Mất Đi Tính Ngây Thơ

Như Sa-un, chúng ta có thể đầy ghen tị mà không biết, và như Hagar, chúng ta có thể cay đắng và xấu xí mà không biết. Nhưng người khác lại nhận ra.

Câu chuyện Cựu Ước về ông Sa-un là một trong những tấn bi kịch lớn nhất lịch sử văn học. So với câu chuyện của Sa-un, Hamlet chỉ là nhân vật của Disney. Ít ra, Hamlet có lý do hợp lý cho sự cay đắng chiếm lấy mình. Còn vua Sa-un, với khởi đầu của ông, đáng ra ông phải tốt đẹp và thuận lợi hơn nhiều, rất nhiều.

Câu chuyện của ông bắt đầu với tuyên bố, trong toàn dân Israel, không một ai so sánh được với ông về chiều cao, sức mạnh, sự tốt lành hay sự tán thành. Một lãnh đạo bẩm sinh, một quân vương giữa toàn dân, tính cách phi thường của ông được toàn dân công nhận và tán dương. Họ đã biến ông thành vua. Khởi đầu câu chuyện của ông không khác gì cổ tích, và nó tiếp diễn như thế trong một thời gian.

Tuy nhiên, đến một lúc, mọi chuyện bắt đầu trở nên xấu. Lúc đó là lúc Đavid xuất hiện, một người trẻ hơn, đẹp hơn, tài năng hơn và được ca ngợi hơn ông. Sự ghen tị xuất hiện và bắt đầu đầu độc tâm hồn Sa-un. Khi nhìn Đavid, ông chỉ thấy sự ái mộ lấn át ông, chứ không thấy sự tốt lành của người khác và càng không thấy sự tốt lành đó đem lại gì cho người khác. Thay vào đó, ông ngày càng cay đắng, nhỏ nhen, thù địch, cố giết Đavid, và cuối cùng chết bởi chính tay mình, một con người giận dữ đã xa rời sự ngây thơ và tốt lành thời trẻ của mình.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Làm sao một người có quá nhiều thứ như ông, tốt lành, tài năng, được ca ngợi, quyền lực, phúc lành, làm sao một người như thế lại có thể trở thành một kẻ cay đắng và nhỏ nhen, rồi cuối cùng tự sát? Sao chuyện lại xảy ra như thế được? Cố tác giả Margaret Laurence, trong tiểu thuyết xuất sắc và tăm tối Thiên thần đá (The Stone Angel), đã cho chúng ta một mô tả rất hay về cách câu chuyện này xảy ra, và nó xảy ra cách kín đáo không cho người đó nhận ra mình đang biến đổi.

Nhân vật chính của bà là Hagar Shipley, kiểu người như vua Sa-un. Câu chuyện của Hagar cũng bắt đầu như thế. Cô trẻ trung, ngây thơ và đầy tiềm năng. Và cô gái trẻ trung, tài năng, sáng láng, xinh đẹp này sẽ trở nên nhân vật thế nào? Đáng buồn là, lại chẳng đi đến đâu.  Cô vật vờ trôi dạt vào mọi thứ: tuổi trưởng thành, hôn nhân không hạnh phúc, một nỗi thất vọng sâu sắc không thể nhận ra, không diễn tả được, đến nỗi cuối cùng làm cho cô thành nhếch nhác, lạnh lẽo, cay đắng, không còn sinh lực hay chí khí gì nữa. Điều đáng buồn nhất là bản thân cô lại chẳng thấy được chuyện này. Trong đầu cô, cô nghĩ cô vẫn là cô gái trẻ trung, ngây thơ, dễ thương, quyến rũ, nổi bật như thời trung học. Cô không để ý thấy thế giới của mình đã trở nên nhỏ bé đến thế nào, số bạn bè thật sự chẳng còn bao nhiêu, cô không còn ngưỡng mộ điều gì hay ngưỡng mộ ai, cô đã trở nên nhếch nhác như thế nào cô cũng không biết.

Và cô đã thức tỉnh một cách đột ngột, tàn khốc. Một ngày mùa đông nọ, luộm thuộm trong bộ áo trùm đầu, cô bấm chuông cửa nhà nọ để giao trứng. Một đứa bé sáng sủa ra mở cửa, và Hagar nghe cậu bé nói nói với mẹ: Cái bà già giao trứng gớm ghiếc đang đứng ở cửa!

Quá choáng váng, cô rời ngôi nhà và tìm đường đến nhà vệ sinh công cộng, mở hết đèn lên và soi mình trong gương. Trước mắt cô là một gương mặt mà cô còn nhận không ra, một người quá đỗi thảm hại trái ngược với những gì cô hình dung về mình. Cô thấy trước mắt đúng là bà già giao trứng gớm ghiếc mà đứa bé thấy, chứ không phải là cô gái trẻ trung, nhân hậu, dễ thương, hấp dẫn mà cô nghĩ mình vẫn là. Cô tự hỏi, “làm sao có thể như thế này được?”. Làm sao mà chúng ta lại trở thành một người mà chúng ta không quen, không thích và chẳng hề nhận ra chuyện này?

Có thể nói, đây là chuyện của tất cả chúng ta. Không dễ để già đi, để chấp nhận chúng ta đã xa rời giấc mơ về mình, để nhìn người trẻ tiếp nối sự nổi tiếng và ca ngợi mà chúng ta từng có. Như Sa-un, chúng ta có thể đầy ghen tị mà không biết, và như Hagar, chúng ta có thể cay đắng và xấu xí mà không biết. Nhưng người khác lại nhận ra.

Và trong chuyện này, không phải chúng ta không đạt được điều gì. Thường thì chúng ta trở nên khôn ngoan hơn theo kiểu của thế gian mà vẫn là người tốt tính, rộng lượng. Tuy nhiên, chúng ta có khuynh hướng xấu tính hơn trước, than vãn quá nhiều, thương thân quá nhiều, và chiều theo thói nguyền rủa thay vì chúc phúc khi thấy người khác thế chỗ mình, những người trẻ, người được ái mộ, người được ca ngợi.

Còn nữa, nhiệm vụ về nhân bản và thiêng liêng của nửa sau cuộc đời là từ bỏ ghen tị và xấu xí này để một lần nữa quay lại với tình yêu, sự ngây thơ và tốt lành của tuổi trẻ, để lấy lại sự thuần khiết, hướng đến một sự ngây thơ lần thứ hai và bắt đầu có lòng ngưỡng mộ lần nữa.

Mở đầu sách Khải Huyền, Thánh Gioan, với ngụ ý thay lời Thiên Chúa, đã khuyên chúng ta, ít ra là với những ai đã qua thời tuổi trẻ: “Ta đã thấy con làm việc chăm chỉ đến thế nào. Ta công nhận sự độ lượng và mọi việc lành con làm, nhưng có điều này Ta có điều này không hài lòng về con – là con ít yêu thương hơn thời trẻ! Hãy quay lại và xem con đã ngã ở đâu!”

Có lẽ chúng ta muốn nghe điều này từ Kinh Thánh trước khi vô tình nghe một cô bé bảo mẹ, có một người già cay đắng khó chịu đang đứng trước cửa nhà.

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

Để lại một bình luận