Tình yêu thiêng liêng nhất chính là tình yêu gia đình. Nơi đó có sự chở che trong thầm lặng nhưng mạnh mẽ của cha; sự quan tâm dịu dàng của mẹ; đồng thời tình yêu ấy còn lan toả qua tấm lòng bao dung, ân cần dạy dỗ từ những người hướng dẫn đời ta mà chúng ta thường gọi thầy cô.
Thật vậy, dù là tình yêu thể hiện bằng sự nghiêm khắc hay nhân từ, lời nói hay lặng thinh dõi nhìn, thì mục đích chỉ để nối kết tình yêu thương giữa giáo viên và trẻ, nhờ thế, lớp học mới có thể mang hơi ấm gia đình, đong đầy tình yêu chân thành mà người nhà giáo mong ước.
Trong môi trường giáo dục “Trường học là một gia đình thu nhỏ và giáo viên mầm non là người mẹ thứ hai của các em” thì tình mẫu tử này dắt dìu các em từng ngày cũng không thua kém với người mẹ sinh ra các em. Vì họ hiểu rằng vai trò của mình là người ươm những mầm xanh cho tương lai xã hội.
Đối với tôi, là người nữ tu, và cũng là một giáo viên dạy mầm non; tôi không chỉ làm tròn bổn phận là một giáo viên bình thường, mà còn mặc cho mình một tâm tình của người tu sĩ, là “dạy” và “dỗ”, giáo dục và chăm sóc; đó chính là tâm huyết của người tu sĩ mang trong mình nghề giáo.
Trong một ngày khi cận kề bên các em, gần như tôi dành hai phần ba thời gian ở bên trẻ, thay cha mẹ để chăm sóc các em từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy bảo các em từng những bước chân đầu tiên. Khi em khóc, em ngã, và ngay khi các em đánh nhau với bạn hay em nhớ ba mẹ …. Những lúc như thế, tôi phải thấu hiểu tâm lý của em để có thể đáp ứng phần nào những đòi hỏi, tình huống mà em mong muốn như mẹ mình.
Qua tất cả điều nhỏ ấy, tôi thầm hỏi: nếu không yêu trẻ và yêu nghề thì làm sao người giáo viên có thể làm tốt mọi việc ở trường, tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu vô vị lợi mới có thể làm được như vậy. Lại thêm, bao đêm phải thao thức chuẩn bị bài để giờ lên lớp thêm phần mới mẻ, thu hút, …. Bởi vì, với trẻ thì mỗi ngày tới trường là một niềm vui, niềm vui ấy chắc hẳn có bàn tay dịu dàng, giọng nói nhẹ nhàng, và tình cảm yêu thương của cô giáo dành cho mình, như lời hát: “khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”.
Bên cạnh đó, người giáo viên còn bao khó khăn riêng trong đời sống, là sức khỏe; là phương pháp giảng dạy, và có khi chưa được sự cảm thông của phụ huynh. Tuy nhiên, không như thế mà khiến tôi nản lòng vì nơi tôi mặc lấy tâm tình người tu sĩ của Chúa, và tình yêu Chúa thôi thúc tôi vươn lên, để chu toàn sứ vụ yêu thương mà Chúa đã trao phó.
Thật vậy như lời thánh Augustinô nói: “Yêu đi rồi hãy làm”, điều tôi cần làm vẫn là sự trao ban trong tình yêu, các em đến với tôi, chúng cần tình yêu đó. Tôi ước mong tất cả những nhà giáo luôn có tâm và có tầm, hầu giúp các em trở nên người có ích cho xã hội mai sau, vì “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.
Sao Đêm