăm sóc kỹ lưỡng từng ngày, chắt chiu theo năm tháng. Xin tạ ơn chúa, cảm ơn Mẹ Hội dòng và chân thành cảm ơn nhau.

M. Nhị Thơ

Một số hình ảnh:

Trả lời