Cơn giận của Thiên Chúa và cảm giác tội lỗi, hổ thẹn của chúng ta

Nếu bạn có cảm giác tội lỗi, hổ thẹn, ghét mình, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn không sống chuẩn, rằng bạn nên thấy hổ thẹn và Thiên Chúa không hài lòng về bạn.

Các giáo dục tôn giáo đầu đời của tôi, ngoài những điểm mạnh của nó, thường quá nhấn mạnh về nỗi sợ Thiên Chúa, sợ phán xét, sợ không bao giờ đủ tốt để Thiên Chúa hài lòng. Cung cách đó làm chúng tôi đọc theo nghĩa đen những đoạn Kinh thánh về Thiên Chúa giận dữ và phật lòng. Mặt tiêu cực của cách này là làm cho nhiều người trong chúng ta mang cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình, hiểu những cảm giác đó theo kiểu tôn giáo mà không biết rằng chúng có nguồn gốc tâm lý hơn là tôn giáo. Nếu bạn có cảm giác tội lỗi, hổ thẹn, ghét mình, thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn không sống chuẩn, rằng bạn nên thấy hổ thẹn và Thiên Chúa không hài lòng về bạn.

Như triết gia Hegel từng nói, mọi chính đề cuối cùng đều sinh ra những phản đề của chính nó. Cả trong văn hóa và nhiều nhóm tôn giáo hiện nay, cung cách đó đã gây ra một phản ứng cay đắng. Đặc tính của Giáo hội và văn hóa hiện tại đã nhiệt tình tiếp nhận những thấu suốt của tâm lý học đương thời về mặc cảm tội lỗi, sự hổ thẹn và ghét mình. Chúng ta học từ Freud và nhiều người khác rằng, phần lớn những cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình của chúng ta thật ra là một rối loạn tâm lý, chứ không phải dấu hiệu cho thấy chúng ta đã làm gì sai. Cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình tự chúng không biểu lộ chúng ta không lành mạnh về mặt tôn giáo hay đạo đức, cũng không có nghĩa là Thiên Chúa không hài lòng về chúng ta.

Với thấu suốt này, ngày càng nhiều người bắt đầu quy trách nhiệm cho giáo dục tôn giáo về bất kỳ cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình nào của mình. Họ đã chế ra từ “rối loạn thần kinh kitô hữu” và đã bắt đầu nói về việc “phục hồi” từ các nhà thờ của họ.

Vậy thì chúng ta nói được gì về điều này? Về căn bản, một phần chuyện này lành mạnh, một chỉnh đốn cần thiết, dù một phần lại do sự ngây thơ của chính nó. Và nó đã dẫn chúng ta đến tình trạng ngày nay. Hôm nay, giới bảo thủ tôn giáo có khuynh hướng bác bỏ ý tưởng rằng cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình chủ yếu là một rối loạn thần kinh (và là do giáo dục tôn giáo), trong khi giới tự do tôn giáo lại ủng hộ quan niệm này. Ai nói đúng đây?

Tôi tin rằng một linh đạo cân bằng hơn kết hợp sự thật của cả hai lập trường sẽ đem lại một nhận thức sâu sắc hơn. Rút ra từ những gì tốt nhất của học thuật kinh thánh hiện thời và những gì tốt nhất trong tâm lý học đương đại, một linh đạo cân bằng hơn sẽ có những khẳng định này.

Trước hết, khi ngôn ngữ Kinh thánh bảo chúng ta rằng Thiên Chúa nổi giận và trút cơn thịnh nộ, thì đó là hiểu theo thuyết nhân hóa. Thiên Chúa vốn không giận dữ với chúng ta khi chúng ta làm sai. Đúng hơn là chúng ta giận chính bản thân mình và cảm thấy cơn giận đó là “sự thịnh nộ của Thiên Chúa”. Tiếp theo, hầu hết các nhà tâm lý học thời nay nói rằng nhiều cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình của chúng ta thật ra là không lành mạnh, là một rối loạn tâm lý, chứ không phải dấu hiệu cho thấy chúng ta đã làm gì sai. Những cảm giác này chỉ cho thấy cách chúng ta cảm nhận về mình, chứ không phải cách Thiên Chúa cảm nhận về chúng ta.

Tuy nhiên, phải thừa nhận, nếu xem những cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình là rối loạn thần kinh đơn thuần, thì đúng là quá đơn giản. Tại sao thế? Bởi vì nếu những cảm giác này hoàn toàn hay phần lớn là không đáng có, nhưng chúng vẫn là một tiếng nói quan trọng trong chúng ta, nghĩa là dù chúng không ngụ ý Thiên Chúa nổi giận hoặc không hài lòng chúng ta, nhưng chúng vẫn là một tiếng nói trong lòng chúng ta và sẽ không nguôi cho đến khi chúng ta tự hỏi tại sao mình lại không hài lòng và giận dữ với bản thân.

Tôi xin đưa ra một ví dụ: Trong bộ phim City Slickers của thập niên 1990, có cuộc trao đổi thú vị này. Ba người đàn ông đang nói chuyện về vấn đề đạo đức trong chuyện ngoại tình. Một người hỏi, “Nếu có thể ngoại tình và không bị sao cả, anh có làm không?” Người kia trả lời, “Không, tôi vẫn không làm”. “Tại sao không, đâu có ai biết”. Câu trả lời tiếp theo chứa đựng một thấu suốt thường bị bỏ qua về vấn để cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình. “Tôi biết, và tôi ghét mình vì chuyện đó”.

Có thứ gọi là “rối loạn thần kinh mặc cảm tội lỗi” của kitô giáo (và không chỉ giới hạn nơi người theo kitô giáo, do thái giáo, hồi giáo và các tôn giáo khác, mà còn có nơi tất cả những ai nhạy cảm về mặt luân lý). Tuy nhiên, không phải cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình nào cũng là rối loạn thần kinh. Một số người cố dạy chúng ta một chân lý tôn giáo và đạo đức sâu sắc rằng: dù chúng ta không bao giờ làm gì để Thiên Chúa nổi giận dù chỉ trong một phút, nhưng chúng ta có thể làm nhiều điều mà chúng ta giận chính bản thân mình. Và dù chúng ta không làm gì để khiến Thiên Chúa không tha thứ cho chúng ta, nhưng chúng ta có thể làm những việc mà chúng ta khó tha thứ cho bản thân mình. Vấn đề không bao giờ ở Thiên Chúa. Mà là chính chúng ta.

Những cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và ghét mình tự chúng không ngụ ý rằng chúng ta đã làm gì sai, nhưng chúng ngụ ý cách chúng ta cảm nhận về việc mình đã làm, và đó có thể là tiếng nói tôn giáo và đạo đức quan trọng trong chúng ta.

Không phải cái gì làm chúng ta thấy phiền đều là bệnh.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Để lại một bình luận