Một câu gói gọn cho tất cả!

Thánh Augutinô: “Lạy Chúa, Ngài đã tạo chúng con cho Ngài, tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ an trong Ngài”.

Không một dòng nào ngoài Kinh Thánh đã đi vào tâm hồn tôi một cách mạnh mẽ, vững bền và khắc sâu cho bằng dòng này của Thánh Augutinô. Căn bản, đây là câu chuyện đời của Thánh Augutinô và cũng là câu chuyện đời của mỗi chúng ta.

Khi đọc và nghiên cứu và được đánh động mạnh bởi một dòng đầy mãnh lực của một tác giả nào đó, tôi liền gạch chân dòng đó và  chép lại. Tôi có cả một quyển tập những câu trích của Shakespeare, Aristotle, Plato, Tôma Aquinô, Teilhard, Einstein, Albert Camus, Steve Hawkings, Doris Lessing, Milan Kundera, John Steinbeck, Karl Rahner, Gioan Thánh Giá, Ruth Burrows, James Hillman, Anne Frank, Ivan Illich cùng những người khác. Nhưng câu ghi khắc của Thánh Augutinô vượt trên tất cả.

Điều ngài nêu lên ở đây, trong mỗi chúng ta có một khắc khoải khôn nguôi làm chúng ta cứ bồn chồn không dứt. Tôi luôn cảm thấy rất rõ điều này trong đời mình, và ở tuổi hai mươi, tôi đã viết quyển sách Quả tim Thao thức (The Restless Heart), trong đó tôi cố đưa ra một linh đạo cho người khắc khoải (và có lẽ chủ yếu là cho chính tôi) với nền tảng chủ yếu là câu này của Thánh Augutinô. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn mở to mắt tìm kiếm những thành ngữ bổ sung và dễ đối chiếu về châm ngôn trứ danh này của Thánh Augutinô. Có một số câu như sau:

Karl Rahner, một thần học gia trứ danh của thế kỷ 20 vừa qua, khi viết thư cho người bạn đang sợ mình bị lỡ mất quá nhiều điều trong đời, ngài đã khuyên: “Trong nỗi giày vò của sự thiếu hụt tất cả mọi thứ có thể đạt được, đến tận cùng, chúng ta học để biết rằng, trong đời này, tất cả mọi bản nhạc giao hưởng đều dang dở”.

Còn tác giả Qoheleth viết sách Giảng viên trong Cựu Ước, trong đoạn văn vốn quen thuộc với hầu hết chúng ta, (“mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời”), tác giả mang đến cho chúng ta nhịp điệu tự nhiên đã được Thiên Chúa sắp đặt. Ông nói, thời gian và tự nhiên có nhịp điệu tuyệt mỹ và mọi sự đều có thời, có chốn thích đáng của nó. Tuy nhiên, ông kết lại với câu: Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc, nhưng Thiên Chúa đã đưa sự vô tận vào tâm hồn con người, nên từ đầu đến cuối, chúng ta cứ lạc nhịp với thời gian và các thời. Chúng ta không bao giờ ăn khớp với nhịp điệu của vạn vật vì trong chúng ta có điều gì đó nằm ngoài thời gian.

Và ai có thể quên được những lời đầy ám ảnh của Anne Frank, thiếu nữ thu mình trên căn gác xếp để trốn quân phát xít, bàng hoàng trước sự khắc khoải của một thiếu niên và sự băn khoăn của một nghệ sĩ, cô tâm sự đơn sơ, cô không bao giờ có thể hoàn toàn ở trong khoảnh khắc hiện tại vì “Tôi muốn ở mọi nơi cùng một lúc”.

Bà Doris Lessing, tiểu thuyết gia người Anh, nêu lên rằng trong mỗi chúng ta có một năng lượng mạnh mẽ không hề nguôi ngoai (“dòng điện cao thế 1000 vôn”) và nó làm chúng ta bồn chồn luôn mãi. Với dòng văn ngoài quan điểm đức tin, bà hỏi sinh lực này để làm gì? Và câu trả lời của bà: Vì tất cả và vì bất kỳ sự gì – sáng tạo, tình yêu, tình dục, công lý. Nhà văn Nobel Albert Camus, cũng viết ngoài quan điểm đức tin, ông có cách hiểu rất thú vị về linh hồn con người. Ông so sánh việc ở trong bản tính con người với việc bị kẹt trong nhà tù trung cổ. Các nhà tù trung cổ nhằm để triệt tinh thần của tù nhân bằng cách nhét họ trong căn phòng rất chật, chật đến mức họ không thể nào đứng thẳng hay giãn thẳng người. Trần quá thấp, phòng quá hẹp. Mục đích là để bẻ gãy tinh thần của tù nhân. Với Camus, đó là cách chúng ta cảm nghiệm bản thân bên trong bản tính của mình. Thế giới đơn giản là quá nhỏ với chúng ta, không đủ để chúng ta đứng thẳng hay giãn người, và nó vắt kiệt tinh thần chúng ta.

Trên đây là những câu rất sâu sắc nói về sự bồn chồn này, nhưng thật ra chúng có khắp nơi. Ấn giáo nói về một “hoài niệm về sự vô tận” nào đó trong chúng ta, Plato nói về “sự điên loạn thần thánh” ở trung tâm linh hồn, Shakespeare nói về “khao khát bất tử, bà Ruth Burrows thì mở đầu tự truyện bằng lời thú nhận mình bẩm sinh có một phức tạp bệnh lý làm bà phải đấu tranh cả đời; nhà tâm lý học James Hillman, trong quyển sách sâu sắc Tự tử và Linh hồn (Suicide and the Soul), nêu lên hầu hết các vụ tử tử là vì linh hồn không được lắng nghe nên hậu quả là nó giết chết thân xác, còn tác giả Philip Roth thì nói về trận bão những chi tiết cấu thành sự hỗn độn của đời người. 

Văn học, triết học, thi ca, nghệ thuật, tâm lý học, tiểu sử, thần học, và linh đạo đầy những biểu đạt về khao khát vô độ trong linh hồn con người vốn cuối cùng không thể nào hoàn toàn hòa hợp với bất kỳ điều gì trên đời. Nhưng nó phải như thế. Với Thánh Augutinô, cách đây 1700 năm, thì sự khắc khoải, sự vô tận, nỗi nhớ nhà, cơn điên loạn thần thánh, dòng điện cao thế 1000 vôn trong chúng ta, sự phức tạp bệnh lý và sự hỗn độn của đời người này, chúng giữ cho chúng ta luôn mãi khắc khoải, và đến tận cùng, nó là thuộc tính tốt nhất của chúng ta, là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta, là sự bất tử và thần thánh như một phần cấu thành linh hồn chúng ta.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Để lại một bình luận